gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Những ngày qua, cuộc tranh luận về chủ đề “có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT” đang thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều nhà nghiên cứu giáo dục, các nhà khoa học và dư luận cả nước.

Để giúp độc giả có thêm những góc nhìn mới của một người làm quản lí giáo dục ở cơ sở, Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lí giáo dục Hà Nội, đồng thời là hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng) về vấn đề trên.

Thi lại trung học cơ sở

PV: Vừa qua dư luận tập trung chú ý tới ý kiến của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan về nghiên cứu có nên tiếp tục thi tốt nghiệp nữa hay không, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Trước tình hình thi tốt nghiệp THPT của chúng ta hiện nay mang nhiều tính hình thức, không đánh giá được thực chất, chất lượng giáo dục, thủ tiêu động lực của người học cũng như người dạy, tôi cho rằng ý kiến của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bỏ là bỏ hình thức thi.

Tôi cũng biết Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đã làm giáo dục lâu năm, cũng hiểu quy trình dạy học, quy trình này theo tôi bắt buộc phải có kiểm tra, đánh giá, nếu không có kiểm tra đánh giá thì không gọi là học.

Quan điểm của tôi, trong khi chương trình SGK nhiều vấn đề, giáo dục còn đang ngổn ngang, chưa giải quyết xong, nhưng mà vấn đề thi, vấn đề kiểm tra đánh giá lại phải làm một cách cấp bách, không thể chờ xong cái này mới làm cái kia. Tôi cho rằng khâu này làm trước sẽ tự sắp xếp lại các khâu khác tốt hơn.

TS%20Nguyen-Tung-Lam-giaoduc.net.vn.JPG

TS. Nguyễn Tùng Lâm nhận định, giáo dục của ta hiện nay đang cào bằng các cấp học.​

Theo ông, vấn đề trước mắt chúng ta phải làm là gì để thay đổi hình thức thi tốt nghiệp THPT?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Trong quan niệm này, thứ nhất học phải có kiểm tra, phải có đánh giá, và hết mỗi cấp đều phải có thi thế nào đó để đánh giá chung chất lượng. Để làm nghiêm túc việc này chúng ta phải giải quyết vài quan niệm sau:

Thứ nhất, chỉ có đánh giá đúng mới tạo ra được động lực cho người học và người dạy. Nguyên tắc đánh giá, người dạy phải đánh giá học trò, học trò còn phải tự đánh giá mình. Đánh giá phải đến từ cả hai phía. Hiện nay chúng ta biến đánh giá thành thứ hình thức, cho qua chuyện chứ không mang ý nghĩa khoa học, không tạo động lực cho người học phải học và người dạy phải dạy tốt.

Vì thế việc thi và đánh giá phải làm đồng đều ở tất cả các cấp một lúc, chứ không phải đến cuối cấp mới xử lí. Bỏ thi THCS của chúng ta đã là một sai lầm, ngay cả cấp một, chuyển cấp cũng phải có kiểm tra, không nặng nề nhưng phải có kiểm tra đúng mức. Thí dụ, quan điểm của tôi ở từng địa phương phải có một đề thống nhất, trông các em thi chặt chẽ để đánh giá được thực chất, hết THCS cũng phải làm điều đó, chứ không phải dồn tới lớp 12 mới thi THPT.

Thứ hai, chống đến cùng bệnh thành tích. Hãy bỏ đi tính tỉ lệ phần trăm phổ cập, vì có tình trạng phổ cập nên học sinh lớp 1 không thể lưu ban được. Từng lớp một, học sinh nào không học được phải đào tạo lại, quay lại chế độ học sinh nào không học được phải học lại, đó là chuyện bình thường. Người dạy cũng phải có trách nhiệm làm sao hạn chế thấp nhất những rủi ro đó, làm việc hết sức nghiêm túc.

Thứ ba, phải làm rõ trách nhiệm và vai trò chủ động tích cực của người học. Người học phải tự chịu trách nhiệm về kết quả học tập của mình, và người dạy cũng phải chịu trách nhiệm về kết quả dạy của mình, hai phía này phải đều chịu trách nhiệm như nhau chứ không thể “ đứng trên bờ”. Hiện nay chúng ta chỉ kể thành tích của nhà trường, thành tích của các tỉnh, thành, tỉ lệ phần trăm càng cao càng tốt, thế là hỏng. Chất lượng giáo dục là của mỗi nhà trường. Tôi tin nếu chúng ta làm 3 năm liền thì chất lượng giáo dục tự nhiên sẽ tốt lên, phải chấp nhận tổn thất của những năm đầu (số học sinh lưu ban nhiều hơn, số học sinh trượt tốt nghiệp nhiều hơn). Xã hội phải thay đổi quan niệm của mình về giáo dục chứ giáo dục cứ loay hoay mãi không nổi.

Thứ tư, đề thi quốc gia nhưng phải giao cho cơ sở làm để đánh giá được chuẩn chung (VD: Học sinh cấp nhỏ do cơ sở làm đề để sát với từng nơi, từ THCS đề thi phải kiểm soát được mặt bằng chung, ít nhất là những môn chính). Phải thi lại cấp THCS, đánh giá bằng nhiều môn chứ không hẳn chỉ là Văn, Toán. Như vậy không có thi lớp 10 nữa mà phải thi THCS, để các trường THPT căn cứ vào điểm đó để xét tuyển như đại học.

Có thể thi 8 môn tốt nghiệp

Như hiện nay chúng ta mỗi năm tiến hành thi 6 môn tốt nghiệp THPT, theo ông với 6 môn này liệu có đánh giá được hết năng lực của học sinh?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Thi tốt nghiệp THPT, vì nó có hai nhu cầu: Một là nhu cầu học sinh học hết lớp 12 phải ra trường vào cuộc sống, vào xã hội. Hai là, các trường nghề, cao đẳng, đại học phải tuyển được sinh viên cho trường mình. Để dung hòa hai nhu cầu này thì việc làm đầu tiên là trả xét tốt nghiệp cho các trường, trên cơ sở những điểm thi, điểm đánh giá từng học kỳ, từng môn học chặt chẽ của các trường. Phải có một Quy chế trong việc xét tốt nghiệp, trong đó có vai trò học sinh được quyền khiếu nại. Học sinh nào học quá kém mà vẫn cho tốt nghiệp đó là lỗi của trường đó.

Chúng ta vẫn tổ chức thi, thi để học sinh lấy điểm vào các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề. Thi đó để đánh giá năng lực thật của học sinh. Bên cạnh đó thi để cho học sinh học toàn diện, ít nhất phải thi cả 8 môn (Văn, Toán, Ngoại ngữ, Hóa, Vật lý, Sử, Địa, Sinh học).

Có thể lấy 3 môn làm trọng điểm (Văn, Toán, Ngoại ngữ), tất cả học sinh phải thi 3 môn này, tiếp đó học sinh được chọn các môn mà các trường đại học có thi (3 môn tương ứng với các khối thi), vẫn đảm bảo 6 môn. Mỗi năm thi cần có chương trình đánh giá trọng điểm để đánh giá phần học sinh hiểu và thực hành là chính. Như vậy không bị vướng tư duy “thôi thì 12 năm cho học sinh tốt nghiệp” và nhân nhượng với điểm.

Theo tôi, Bộ GD&ĐT nên mạnh dạn sớm chứ không thể đợi sau 2015 khi có chương trình SGK mới thay đổi, không nên để xã hội phải băn khoăn, kêu gào nhiều.

Thi như hiện nay chúng ta cần phải đưa yếu tố kĩ thuật vào, lắp camera các phòng thi, chứ không phải bộ cho học sinh tự mang vào. Bản thân các phòng thi phải có camera có thu tiếng, để kiểm soát lại toàn bộ quá trình thi, khi nộp bài thi phải nộp kèm theo phần ghi hình đó.

Như vậy có quá cầu kì lắm và tốn kém không thưa ông?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Không cầu kì chút nào vì phải làm thực chất nghiêm túc, chứ chúng ta cứ đơn giản chô này, chỗ kia lại hở ra, chúng ta phải làm triệt để. Quan điểm của tôi phải nhìn thẳng vào sự thật và chúng ta đã quen làm cẩu thả, quen làm không chuyên nghiệp rồi lại nhân nhượng với nhau, xuê xoa cho nhau và cuối cùng là hòa cả làng. Với giáo dục phải làm tới nơi tới chốn.

Giáo dục là chuyện “bận tâm” hay “quan tâm” của xã hội?


Ở nước ta, chuyện giáo dục được quan tâm quanh năm và từ năm này qua năm khác. Nghĩ theo hướng tích cực, điều đó là vì người Việt Nam và cả xã hội rất quan tâm đến việc học hành của trẻ em. Nhưng cũng cần nhìn nhận dưới cả góc độ khác: phải chăng sự “quan tâm” đó thật ra là sự bận tâm do những bất cập của chuyện học hành, thi cử trong một nền giáo dục chưa tạo được sự yên tâm, tin tưởng, ông có suy nghĩ gì về ý kiến này?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Tôi thì nghĩ ngược lại, hiện nay giáo dục không được phát triển theo đúng quy luật của kinh tế thị trường và quy luật của sự phát triển con người. Vì quy luật kinh tế thị trường là tạo ra những giá trị, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và hết sức linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của xã hội, của người học.

Hiện nay chúng ta đang thả nổi giáo dục trong kinh tế thị trường – chịu đòn những mặt tiêu cực trong kinh tế thị trường, chứ chúng ta không vận được quy luật tích cực của kinh tế thị trường. Những tiến bộ của KHKT chưa được vận dụng kịp thời vào trong giáo dục, đặc biệt là những khoa học về tâm lí giáo dục trong việc giáo dục con người để cho chất lượng đào tạo được nâng lên.

Xã hội kêu ca giáo dục nhiều, mổ xẻ giáo dục nhiều nhưng tập trung nguồn lực cho giáo dục để cho thay đổi thì chưa được nhiều. Người đứng đầu Nhà nước phải sốt ruột về giáo dục, người đứng đầu các tỉnh, huyện cũng phải sốt ruột về giáo dục ở địa phương mình thì lúc đó giáo dục mới lên được. Giáo dục không nên chắp vá, thậm chí vá rồi còn không xong.

Có nhiều chuyên gia nhận định, kết cấu chương trình ở phổ thông hiện nay có sự lệch về khoa học tự nhiên, ít chú trọng bên khoa học xã hội, ông suy nghĩ sao về nhận định này?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Tôi nghĩ hiểu như vậy là chưa đúng, hiện nay chúng ta chỉ chăm chăm trang bị kiến thức đơn thuần cho học sinh mà không tập trung việc học sinh vận dụng kiến thức đó vào đời sống, đặc biệt chúng ta phải tôn trọng sự phát triển nhân cách của mỗi con người, mỗi con người có năng lực riêng, có cá tính riêng thì giáo dục của chúng ta hiện nay đang cào bằng. Đến tiểu học tất cả là khoanh tay ngồi yên, ai “ngọ nguậy” là chết, học sinh không được phát biểu, không được làm những gì các em mong muốn.

GS Hoàng Xuân Sính có nêu, muốn phát triển giáo dục thì đầu tiên phải cần tới tiền, ông bình luận gì về ý kiến này?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Quan điểm của tôi, đúng là giáo dục cần có tiền nhưng không phải là yếu tố đầu tiên. Bạn biết trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ chúng ta đâu có tiền nhưng chất lượng giáo dục đâu có kém? Học sinh của chúng ta đi nước ngoài cũng hòa nhập và học được ngay. Học sinh được đào tạo cũng làm chủ được KHKT, làm chủ được vũ khí hiện đại.

Vấn đề ở đây là phương thức đào tạo của chúng ta quá lạc hậu, duy trì quá lâu, học sinh ôm lấy quyển SGK rất lạc hậu. Thầy trò chỉ mải mê trong khuân của SGK, không biến điều học được để áp dụng vào thực tiễn, giải đáp được vấn được cuộc sống quanh ta.

Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này.
 
×
Quay lại
Top