Trung Quốc dùng ngỗng nhằm duy trì chính sách zero-COVID

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Trong suốt lịch sử, những con ngỗng nhà hung hăng và biết giữ nhà đã được tận dụng để trông chừng nhiều thứ, từ rượu whisky Scotch đến căn cứ quân sự.

Ngỗng nhà Trung Quốc tại Khu bảo tồn Tự nhiên Công viên Golden Acre ở Leeds, Anh. Giống ngỗng này là hậu duệ của ngỗng thiên nga hoang, một loài ngỗng bản địa Trung Quốc. Ảnh: Krystyna Szulecka/Flpa/Minden Pictures.

Ngỗng nhà Trung Quốc tại Khu bảo tồn Tự nhiên Công viên Golden Acre ở Leeds, Anh. Giống ngỗng này là hậu duệ của ngỗng thiên nga hoang, một loài ngỗng bản địa Trung Quốc. Ảnh: Krystyna Szulecka/Flpa/Minden Pictures.

Trên biên giới Trung Quốc với Việt Nam, một đàn khoảng 500 con ngỗng đang đứng canh gác, sẵn sàng kêu lên hoặc cắn bất cứ ai cố ý xâm nhập bất hợp pháp.

Kể từ tháng 10/2021, chính quyền Trung Quốc đã tận dụng “đội quân ngỗng” này trên khắp 300 dặm của tỉnh Sùng Tả nhằm ngăn virus corona xâm nhập vào Trung Quốc qua con đường nhập cư bất hợp pháp. Ngỗng nhà Trung Quốc không cần huấn luyện, khi đã thiết lập lãnh thổ, loài chim chỉ nặng 5 pao(*) này sẽ bảo vệ nó hết sức mình.

(*) Mỗi pao tương đương khoảng 450 gam.

Tăng cường cho lực lượng đồn trú có lông vũ này là khoảng 400 con chó cảnh vệ giống lai, đi tuần cùng cảnh sát biên giới trong lúc đám ngỗng ở lại canh gác. Sự hợp tác của nhóm liên loài ấy là chìa khoá trong việc duy trì chính sách zero-COVID của Trung Quốc, hướng đến mục tiêu loại bỏ virus khỏi phạm vi đất nước. Khắp đại lục Trung Quốc, các ca nhiễm virus corona đang gia tăng, và Thượng Hải, thành phố 25 triệu dân, đang bị phong toả để ngăn dịch bệnh lây lan.

Ngỗng cảnh vệ có thể giúp ích: Tháng 12/2021, người ta kể một con ngỗng đã đánh động giúp bắt được hai kẻ vượt biên bất hợp pháp. Chính quyền tỉnh Sùng Tả đã không phản hồi yêu cầu của National Geographic để xác minh sự việc.

Dùng ngỗng để hỗ trợ cho chính sách trong thời đại dịch là cách làm bình mới rượu cũ.

Ngỗng nhà có nguồn gốc ít nhất 5000 năm trước và thậm chí có thể là 16.000 năm trước, khiến ngỗng là loài động vật được thuần hoá lâu đời thứ hai sau chó, theo một nghiên cứu gần đây.

Tư liệu lịch sử chứa đầy chuyện kể về những binh đoàn ngỗng, như một đàn ngỗng có công đồng thanh báo động và bảo vệ La Mã khỏi cuộc xâm lăng bí mật vào xứ Gaul năm 390 TCN. “Ngỗng canh phòng rất cẩn mật; minh chứng cho sự phòng thủ của thủ đô trong khi bầy chó im lặng chẳng đánh động gì,” tác giả người La Mã Pliny Lớn viết lúc bấy giờ.

Một đàn ngỗng khác, được gọi là Đội gác Scotch, đã tuần tra 14 mẫu đất kho bãi bảo vệ rượu whisky Scotch trị giá 300 triệu bảng Anh ở Dumbuck, Scotland, từ năm 1959 đến năm 2012. Và năm 1986, Quân đoàn Mỹ đã thử nghiệm cho 18 con ngỗng canh gác rada và căn cứ phòng không ở Tây Đức. Đàn ngỗng đã thành công đến nỗi quân đội phải ghi danh nhập ngũ thêm 900 con ngỗng nữa trong khu vực.


Xem “cảnh sát ngỗng” làm nhiệm vụ tại Trung Quốc
Nhiều thành phố tự trị của Trung Quốc đã dùng ngỗng để tăng cường an ninh trong các khu dân cư và khu vực khác.

Thật vậy, có lẽ ngỗng có một lợi thế trội hơn chó, nhất là vì loài gia cầm này có chọn lọc hơn trong việc báo động, Petr Glazov, chủ tịch Nhóm Chuyên gia về Ngỗng Tự Nhiên của Liên minh Bảo tồn Quốc tế cho biết.

“Đôi lúc chó phát báo động chỉ để cho vui hoặc để trò chuyện với nhau. Nhưng ngỗng sẽ chỉ báo động nếu có một kẻ xâm nhập đi vào khu vực đặc biệt của chúng,” Glazov nói.

“Loài chim hống hách”

Trước khi ghi danh ngỗng, vốn có khả năng được nuôi ở những nông trại gần đó, chính quyền Trung Quốc đã thử nghiệm một nhóm nhỏ vào tháng 6/2021.

Trong thí nghiệm đó, ngỗng tỏ ra nhạy cảm với người lạ và tiếng ồn hơn cả chó. Vài tháng sau, chính quyền địa phương đã quyết định bố trí ngỗng dọc 300 trạm kiểm soát biên phòng.

Khả năng của ngỗng không khiến bác sĩ thú y Lauren Thielen ngạc nhiên nhiều, cô đã tiếp xúc với ngỗng nhà ở Bệnh viện Gia cầm và Động vật ngoại lai ngoài Dallas.

“Nếu ta bước vào bãi cỏ của một con ngỗng, chúng gần như sẽ lao vào ta, kêu lên và dùng các chiến thuật đe doạ, thay vì bỏ chạy như hầu hết các loài chim khác,” Thielen cho biết.

“Tôi đã chứng kiến cảnh đó cả với ngỗng Canada bảo vệ con mình cũng như ngỗng nhà Trung Quốc bảo vệ chỗ ở của nó.”

“Tôi luôn nghĩ chúng là một loài chim hống hách,” cô nói.

Giác quan nhạy bén

Có khoảng 30 loài ngỗng hoang sống trên mọi lục địa ngoại trừ châu Nam Cực. Loài chim phần lớn làm tổ trên mặt đất này có thị lực tuyệt vời, đã tiến hoá để trông thấy kẻ thù tiếp cận từ xa. Chúng cũng có thể sử dụng và điều khiển mỗi mắt riêng biệt, mang lại góc nhìn rộng hơn.

Khi ngủ, ngỗng cũng có thể để một bên não còn thức và mắt kết nối với bán cầu não đó vẫn mở để phát hiện mối nguy, một hiện tượng hiếm gặp gọi là ngủ sóng chậm đơn bán cầu (unihemispheric slow wave sleep). “Chúng luôn kiểm soát được tình thế,” ông nói.

Các loài ngỗng hoang, như ngỗng đen má trắng ở phía bắc châu Âu và Nga, thường dùng “ngỗng an ninh” ngoài rìa của đàn để báo động khi có nguy hiểm. Ngỗng rất giỏi đánh hơi nguy hiểm nên vịt và sếu thỉnh thoảng kiếm ăn xung quanh ngỗng để được bảo vệ, Glazov cho biết.

Ngoài ra, ngỗng cảnh vệ cũng rẻ hơn: Chúng tự nuôi mình, ăn cỏ và không cần chăm sóc thú y.

Thế còn chó thì sao?

Chó có một lợi thế trội hơn ngỗng vì chúng có thể được huấn luyện cho nhiều mục đích, nhà huấn luyện Ambrose Contreras của Phi Đội Huấn Luyện Không Quân 341 trực thuộc quân đội Hoa Kỳ chuyên huấn luyện chó tuần tra và điều tra cho biết.

“Ta có thể huấn luyện ngỗng không? Có thể, nhưng sẽ rất khó,” ông nói. Contreras cho biết chó cũng thường hung hăng hơn: “Tôi sẽ không dám manh động khi nhìn thấy một con chó đi cùng chủ nhân của nó so với một người đi cùng ngỗng.”

Và nói về khứu giác, “hệ khứu giác của chó có thang đo riêng của nó,” ông nói.

Chó tuần tra trong phi đoàn 341 phải phát hiện ra mùi từ một người cách xa ít nhất 50 thước và nghe cách ít nhất 100 bộ trước khi chúng được huấn luyện nâng cao hơn và chuyên nghiệp hơn.

Dù con ngỗng cảnh vệ có nhiệm vụ báo động những kẻ vượt biên với nhà chức trách năm 2021 đã được tuyên dương trên bản tin nhà đài quốc gia Sùng Tả, thậm chí còn có được danh hiệu “ngỗng ca”, nhưng có một con chó cũng từng ngăn chặn một kẻ xâm nhập bất hợp pháp vào tháng 8/2021.

Nên ít nhất cho tới hiện tại, ngỗng ca hạng 2, chó cảnh vệ hạng 1.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo National Geographic)
 
×
Quay lại
Top