Trĩu nặng nỗi lo vượt “ải môn quan” của học trò đầu cấp

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Càng ngày, chứng kiến càng nhiều cuộc vượt qua “ải môn quan” của học trò đầu cấp, tôi càng thấy trĩu nặng nỗi lo học hành. Sự trĩu nặng ấy không chỉ đè lên vai những cô cậu học trò, lên phụ huynh mà toàn xã hội. Phải chăng, xã hội bằng cấp đã “hành” con em chúng ta?

Con vào trường mầm non lo kiểu mầm non. Con vào lớp 1 lo xin vào lớp chọn. Con lên lớp 6 đua vào trường chuyên, trường điểm. Con lên lớp 10 lo “chạy” vào chuyên, trường “đỉnh” có tỷ lệ đỗ đại học cao. Con tốt nghiệp THPT lo thi vào đại học... Cho dù, con mới chỉ là đứa bé bi bô lên 3 tuổi, bố mẹ đã phải xếp hàng cả đêm để mua hồ sơ hoặc hồi hộp đến nghẹt thở khi bắt thăm. Không được học trường công, thì học trường tư, lo gì?

Ở Hà Nội, có rất nhiều trường mầm non tư thục. Tiếc rằng, để cho con vào trường mầm non tư thục có chất lượng, số tiền chi ra mỗi tháng gấp đôi, có khi gấp 3 lương sinh viên vừa tốt nghiệp đại học. Còn vào trường tầm tầm thì phòng học hẹp, không có sân chơi, độ an toàn không cao... Bởi thế, cuộc đua xin cho con vào trường mầm non đối với những ông bố bà mẹ hưởng lương công chức mới trở nên cấp bách và mệt mỏi.

Lâu nay, người ta cứ cho rằng, học ở lớp chọn trong trường bình thường còn hơn lớp bình thường ở trường chuyên. Thế mới có chuyện, trường bình thường nhưng sĩ số của những lớp 1A bị đẩy lên rất cao. Có những lớp, mới vào đầu năm học đã vượt có con số 60 học sinh. Một lớp 60 học sinh, cô giáo sẽ dạy thế nào? Thế mới có chuyện, người ta cho trẻ đi học chữ, học đọc trước khi bước vào lớp 1.
Năm học 2013–2014, cuộc đua tuyển sinh vào lớp 1 ở Hà Nội càng trở nên nóng bỏng. Theo kết quả điều tra của Sở Giáo dục vĐào tạo Hà Nội, năm nay có 125.000 trẻ ở độ tuổi vào lớp 1, tăng 11.000. Sự đột biến này là do nguyên nhân xã hội, đó là do quan niệm, “con heo vàng” (2007) là năm đẹp nên người ta đua nhau sinh. Thế là ngoài áp lực xin cho con vào trường tốt, lớp chọn, năm nay nhiều phụ huynh còn có thêm gánh nặng khác là xin cho con được đi học lớp 1.

Đối với học sinh lớp 6, nếu phụ huynh an phận để con học đúng tuyến thì chẳng phải lo cho con ôn luyện hay chạy chọt. Đủ tiêu chuẩn là được chuyển cấp theo đúng tuyến. Thế nhưng, nhiều phụ huynh lại muốn con được học lớp chuyên, lớp chọn nên hè này “ghè” đầu trẻ đi ôn luyện và lo tìm mối quan hệ để xin xỏ, lo tiền bạc để “chạy”.

Những cái tên trường như THCS Giảng Võ, THCS Chu Văn An, THCS Cầu Giấy... là mơ ước của nhiều phụ huynh. Với họ, nếu con mình được học ở những trường này thì khi tốt nghiệp sẽ cầm chắc tấm vé vào lớp chuyên cấp THPT như Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Sư phạm Hà Nội hoặc chí ít cũng THPT Amsterdam, Chu Văn An, Kim Liên, Lương Thế Vinh...

Thế nhưng thực tế mà tôi chứng kiến, có những học sinh 4 năm liền đều là học sinh giỏi của một trường THCS có tiếng ở Hà Nội nhưng thi vào THPT Lương Thế Vinh cũng bị trượt từ vòng... gửi xe. Thế mới biết, cái quan trọng không phải là học ở trường nào mà là, trẻ nhỏ đã học được những gì trong 4 năm ở cấp THCS.

Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay mới bước qua đợt thi thứ nhất. Theo tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đợt 1 có 650.420 thí sinh dự thi. Đồng nghĩa với con số này là hơn nửa triệu hộ gia đình có con đi thi đại học. Chứng kiến cảnh phụ huynh, sĩ tử khăn gói quả mướp lên Thủ đô ứng thí càng thấy sự vất vả, cực nhọc. Hình ảnh những ông bố, bà mẹ đội nắng trước cổng trường... Hình ảnh thí sinh nhễ nhại mồ hôi. Ôi! Cuộc đua giành tấm vé vào trường đại học quả là mệt mỏi. Trưa 5/7, chứng kiến cảnh hai bố con đến từ Nghệ An bị nhà xe bắt chẹt, phải trả 300.000đ cho một chỗ ngồi trên chuyến xe về quê, tôi càng thấm thía nỗi cực nhọc của họ.

Hiếu học là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam ta. Tuy nhiên, để việc học thành áp lực, coi những tấm bằng là thước đo sẽ khiến học tập trở thành cuộc đua chen, làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của việc học tập. Khi đó, với những đứa trẻ, học tập sẽ là gánh nặng. Với phụ huynh, việc học tập của con cái sẽ là cuộc ganh đua. Đây là những báo động đáng sợ trong xã hội cần người có tri thức thực sự chứ không phải là những “tiến sỹ giấy”
Cao Hồng
Theo CAND
 
×
Quay lại
Top