Trà xanh đóng chai- mối hiểm họa tiềm ẩn

nguyentoanh

Thành viên
Tham gia
15/5/2011
Bài viết
3
TRÀ XANH ĐÓNG CHAI- MỐI HIỂM HỌA TIỀM ẨN

Nguyễn Văn Hoàng

Với bề dày thời gian xuất hiện và thường xuyên có mặt trong gia đình người Việt, trà xanh- thứ đồ uống dân dã vốn đã ăn sâu trong tiềm thức đang được những lời đồn thổi dần trở thành “thần dược” lý tưởng, không thể thiếu của nhiều người dân Việt Nam.

Ở một đất nước hay bùng phát HIỆU ỨNG ĐÁM ĐÔNG, rất nhiều người đã đạt được MỤC TIÊU LỢI NHUẬN trong mọi lĩnh vực khi biết “tận dụng” nó. Quảng bá trên ti vi, gây dựng lòng tin là yếu tố không thể thiếu. Mọi hành động, thủ đoạn: nhảy nhót, gào thét, kích động, tung hô, nỉ non, rủ rê, gạ gẫm, làm mẫu, hứa hẹn, khẳng định… khiến cho người kỹ tính nhất cũng khó có thể ngoài cuộc. Người ta chẹp miệng: Nhà Đài cơ mà. Chắc nó tốt hay bổ nên mới dám đưa lên khuyên người ta dùng chứ. Ở Việt Nam, thấy người khác dùng, mình hùa theo là một sai lầm. Thuốc lá, rượu… độc hại như thế người ta vẫn dùng vì thói quen, nhiều đến mức phải ra chế tài để hạn chế. Uống trà cũng vậy, thực ra chỉ là một thói quen chứ chẳng phải danh giá gì.

Từ trước đến nay, công dụng của trà xanh và chất chống ô xy hóa EGCG có trong nó được NGHIÊN CỨU CHỦ YẾU TRONG CÁC PHÒNG THÍ NGHIỆM, TRÊN CHUỘT VÀ CHÓ, CHƯA TRIỂN KHAI TRÊN CƠ THỂ NGƯỜI. Từ các kết quả vẫn còn mơ hồ ngay cả trên động vật ấy, người ta suy ra rằng nó có lợi cho sức khoẻ, tăng sức đề kháng, tăng trí nhớ, giảm béo, giảm stress, chống lão hóa, phòng được ung thư và giảm cholesterol máu… cho người. Toàn là những thứ đại đa số người dân trong thời buổi khủng hoảng ô nhiễm trầm trọng này hằng mong ước. Và thế là với quá khứ hằn sâu lủng lẳng buộc chè tươi nơi ghi- đông, sự tiện lợi đang mời gọi, chẳng cần chờ đợi kiểm chứng thực tế, người dân ùn ùn đổ xô vào “giải nhiệt cuộc sống” bằng món “quà của mọi nhà”.

Mới đây, một loạt NGHIÊN CỨU TRÊN THỰC TẾ rất trình tự, bài bản của các nhóm khoa học uy tín hàng đầu thế giới về ung thư lại cho kết quả trái ngược. Điều đó được coi như một gáo nước lạnh dội lên những người đến với trà xanh, tìm cách chống ung thư bằng thứ nước uống này.

Tháng 5/2008, Tiến sĩ Davaasambuu Ganmaa, Đại học Harvard và các đồng nghiệp đã công bố kết quả nghiên cứu việc uống cà phê, trà xanh không hạn chế đối với 85.987 phụ nữ ở độ tuổi từ 30-55. Sau 22 năm theo dõi, có 5.272 phụ nữ đã mắc ung thư vú. Ông nói: “Chúng ta chỉ nên coi uống trà và cà phê là một thú vui, chứ đừng cố gắng uống để phòng bệnh ung thư vì điều này là vô ích".

Tháng 10/2010, kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Motoki Iwasaki, Trung tâm Ung thư Quốc gia Tokyo (Nhật Bản) và công sự trên 54000 phụ nữ trong suốt 5 năm, từ những người uống chưa đến một tách trà/tuần cho đến những người uống từ 10 tách trà trở lên mỗi ngày, cho thấy không phát hiện được sự liên quan giữa hành vi uống trà và việc giảm nguy cơ ung thư vú. Ông khẳng định: “Việc uống trà xanh như một thức uống không có khả năng giảm bớt nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, dù bạn uống loại trà xanh gì và uống bao nhiêu tách”.

Trước đó tháng 3/2001, Bác sĩ Yoshitaka Tsubono, Đại học Tổng hợp Tohoku (Nhật Bản) và nhóm của ông báo cáo kết quả điều tra thói quen uống chè của 26.311 người dân tại Miyagi, phía bắc nước Nhật từ năm 1984. Tới năm 1992, người ta đã phát hiện được bệnh ung thư dạ dày ở 419 người trong số này. Ông nói: “nếu chè xanh có tác dụng bảo vệ thì tỷ lệ ung thư phải giảm ở những người uống nhiều chè hơn. Nhưng kết quả nghiên cứu không thấy có sự khác biệt giữa những người uống hơn 5 chén trà/ngày với những người uống ít hơn 1 chén/ngày”. Ông nhấn mạnh: “ta vẫn có thể uống chè nhưng chỉ nên coi đó là một thú vui, chứ đừng cố gắng uống để phòng bệnh ung thư vì điều này là vô ích”.



Kết quả của các công trình khoa học to lớn được thể hiện trên báo chữ, thoảng qua, yếu ớt, ngay lập tức bị nhấn chìm bởi dòng lũ sôi động, quay cuồng của cuộc sống. Lép vế và bị đẩy ra ngoài lề nhường chỗ cho ra rả tiếng ồn đầy mục đích của quảng cáo tiếp thị hàng ngày, hàng giờ, lải nhải khoét sâu vào tiềm thức con người. Đành rằng đó là những kết quả đúng nhưng các nhà khoa học đã nói lên điều người ta không muốn nghe, chỉ ra thứ người ta không muốn thấy. Với người Việt Nam ta, cái gì đã tốt thì lúc nào và ở đâu, bao giờ nó cũng tốt. Khó có thể khiến người ta thay đổi cách nghĩ về những hình ảnh gần gũi, bổ dưỡng, mát rượi, sảng khoái, bảo vệ cơ thể của những chai trà xanh bước ra từ ti vi. Họ tiếp tục đến với “điều không thể thiếu” mà không hề biết có ích nhất trong việc hàng ngày, hàng giờ, đều đặn, ngửa cổ dốc vào trong mình thứ “quà tặng cuộc sống” ấy chỉ là “một thú vui” và “giúp” doanh nghiệp đều đặn ãm về về khối lợi nhuận khổng lồ. Kể ra thì cũng chẳng hề hấn gì nếu như kèm theo đó, các “đệ tử” trung thành không tự đưa vào ngưòi những tiềm ẩn nguy cơ dưới đây.

Cứ cho cái thứ nước trong chai đó là trà xanh “nguyên chất” đi, nhưng “trà xanh nếu để qua đêm sẽ mất hết các protein và vitamin. Không những thế, nó còn sản sinh nhiều vi khuẩn, nấm độc hại. Rất nguy hiểm cho sức khỏe nếu bạn uống trà xanh để từ ngày hôm trước”. Cảnh báo này đã được các nhà khoa học đưa ra từ lâu. Mọi thứ đều có hai mặt của nó: thức ăn là nguồn năng lượng giúp cơ thể sống, nhưng thức ăn ôi thiu khiến cho cơ thể chết vì bị ngộ độc; thuốc chữa bệnh cho cơ thể, nhưng sử dụng thuốc quá hạn có thể gây chết người…

Với những ai hay dùng trà xanh nói riêng và các thứ nước giải khát nói chung đựng trong chai nhựa, cơ thể rất có thể đang tiềm tàng chứa đựng nhiều mầm bệnh- phần tử thôi nhiễm từ chính những chai nhựa đó.

Tháng 11/2010, Tiến sĩ De-Kun Li- Trung tâm nghiên cứu Kaiser Permanente, có trụ sở ở California, Mỹ cho hay: người ta tìm thấy BPA trong hầu hết các loại đồ hộp đựng thức ăn, nước giải khát, trong các loại đồ chơi trẻ em và đồ gia dụng bằng nhựa như bát đĩa, cốc, cặp lồng, hộp, chai, lọ, thùng đựng đồ uống như sữa, bia, rượu… Bisphenol-A (BPA) gồm các chất polymer dẻo nóng và trong suốt, dùng để tráng bên trong các hộp đựng bằng nhựa và kim loại nhằm bảo quản, chống lão hóa, chống thấm và ăn mòn. BPA có thể thôi nhiễm khi bao bì được đun nóng, được làm sạch bằng các chất tẩy rửa mạnh hoặc tiếp xúc với thức ăn hoặc ĐỒ UỐNG CÓ TÍNH A XÍT. Tác dụng độc hại của BPA không thể hiện ngay đến sức khỏe. Nó tích luỹ dần trong cơ thể trong vài năm. BPA tấn công hệ nội tiết, khiến cơ thể thiếu các hocmon. Nó có thể gây ra các bệnh bẩm sinh ở cơ quan sinh dục của trẻ em, ngăn chặn sự phát triển các dấu hiệu phụ của giới tính ở tuổi dậy th.ì. BPA còn được cho là nguyên nhân của nhiều bệnh khác nhau, từ béo phì đến ung thư, nhồi máu cơ tim. BPA có liên quan trong việc làm suy giảm h.am m.uốn t.ình d.ục, gây liệt dương và hư hỏng ADN của t.inh tr.ùng.

Tiến sĩ Li khuyến cáo: "Tất cả mọi người nên tránh xa BPA càng nhiều càng tốt".

Ngay lập tức, BPA đã bị cấm sử dụng tại Canada và 3 bang của Mỹ.

Mới đây, tháng 3/2011, Tiến sĩ Sarah Knox- người đứng đầu công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trường đại học West Virginia trên 26.000 phụ nữ cho biết: “Rõ ràng có sự liên quan giữa nồng độ chất perfluorocarbon (PFC) – rất phổ biến trong các sản phẩm gia dụng từ nhựa, thảm trải nền, sơn,... tới hiện tượng đẻ non và mãn kinh sớm ở phụ nữ.

Và gần đây nhất là thảm họa DEHP…

Giống như những người đi vay tiền Bà Chúa Kho hay xin ấn Đền Trần, khi họ ăn nên làm ra, hoặc thăng quan tiến chức thì xuýt xoa ca ngợi, cho điều kỳ diệu ấy là nhờ lộc rơi vãi của Bà Chúa, hay sự soi sáng, chiếu cố của Đức Trần Triều; những người không gặp may, lụi bại thì lại đưa ra nhiều lý do chứ không dám đổ tại các vị Thánh, các nhà doanh nghiệp và những “fan” hâm mộ không tiếc lời đùn đẩy trà xanh ngút tận trời mây. Họ cho cái sức khỏe của người dân có được là vì trà xanh mà chẳng thèm đoái hoài đến Tác Dụng Của Rất Nhiều Các Nguồn Dinh Dưỡng thực sự tốt khác. Với những đệ tử trung thành không may mắc bạo bệnh, họ lại không nghĩ rằng vì mình dùng quá nhiều thứ nước giải khát chai nhựa đó, mà là vì một vài nguyên nhân nào đấy trong vô vàn tác nhân xung quanh.

Bình thường, một cốc trà xanh pha đường, vắt chanh có thể để được khoảng 24 giờ. Ngoài thời gian trên sẽ bị vẩn đục, bốc mùi thiu. Dù áp dụng công đoạn đóng chai với công nghệ nào đi chăng nữa, với những sản phẩm có thời hạn sử dụng từ sáu tháng đến một năm mà quảng cáo là không có chất bảo quản thì khó tránh khỏi sự nghi ngờ??? Trên các trang mạng tồn tại những lời đồn: không thấy có hợp đồng mua trà xanh; nhân viên công ty sản xuất trà xanh cấm không cho người nhà uống thứ nước đó; và lời đồn trà xanh pha chế từ hương liệu là thực tế hơn cả sau vụ hàng chục tấn hương liệu, chất phụ gia “quá đát”… Gần đây, khi dư luận ồn lên vì những chuyện hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn được tuồn vào siêu thị; hay chuyện những thương hiệu nổi tiếng đua nhau kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên ti vi thì những người dễ tính nhất cũng đã bắt đầu phải nghiêm túc nhìn nhận lại nhiều vấn đề.

Những hóa chất như axit citric E 330 (O2, C2, I Kun, Real Leaf), muối natri và axit citric E331 (C2, Real Leaf) , axit malic (C2), chất bảo quản Natri benzoat 211 (I Kun), chất tạo ngọt tổng hợp Aspartam 951 (I Kun)… được phép dùng trong thực phẩm đi chăng nữa, nhưng theo ý kiến của bà Hoàng Chi Mai - nguyên giảng viên khoa Công nghệ thực phẩm (ĐH Nông Lâm): “Các chất bảo quản, phụ gia dù nằm trong danh mục, nếu sử dụng tùy tiện gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng”. Nghiêm trọng hơn, theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội): “nếu chất bảo quản, chất phụ gia liều cao sẽ gây nhiễm độc cấp tính như nôn, mửa, đau bụng, cơ thể tím tái…, liều thấp có thể tích tụ trong cơ thể dần sinh bệnh nan y”.

Xét về dinh dưỡng và hoạt chất chống ô xy hóa, trà xanh không thể so được với đa số các loại rau, củ, quả mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày. Vì lợi nhuận kếch xù nên các nhà doanh nhiệp với công nghệ maketing và trình độ PR đã tạo dựng cho trà xanh ngôi vị “thần dược” chữa bách bệnh, chống được cả ung thư. Khi đã có trong nhà thứ thần dược đó, người dân chẳng cần quan tâm tới các yếu tố được xác định có thể dẫn tới ung thư là tuổi tác, di truyền, hút thuốc lá, chế độ ăn uống, hóa chất, rượu, ít vận động, nhiễm trùng, các yếu tố hormone, tia xạ, giai đoạn tiền mãn kinh… giống như ngưòi bệnh ung thư đặt lòng tin vào sừng tê giác, nấm linh chi… mà coi thường cảnh báo của bác sĩ. Chỉ đến khi họ nhận ra bệnh tình không hề thuyên giảm mà nó còn kéo người ta đi nhanh hơn trên con đường vốn dĩ đã quá ngắn dẫn tới nấm mồ của mình mới tá hỏa kêu cầu thì đã muộn.

Nước uống cũng giống như đồ ăn, trực tiếp vào cơ thể qua cơ quan tiêu hóa, nguy hiểm hơn bất cứ hình thức ô nhiễm gián tiếp nào khác: quần áo, dày dép, sơn móng tay, nước xả vải, khói, bụi… Do đó chỉ để được “gắn mác” sành điệu mà thường xuyên nốc cái thứ có thể gây chết người ấy vào thì tôi nghĩ chả có ai ngu dại đến mức ấy. Yếu tố hấp dẫn người ta dễ dàng đến thứ với nước đóng chai không hề rẻ tiền, thôi nhiễm đầy phần tử BPA là “tiện” và những lời quảng cáo bốc đồng khiến người ta tưởng là “lợi”.

Từ những nghiên cứu trên động vật trong phòng thí nghiệm suy ra trà xanh có thể phòng và chữa được rất nhiều các loại bệnh, loãng xương, viêm khớp, giảm tỷ lệ tử vong ở người nhồi máu cơ tim… ở những người có thâm niên uống trà xanh trong khoảng thời gian vài chục năm. Trong thời buổi môi trường hiện tại thì đây là điều không tưởng. Nếu uống phải trà có dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, trà để qua đêm, trà thôi nhiễm BPA, chất bảo quản, phụ gia… thì có lẽ chưa đủ vài mươi năm để phát huy tác dụng của trà thì đã “lên đường” vì ung thư mất rồi.

Vừa rồi, trên Diễn đàn Ung thư các nước ASEAN, tại Singapore 7/7/2011, các nhà khoa học đã đưa ra con số thống kê cho thấy người Việt chết vì ung thư dạ dày gấp 4-5 lần các nước lân cận, mà một trong những nguyên nhân chính là do ăn uống. Trong cái bối cảnh vô cùng rối rắm này, nếu như không còn một thứ nước nào khác thì ta buộc phải uống để tồn tại. Thế nhưng còn có rất nhiều những giải pháp thay thế như nước mía, nước dừa, nước cam, nước chanh, nước ép của các loại hoa quả sạch… không đóng chai và một thứ nước kinh điển tốt nhất vẫn luôn được các chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng nhắc tới: nước đun sôi để nguội. Thiết nghĩ mạng con người là vô giá, ta không nên chết một cách rẻ rúng vì thiếu hiểu biết như thế.

Với bản chất tham vọng về đồng tiền, tối mắt vì nguồn lợi nhuận kếch xù, các nhà doanh nghiệp mang trái tim hóa đá sôi sục vào cuộc và cho ra xã hội vô vàn sản phẩm chưa biết độ đảm bảo. Cuộc sống quanh ta không chỉ có trà xanh trong khi các cơ quan chức năng luôn là đội ngũ bị động với nhân lực mỏng và năng lực hạn chế. Điều có ích nhất từ trước tới nay của cơ quan chuyên môn là đưa ra một lời khuyên có ích với một xã hội dân trí còn thấp: Hãy làm người tiêu dùng thông thái! Và để kết thúc bài này, ai tự cho mình là thông thái, thử lý giải cụ thể nguyên nhân vì sao hiện diện dòng chữ: DÀNH RIÊNG CHO THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM. KHÔNG ĐƯỢC XUẤT KHẨU nhỏ li ti trên vỏ chai trà xanh Real Leaf của Nestea. Nếu trả lời đúng, tôi xin rập đầu bái phục.
N.V.H

(https://oisuthat.blogspot.com/)
 
cái này bik rồi
 
×
Quay lại
Top