'Tôi đã thổi bay 250.000 USD thừa kế như thế nào'

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
Một tuần trước sinh nhật 17 tuổi, Troy Morgan được bố thông báo rằng một khoản tiền thừa kế trị giá 250.000 USD đang đợi mình.

LearnVest, một công ty quản lý tài chính đã chia sẻ câu chuyện của Troy Morgan, chàng trai từng tiêu tán hết toàn bộ số tiền thừa kế khi mới 24 tuổi:

Một tuần trước sinh nhật 17 tuổi của tôi , bố nói hai bố con sẽ có buổi nói chuyện quan trọng. Điều này khá bất thường vì tôi và bố không gần gũi lắm, và bố cũng không phải là kiểu người thích ngồi xuống cùng ai đó nói chuyện tâm tình. Tuy nhiên, cách bố thông báo có vẻ quan trọng, nên tôi đồng ý sẽ nói chuyện vào sáng hôm sau.

Tôi không ngừng suy nghĩ sau đó, không biết bố muốn thông báo điều gì. Có phải bố sắp chia tay mẹ kế? Hay chúng tôi sắp chuyển nhà? Do quá tò mò, tôi không thể chịu được và thức ông dậy giữa đêm và hỏi chuyện gì đang xảy ra. Một tay dụi mắt, ông nói với tôi tin tức mà sẽ thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi.

Ông nhắc lại rằng cách đó 10 năm, trước khi qua đời, mẹ có liên quan đến một vụ kiện. Sự việc này tôi chỉ biết lờ mờ vì lúc đó còn quá nhỏ. Còn đêm đó, tôi mới hay số tiền mẹ tôi thắng từ vụ kiện đã nằm trong một quỹ đầu tư suốt nhiều năm qua, chờ tôi hưởng khi đủ 18 tuổi. Theo đó, vào sinh nhật 18 tuổi, tôi sẽ được nhận 250.000 USD. Tôi có thể làm bất cứ cứ điều gì mình thích với số tiền này.

Trong suốt một năm sau đêm đó, tôi không thể không cảm thấy phấn khích bất cứ khi nào nghĩ về khoản tiền. Sinh ra trong một gia đình trung lưu ở vùng ngoại ô tại bang Illinois, Mỹ, với tôi số tiền này nằm ngoài tưởng tượng. Tôi cảm thấy tất cả những gì mình mơ ước sẽ nằm trong tầm tay.

anh-a-7389-1410669089.jpg

Nhận khoản tiền thừa kế 250.000 USD năm 18 tuổi, chàng thanh niên tiêu hết năm 24 tuổi. Ảnh: Flickr

Cũng trong năm đó, tôi lên kế hoạch học tại một trường cao đẳng cộng đồng, trước khi quyết định làm nghề gì. Thời gian này, bố tôi cũng thông báo luôn rằng tôi có thể tự khám phá con đường riêng của mình, nhưng bên ngoài nhà của ông. Điều này có nghĩa khi tôi 18 tuổi, tôi sẽ phải ra ngoài tự xoay xở. Tuy nhiên trước đó, ông không quên hỏi vay tôi 10.000 USD. Tôi ngạc nhiên, nhưng nghĩ 10.000 USD đáng kể gì so với 250.000 USD. Nên dù ông không nói cụ thể cần tiền làm gì, tôi vẫn đưa cho ông tờ séc. Và kể từ mốc 18 tuổi đó, tôi trở thành đứa trẻ vị thành niên với hàng trăm nghìn USD trong tay, không có một ý thức nào về việc sẽ tiêu nó như thế nào.

Thay vào trường cao đẳng cộng đồng, tôi đăng ký luôn vào Đại học Purdue ở bang Indiana trong một năm. Tôi thay đổi quyết định vào phút cuối vì vào Đại học có vẻ hấp dẫn hơn. Hơn nữa tôi đã muốn đi khỏi quê nhà từ lâu và đây là cơ hội để thực hiện điều đó. Do học ngoài ban, tiền học phí khá tốn kém - 15.000 USD mỗi học kỳ. Nhưng lúc này, tôi không mảy may bận tâm. Vì có nhiều tiền, tôi trả trước toàn bộ học phí cả năm.

Tuy nhiên, sau khi năm học qua đi, tôi thấy không thích thú những gì mình trải qua ở ngôi trường này. Với hầu hết các sinh viên khác, kể cả họ không thích trường thì cũng chọn cách ở lại vì chi phí di chuyển và chuyển trường rất lớn. Tuy nhiên, tôi cho rằng mình có đủ tiền để chuyển đến bất cứ chỗ nào, do đó tôi chuyển và hết tổng cộng 30.000 USD cho quá trình này.

Trong hai năm học tiếp theo ở Đại học Northern Illinois, tôi cần đóng 8.000 USD mỗi học kỳ. Một lần nữa, tôi đóng toàn bộ học phí trước và không mảy may suy nghĩ nhiều.

Cũng trong thời gian này, tôi có phi vụ đầu tư đầu tiên vì muốn có vài quyết định thông minh với tiền của mình. Cùng một người họ hàng, tôi mua căn hộ một phòng ngủ ở Chicago để cho thuê. Căn hộ lúc chưa hoàn thiện có giá 187.000 USD nhưng chưa cần trả hết ngay. Tôi trả 50.000 USD bao gồm cả phần đầu tư của người họ hàng. Anh ấy xin nợ và cam kết sẽ trả tôi sau.

4 năm Đại học thường xuyên chìm đắm trong những bữa tiệc. Còn trẻ và lúc nào cũng quan niệm sống hết mình vì hiện tại, tôi không nghĩ đến lần thứ hai khi bỏ ra 30.000 USD mua một chiếc xe máy xịn hay trả hóa đơn 2.000 USD cho mỗi lần đi nhà hàng ăn uống.

Ơn trời, quá trình hết tiền của tôi diễn ra một cách từ từ, đủ để tôi có thời gian nhận ra và suy nghĩ về tương lai.

Vào năm học cuối, tôi khá chật vật trong việc kiếm tiền đóng học phí. Tôi chỉ còn 30.000 USD trong quỹ. Không muốn tiêu đến nó, tôi cố gắng duy trì số tiền này trong quỹ càng lâu càng tốt.

Tuy nhiên tôi cũng không muốn bị đuổi học vì thiếu tiền đóng. Cuối cùng tôi quyết định đến gặp bố xin giúp đỡ. Ban đầu, những gì tôi nhận được là thái độ lạnh nhạt. Bố tỏ ra thất vọng khi tôi không biết cách quản lý tiền bạc. Dù tôi không nói chi tiết, nhưng bố cũng đoán ngay được rằng tôi đã thổi bay gần như toàn bộ số tiền 250.000 USD.

Dựa lưng vào bức tường sau khi nghe ông nói, tôi nhắc lại về khoản tiền 10.000 USD đưa ông ít năm trước. Ông nợ tôi. Với việc nói ra điều này, tôi nhận được tiền rất nhanh, nhưng đồng thời cũng đập tan những gì còn lại trong mối quan hệ bố con. Vài từ ngữ khó nghe văng ra từ cả hai phía ngày hôm đó, và trong vài năm sau chúng tôi không hề nói với nhau nửa lời.

Tuy bố đã trả nợ, tôi vẫn phải rút từ quỹ thêm khoảng 10.000 USD để trang trải chi phí cho năm học cuối cùng ở trường.

Bất chấp các khó khăn, tôi tốt nghiệp năm 2003 và làm tư vấn tài chính sau khi tốt nghiệp. Mức lương không cao nhưng cũng đủ để trả tiền thuê nhà và các chi phí hàng ngày.

Cuối cùng năm tôi 24 tuổi, toàn bộ tiền trong quỹ cạn kiệt. Vì tôi cũng có nghề nghiệp, nhận lương đều nên ít nhất vẫn sống bình thường. Tuy nhiên, cái ý nghĩ rằng mình không còn nguồn tiền dồi dào vô tận làm tôi đau đớn. Lần đầu tiên trong đời, tôi buộc phải tiết kiệm và cất một khoản không tiêu đến dành cho lúc bất thường. Đi chơi thâu đêm, du lịch, mua sắm thỏa thích..., những ngày tươi đẹp đó đã mãi rời xa.

Dù là nỗi thất vọng lớn, nhưng không ngờ sự thật này cũng là động lực đối với tôi. Tôi hiểu ra rằng ngồi một chỗ nuối tiếc không làm tình hình khá hơn. Tôi quyết định bán khoản đầu tư ban đầu của mình, lấy tiền để mua một căn nhà cùng với người bạn gái. Tôi cũng kiếm việc khác với chức vụ cao hơn, dần dần mở rộng sự nghiệp. Bức tranh tài chính ngày một khả quan, tôi cảm thấy ổn định.

Không may là chuyện giữa tôi và bạn gái không thành, chúng tôi chia tay. Nhưng tôi cũng nhanh chóng gặp được cô gái khác, tên Emma. Chúng tôi hẹn hò rồi trở nên thân thiết. Tôi bán căn nhà cũ, cùng Emma mua một căn nhà mới và kết hôn, bắt đầu một chương mới trong cuộc đời.

Khi đã chia sẻ cuộc đời mình với ai đó, nhu cầu tiết kiệm và hoạch định ngân sách càng trở nên cấp thiết. Vợ tôi là một người chi tiêu cẩn thận. Đó cũng là lối sống mà tôi đang cố học. Không còn sự bảo trợ từ quỹ, tôi bắt đầu luyện nghệ thuật kiềm chế bản thân, tiêu ít hơn số tiền kiếm được và nhanh chóng biến những bài học này thành tư duy hành động.

Từ ngày đó đến nay đã 8 năm. Emma và tôi hiện có 4 đứa con. Tôi có công việc tốt, làm giám đốc điều hành ở một công ty, quản lý khoảng 50 nhân viên.

Thời tôi vừa có tiền rơi vào đầu, xung quanh khi nào cũng có những người chỉ quan tâm đến tiền của tôi. Người vừa quen biết luôn mời chào vô số phi vụ đầu tư. Bạn bè lúc nào cũng trông chờ ăn xong tôi sẽ trả tiền. Dần dần tôi cũng học được kỹ năng đọc vị động cơ của người đối diện và khả năng giải quyết vấn đề. Những kỹ năng đó hóa ra lại tốt cho công việc hiện tại.

Quan điểm về đồng tiền của tôi tiếp tục biến đổi. Có nhiều tiền rồi làm mất hết, hóa ra đó lại là cơ hội để tôi học về giá trị tiền bạc theo cách mà ít ai có được. Tôi từng nghĩ con đường của mình sẽ là tốt nghiệp đại học, có công việc như mơ, lái một chiếc xe đẹp và ở trong ngôi nhà lớn. Thế nhưng bây giờ tôi đã được "mở mắt" và biết rằng để có những thứ đó phải trả những gì; biết rằng mất bao nhiêu công sức và thời gian mới thực sự đạt được mục tiêu.

Bức tranh tài chính của tôi hiện khá lạc quan, điều tuyệt vời do chính tay tôi làm ra nhờ làm việc chăm chỉ. Tôi hiện có 20.000 USD trong tài khoản tiết kiệm, 100.000 USD trong quỹ hưu trí, không có khoản nợ nào.

Tôi từng nghĩ nhiều về việc tôi sẽ làm gì nếu được làm lại từ đầu khi mới có số tiền 250.000 USD. Có thể tôi sẽ dành tiền đi du lịch, khám phá thế giới. Tôi nhận ra rằng kho kỷ niệm đáng nhớ có giá trị lớn hơn nhiều những thứ vật chất. Tôi cũng cho rằng đáng lẽ mình cần đầu tư thông minh hơn.

Nhưng bài học lớn nhất là tôi biết rằng làm người bố, người mẹ tốt quan trọng như thế nào. Khi các con tôi dần lớn lên, tôi sẽ không bao giờ dúi vào tay chúng tờ séc 250.000 USD mà không hướng dẫn một lời về cách sử dụng.

Theo VnExpress
 
×
Quay lại
Top