Thị trường vàng: Quản kiểu gì?

visionlaw

Thành viên
Tham gia
19/5/2011
Bài viết
8
(Newvision Law) - Cơn bão giá vàng khiến cả thế giới phát sốt, nhưng có lẽ mức độ biến động được coi như một “cơn điên loạn” thì không phải nước nào cũng đối mặt như Việt Nam.
Ai đầu cơ, ai làm giá?

Cuối tháng 7, khi “cơn bão vàng” chưa tới và giao dịch vàng trên thị trường đang tương đối đìu hiu thì giám đốc một DN vàng có tiếng ở Hà Nội đã lên tiếng than thở về việc vàng bị “đầu cơ”, “làm giá” khiến quyền lợi các nhà vàng bị ảnh hưởng. Cách lý giải về chiêu “làm giá” được vị giám đốc này đưa ra khá đơn giản: các DN lớn, tập đoàn tài chính đua nhau tung tiền mua đuổi, bán đuổi vàng khi giá lên, rồi đồng loạt xả vàng chốt lời khi vàng có dấu hiệu giảm. “Họ” mua với giá cao hơn nhà vàng, còn bán với giá thấp hơn khiến biên độ chênh lệch giá mua vào - bán ra của toàn thị trường bị hạ đến mức “nghẹt thở”, tính ra mỗi chỉ vàng chênh lệch đúng bằng… một que kem.
Lời than thở của vị giám đốc nhà vàng gần như đã chĩa mũi dùi vào các DN, tập đoàn “cạnh tranh không lành mạnh”, khiến mức lãi trên mỗi đơn vị vàng của các nhà vàng bị ảnh hưởng. Thậm chí, để tự cứu mình trước sự xâm lấn của các DN không chuyên, nhiều thành viên Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đã đề xuất nhà nước ban hành cái gọi là “quy định biên độ giá mua - bán vàng”.

Tuy nhiên, khi giá vàng thế giới bất ngờ vọt lên đầu tháng 8 (tăng 18% riêng trong tháng 8, tăng 38% so với đầu năm), những cơn sóng giá liên tục được tạo ra trên thị trường thì những lời than vãn của các nhà vàng không còn nữa, thay vào đó là lời kêu ca về việc… hết vàng do mãi lực tăng đột biến, hoặc kêu… mệt quá vì mỗi ngày phải thay đổi niêm yết hàng chục lần.

Lúc đó, từ cảnh giá vàng trong nước thấp hơn vàng thế giới (được cho là do bị “làm giá”), biên độ chênh lệch mua - bán mỗi chỉ vàng bằng một que kem (cũng do bị “làm giá”!) thì vàng trong nước nhảy lồng lên cao hơn thế giới có khi lên tới 2 triệu đồng/lượng, biên độ chênh lệch mua - bán mỗi chỉ vàng cũng vọt lên 70.000 - 100.000 đồng, tương đương 10 đến 15 que kem!

NHNN thể hiện vai trò “cầm chịch” của mình bằng cách liên tục ra những thông báo, cảnh báo các nhà đầu tư tránh lao vào vàng để tránh mắc bẫy “giới đầu cơ”. Từ đầu cơ, lúc này, được hiểu là việc tạo ra sự khan hiếm ảo, khiến giá vàng trong nước bị đẩy cao một cách bất thường so với mặt bằng giá thế giới, biên độ chênh lệch (cũng chính là mức lãi của các nhà vàng) bị nới rộng quá mức.

Đến lúc này, không còn thấy sự xuất hiện của các “DN, tập đoàn” lắm tiền, mà chỉ thấy cảnh các nhà đầu tư cá thể lao vào vàng với kỳ vọng kiếm lời từ việc vàng sẽ tăng nữa, tăng mãi. Thậm chí, đã có những lúc khi giá vàng tạm sụt, nhiều nhà vàng đã... đóng cửa không giao dịch.

NHNN không chỉ ra cụ thể ai là thủ phạm đầu cơ, làm giá vàng khiến giới đầu tư mà đa phần là người dân bị cuốn vào một “cơn bão” có tâm bão nằm ở tâm lý. Trong cuộc họp báo Chính phủ ngày 1/9 mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình không trả lời trực tiếp câu hỏi của một phóng viên rằng “Có thể chỉ ra đối tượng đầu cơ, làm giá và nhờ cơ quan công an xử lý theo pháp luật hay không?”.

Thống đốc chỉ giải thích về nguyên lý rằng vàng trong nước 100% là nhập khẩu. Việc bình ổn giá vàng trong nước là để vàng nước tương ứng theo giá vàng thế giới. Khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới từ 400.000 đồng trở lên là có nhập lậu và đầu cơ vàng.

Như vậy, việc đầu cơ trục lợi đã được thừa nhận (và đã rất thành công?), nhưng chủ thể của hành vi này không được ai chỉ ra khi chính các nhà vàng không còn kêu ca nữa. Mặc dù nhìn vào biểu đồ giá vàng, sự chênh lệch bất thường của giá vàng trong nước với thế giới hay biên độ chênh lệch mua - bán của các nhà vàng trong nhiều thời điểm, không khó để mường tượng được thủ phạm đầu cơ là ai bởi trong thời điểm cả thị trường tranh mua, chỉ có những người nắm nhiều vàng mới có vị thế để làm giá.

Cần công cụ thị trường

Việt Nam không sản xuất ra vàng, nhưng liên tục trong nhiều năm qua đều xuất siêu vàng: năm 2009 xuất siêu 75 tấn, năm 2010 66 tấn và 7 tháng đầu năm nay đã xuất khoảng 30 tấn. Chưa có con số thống kê chính thức về lượng vàng dự trữ trong dân, nhưng theo ước tính của NHNN con số này dao động từ 300 - 500 tấn. Hội đồng vàng thế giới (WGC) cũng từng đưa ra con số ước tính trên 500 tấn vàng tại Việt Nam, trước khi có các số liệu xuất siêu nói trên.

Việc xuất vàng xảy ra theo bài toán thị trường, khi 7 tháng đầu năm giá vàng trong nước thấp hơn vàng thế giới. Nhưng làn sóng này gần như bị chặn đứng khi thông tư 111 ra đời ngày 2/8, quy định sản phẩm vàng xuất khẩu có hàm lượng vàng từ 80% trở lên sẽ bị đánh thuế 10%. Thực tế, mức thuế 10% gần như "hạ gục" tất cả các DN vàng còn ngó ngàng xuất ra thế giới, bởi hiếm khi nào mức chênh lệch giá bán trong nước/thế giới đủ lớn để bù vào khoản 10% thuế nói trên.

Làn sóng xuất vàng vừa dứt cũng là lúc vàng trong nước và thế giới vọt lên. Sau những ngày đầu tháng 8 đua nhau bán chốt lời, các nhà đầu tư gần như ngay lập tức đổ xô mua lại khi vàng tiếp tục mua chóng mặt khiến thị trường vàng trở nên "điên loạn" không theo quy luật nào. Các chuyên gia kinh tế, từ chỗ nhận định mức độ sẵn sàng bán của giới ôm vàng trong nước rất cao, quay ra ngã ngửa vì không ngờ sức mua của giới ôm tiền mặt (không loại trừ cả những người vừa bán vàng) lại lớn đến vậy.

NHNN thể hiện sự linh hoạt như cách nói của tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình bằng cách phát ra 2 thông báo về việc cho phép nhập vàng, từ 5-10 tấn đến không giới hạn để hạ nhiệt cơn sốt vàng. "Liều an thần" của NHNN đã phát huy hiệu quả, khi giá vàng trong nước từ chỗ cao hơn thế giới tới 2 triệu đồng/lượng đã hạ nhiệt xuống ngang hoặc cao hơn một chút so với thế giới, ở cái ngưỡng 400.000 đồng/lượng mà NHNN cho là không còn đất cho đầu cơ.

Liệu pháp này, ngược lại cho thấy tính thiếu quy luật của thị trường vàng trong nước, bởi đến nay lượng vàng vật chất thực nhập chỉ trên 7 tấn, chưa bằng 1/4 lượng vàng đã xuất đi từ đầu năm. Vì vậy cái gọi là thiếu vàng, sốt vàng hoàn toàn là giả tạo. Mặt khác, dù cơ quan quản lý có linh hoạt tới đâu thì cơ chế cấp quota vẫn là bị động, chạy theo thị trường. Trước đó, chỉ cần vài cơn sóng cũng đủ để "giới đầu cơ" kiếm bộn tiền và những người đầu tư thiếu tỉnh táo "lĩnh đủ".

Vấn đề đặt ra là những công cụ thị trường, định hướng quản lý thị trường vàng và sử dụng vàng vẫn chưa tồn tại. Nghị định quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh vàng chưa ra đời, nhưng việc bản dự thảo thay đổi xoành xoạch cũng đủ khiến giới nhạy cảm với vàng quay cuồng.

Phát biểu ngày 1/9, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết NHNN đã đề xuất Chính phủ được huy động vàng trong dân thông qua các tổ chức tín dụng. "Dân gửi vàng cho nhà nước thì yên tâm, đồng thời với cách làm này chúng ta sẽ thấy được câu chuyện "dân giàu nước mạnh". Dân có vàng thì giàu, nhà nước giữ vàng thì nước mạnh", Thống đốc Bình nhấn mạnh.

Trong một bài phân tích của mình, chuyên gia Trần Trọng Quốc Khanh đã đề xuất một giải pháp dài hạn gọi là "xoay vòng can thiệp liên hoàn" để quản lý thị trường vàng trên cơ sở liên thông giá vàng trong nước với vàng thế giới, tháo dỡ cơ chế cấp quota và cân bằng thuế suất xuất/nhập vàng. Theo đó, khi giá vàng trong nước thấp, NHNN sẽ mua vàng vật chất từ DN/người dân theo giá thế giới quy đổi và bán vàng tài khoản ra nước ngoài để bảo hiểm rủi ro. Khi giá vàng trong nước cao, sẽ áp dụng biện pháp ngược lại: bán vàng vật chất cho DN/người dân và mua vàng tài khoản.

Điều này, theo ông Khanh, sẽ khiến Nhà nước mất một "khoản phí" nhất định, nhưng bù lại cũng có nhiều "cái được": giữ được dự trữ vàng, triệt tiêu động cơ xuất vàng, loại bỏ được tác động của giá vàng lên tỷ giá USD/VND và tạo được niềm tin trong dân. Chuyên gia Khanh gọi đó là công cụ thị trường mang tính "can thiệp chủ động" và dài hạn hơn rất nhiều so với cơ chế thụ động như hiện tại.

Trong kiến nghị mới đây nhất gửi NHNN, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng một lần nữa đề xuất việc xóa bỏ hoạt động kinh doanh vàng miếng để tránh đồng tiền nhàn rỗi chảy vào vàng và không thực hiện ý tưởng khôi phục sàn vàng bởi điều này "không mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế mà ngược lại là nguồn gốc cho bất ổn kinh tế vỹ mô và chẳng có giải pháp nào để ngăn chặn được những nguy hiểm mà “vàng hóa” đã gây ra". Cũng như nhiều chuyên gia, VAFI ủng hộ việc NHNN thu mua vàng của dân.

Rõ ràng, những diễn biến khó lường của thị trường vàng trong thời gian qua rất cần vai trò "nhạc trưởng" của NHNN. Vai trò đó được kỳ vọng bằng những giải pháp mềm gắn chặt với quy luật thị trường và mang tính ổn định, dài hơi hơn là những can thiệp mang tính đóng/mở hay "cắt cơn" nặng yếu tố hành chính tức thời.

Chi tiết tại:
https://www.newvisionlaw.com.vn/vi/luat-thuong-mai/1266-thi-truong-vang-quan-kieu-gi.html
https://dichvuketoanvn.com/20110905789/Tin-tuc/th-trng-vang-qun-kiu-gi.html
https://luatdoanhnghiepvn.com/gioi-thieu/tin-tuc-cong-ty/521-thi-truong-vang-quan-kieu-gi.html
 
×
Quay lại
Top