Thi tốt nghiệp không phải ba chung mà là... "một chung"

Thoi Gian

Không có tuổi.
Thành viên thân thiết
Tham gia
17/2/2014
Bài viết
525
Giải pháp thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn văn hóa cơ bản và hệ thống tuyển sinh "một chung" sẽ cho phép giải quyết ổn thỏa những bất cập trước mắt của ngành giáo dục.

Hôm qua (22/2), VPCP đã ra thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về đề xuất thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH. Trong đó nhấn mạnh việc phải hướng tới có một kỳ thi quốc gia đáp ứng yêu cầu cung cấp căn cứ tin cậy cho việc xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Dưới đây là một góc nhìn tham chiếu của tác giả Nguyễn Tấn Đại về đổi mới thi cử.

Trong một bài viết trước, tôi đã nêu ra giải pháp mới cho kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ-THCN với hai nguyên tắc chính: thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn văn hoá cơ bản (bao gồm Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử và Ngoại ngữ); xây dựnghệthống tuyển sinh "một chung" theo mô hình của nước Pháp. Lộ trình chuyển tiếp sẽ là 3 năm, kể từ năm học 2014-2015, tương thích hoàn toàn với những nội dung đổi mới khác về trung hạn và dài hạn của ngành giáo dục.

Điểm chủ yếu có thể gây phản ứng,đó là việc học sinh lớp 12 sẽ phải thi tất cả 8 môn trong 4 ngày liên tục, sợ rằng các em sẽ không chịu được áp lực vì quá căng thẳng. Nếu chỉ xét ở góc độ duy nhất một kì thi này, lí do đó hoàn toàn đúng! Nhưng thử làm một phép tính cộng từ thực tế nhiều năm nay: 3 ngày thi tốt nghiệp, 4 ngày thi đại học (2 đợt), 2 ngày thi cao đẳng (1 đợt). Tổng cộng các em phải trải qua 7-9 ngày thi, với 13-15 lượt làm bài thi trong vòng 7 tuần (từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 7).

Với giải pháp mới, học sinh sẽ chỉ tập trung vào một đợt thi duy nhất, trong 4 ngày, với 8 lượt làm bài thi. Những em nào chọn ngành đặc thù thì chỉ cần thi thêm 1-2 môn năng khiếu. Tất cả các trường đào tạo sau trung học đều có một nguồn tuyển phong phú, dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp với điểm học bạ (trung bình chung hoặc từng môn theo ngành đào tạo), ngày càng đồng nhất, chất lượng ngày càng tăng khi kỉ cương thi cử ngày càng nâng cao, thắt chặt.

thi-tot-nghiep-khong-phai-ba-chung-ma-la-mot-chung.jpg

Ảnh minh họa: Văn Chung

Nhìn rộng hơn, cuộc đời của các em không chỉ dừng lại ở một cuộc thi, mà phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố: chất lượng nền giáo dục các em thụ hưởng được mà kì thi tốt nghiệp THPT là bằng chứng xác nhận khách quan; và chất lượng định hướng nghề nghiệp mà giải pháp thi cử trong quá trình chuyển tiếp trung học-đại học có thể mang lại cho các em.

Thực tế là do áp lực xã hội mà lâu nay chúng ta đã "nuông chiều" học sinh bằng cách cho kiểm tra thi cử dễ dãi, "đẩy bằng hết" các em ra khỏi trường phổ thông. Để rồi sau đó, do áp lực đảm bảo chất lượng đào tạo tối thiểu, các trường đại học, cao đẳng cần tổ chức một kì thi tuyển khách quan có tính chọn lọc cao hơn, nghiêm khắc hơn.

Hậu quả là mỗi năm hàng trăm ngàn học sinh rời khỏi trường phổ thông bị ách lại, loay hoay lựa chọn giữa học nghề (trung cấp, cao đẳng) và học chữ (đại học). Điểm sàn tuyển sinh mỗi năm đều dưới mức trung bình, một nghịch lí về giáo dục, nhưng các trường hay các ngành "chiếu dưới" đều phải chấp nhận vì không có cách nào khác đảm bảo nguồn tuyển cho đủ chỉ tiêu.

Giải pháp mới, nếu có một áp lực, đó chính là áp lực đưa mọi cuộc thi cử ở bậc phổ thông về đúng với giá trị của nó, phản ánh đúng năng lực và trình độ học sinh, tiết giảm số kì thi trong đời các em, tăng cơ hội định hướng và lựa chọn nghề nghiệp cho các em,... Đó chẳng phải là mục đích mà ngành giáo dục cũng như cả xã hội luôn mong muốn đạt được?

Với kì thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn văn hoá cơ bản, ta sẽ không còn phải mất thời gian bàn cãi về việc thi hay không thi môn ngoại ngữ, không còn phải loay hoay làm sao tránh học lệch... Bởi đơn giản, đó là nền tảng văn hoá cơ bản, là hành trang tối thiểu cần có để vào đời.

Giải pháp mới, tưởng là gây áp lực cho học sinh nhưng thực chất lại là công cụ điều tiết tiến trình giáo dục, không chỉ ở phổ thông mà cả quá trình chuyển tiếp lên đại học. Thay vì chỉ tập trung ôn thi theo tinh thần "đối phó" trong vòng 1-2 tháng, giáo viên và học sinh sẽ rải đều quá trình chuẩn bị ra suốt 3 năm học cấp III.

Hiện nay, học sinh phải thi nhiều lần, nhiều đợt,mỗi lần thi xong không đạt thì kết quả cũ phải huỷ bỏ cả để làm lại từ đầu. Thi tốt nghiệp THPT cũng vậy mà thi tuyển sinh vào đại học hay cao đẳng cũng vậy. Đó là một sự lãng phí vô cùng lớn cho xã hội! Với giải pháp mới, vấn đề bảo lưu điểm thi năm trước và thi lại những môn không đạt trong những năm sau là khá dễ dàng. Điều kiện dự thi tốt nghiệp vẫn sẽ như hiện nay, đó là điểm trung bình tất cả các môn trong năm lớp 12 từ 5,0 trở lên, và không có môn nào dưới 3,5. Điều kiện tốt nghiệp sẽ là điểm trung bình 8 môn thi từ 5,0 trở lên, không có môn nào bị điểm liệt (hiện nay là 0 điểm).

Thậm chí, học sinh có điều kiện khó khăn hoàn toàn có thể chủ động "rải" thời gian thi tốt nghiệp: khi học sinh học xong lớp 12 thì nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn tất chương trình phổ thông; học sinh có thể đăng kí thi tốt nghiệp một số môn vào năm này để thuận tiện tập trung ôn bài, rồi sang năm sau thi một số môn khác.

Về hình thức, kì thi đó sẽ tương tự như cách thi tự chọn mà Bộ GD&ĐT đang muốn áp dụng, nhưng về bản chất là khác biệt: học sinh không được quyền chọn học lệch, thi cử đối phó, nhưng hoàn toàn được quyền chọn tăng thời gian đầu tư cho việc học hành, thi cử, sao cho đạt được chuẩn mực giáo dục quốc gia.

Như vậy, đối với một số đông học sinh trung bình yếu hiện nay, thay vì cho thi tốt nghiệp dễ dãi để các em ra trường, rồi lại tốn thời gian luyện thi đại học năm này qua năm khác, các em chỉ cần làm một việc duy nhất: tập trung ôn thi môn nào chưa đạt tốt nghiệp cho đến khi thành công. Bởi với sự thành công đó, cơ hội học tiếp ở các bậc cao hơn luôn mở ra dễ dàng cho các em thông qua cơ chế xét tuyển với quyền tự chủ tuyển sinh mà các cơ sở đào tạo có được, được điều phối nhịp nhàng qua hệ thống tuyển sinh "một chung". Việc học sinh có nguyện vọng đổi ngành, đổi trường không còn là vấn đề nan giải vì tất cả các môn học đều đã có đầy đủ trong hồ sơ đăng kí.

Một cách ngắn gọn, giải pháp thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn văn hoá cơ bản và hệ thống tuyển sinh "một chung"sẽ cho phép giải quyết ổn thoả những bất cập trước mắt của ngành giáo dục, để có thể chuẩn bị những điều kiện thuận lợi hơn cho các chiến lược đổi mới lâu dài. Muốn điều chỉnh phương pháp dạy-học trong trường phổ thông, khi chưa làm được ngay việc tái cấu trúc hệ thống đào tạo giáo viên thì chỉ cần thay đổi cách ra đề và xây dựng đáp án thi tốt nghiệp.

Khi chưa tạo dựng được hệ thống kiểm tra đánh giá độc lập hoàn chỉnh và đồng bộ trong cả nước, chỉ cần điều tiết qua độ khó của đề thi và kiểm soát kỉ cương kì thi tốt nghiệp. Khi chưa làm được việc dài hạn là xây dựng chương trình giáo dục hay khung chuẩn mực kiến thức, kĩ năng ở tầm quốc gia, thì mọi sự thay đổi trung hạn về cơ cấu môn học hay sách giáo khoa cũng không gặp phải sự xáo trộn nào lớn vì đã áp dụng nguyên tắc "học gì thi nấy" ngay từ năm học tới...

Đi kèm với giải pháp mới, cần thay đổi quan niệm về thành tích giáo dục

Lâu nay ta chỉ quen nhìn vào "tỉ lệ thi đậu tốt nghiệp THPT" để đánh giá thành tích các trường hay địa phương. Ở Pháp, nơi vẫn duy trì kì thi tú tài và là nguồn gốc hình thành hệ thống giáo dục của ta hiện nay, đó chỉ là một trong ba tiêu chí đánh giá chất lượng của một cơ sở giáo dục. Hai tiêu chí còn lại được xem xét, đó là tỉ lệ học sinh có bằng tốt nghiệp đầu ra trên tổng số học sinh đầu vào (bất kể thời gian học trong trường của học sinh là bao lâu), và tỉ lệ học sinh tốt nghiệp ra trường trên tổng số học sinh rời khỏi trường (kể cả vì lí do nghỉ học, chuyển trường) mỗi năm.

Kết hợp cả ba tiêu chí đánh giá này, nước Pháp thể hiện đúng tinh thần bản chất của nền giáo dục phổ thông của các nước phương Tây. Đó là phải tạo mọi điều kiện để giữ tối đa số học sinh trong độ tuổi đi học ở trong nhà trường cho đến khi được chuẩn bị sẵn sàng để bước ra cuộc đời nghề nghiệp hoặc bước lên giáo dục đại học.

Áp dụng cách nhìn mới này, ta sẽ có thể kiểm soát được tình trạng "chạy thành tích" trên tổng thể. Các trường phổ thông sẽ không còn chịu áp lực thành tích, nâng điểm cho học sinh lên lớp (và "ngồi nhầm lớp"), chuyển học sinh yếu đi nơi khác để tăng tỉ lệ tốt nghiệp,... Học sinh lưu ban sẽ bớt mặc cảm và có cơ hội để sửa sai, rèn luyện trong nhà trường cho đến khi tốt nghiệp.

Theo Vietnamnet
 
×
Quay lại
Top