Thế giới của con gái

falllovely

Tiểu Ngư
Thành viên thân thiết
Tham gia
28/1/2012
Bài viết
618
Đời mà, mình không vờn với nó thì nó vờn với mình, tội gì...
(Truyện ngắn của tôi)


Trong suốt buổi đi chơi, Đan nhận được cơ man là điện thoại từ đám đàn ông và mỗi lần như thế, cô đều trả lời bằng giọng dịu dàng ngon ngọt pha chút lẳng lơ nửa đùa bỡn. Tôi đẩy ly cafe qua một bên, tỏ ý không vừa lòng.
- Đời mà...
Đan cười như nắc nẻ trước thái độ đó của tôi, tay ngúng nguẩy xoay xoay chiếc thìa con trong ly cafe đen đặc. Chậm chậm, nó đưa ánh mắt qua tôi, dừng cười:
- Mình không vờn với nó thì nó vờn với mình, tội gì.
Quá quen với tính cách cô bạn, tôi im lặng nén một tiếng thở dài, ngày vui, cứ nhắc đến đời là lại thấy mất vui. Hai đứa con gái tính cách hoàn toàn trái ngược nhau nhưng lại thân nhau đến lạ kỳ. Có lẽ bởi ít nhiều trong hai đứa, đều có những khuyết tật của riêng mình nên khi đi cùng nhau, lại cảm thấy như được an ủi.
***​
Đan sinh ra trong một gia đình không mấy êm ấm, mang nỗi bất hạnh đặc trưng của phần đông các gia đình bề thế, lo kiếm tiền hơn chăm con như người ta vẫn thấy trên báo chí hay phim ảnh. 16 tuổi đầu, bỏ nhà ra học nội trú trong một trường quốc tế có tiếng để thoát khỏi gia đình, nó cặp với ông bác già hơn nó đến hơn 2,5 lần tuổi, chỉ đề được vỗ về, yêu thương, cái điều mà đã lâu lắm cha nó quên không thể hiện bao giờ.
Cho đến khi, vợ của ông ta lôi nó từ khách sạn ra, chửi bới bằng những ngôn từ, thậm chí, còn dữ dội hơn cha mẹ nó vẫn thường chửi nhau. Bà ta chửi cha, chửi mẹ và chửi cả dòng họ nó, lạ cái là nó nghe chửi mà hả hê lắm! Chính bởi bản thân nó cũng muốn chửi, sao lại sinh nó ra trên đời này rồi lại để mặc nó tự lớn lên? 16 tuổi, quen thấy cha mẹ bồ bịch, ai cho nó biết bồ bịch là sai?
Bà cứ thế tru tréo chửi, miệng bà hét, tay bà nắm đầu, bà tát. Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt người đàn bà, nó bất chợt nghĩ đến mẹ nó, bà ấy cũng cỡ tuổi mẹ nó, lần đầu tiên trên đời, nó cảm thấy nhục nhã đến vậy. Người đàn ông vẫn hàng ngày gọi nó là "tình yêu bé nhỏ" vừa ôm quần áo, chạy vội ra ngoài nhà để xe, mồ hôi túa ra đầy trán, bảo vợ: "Anh xin em, em bình tĩnh đi, về nhà mình nói chuyện".
Tôi tìm thấy nó lang thang trên phố trong một tối mùa đông. Cái đông Sài thành không căm căm rét đứt da đứt thịt nhưng cũng đủ làm người ta rùng mình mỗi đợt có gió thoảng qua. Chân không giày, quần áo nhàu nhĩ, nước mắt lưng tròng và miệng thì buông mấy câu tục tĩu, vài người qua đường nhìn nó một cách ái ngại, rồi lắc đầu bỏ đi. Chẳng hiểu sao khi nhìn thấy cảnh ấy, tôi lại không cầm được nước mắt. Hai đứa, chả quen chả biết gì, cứ đứng đó nhìn nhau, nấc lên từng hồi như chị em lâu ngày thất lạc mới tìm thấy lại nhau.
beyeu.jpg
Tôi khác nó, từ ngoại hình, tính cách đến gia cảnh. Cha mẹ làm công nhân viên chức bình thường, gia đình sống giản đơn và hạnh phúc. Bản thân không có gì nổi bật, cũng được đánh giá khá tốt về nhân cách cũng như năng lực học tập và công việc, hội tụ đủ các yếu tố báo trước một tương lai êm đềm và giản dị. Ít ai biết rằng trong cái con người rất đỗi khỏe mạnh và hạnh phúc ấy, lại là một tâm hồn khuyết tật.
8 tuổi, là nạn nhân của một vụ lạm dụng mà thủ phạm là người chú họ hằng ngày tôi vẫn ôm cổ đòi quà. Hồi ấy, nhà tôi có nhiều sách báo về khoa học và đời sống... trong đó có những bài nói về lạm dụng trẻ em ở Trung Đông, tôi lờ mờ nhận ra nỗi đau của chính mình. Lớn lên rồi, tôi mới nhận ra cái nhân đạo còn sót lại trong kẻ khốn khổ khốn nạn ấy, về sinh lý, tôi vẫn là người con gái trinh trắng nhưng về tâm hồn, nó nhơ nhuốc và rách nát lắm!
À mà không, có lẽ nhìn theo một hướng khác, tôi vẫn là cô bé 8 tuổi ngây thơ và trong sáng. Để phủ nhận sự nhơ nhuốc của chính mình, đứa trẻ ấy đã tự ngừng lớn lên từ thuở ấy. Chịu đựng sự ràng buộc về mối quan hệ gia đình, tôi cắn răng gồng mình mở miệng cười chào với kẻ ấy mỗi lần gặp, không một chút khả năng phản kháng, không dám nói với cha mẹ hay bất kỳ ai.
***​
- Lại nghĩ à?
Câu hỏi của Đan kéo tôi về với thực tại. Chẳng bao giờ giấu được Đan điều gì. Cô vẫn thường bảo tôi có đôi mắt biết nói, cuộc đời hai mươi mấy năm đều ghi lại trên đó, đẹp và buồn tới... tê lòng.
Đứa trẻ chừng sáu, bảy tuổi dắt theo người đàn bà mù lòa, đến trước chúng tôi chìa nón ra chờ đợi. Vốn không có sẵn tiền lẻ, tôi bối rối lắc đầu. Đan rút ví đưa cho thằng bé mấy ngàn đồng rồi khoát tay bảo đi.
- Tao ghét trẻ con và ghét cả những kẻ khổ hơn mình, chả đáng thương.
Trong câu nói đó chất chứa sự nhẫn tâm và cả dằn vặt. Nhưng tôi biết, nó chưa bao giờ là kẻ nhẫn tâm.
Người đời thường có tật nhìn vào những kẻ khốn khổ hơn mình để tự an ủi rằng mình vẫn còn may mắn chán. Đan ghét cay ghét đắng cái kiểu đó, nó ghét nhìn người khác khổ, ghét sự so sánh về những nỗi đau, ghét như ghét một thứ bệnh dịch. Và dĩ nhiên, khổ ở đây không đơn giản chỉ là nghèo khó, vất vả hay mất tình, thiếu người yêu như giới trẻ vẫn rêu rao đầy trên yahoo hay facebook. Với cái nhìn như thế, tôi thật sự thấy nó là một kẻ có tình người.
- Đan...
- Lại định giảng gì tao à, cô giáo?
- Chắc là tao sắp cưới...
- Cưới ? Lão Quân à?
Đan biết là tôi sẽ không mang vấn đề này ra để đùa giỡn, đặc biệt là với nó. Quân là cháu trai của bà trưởng phòng của mẹ tôi, hai gia đình quen biết đã lâu và chúng tôi cũng có qua lại. Quân trầm tính, ít nói và hiền lành, không bao giờ thể hiện cảm xúc một cách thái quá, một người đáng tin nhưng lại không thể chia sẻ được.
- Mày biết mẹ tao rồi còn gì. Tao cũng 27 rồi, già đủ để cần một bến đỗ. Hai bên gia đình cũng sốt ruột lắm rồi.
- Cuối cùng cũng cứ phải tỏ ra là đứa con có hiếu nhỉ?
Đan chua chat. Cô hít một hơi thật sau, khóe miệng kéo qua một bên cố tạo một nụ cười.
- Không hẳn, cũng vì tao thôi. Hơn nữa, tao nghĩ đó là người phù hợp.
- Một người không yêu mày quá nhiều và mày cũng không yêu người ấy quá nhiều...
Câu nói mà chúng tôi đã bàn với nhau ít lâu khi nói về tương lai.
Tôi không nói thêm gì, biết là Đan giận lắm, cô tiểu thư nhà giàu sợ cô đơn và ghét sự sẻ chia. Bình thường cứ mỗi lần có thằng con trai nào để tuột qua khỏi tầm kiểm soát của cô, cô đều gào lên, bực tức và lên kế hoạch quyến rũ lại, dù chả yêu thương gì. Lần này, Đan không khóc lóc, không kêu gào, cũng như không có ý định kéo tôi lại về bên nó.
Đường về xa tít tắp, hai đứa con gái chân yếu tay mềm, lại vốn chả rành đường. Tôi táp vào lề, hỏi một ông chú bán fastfood vỉa hè:
- Bác ơi, đường về TP HCM còn xa không ạ?
- Xa lắm đó, cô chạy thẳng chừng 20km nữa là gặp quốc lộ, chạy theo đường quốc lộ cỡ gần trăm cây nữa là về tới.
Đường chiều Tây Ninh nhiều cây và vắng người. Tôi lột bỏ nón bảo hiểm, phóng thật nhanh về phía trước, hưởng thụ cái khoái cảm gió giật tung mái tóc, kêu lên phật phật đầy ngẫu hứng. Luôn thiếu cẩn thận mỗi lần đi với Đan, tôi cho rằng thậm chí nếu có gặp phải tai nạn mà chết cùng nhau, nó cũng không bao giờ hận tôi. Cứ chạy như thế, nước mắt bất chợt rơi không biết từ lúc nào. Thèm khát thỏa lấp khoảng trống trong lòng nhưng mãi không làm được. Đan hỏi:
- Mệt không, đổi tài nhé!
- 15 km nữa đi.
Nó vòng tay ôm lấy tôi, siết thật chặt, bất thần nói:
- Nếu tao là con trai thì hay nhỉ, tao sẽ yêu mày cả đời.
Trời kéo mây dày đặc, báo hiệu một cơn mưa lớn đang đến. Thời tiết tháng 6 kỳ lạ, cứ chợt nắng chợt mưa. Người đi đường nhốn nháo dừng lại mặc áo mưa. Chúng tôi đổi tài, cứ thế chạy, mặc cho mưa đập vào mắt, vào miệng. Mệt rũ sau chặng đường dài, tôi dựa hoàn toàn vào lưng nó. Không cho rằng chúng tôi có thể yêu nhau nếu Đan là con trai, tôi vẫn sẽ thế, chỉ có thế, cho và nhận vừa phải bởi quá sợ hãi sự mất mát và ràng buộc. Sợ phải đặt niềm tin vào người khác. Sợ cả việc nhìn những nỗi sợ hãi của chính mình, ngày ngày lớn dần lên, không cách gì bày tỏ. Hoàn toàn cô độc.
Chúng tôi về đến nhà vào tầm 8 giờ tối, Đan chở tôi đi ăn rồi đưa tôi về nhà. Nó từ chối việc ở lại nhà tôi đêm nay, bảo phải chăm sóc con Sudo - con mèo mà hai đứa nhận từ hội bảo trợ chó mèo bị bỏ rơi mấy tháng trước, được cưng nên giờ béo tốt, xinh đẹp và kiêu kỳ y như chủ nhân của nó vậy.
Đêm gặp ác mộng, mơ rằng tôi bị bỏng, quần áo bết lại, rơi lả tả, vết bỏng loang khắp cơ thể, trần trụi và đầy đau đớn. Tôi sợ hãi và hét gọi bố mẹ. Bố bảo ngày mai con hãy đi bệnh viện nhé! Mẹ vuốt nước mắt tôi, bảo sẽ hết đau thôi. Tôi trong mơ nước mắt lưng tròng, ngạc nhiên sao không phải là bố mẹ đưa con vào bệnh viện ngay bây giờ? Tại sao không xức thuốc cho con. Tôi trong mơ khi ấy vẫn là một đứa trẻ với đôi mắt to tròn, thơ dại.
Tôi mở mắt ra, nước mắt chảy ướt cả gối, lòng đầy cảm giác bi thương và tội lỗi. Nhớ khi còn nhỏ, mẹ vẫn thường vuốt nước mắt, xoa bụng tôi trong khi bố chạy đi tìm bác sĩ mỗi khi tôi đau dù là lúc nửa đêm. Được yêu thương như thế, cũng yêu thương cha mẹ bằng một tình yêu không thể cân đo đong đếm nhưng lẫn trong đó là cả những giận hờn, trách cứ, không thực tâm nghĩ đến, không thể nói ra và cũng không thể vứt bỏ.
Giữa sự cô tịch đáng sợ của màn đêm, tôi nằm đó, nhìn trân trân vào chút ánh sáng Sài thành le lói qua lớp rèm cửa dày. Một đêm nóng nực và nhớp nháp. Tiếng xe gắn máy của đám thanh niên chơi đêm bất ngờ rú mạnh rồi phóng xa dần dưới đường, trong một thoáng, lại có cảm giác như vừa được cứu rỗi. Mở cửa sổ thật rộng và kéo rèm lên đón chút gió, tôi thực tâm muốn biết khi phải đối mặt với những nỗi lo cơm áo gạo tiền đời thường, kết hôn, mang thai và sinh em bé... Những nỗi sợ hãi này liệu có thể mất đi?
Điện thoại có tin nhắn của Đan: "Tao chẳng ước làm đàn ông nữa đâu, đàn ông với đàn bà sinh ra chỉ để làm khổ nhau mà thôi". Tôi biết rằng Đan cũng đang khóc.
***​
Cuối năm tôi đám cưới, Đan không tới dự. Đan nghỉ việc tại công ty của gia đình, tất bật làm hồ sơ, visa, thi Ielts để chuẩn bị cho kỳ nhập học cho một khóa học master tại Thụy Điển. Đan bỏ trốn trong cao ngạo. Có nhiều những người con gái như thế, bằng lý do này hay lý do khác, không thể hòa nhập trong xã hội. Có người chọn cho mình cách sống phiêu bạt, né tránh mọi thứ, dẫm đạp lên nỗi đau để tìm hạnh phúc. Có người lại như tôi, chấp nhận nỗi đau mong có một cuộc sống bình thường, giản đơn. May mắn có duyên gặp gỡ, đi qua đời nhau, bên nhau một thời gian và tồn tại trong nhau cả đời, cứ thế an ủi lẫn nhau.
 
Đời mà..........
 
×
Quay lại
Top