Thành phố tôi yêu

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
Sài Gòn không thơ mộng như quê tôi, Hà Nội. Nhưng có gì đó tôi có thể ở đây mà không thấy cô đơn. Thậm chí đôi khi còn hạnh phúc.



0tcysnkn.jpg

Ảnh: Vũ Tường Chiểu


Là nụ cười hảo hán và dáng đi nghiêng nghiêng của anh Cầu, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, trái chôm chôm biết hát của hội nhạc thành phố. Là anh Sơn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người ốm nhưng bước chân khoan thai quý tộc, vai gầy nhưng ngực vươn như kiếm khách. Nghe ai kể chuyện gì cũng “tội rứa. Chi mà tội rứa…”.

Là sân 81 Trần Quốc Thảo dưới những tán cây hoa đại, suốt đêm vang tiếng cười, tiếng hát, giọng ngâm hào sảng và tiếng cụng ly của văn nghệ giang hồ tứ chiếng. Vài đĩa đậu phộng, vài khô cá khoai và can bia hơi là đủ thơ, đủ nhạc. Quanh ly bia, ai cũng là bạn, ai cũng là nghệ sĩ.

Sài Gòn trong tôi

Cho đến hôm nay gần 40 năm, đi hoài chưa biết hết phố, hết hẻm. Có một người thiếu phụ tôi yêu, đến giờ vẫn không hiểu nàng có yêu tôi không. Có lẽ đến chết tôi cũng không đi hết những khúc quanh bí ẩn của nàng. Như phố, như phường, hẻm hóc nơi đây…

Sài Gòn là "Sĩ Thanh", ca sĩ đã khuất xa vì rượu. Chẳng có ai hát bài "Những đôi mắt mang hình viên đạn và Điệp khúc tình yêu" của tôi hay hơn thế. Anh lúc đó chỉ là một chàng trai đón chào quân giải phóng, không biết gì về cách mạng.

Là "Thanh Lan", người chuyên hát nhạc Pháp nổi tiếng và đẹp như một quý bà Pa-ri-giêng. Nàng hát những bài ca cách mạng hay hơn những người sinh ra trong nôi cách mạng, mà tôi biết. Chả hiểu vì sao… Nhiều lắm, những ca sĩ ở đây hát, ít nhất là hay hơn tôi, một người tốt nghiệp đại học thanh nhạc ngoài Hà Nội.


4evufn1x.jpg

Nhóm bạn trẻ chụp ảnh kỷ niệm bên đường hoa xuân Nguyễn Huệ TP.HCM -
Ảnh: Hoàng thạch vân

Ngoài chợ vỉa hè, tôi kiếm được nhiều cuốn sách thay đổi đời mình, và một chiếc quần bò, mặc đẹp đến mức…chưa bao giờ tôi đẹp trai thế. Thấy tôi không mang đủ tiền, cô bán hàng bảo lúc nào có thì mang đến. Cho đến giờ, tôi không thể tìm được người bán để trả tiền. Chợ “chồm hổm” như cơn mưa phương Nam, chợt đến, chợt bay đi. Tôi mắc nợ em, mắc nợ Sài Gòn.

Sài Gòn chẳng bao giờ hỏi tôi là ai, làm nghề gì. Cần là giúp, thích là mời vô nhậu, ghét sự trả ơn. Thấy đúng là chở che, như các bà mẹ chợ Bàn Cờ che giấu cách mạng. Thấy ghét, thì chính các chị lên phường, chỉ tay mắng người mình chở che làm điều thất đức với nhân dân. Thành phố của những người lao động năng nổ, làm thì hết mình, nhậu thì hết ga. Thẳng thắn, bộc trực , bất khuất như chiến binh Cần Giuộc. Thương nước, thương người như Đồ Chiểu. Lãng mạn như câu hò ngàn năm với tiếng đàn kìm, man mác buồn trên sông…

Sài Gòn không thơ mộng như quê tôi, Hà Nội. Nhưng có gì đó tôi có thể ở đây mà không thấy cô đơn. Thậm chí đôi khi còn hạnh phúc.

TRẦN TIẾN


keLIRZNV.jpg

Ca sĩ Hồ Ngọc Hà - Ảnh: Q.Định


Nhớ cồn cào là yêu tha thiết

Tôi được sinh ra tại Huế, lớn lên theo gia đình sống ở Quảng Bình, sau đó được gửi ra Hà Nội học ở những năm đầu cấp II. Và khi quyết định nơi để phát triển sự nghiệp, tôi đã chọn Sài Gòn. Có lẽ đó là định mệnh. Ngày đầu tiên tôi đặt chân đến đây, trời tặng cho tôi một cơn mưa tầm tã. Tôi tự hỏi lòng mình đây có lẽ là sự may mắn? Và quả đúng như vậy. Sài Gòn - TP.HCM chắp cánh cho giấc mơ của tôi bay cao và ngày một xa hơn. Từ đây, tôi được công nhận là một ca sĩ, một nghệ sĩ biểu diễn với khoảng 10 album CD, DVD cùng hàng chục live show cá nhân khắp cả nước. Ở đây, tôi có gia đình nhỏ, gia đình lớn và đại gia đình với rất nhiều người hâm mộ của mình…

Nhưng có lẽ cảm nhận rõ nhất của tôi về Sài Gòn là khi tôi lưu diễn lần đầu tiên tại nước ngoài trong gần hai tháng. Bỗng nhiên tôi nhận ra nỗi nhớ và khát khao trở về đến kỳ lạ. Và từ đó tôi mới biết rằng đây là nơi tôi sẽ gắn kết lâu dài vì tôi biết một khi điều gì làm tôi nhớ cồn cào nghĩa là đã khiến tôi yêu tha thiết.

Có thể cuộc sống nơi đây nhanh quá nếu mình không biết chậm lại để cảm nhận. Có thể sẽ dễ dàng làm mình cô đơn quá nếu cứ cuốn theo dòng người tấp nập trên đường phố mà quên chậm lại để nhìn ngắm những gương mặt của người dân nơi đây. Còn nhiều lắm những điều tuyệt đẹp của Sài Gòn trong lòng tôi nhưng nói sao cho hết, cũng không biết nói sao cho rõ. Chỉ biết rằng tôi đã lựa chọn và gia đình tôi cũng lựa chọn nơi đây để đoàn tụ. Chúng tôi vẫn luôn nhớ quê hương của mình, sự thanh bình của tuổi thơ. Nhưng cuộc sống là thế, không biết trước được nơi nào sẽ là nơi cuối cùng ta neo đậu và điều gì cũng có lý do của nó.

10 năm rồi, tình yêu của tôi với thành phố này cũng đã đủ lớn để cảm nhận rằng tôi khó sống thiếu nơi đây. Cũng giống như với chiếc gi.ường quen ta có được giấc ngủ ngon hơn, nên đi đâu xa cũng muốn được trở về nhà.

HỒ NGỌC HÀ


4mwdqjmq.jpg

Bảo tàng Lịch sử TP.HCM trong khuôn viên Thảo cầm viên -
Ảnh: Hoài LINH


Bí mật của sự cởi mở

Ngày khai giảng lớp 1 của tôi, mẹ dẫn tôi đi bộ từ nhà lên đường Tự Đức (nay là đường Nguyễn Văn Thủ), băng sang đại lộ Đinh Tiên Hoàng và dặn dò khi tan học cứ theo đúng lộ trình ấy về nhà, mẹ không đón vì bận việc ở sở. Tôi đã không đi lại con đường buổi sáng mà tự tìm ra các hẻm nhỏ khác, len lỏi sang tận khu Đa Kao, có hôm còn tới gần Thảo cầm viên. Lối về xa hơn. Tuy vậy, chẳng có ai làm tôi sợ sệt hay điều gì khiến một đứa trẻ phải giật mình. Cứ thế, những con đường ngày một dài. Phạm vi tôi đi theo thời gian thêm mở rộng. Thế nhưng, trong trí nhớ tôi tuổi ấy và đến tận hôm nay thành phố này vẫn luôn là tâm điểm. Một tâm điểm yên tĩnh, chưa bao giờ hết các bí mật ngạc nhiên. Yên tĩnh trong sự đông đúc náo nhiệt. Và bí mật trong sự cởi mở ngỡ như chẳng nơi đâu có thể sánh bằng.

Đi học, đi làm việc, đến bất kỳ nơi đâu trên thế giới, dù một siêu đô thị sầm uất hay một thành phố khiêm nhường, chưa bao giờ tôi thấy mình choáng ngợp, cũng không mất thời gian tập quen môi trường mới. Bởi ở một lẽ nào đó, tất cả các nơi chốn ít nhiều đều đã được tích hợp sẵn ngay trong thành phố nơi tôi lớn lên. Trầm tư hay huyên náo, cổ điển hay hiện đại, trật tự khuôn khổ hay phóng khoáng tự do, Đông hay Tây, những trạng thái ấy thành phố của tôi có đủ. Cũng chính vì thế, vài người bạn hỏi tôi thành phố có phải là nơi đáng để sống không, đặc điểm nhận diện nơi này là gì, tôi đành thừa nhận các thắc mắc ấy nằm ngoài khả năng của mình. Nhưng nếu ai đó gật đầu khi tôi thử miêu tả “Sài Gòn, trước tiên, đó là một thành phố mở”, thì câu chuyện sau đó dễ dàng trôi đi và mỗi người rồi cũng tự tìm thấy một giải đáp cho riêng họ.

Hơn cả một nơi chốn hay một địa danh, với tôi, thành phố là một không gian văn hóa không thể so sánh với bất cứ nơi đâu, bất cứ điều gì. Những câu hỏi phổ thông “bạn đến từ đâu?”, “bạn sống tại thành phố từ lúc nào?” hiếm khi vang lên ở đây. Bạn là ai cũng được, chỉ cần bạn đến nơi này, sống cùng và chuyển động cùng thành phố, mặc nhiên bạn trở thành một thành tố của nơi này. Sự di chuyển rất nhanh giữa các không gian đối lập, sự giao tiếp dễ dàng trong những mối liên hệ vốn dĩ vô cùng khác biệt, việc bạn vừa là một ai đấy vừa chẳng là ai cả, những khả năng như thế không đơn thuần tạo cảm hứng, mà còn thiết lập nên môi trường đặc biệt, thật sự giá trị nếu bạn mong muốn là một cá nhân sáng tạo không ngừng.

Không phân biệt, không thành kiến, không bị câu thúc bởi những gì đã có, trong không gian thành phố, mỗi người đều có thể tìm được con đường riêng để đi, một lãnh địa để dấn thân thử nghiệm, cả một nơi chốn riêng tư để nhận biết chính mình. Có thể đi xa không nhớ mong, không vội vã trở lại, nhưng tôi luôn thấy mình thật sự đang sống, khi ở trong thành phố của mình.

PHAN HỒN NHIÊN


tq2Q1ZA7.jpg


Nhiều nơi để đi, một nơi để về

Tôi yêu thành phố những chiều nắng tắt muộn, từ thuở mẹ chở tôi trên chiếc xe đạp cọc cạch lúc tan trường. Áo mẹ đẫm mồ hôi mỗi lần lên con dốc nhưng tôi cứ áp mặt vào lưng mẹ như thể đó là chỗ tựa đầu yên lành nhất sau một ngày xa nhà làm trò ngoan. Miệng líu ríu kể chuyện trường lớp, tôi nhìn thấy mẹ cười hiền từ vì sự hồn nhiên của con trẻ. Nụ cười ấy tôi vẫn nhớ đến tận giờ mỗi lần ngang qua con dốc cũ dẫn đường từ trường về nhà, cứ như thể chỉ vừa hôm qua.

Tôi yêu thành phố những tối sáng trưng đèn, ba dẫn tôi đi bộ quanh thương xá, nhìn tất cả mơ màng như lạc giữa một giấc mơ. Giấc mơ có ánh sáng, có bóng bay, có kẹo màu, có tất cả những điều ngọt ngào nhất mà trẻ nít khó thể chối từ. Ở đó, ba sẽ cõng tôi trên vai để tôi tự thấy mình trở thành người khổng lồ cao vượt mặt tất cả đứa nhỏ khác xung quanh, để dõi mắt ra xa và cao hơn nữa nhìn khắp khu trung tâm đang náo nức dòng xe ngược xuôi phía tít tắp cuối đường. Dĩ nhiên, bây giờ tôi đã đủ lớn để đi xa khắp phía và nhìn khắp chân trời dài rộng, cũng như Sài Gòn cũng đủ tân kỳ hiện đại để dư giả những tòa nhà chọc trời cho tôi lên đỉnh mà “đăng cao vọng viễn”. Nhưng sao tôi vẫn nhớ quá cái cảm giác nhìn Sài Gòn xưa - thời mà những hàng cây sao, cây dầu ở công viên Lam Sơn vẫn chưa ngã xuống - từ trên vai ba. Hay có lẽ hàng cổ thụ ấy đã lớn lên cùng với tuổi thơ và tình yêu tôi dành cho thành phố? Cứ thế vươn dài bám chắc vào lòng đất của tâm hồn.

Tình yêu thành phố còn đến từ những điều bình dị nhất của những con người bình thường nhất. Như cái cách một cụ già run rẩy đôi tay trả lại tôi tờ tiền mà tôi đưa dư khi mua giúp cụ vài tờ vé số, kèm theo câu nói: “Ông buôn bán đủ sống rồi, không muốn nợ tiền bạc ân tình của cậu”. Hay như lần buông thả sau cuộc tình tuổi mới lớn nhiều vụng dại thiếu chân thành, tôi uống xỉn bét nhè đến nỗi té xe trầy trật rồi lăn đùng ra giữa phố đêm nằm ngủ say mèm như một đứa trẻ ăn vạ với Nguyệt lão. Đã có hai cô gái làng chơi không quen biết tranh thủ lúc “vắng khách” lại dìu tôi dậy, ngồi kể chuyện đời để tôi chóng tỉnh và nhận ra, thất tình không hề là một nỗi buồn to tát so với nỗi ê chề của phận bán phấn buôn hương kiếm tiền nuôi gia đình.

À, còn Huynh nữa chứ. Người phụ nữ đẩy xe bán bánh ướt ở góc đường phía sau lưng Nhà hát thành phố. Người phụ nữ bị cuộc đời xô dạt tung lên đạp xuống biết bao lần đến nỗi tóc cắt sát và da sần đi trông không khác gì cái tên khách tứ xứ gọi chị - Huynh. Huynh hay đùa đời Huynh đắng cay lắm, đến độ trái ớt vô tay Huynh Sắc cũng cay xè đắng đót. Điều này thì tôi vẫn nhớ mỗi lần ăn đĩa bánh ướt nóng hổi thơm mùi giá trần, rau quế và nước mắm nồng vị ớt hừng hực như xé lưỡi... Bây giờ xe bánh ướt đã không còn ai đẩy và Huynh cũng đã nằm yên dưới mấy tấc đất của Sài Gòn - mảnh đất chứng kiến tất thảy vất vả nhọc nhằn của một người cần lao trên xứ này. Thi thoảng đi qua góc đường ấy, tôi vẫn thấy vài nén nhang chẳng biết của ai thắp lên cho người đã khuất. Khói tỏa tờ mờ, bàn ghế lác đác, cảnh tượng đáng ra phải rờn rợn u tịch lắm. Nhưng tôi lại thấy ấm lòng. Vì những thực khách ở Sài Gòn vẫn chưa quên bẵn người ra đi - dẫu họ chỉ là những người dưng vô danh vô phận chỉ biết nhau qua một món ăn trên đường phố đông người.

Và dĩ nhiên, tôi còn yêu thành phố của mình lắm-lắm-lắm, là vì em. Em có biết những con đường chúng ta đã từng qua, tôi đã cho mình cái quyền tự thay tên và đặt biệt danh mới cho nó trong tâm trí? Đường Trần Hưng Đạo đã trở thành “Nhà của người thương”. Đường Phạm Ngũ Lão có tên là “Nơi nụ hôn đầu”. Cầu Calmette là “Nắm lấy tay anh”. Đại lộ Đông Tây ghi dấu “Cái ôm trọn đời không ai có thể thay thế được”. Và vì dẫu đi đâu loanh quanh, trốn chạy đến cuối đất cùng trời, tôi vẫn chẳng thể quên em đã từng là cả một thời tuổi trẻ đẹp nhất của mình. Và cứ thế, tôi lại trở về Sài Gòn, thấy yên lòng khi có Sài Gòn ở bên. Vì đi càng nhiều tôi càng hiểu ra nơi-để-đi thì nhiều vô kể và cũng sẽ thoáng qua như một giấc ngủ trễ, còn nơi-để-về và để-nhớ thì chỉ có duy nhất riêng một nơi này. Có mải miết chôn chân ở đâu và mê tỉnh bao lần, điều mong cầu cuối cùng còn lại là được nhìn thấy Sài Gòn cạnh mình lúc thức dậy mà thôi.

ANH KHANG

Theo Tuổi Trẻ Online
 
×
Quay lại
Top