Tên gọi và từ ngữ định hình cách chúng ta nhận thức về con người và sự vật

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Một số từ ngữ nghe đúng như ý nghĩa của chúng. Những từ ngữ ấy có thể ảnh hưởng đến mọi thứ từ những khắc hoạ hư cấu về người ngoài hành tinh đến ấn tượng đầu tiên của bạn trong đơn xin việc.

Tôi rất thích từ “discombobulated” (lúng túng). Một phần cũng bởi vì tôi biết đến nó hơi muộn. Dù từ này đã xuất hiện ít nhất là từ thế kỷ 19, nhưng tôi nhớ mình chưa từng nghe đến nó trước năm 2016. Chỉ cố thốt to nó lên thôi đã gói gọn ý nghĩa của nó một cách hoàn hảo rồi (bối rối và lo lắng). Tôi thường đi được khoảng nửa đường, đến đoạn “bob”, sau đó mất dấu mình đang nói gì. Tôi nghĩ mình chưa từng phát âm từ “discombobulated” chính xác được đến lần thứ hai. Và tôi luôn cảm thấy có chút gì đó nhẹ nhõm khi mình đọc hết được đến “ed” mà không bị sai, không để lộ vẻ lúng túng đang ẩn trong người.

Phần lớn từ ngữ đều không có mối liên kết rõ ràng với ý nghĩa chúng biểu thị. Như nhà ngôn ngữ học Steven Pinker đã từng nói, chúng ta gọi một con chó là “chó” bởi vì những người khác cũng gọi như vậy. Đó là cách nó phải như vậy. Các giác quan của ta sẽ bị quá tải nếu mỗi từ ngữ nói ra hay nghe được đều mang ý nghĩa ngữ nghĩa học sâu sắc hơn.

Quy tắc đó áp dụng với hầu hết từ ngữ, nhưng không áp dụng cho tất cả. Những từ như “lốp bốp” và “rì rầm” lại nghe giống như âm thanh của chúng. Hãy hét lên lên từ “thì thầm” thử xem. Rất kỳ cục đúng không?

Những từ ngữ tượng thanh như thế chứng minh cho điều mà các nhà nghiên cứu gọi là tính biểu tượng của âm thanh, hay sự tương đồng giữa hình thức và ý nghĩa của từ ngữ. Pinker và những người khác lập luận rằng tính biểu tượng rất hiếm gặp trong ngôn ngữ, nhưng rất nhiều các nhà tâm lý học và ngôn ngữ học lại không đồng tình. Cuộc tranh luận đã dây dưa qua lại suốt nhiều năm.

Ảnh: Kellie Jaeger/Discover

Ảnh: Kellie Jaeger/Discover

Vào thế kỷ thứ 4 TCN, triết gia người Hy Lạp Plato đã viết rằng một số từ ngữ nhất định dường như tương thích đặc biệt với ý nghĩa của chúng. Có nhiều từ ngữ đã củng cố ý kiến của ông. Ví dụ, nếu chúng ta giả định những từ ngữ tự chế “mal” và “mil” đều có thể mang ý nghĩa là “cái bàn”, thế thì cái nào trong hai cái bạn sẽ nghĩ là miêu tả một cái bàn lớn(*)? Bạn có thể sẽ nói đó là “mal”, giống với ý kiến của 75-96% số người trong một nghiên cứu kinh điển đã khám phá ra hiệu ứng này vào năm 1929.

(*): Bạn có thể tìm hiểu về hiệu ứng mil/mal (the mil/mal effect) trên Google nhé. (ND)

Một ví dụ khác, có vẻ như việc liên tưởng tên của các loài động vật lớn với những âm trầm nghe sẽ tự nhiên hơn: hãy nói từ “elephant” (con voi) so với từ “mouse” (con chuột). Một phát hiện kinh điển đã được thử nghiệm qua nhiều thập kỷ và nhiều nền văn hoá, cho thấy rằng phần lớn người ta liên tưởng những từ ngữ tự chế như “bouba” với hình dạng tròn và “kiki” với hình dạng sắc nhọn và góc cạnh.

Nghe có vẻ vô nghĩa

Vốn lạ lẫm và vô nghĩa, những từ ngữ tự chế giúp các nhà khoa học tìm hiểu về tính biểu tượng. Việc vẽ vời cũng có ích. Trong các phép thử và thí nghiệm yêu cầu người ta giải thích ý nghĩa của từ ngữ tự chế bằng hình ảnh, các nhà nghiên cứu có thể giải phóng các tình nguyện viên khỏi những ràng buộc về việc cố gò ép các ý nghĩa được suy ra này thành những từ ngữ của riêng họ.

Trong một nghiên cứu năm 2019, các nhà tâm lý học đã phối hợp hai ý tưởng ấy lại với nhau. Một nhóm thí nghiệm cách thức các tình nguyện viên giải thích ý nghĩa của những từ vô nghĩa. Họ yêu cầu các tình nguyện viên gán các đặc tính và vẽ ra các bức tranh về những sinh vật tưởng tượng, như horgous, keex, bomburg và cougzer.

Ảnh: Kellie Jaeger/Discover

Ảnh: Kellie Jaeger/Discover

“Chúng tôi muốn thấy mọi người thật sự hiểu những đặc tính biểu tượng này của từ ngữ và thổi hồn vào chúng những hình ảnh tượng trưng mới lạ về thế giới, hoặc những hình ảnh tượng trưng mới lạ về các sinh vật và vật thể đến mức độ nào,” thành viên nhóm nghiên cứu Charles Davis của Đại học Connecticut giải thích.

Nhà tâm lý học trên cũng đưa ra những tính từ như tròn, gai góc, lớn, nhỏ, nam tính và nữ tính mà các tình nguyện viên phải ghép với 24 từ ngữ vô nghĩa. Các nhà khoa học này đã chọn ra 12 từ đầu bảng có những miêu tả nhất quán nhất và độc đáo nhất. Hầu hết mọi người đánh giá “ackie” và “gricker” là nhỏ, “ambous” là tròn, “axittic” và “cruckwic” là sắc nhọn và “heonia” là nữ tính.

Một nhóm tình nguyện viên khác thì vẽ những bức tranh về loài vật được truyền cảm hứng bởi những cái tên này. Khi nhóm thứ ba kiểm tra những bức vẽ đó, và những cái tên có thể liên tưởng đến chúng, họ hầu như đã ghép đúng hết. Tất nhiên là không phải lần nào cũng vậy, nhưng họ đã ghép đúng nhiều hơn so với xác suất được dự đoán.

Đó không phải là vấn đề về kỹ năng hội hoạ, Davis nói. “Một số người họ thất sự rất nổi trội. Những bức hoạ rất ấn tượng,” ông nói. “Những người khác thì ít hơn.” Ông cũng gửi tôi xem những bức vẽ và tôi có thể hiểu điều ông nói. Tôi không phải hoạ sĩ, và rõ ràng cũng không phải là những tình nguyện viên này. Một số bức vẽ được khắc hoạ tốt nhất ở dạng trừu tượng, dù công bằng mà nói đó không phải là việc dễ làm.

“Dĩ nhiên có nhiều khác biệt trong mức độ mọi người có thể liên tưởng đến những đặc tính này,” Davis nói thêm. Chẳng hạn như, một người nào đó vẽ một con “boodoma” là một sinh vật đại nhũ. Người khác thì giải thích cùng từ ngữ ấy là một con bọ rùa trông có vẻ buồn rầu. Dù các bức tranh này có thể xuất hiện một vài sự ngẫu nhiên, nhưng hãy chỉ nhìn bao quát chúng và rồi những khuôn thức hoặc chủ đề nhất định sẽ hiện ra. Như việc hầu hết mọi người đều vẽ một con “keex” nhỏ hơn và gai góc hơn một con “horgous” chẳng hạn.

Những cái tên và tính cách

Ngoài những thí nghiệm kỳ quặc ấy, những phát hiện này có ý nghĩa sâu rộng đối với tương tác của con người. Có thể bạn là một bậc phụ huynh sẽ chọn ra tên cho con mình. Nếu người ta mong đợi một con “horgous” sẽ to và một con “keex” sẽ nhỏ, thế thì những người tên Pam, Dick và Harry nghĩa là gì? Tên gọi của chúng ta có thể ảnh hưởng đến cách mọi người nhìn nhận và cư xử với chúng ta hay không?

Có, Penny Pexman nói, bà một nhà tâm lý học tại Đại học Calgary, Canada. Trong loạt nghiên cứu của mình, bà đã chứng minh chúng ta có xu hướng mong đợi người ta phải có những nét tính cách đặc biệt dựa trên tên gọi của họ. Cũng giống như những từ ngữ vô nghĩa, người ta hay liên tưởng âm “tròn” trong tên người khác với một nhóm các đặc điểm, và những cái tên chứa âm “sắc nhọn” với một nhóm đặc điểm rất khác.

“Họ cho rằng ‘Anne’ có xu hướng tận tuỵ, chăm chỉ và nhạy bén,” Oexman nói. “Kate thì là người hướng ngoại và ít tậm tuỵ hơn, ít chăm chỉ hơn và khó chịu hơn.”

Tôi đã hỏi cô ấy về “David”, dĩ nhiên là vì lý do tác nghiệp thuần tuý. “David gần với đầu tròn hơn,” cô nói. Điều đó khiến tôi chăm chỉ và nhạy bén. Tôi là có chút ngạc nhiên, vợ tôi thậm chí còn ngạc nhiên hơn. Nhưng tôi là ai mà có thể tranh cãi với khoa học đây?

Điều quan trọng là các cuộc khảo sát đề xuất rằng mối liên hệ chỉ tồn tại trong tâm trí của người tạo ra nó. Không có bằng chứng nào cho thấy những người tên Kate trên thế giới hướng ngoại hơn những người tên Anne. “Bạn có thể tạo ra một viễn cảnh có chút xa vời nơi mọi người dần bắt đầu trông giống như tên của họ theo thời gian và có lẽ tính cách của mọi người cũng bắt đầu trùng khớp với tên của họ thông qua một số sự tương đồng. Nhưng may là chúng ta đã không phát hiện ra điều đó,” Pexman cho biết.

Cũng không có bằng chứng nào cho thấy mọi người đang dựa trên phán đoán của họ về những người họ gặp trước đây, giả sử như Kate, đồng nghiệm cũ của bạn là người hơi buông thả chẳng hạn. “Chúng tôi không nghĩ đó là một ví dụ mực thước,” Pexman nói thêm.

Các nhà văn như Charles Dickens biết giá trị của tính biểu tượng trong tên các nhân vật để nhấn mạnh tính cách của họ. Nghiên cứu cho thấy ngay cả những người không biết về câu chuyện cũng phán đoán rằng Oliver Twist dễ mến và Fagin thì không.

Pexman hiện đang thực hiện một nghiên cứu để xem liệu tên gọi của một người có thể ảnh hưởng đến xác suất được chọn vào làm việc sau khi phỏng vấn như thế nào. “Chúng tôi có những đoạn ghi hình về những người được phỏng vấn tìm việc và chúng tôi sẽ kiểm soát tên của những ứng viên đó trước khi người khác đánh giá họ,” cô nói.

“Tên gọi có nghĩa lý gì đâu?” William Shakespeare đã hỏi chúng ta trong “Romeo và Juliet”. “Hoa hồng dù tên là gì thì hương vẫn ngọt.” Chà, có khi là không đâu.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo Discover Magazine)
 
×
Quay lại
Top