Tâm lý xã hội - Tại sao chúng ta có thể dửng dưng trước những nỗi đau?

Pagodasto

Thành viên cấp 2
Thành viên thân thiết
Tham gia
11/6/2013
Bài viết
12.016
Vào ngày 13 tháng 3 năm 1964, một tên vốn đang theo dõi bỗng nhiên không ngừng đâm Kitty Genovese và cưỡng bức cô ngay trước căn hộ của Kitty ở Queen, New York lúc 3:30 rạng sáng. "Ôi trời ơi, hắn đâm tôi!" Kitty thét lên như thế, "Có ai đó không, giúp tôi với." Cửa sổ hé mở và đèn bật sáng, có ít nhất 38 người nghe thấy tiếng kêu cứu của cô. Kẻ tấn công cô vội chạy đi nhưng sau đó quay lại và cưỡng bức cô thêm lần nữa. Cho đến khi hắn đã thật sự trốn đi thì mọi người mới bắt đầu gọi cảnh sát. Lúc đó đã là 3:50 sáng.

Ngày nay trên báo đài, chúng ta gặp không ít các trường hợp có người bị tấn công ngay chốn đông người nhưng không người nào nguyện ý dừng lại giúp đỡ, ngay cả một lời hỏi thăm cũng không. Gần đây trên Facebook lan truyền một video do một diễn viên nổi tiếng người Ấn Độ đóng. Anh giả trang thành một người bị thương rất nặng và kêu gọi sự giúp đỡ của người đi đường, không một ai dừng lại. Hàng chục chiếc xe ô tô lái ngang qua một người đầy máu, gương mặt hằn đầy sự đau đớn và van lơn. Không một chiếc xe nào dừng lại, một tiếng đồng hồ trôi qua. Anh gục ngã trên đường và đến lúc ấy mới có người đến xem thử trong khi bệnh viện chính cách nơi anh nằm không đến 1km.

Chúng ta hẳn vẫn còn nhớ vụ em bé người Trung Quốc bị xe tải đâm phải , nằm ngất xỉu ngay bên lề đường một khu chợ đông đúc có hàng trăm người qua lại. Vẫn không một ai buồn đến xem cô bé có làm sao không, không ai buồn đến nhắc cha mẹ cô bé. Đến khi cô bị một chiếc xe thứ hai cán qua, và được một người hốt rác bồng lên và đưa đến bệnh viện thì mọi người mới bắt đầu có phản ứng.

Có người hỏi, phải chăng đạo đức xã hội đã suy đồi đến mức như vậy? Phải chăng xã hội càng đi lên thì con người càng trở nên máu lạnh và vô lương tâm?

Để tìm câu trả lời cho những vấn đề nhức nhối này, hai nhà tâm lý xã hội học đã thực hiện thí nghiệm ngay tại phòng nghiên cứu của họ ở một trường đại học. Sinh viên của trường tham gia một cuộc thảo luận qua bộ đàm. Mỗi người được ở trong một phòng nhỏ và chỉ người nào bật microphone lên thì mới nghe được người khác nói gì. Một trong những sinh viên này là người thực hiện thí nghiệm. Khi đến lượt mình, anh khiến giọng mình nghe như người bị động kinh và kêu cứu. Kết quả sẽ như thế nào?

Những người tin rằng chỉ có mình nghe được tiếng kêu cứu thì nghĩ rằng mình phải chịu trách nhiệm và họ chạy đến giúp nạn nhân. Còn những người nghĩ rằng người khác cũng nghe thấy tiếng kêu cứu như họ thì hành động y như những trường hợp mà tôi nêu trên, mặc kệ.

Hai nhà tâm lý học Darley và Latane lý giải rằng chúng ta chỉ giúp người khác nếu trường hợp tai nạn khiến chúng ta, thứ nhất , chú ý đến nó, thứ nhì, phân tích nó thành trường hợp nguy hiểm, cấp cứu, và thứ ba, cho rằng chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ.

Vậy thì tại sao trong trường hợp của Genovese và ngay cả trong thí nghiệm trên, những người nghe được đều biết đó là trường hợp nguy hiểm nhưng họ lại từ chối giúp đỡ?

Khi có nhiều người cùng nghe một lời giúp đỡ thì trách nhiệm đáp ứng lời giúp đỡ đó không còn tập trung vào một cá nhân nhất định nào nữa mà được chia ra cho những người khác. Họ cảm thấy không nhất định phải là họ đi giúp nạn nhân, có rất nhiều người ở đây, sẽ có người giúp đỡ , họ không cần nhúng tay vào, miễn phiền phức và dẫn đến các trường hợp đáng tiếc mà tôi nêu ra ở đầu bài.

Các nhà tâm lý xã hội học đã thực hiện hàng trăm thực nghiệm khác để kiểm chứng đồng thời hy vọng tìm ra yếu tố khác tác động đến hành vi của mỗi cá nhân trong xã hội. Kết quả lớn nhất mà họ thu được được gọi dưới tên "Sự can thiệp của người qua đường" ( Bystander Intervention ), bất kỳ người qua đường nào cũng ít có khả năng giúp đỡ nạn nhân nếu có sự hiện diện của một người qua đường khác. Khi chỉ có một mình với nạn nhân thì tỷ lệ giúp đỡ khoảng 40% , dưới sự có mặt của 5 người khác thì tỷ lệ đó chỉ có 20%

Ngoài ra còn có những tác nhân từ bên trong ảnh hưởng đến quyết định có giúp đỡ người khác hay không của mỗi người. Đó là chúng ta cảm thấy có lỗi, cảm thấy người bị nạn có phần nào giống chúng ta, chúng ta thấy người khác giúp đỡ nên muốn góp tay, hay chúng ta đang vui vẻ... Trong những tác nhân đó thì tác nhân cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc có mặt hầu hết trong các thực nghiệm và là một trong các tác nhân quan trọng nhất. Bất kể vì lý do gì mà người ta cảm thấy vui vẻ, có thể là vì họ kiếm được tiền, hoặc họ thành công, thì họ thường rộng lượng và thường có khả năng ra tay giúp đỡ hơn hẳn những người khác.

Phát hiện này đồng nhất với tháp nhu cầu của Maslow. Tháp nhu cầu này cơ bản có 5 bậc được xây theo hình kim tự tháp theo thứ tự từ dưới lên trên là: Thể lý (nhu cầu được thỏa mãn ăn uống, nghỉ ngơi…), An toàn ( nhu cầu cảm thấy mình được bảo vệ và không bị nguy hiểm), Yêu và được yêu, được chấp nhận và tránh bị cô đơn hay bị chia rẽ, Được tin tưởng và coi trọng, Được thể hiện bản thân. Khi tầng dưới được thỏa mãn thì con người sẽ tiếp tục hướng lên tầng trên. Sau này khi về già, Maslow còn thêm vào mấy tầng nữa nhưng những nhu cầu cơ bản nhất và được chấp nhận rộng rãi nhất thì chỉ có 5 tầng này. Tùy vào nhu cầu mỗi người mà vị trí các tầng có thể thay đổi, ví dụ như với một số người thì được thể hiện bản thân mình cần thiết hơn là được yêu.

Khi những nhu cầu cơ bản nhất của con người được thỏa mãn thì người ta mới bắt đầu mở lòng hơn và thường hay giúp đỡ người khác hơn.

Một yếu tố khác có thể tác động lên tâm lý và khiến người khác chần chờ không giúp đỡ người bị nạn là “Áp lực từ nhóm và sự tuân thủ” (Group pressure and conformity) . Sự tuân thủ ở đây nghĩa là việc điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với quan điểm của cả nhóm. Để làm rõ khái niệm tuân thủ này, Solomon Asch đã thực hiện một thí nghiệm nhỏ. Ông đưa ra một tấm hình, phía bên trái là đường thẳng tiêu chuẩn, phía bên phải là ba đường thẳng khác nhau. Solomon hỏi những người tham gia cuộc thí nghiệm này, đường thẳng nào ở phía bên phải là đường thẳng tiêu chuẩn. Bạn nghĩ, “Dễ òm, là đường thứ 2.” Và những bạn nói ra kết quả của mình theo sau những người khác. Sau đó một vài câu hỏi tương tự nữa và bạn bắt đầu cảm thấy thí nghiệm này thật là chán. Nhưng bạn chợt nghe ai đó nói đường thứ 3 mới là đường tiêu chuẩn. Bạn cười khẩy, và cho rằng người đó thật là ngu, nhưng tiếp đến người thứ hai, thứ ba, thứ tư đều khẳng định đường số 3. Bạn bắt đầu hoang mang, tim đập mạnh hơn. Và khi đến lượt bạn trả lời, bạn sẽ làm sao? Bạn sẽ nói ra suy nghĩ của mình và trở thành kẻ lập dị trong nhóm, hay là thuận theo số đông?

Với thí nghiệm này của Asch, trong hàng ngàn sinh viên tham dự và có hơn 1/3 số sinh viên “thông minh và biết suy nghĩ” đã chọn cách bỏ qua suy nghĩ của mình và hướng theo số đông. Quay trở lại các trường hợp mà tôi nêu ra ở đầu bài, chính tâm lý hướng theo số đông này một phần ngăn cản họ giúp đỡ người bị nạn vì họ không muốn trở nên “khác người”. Sự tuân theo số đông này càng mạnh bản thân họ cảm thấy không an toàn không có khả năng (trong trường hợp đầu bài thì những người đứng quan sát sợ bị dính vào rắc rối không thể thoát ra), nhóm người từ ba người trở lên (các trường hợp trên luôn xảy ra ở nơi có hàng chục, hàng trăm người) , nhóm toàn những người không quen biết nhau, những người khác trong nhóm dõi theo hành động của những người còn lại (đến khi có một người đi về phía người bị hai hoặc giúp đỡ người bị hại thì người khác mới bắt đầu theo).

Để tôi kể bạn nghe về một trải nghiệm của tôi. Có một ngày tôi đang trên đường về đi ngang qua một cửa hàng đã đóng cửa và thấy một nhóm các bạn trẻ đang giơ tay vẫy nhờ xe. Bản thân đã được dặn là không bao giờ cho người lạ đi nhờ xe nên mặc dù tôi rất muốn dừng nhưng lý trí bắt buộc tôi phải lái tiếp. Đi được một đoạn khá xa, tôi vẫn không thể xóa nổi hình ảnh mấy bạn nhìn mệt mỏi, chật vật, ba lô lỉnh kỉnh. Cảm giác tội lỗi dâng lên và tôi lái xe quay lại hỏi. Hóa ra mấy bạn đi tour du lịch từ Ai Cập đến, nói tiếng anh rất khó nghe và mấy bạn đã bị trễ chuyến bus cuối cùng nên xin nhờ đi quá giang. Nhưng chỗ các bạn muốn đi rất xa, ngược đường nhà tôi khoảng một tiếng mà lúc ấy tôi đang ở nhờ nhà chị họ và chị ấy rất nghiêm nên tôi không thể mạo hiểm để bị chửi được nên tôi đề nghị gọi taxi cho mấy bạn và tôi sẽ trả tiền. Nhưng mấy bạn không đồng ý, mấy bạn rất cảm ơn vì lòng tốt của tôi nhưng các bạn quyết định đợi đến khi bus tuyến khác tới, có thể sẽ phải chuyển trạm mấy đợt. Mấy bạn xin quá giang chỉ hy vọng về nhà sớm một tý, nhưng các bạn thật không muốn tôi tốn tiền. Khi tôi về nhà và kể lại câu chuyện này, mọi người ai cũng bảo tôi ngu và cấm tôi không được làm như thế nữa. Ngoài mặt thì tôi đồng ý (tâm lý hướng theo đám đông, tôi không muốn bị chửi) nhưng trong lòng tôi quyết định nếu có lần sau, tôi nhất định sẽ làm như thế. Mặc dù tôi chẳng làm được gì nhưng ít ra tôi cũng thấy yên lòng vì mình đã làm hết sức và không thấy thẹn với những giá trị đạo đức mà tôi đã học. Bởi vì tôi quan niệm rằng mình giúp đỡ người khác thì khi mình gặp nạn sẽ có người khác giúp lại mình.

Tâm lý xã hội còn rất nhiều khía cạnh nhưng tôi chọn khía cạnh này để phân tich một phần là vì hiện tượng làm ngơ trước người bị hại càng xuất hiện nhiều trong cuộc sống chúng ta và nó góp phần khiến cho xã hội ngày càng đi xuống, con người ngày càng ích kỷ và vụn vặt hơn. Và xin hãy nhớ, khi bạn giang tay giúp đỡ người khác trong khi những người còn lại đứng nhìn thì không phải bạn lập dị, khác người mà chính là nhận thức của bạn hơn hẳn những người còn lại. Bạn biết chuyện gì nên làm và không nên làm, bạn biết gieo hy vọng niềm tin vào cuộc sống và giữ lửa cho niềm hy vọng ấy. Con người sống theo tập thể, sinh hoạt văn hóa bầy đàn, nhưng đừng để bản ngã của bạn, những gì bạn tin tưởng là đúng bị đồng hóa, bị lu mờ đi dưới những cái tôi vị kỷ khác. Hãy giữ một trái tim thật nóng và một cái đầu thật lạnh để quan sát, để lý trí làm mờ đi nỗi sợ hãi và nghi ngờ, để những giá trị đạo đức một lần nữa vượt lên trên những toan tính nhỏ nhặt h.ãm hại nhau.
 
×
Quay lại
Top