Ta biết gì về biến chủng mới Omicron?

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Từ nguồn gốc đến khả năng ảnh hưởng, đây là mọi điều ta biết về Omicron.

Ảnh minh hoạ: Shutterstock.

Ảnh minh hoạ: Shutterstock.​

Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên một biến chủng coronavirus mới là “Omicron” và xác định đó là một “biến chủng đáng lo ngại”.

Nhưng điều gì khiến biến chủng SAR-CoV-2 này trở nên khác biệt và tại sao các nhà khoa học lo ngại về chúng? Đó là vì biến thể này chỉ mới được phát hiện gần đây, còn quá nhiều điều ta vẫn chưa biết về chúng.

Các nhà khoa học lo ngại vì Omicron có số lượng đột biến rất cao, nhiều đột biến xảy ra trong gen mã hoá protein gai mà chủng coronavirus này dùng để gắn vào và xâm nhập tế bào con người. Những chứng liệu đầu tiên cho thấy người đã hồi phục sau COVID-19 có thể có nguy cơ tái nhiễm Omicron cao hơn so với những biến chủng trước đây, theo một tuyên bố từ WHO.

Nhưng mức độ nghiêm trọng và khả năng lây nhiễm của Omicron vẫn chưa được hiểu rõ, cũng như không rõ
những vắc xin COVID-19 hiện tại sẽ chống lại nó thế nào. Các chuyên gia cho biết có thể vắc xin sẽ kém hiệu quả hơn do sự hiện diện của những đột biến này, nhưng vẫn sẽ có khả năng phòng bệnh. Từ nguồn gốc đến khả năng ảnh hưởng, đây là mọi điều ta biết về Omicron.

Nguồn gốc

Giới chức trách ở Nam Phi lần đầu báo cáo với WHO về Omicron (B.1.1.529) ngày 24/11, sau khi số ca nhiễm ở tỉnh Gauteng tăng mạnh trong vài tuần trước đó. Ca nhiễm Omicron đầu tiên được ghi nhận là từ một mẫu bệnh phẩm được lấy ngày 9/11, và hiện tại số lượng ca nhiễm Omicron đang gia tăng khắp Nam Phi, theo một tuyên bố từ WHO.

Dù Nam Phi là quốc gia đầu tiên báo cáo với WHO về Omicron, nhưng vẫn chưa rõ biến chủng này xuất phát từ quốc gia nào, theo NPR. Nhiều nước từ đó đã đặt ra lệnh cấm đối với nhiều quốc gia phía nam châu Phi bao gồm cả Nam Phi. “Những lệnh cấm này gần như không có ích lợi gì,” Saad Omer, giám đốc Viện Sức khoẻ Toàn cầu Yale chia sẻ với NPR. Omicron cũng đã được phát hiện tại Canada, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Anh, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Scotland, Botswana, Israel, Australia và Hong Kong, theo tờ The Washington Post.

Xét nghiệm PCR thông thường có thể phát hiện biến chủng Omicron và dễ dàng phân biệt nó với các biến chủng khác nhờ vào một đột biến ở một trong ba gen là đối tượng của xét nghiệm này. “Bằng phương pháp này, biến chủng này đã được phát hiện ở tốc độ nhanh hơn so với những làn sóng lây nhiễm trước đây,” theo WHO.


Những đột biến

Omicron có hơn 30 đột biến trong gen mã hoá protein gai, theo tờ Nature. Trong số những đột biến ấy, có 10 đột biến nằm trong “vùng gắn kết thụ thể” (receptor binding domain), hay còn gọi là phần protein gai bám vào tế bào con người, theo tờ The Guardian.

Trong khi đó, các đột biến khác (một số đã được tìm thấy trong các biến chủng trước) là “đáng lo ngại” và có thể có khả năng lây nhiễm cao hơn hoặc có thể giúp virus lẩn tránh các hàng rào miễn dịch, theo bản tóm tắt chuyên môn do WHO công bố ngày 28/11.

“Khả năng lây nhiễm mạnh hơn của Omicron xét trên cấp độ toàn cầu là ở mức cao”, bản tóm tắt trên cho biết.


Mức độ nghiêm trọng

Vẫn chưa có thông tin gì về việc Omicron có gây bệnh nặng hơn so với các biến chủng trước đó hay không.

Những chứng liệu ban đầu cho thấy tỷ lệ nhập viện đang gia tăng ở Nam Phi, “nhưng điều này có thể là do tổng số người nhiễm bệnh ngày càng tăng chứ không phải là kết quả của sự lây nhiễm cụ thể với Omicron,” theo WHO. Chỉ khoảng 24% dân số Nam Phi được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ, theo tổ chức Our World in Data.

Những ca nhiễm đầu tiên được báo cáo ở Nam Phi đều là sinh viên đại học, “những người trẻ hơn có xu hướng bệnh nhẹ hơn.” Tuy nhiên chỉ có khoảng 6% dân số Nam Phi từ 65 tuổi trở lên, theo tờ Telegraph. Nên vẫn chưa rõ liệu biến chủng này có gây bệnh nặng hơn đối với những người có nguy cơ cao hay không, chẳng hạn như người già.

Không có chứng liệu chắc chắn nào cho thấy những triệu chứng của Omicron khác với những triệu chứng của các biến chủng trước đây, theo WHO.

Nhưng Tiến sĩ Angelique Coetzee, bác sĩ tư và là chủ tịch của Hiệp hội Y tế Nam Phi, trả lời phỏng vấn BBC rằng những bệnh nhân nhiễm biến chủng mới mà bà gặp cho đến nay đều có triệu chứng “cực kỳ” nhẹ.

Trong số vài chục bệnh nhân đã xét nghiệm dương tính với COVID-19 bà gặp gần đây, phần lớn là những thanh niên trẻ và khoẻ mạnh nhưng lại “cảm thấy rất mệt mỏi.” Không ai trong số những bệnh nhân của bà mất vị giác hay khứu giác, và không ai cần phải nhập viện, theo tờ BBC.

Tuy nhiên những báo cáo giai thoại ban đầu có thể gây hiểu lầm và vẫn còn quá sớm để kết luận Omicron gây bệnh nhẹ hơn hay nặng hơn so với những biến chủng trước.


Khả năng lây nhiễm

Vẫn chưa rõ liệu Omicron có dễ lây từ người sang người hơn so với những biến chủng trước đó hay không.

Số người ở Nam Phi có xét nghiệm dương tính với COVID-19 đã tăng lên ở những khu vực đang chống chọi với Omicron, nhưng vẫn chưa rõ con số gia tăng này có thể được giải thích bằng sự lây lan của biến chủng mới không hay là do các yếu tố khác, theo WHO.


Tính hiệu quả của vắc xin

Cũng chưa biết được mức độ hiệu quả của những vắc xin COVID-19 hiện tại đối với Omicron.

Phần lớn vắc xin COVID-19, kể cả những loại được sử dụng tại Hoa Kỳ, tiếp sức cho hệ miễn dịch đặc biệt chống lại protein gai. Vì Omicron có nhiều đột biến ở protein gai nên các chuyên gia lo ngại rằng những vắc xin hiện tại có thể sẽ kém hiệu quả hơn trong việc tập huấn hệ miễn dịch để nhận dạng chúng.

“Dựa trên nhiều công trình đã thực hiện ở các biến chủng khác và đột biến khác, chúng tôi có thể khá tự tin những đột biến này sẽ gây ra một sự suy giảm đáng kể khả năng trung hoà của kháng thể,” nói cách khác là khả năng kháng thể gắn vào virus và ngăn chặn chúng xâm nhập tế bào con người, nhà sinh vật học tiến hoá Jesse Bloom tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, Seattle cho biết.

Nhưng các chuyên gia cho rằng dù vắc xin có thể kém hiệu quả hơn với Omicron, nhưng chúng có thể vẫn còn tác dụng phòng bệnh.

“Tôi nghĩ suy giảm chứ không phải mất [miễn dịch] hoàn toàn là kết quả khả dĩ nhất,” nhà miễn dịch học Paul Morgan tại Đại học Cardiff cho biết. “Dù một số kháng thể và dòng tế bào lympho T được sản sinh để chống lại các phiên bản virus trước, hay chống lại vắc xin có thể không hiệu quả, nhưng vẫn sẽ có những kháng thể khác còn tác dụng.”

Hơn nữa tế bào T, hay tế bào miễn dịch tấn công tế bào bị nhiễm virus có thể “không bị ảnh hưởng” lắm trước các biến chủng khác nhau so với kháng thể, giáo sư Danny Altmann của khoa miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London cho biết.

Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới, bao gồm cả những nghiên cứu viên tại Pfizer-BioNTech và Moderna, hai công ty chế tạo hai loại vắc xin
COVID-19 mRNA được sử dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ, đang nghiên cứu tìm hiểu mức độ hiệu quả của vắc xin trước loại biến chủng này, theo tờ The Times.

“Nếu ta phải chế tạo một vắc xin hoàn toàn mới, tôi nghĩ thời điểm đó sẽ là đầu năm 2022 trước khi nó được sản xuất với số lượng lớn,” giám đốc y tế của Moderna Paul Burton cho biết. Vắc xin COVID-19 của Pfizer và Moderna được sản xuất dựa trên công nghệ mRNA nên phát triển và chỉnh sửa nhanh hơn so với những loại vắc xin trước đây.

“Điều tuyệt vời về vắc xin mRNA, nền tảng của Moderna, là ta có thể đi được rất nhanh,” Burton cho biết.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo Live Science)
 
×
Quay lại
Top