Sự buồn rầu - mối quan tâm đến bản thân.

rubi_mos2002

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
28/10/2011
Bài viết
824

Tham khảo chương 15 sách " the subtlety of emotions" của Aaron Ben Zeev.

Sự buồn rầu ( sadness ) là một cảm xúc tiêu cực hướng đến sự bất hạnh của chính người đó. Trong khi sự thương hại quan tâm đến bất hạnh của người khác thì sự buồn rầu quan tâm đến bất hạnh của chính họ. Trong ý nghĩa này, nó bao gồm một sự đánh giá tiêu cực sâu sắc hơn. Sự buồn rầu gắn liền với một sự kiện tiêu cực cụ thể liên quan đến bản thân chúng ta thì đó là nỗi buồn bình thường ( ordinary sorrow ). Khi sự kiện trở nên quan trọng hơn, và nỗi buồn mãnh liệt hơn , chúng ta sẽ mô tả đặc điểm thái độ cảm xúc của mình là buồn rầu ( sadness ). Sự buồn rầu thì sâu sắc hơn và kéo dài hơn nỗi buồn bình thường, nó thường là một tình cảm ( sentiment ) hơn là một cảm xúc. Những trường hợp cực đoan của sự buồn rầu có thể chuyển thành sự rối loạn cảm xúc buồn phiền ( the affective disorder of depression ).

Bên dưới sự đánh giá tiêu cực sâu sắc về hoàn cảnh của chúng ta, sự buồn rầu điển hình không gắn liền với sự kháng cự mà gắn với sự thụ động và cam chịu khi đương đầu với sự việc hằng ngày. Quả thật, những hoạt động điển hình của một trạng thái buồn rầu là nghe nhạc và đi ngủ. Tuy nhiên, sự buồn rầu cũng có thể dẫn đến việc khuyến khích tự xem xét bản thân mang tính xây dựng. Một chức năng chính của sự buồn rầu là giúp con người nhận thức rõ hơn về những gì họ đánh giá cao và giữ gìn nó.

Không giống như sợ hãi - mong đợi về một sự kiện sẽ xảy đến , sự buồn rầu là một phản ứng trước một sự kiện đã xảy đến hoặc được xem là không thể tránh khỏi và do đó có thể được xem là một sự kiện đã xảy đến. Không giống với sự tội lỗi và xấu hổ, trong sự buồn rầu, cái tôi không nhất thiết phải chịu trách nhiệm về vấn đề. Như trong sự tức giận, trách nhiệm có thể thuộc về người khác , nhưng không như giận dữ, sự buồn rầu có thể không ám chỉ riêng ai. Điển hình là , chúng ta không giận dữ trước một trận động đất, nhưng sự hủy hoại gây ra bởi động đất có thể làm chúng ta buồn rầu. Cả buồn rầu và giận dữ đều bao gồm niềm tin rằng tình huống có thể được đảo ngược, nhưng trong khi sự buồn rầu đưa đến sự chấp nhận mất mát thì sự giận dữ bao gồm niềm tin rằng sự mất mát đó có thể thay thế được. Trong một nghiên cứu, một người cố ý can thiệp vào mong ước của một đứa trẻ. Đứa trẻ bộc lộ sự tức giận và buồn rầu theo những tỷ lệ khác nhau, nhưng sự buồn rầu được bộc lộ nhiều hơn khi sự can thiệp là của người mà trẻ ít kiểm soát được ( 1 giáo viên ) và tức giận nhiều hơn khi đó là một người bạn đồng trang lứa.

Grief : nỗi đau buồn, thương tiếc.

Grief là một kiểu buồn rầu sâu sắc nhất. Nó liên quan đến cái chết, nỗi bất hạnh lớn lao nhất mà chúng ta gặp phải : nó thể hiện sự ra đi ( không thể thay đổi ) của người rất gần gũi và có giá trị đối với chúng ta. Bởi tác động sâu sắc của cái chết nên sự thương tiếc tập trung vào cùng một vấn đề trong một khoảng thời gian dài. Phần lớn những thông tin mới không liên quan đến cường độ của sự thương tiếc. Do đó, sự thương tiếc điển hình sẽ phát triển thành một tình cảm và trong những trường hợp cực đoan là sự suy nhược ( depression ).

Thỉnh thoảng sự thương tiếc cũng liên quan đến những bất hạnh - không bao gồm cái chết - nhưng được xem là ác nghiệt như cái chết. Sự thương tiếc cũng có thể hướng đến người mà đời sống tinh thần thay đổi tệ đi và chúng ta bất lực trong việc đương đầu với thay đổi này. Do đó, chúng ta đôi lúc thương tiếc cho một bệnh nhân Alzheimer's . Một số người thương tiếc vì đứa con họ thay đổi tôn giáo. Hoặc những trường hợp phản bội, bỏ rơi và chia ly khỏi một người thương yêu cũng tạo ra sự thương tiếc.

Mặc dù sự thương tiếc được phân loại như một cảm xúc hướng đến sự bất hạnh của người khác, nó cũng có liên quan nhiều đến sự bất hạnh của chính chúng ta. Nếu sự thương tiếc quả thật là cảm xúc sâu sắc nhất mà ta có, một người có thể tự hỏi tại sao cảm xúc sâu sắc nhất của chúng ta lại bị kích hoạt bởi bất hạnh của người khác và không phải của chính chúng ta. Sự thật là, phần lớn mối quan tâm trong sự thương tiếc là sự bất hạnh của chính chúng ta hoặc cảm giác mất mát. Cái chết của người ta yêu thương bị đánh giá tiêu cực không đơn thuần vì chúng ta tin là con người này đang chịu đựng đau khổ vào lúc này hoặc đánh mất những điều mà cô ấy có thể sẽ được trải nghiệm, nó cũng vì chúng ta cảm nhận một điều gì đó trong chúng ta đã chết, rằng cuộc sống chúng ta đã mất đi một khía cạnh quý giá.

Tôi đã đưa ra giả thuyết là sự liên quan mang tính cá nhân ( personal concern ) là quan trọng trong cảm xúc và do đó, chúng ta cảm thấy buồn rầu hơn khi đứa con của mình bị thương hơn là khi chúng ta nghe tin về cái chết của một người xa lạ. Khi chúng ta xem những ai gần gũi với mình như một phần của mình, thường thì chúng ta sẽ muốn làm tổn thương chính mình , và trong những trường hợp cực đoan thậm chí là hy sinh cuộc sống của mình để bảo vệ những người gần gũi với ta.

Sự thương tiếc của cha mẹ trước cái chết của đứa con có lẽ là cảm xúc mạnh liệt nhất mà một người có thể trải nghiệm. Bởi vì tác động to lớn của sự kiện nên mối liên quan so sánh trở nên ít quan trọng hơn. Do đó, quy luật chung của "đồng bệnh tương lân" không thể áp dụng trong trường hợp này. Khi cha mẹ mất con nghe tin về cái chết của một đứa trẻ ở gia đình khác, thay vì nỗi buồn của họ giảm xuống, nó có xu hướng quay lại tâm trí họ về cái chết của con, do đó làm tăng thêm sự thương tiếc.

Nỗi thương tiếc đứa con thường kéo dài suốt cuộc đời họ : rất khó để cha mẹ tiếp tục cuộc sống bình thường vì họ đang ngập tràn bởi những ý nghĩ và kí ức của đứa con. Thỉnh thoảng sự thương tiếc của họ có thể làm nguy hại đến mối quan hệ với đứa con còn sống. Điều này là bởi giữa những đứa con, cha mẹ có xu hướng lý tưởng hoá đứa con đã chết và đồng nhất hoá quá mức đứa con còn sống với đứa đã chết. Một vấn đề thú vị là liệu cường độ của nỗi thương tiếc của cha mẹ có giảm xuống qua các năm . Nhiều cha mẹ xác nhận rằng cường độ của sự thương tiếc của họ vẫn duy trì như cũ trong suốt cuộc đời họ. Tuy nhiên, những nghiên cứu cho thấy tác động của sự mất mát giảm đi với thời gian, tuy nhiên vẫn tiếp tục qua năm tháng. Tác động này dưỡng như to lớn hơn đối với phụ nữ. Nó có thể là trường hợp cha mẹ chịu đựng mất mát có những thay đổi cá nhân , như trở nên dễ bị tổn thương hơn do tuổi già, đương đầu với sự đau buồn, thương tiếc trở nên khó khó khăn hơn, nhưng điều này không nhất thiết cho thấy cường độ thương tiếc trở nên lớn hơn. Quả thật, những cha mẹ trẻ tuổi hơn dường như có khả năng thích nghi tốt hơn trước mất mát và phục hồi nhanh hơn sau cái chết của con.

Bởi cường độ mạnh mẽ của thương tiếc, trong phần lớn các nền văn hoá và tôn giáo có những khuôn mẫu hành vi đi cùng với sự thương tiếc. Những khuôn mẫu đó được đề nghị nhằm điều hoà sự thương tiếc ở mức độ / tỷ lệ phù hợp. Hai tục lệ chính trong truyền thống người Do Thái là shiva và một năm để tang. Tục lệ shiva tức là tất cả thành viên gia đình ngồi trong nhà của người chết trong 7 ngày. Chức năng cảm xúc của tục lệ này là làm giảm một chút cường độ của nỗi thương tiếc khi nó đang ở đỉnh điểm : bằng cách ngồi với những thành viên gia đình, có những cuộc nói chuyện , đón tiếp bạn bè đến gửi lời chia buồn , cường độ của nỗi đau cá nhân có thể giảm xuống. Tục lệ để tang 1 năm yêu cầu đứa trẻ có cha mẹ chết , đọc kinh cầu nguyện cho cha mẹ ít nhất 2 lần/ ngày. Chúng không được đi đến những sự kiện xã hội. Chức năng cảm xúc của tục lệ này ngược với shiva : giữ cho cường độ thương tiếc ở mức độ thích hợp tại thời điểm chúng có xu hướng giảm xuống. 

Cường độ thương tiếc cũng bị ảnh hưởng bởi những hoàn cảnh được thể hiện ở trách nhiệm, sự sẵn sàng, sự xứng đánh. Ví dụ về trách nhiệm, sự thương tiếc có thể giảm một chút nếu cái chết của người ta yêu là do những hoàn cảnh khách quan. Cha mẹ có con tự tử hoặc chết vì tai nạn cảm thấy có lỗi nhiều hơn cha mẹ có con chết vì bệnh hiểm nghèo. Cái chết liên quan đến tự tử hoặc tai nạn được xem là có thể ngăn ngừa và do đó càng có khả năng gây ra cảm xúc tội lỗi.

Sự sẵn sàng của chúng ta đối với cái chết của một ai đó gần gũi mình cũng có thể ảnh hưởng đến sự thương tiếc. Khi chúng ta biết trước về cái chết của người đang mắc bệnh hiểm nghèo trong một thời gian dài thì sự thương tiếc của chúng ta luôn luôn ít mãnh liệt hơn trường hợp cái chết đột ngột.

Sự cô đơn

Sự cô đơn là một kiểu của sự buồn rầu : đó là nỗi buồn xuất phát từ sự thiếu vắng những mối quan hệ xã hội mong muốn. Sự cô đơn bao gồm một sự không nhất quán giữa khao khát và mức độ đạt được những tương tác xã hội của một người; nó có thể được mô tả như một sự khảo khát cảm xúc về sự thân mật trong những mối quan hệ cá nhân và những mối quan hệ xã hội. Người cô đơn không chỉ muốn người khác trở thành một phần trong cuộc sống của họ mà thậm chí muốn là một phần cuộc sống của người khác. Họ muốn trở thành một đối tượng cảm xúc nhiều hơn là một chủ thể cảm xúc.  Người cô đơn cảm thấy bản thân mình vô giá trị, không đặc biệt đối với ai cả. Điều này có thể giải thích tại sao chất lượng những mối quan hệ với các thành viên gia đình ít có khả năng ngăn ngừa hoặc cải thiện trải nghiệm cô đơn. Những thành viên gia đình ở với chúng ta không phải do sự lựa chọn của ta mà vì họ được sinh ta trong mối quan hệ này; bạn bè thì trái lại, lựa chọn tình bạn và cho thấy giá trị đặc biệt của chúng ta.

Thái độ của những người khác đối với chúng ta là trung tâm mối quan tâm của ta trong sự cô đơn. 
 
Mặc dù người cô đơn mong muốn có nhiều mối quan hệ thân mật và ý nghĩa với những người khác thì họ thường gửi những thông điệp thể hiện sự hờ hững. Nỗi sợ thất bại trong việc thiết lập những mối quan hệ, trong phần lớn trường hợp được hỗ trợ bởi trải nghiệm quá khứ, tạo ra một thái độ tiêu cực đối với những mối quan hệ và người khác. Người cô đơn cũng kỳ vọng người khác lưu giữ quan điểm tiêu cực về họ. Thái độ tiêu cực này của người cô đơn là một loại cơ chế phòng vệ cho nhằm chống lại khả năng thất bại trong việc phát triển những mối quan hệ với người khác. Sự không nhất quán giữa những gì người cô đơn mong muốn và những gì họ kỳ vọng đã tạo thêm bất hạnh cho hoàn cảnh khó khăn của họ.

Chúng ta nên phân biệt giữa sự cô đơn ( loneliness ) và ở một mình ( being alone ) . Ở một mình nghĩa là một cá nhân không ở với người khác, trong khi đó , sự cô đơn là một hiện tượng chủ quan và có thể được trải nghiệm cho dù cá nhân đó có ở cùng người khác hay không. Người cô đơn có thể không ở một mình và người ở một mình không nhất thiết là cô đơn; tuy nhiên, người ta thường giả định là hai cái đó tương quan nhau.

Sự cô đơn có thể được xem như 1 loại cảm xúc hướng đến những mối quan hệ xã hội được khao khát. Tuy nhiên, nó không phải là một cảm xúc điển hình vì sự cô đơn không hướng đến một đối tượng cụ thể. Sự cô đơn thường kết hợp với sự xấu hổ, e thẹn, tội lỗi, lo sợ và thất vọng; mỗi trạng thái cảm xúc ám chỉ về vấn đề mà ta có với lòng tự trọng của mình.

Sự cô đơn luôn luôn bị đánh giá theo cách tiêu cực vì nó thể hiện sự tách rời khỏi những mối quan hệ xã hội - là trung tâm cuộc sống con người. Nhưng ở một mình theo cách chủ động , được gọi là sự đơn độc ( solitude ) có nhiều khía cạnh tích cực khi nó khuyến khích sự tự hiểu biết về bản thân và có một quan điểm tốt hơn về cuộc sống. Chúng ta dành nhiều thời gian để trò chuyện với người khác; chúng ta cũng có thể dành một số thời gian để nói chuyện với chính mình - thường thì trường hợp sau là thông minh hơn và đáng làm hơn. Cũng giống như những cảm xúc tiêu cực khác, sự cô đơn được đánh giá cao chừng nào mà nó chỉ mang tính tạm thời; khi nó trở thành một tình cảm thì nó liên quan đến cảm giác trống rỗng và rất khó để chịu đựng. Hạnh phúc đòi hỏi cả sự hỗ trợ từ môi trường xã hội và khả năng của chúng ta tách rời bản thân mình khỏi môi trường đó.

Giá trị tinh thần của sự buồn rầu.

Hạnh phúc được mọi người xem là có giá trị tinh thần cao : chúng ta mong đợi tất cả phấn đấu để đạt được hạnh phúc và làm người khác hạnh phúc. Sự buồn rầu ngược lại bị xem là điều gì đó mà tất cả chúng ta cần tránh. Những hoạt động tinh thần được đề nghị là những hoạt động làm tăng hạnh phúc và giảm nỗi buồn.

Mặc dù những điều trên là không thể tranh cãi thì vẫn đề này rất phức tạp. Để bắt đầu, ta cần làm rõ mục tiêu không nên loại bỏ nỗi buồn. Sự buồn rầu có thể là không thoải mái nhưng nó cực kì quan trọng cho những hành vi đạo đức , tinh thần. Nếu không có nỗi buồn và những thái độ cảm xúc tiêu cực liên quan đến sự buồn rầu thì tác động gây tổn thương lên người khác sẽ đơn thuần là trừu tượng. Sự buồn rầu thường đem đến cho chúng ta quan điểm điềm đạm nhất về cuộc sống. Hạnh phúc thường đạt được thông qua những ảo tưởng tích cực; còn trong nỗi buồn thì thực tế được hiểu biết tốt hơn. 

Tôi đã chỉ ra tầm quan trọng mang tính sinh tồn của việc thỉnh thoảng xem xét những khía cạnh không thoải mái của thực tế, nhưng điều này không có nghĩa là bỏ qua tất cả. Bằng cách nhận ra sự tồn tại hữu hạn và hạn chế của chúng ta, một số thứ thường đi cùng nỗi buồn, chúng ta có thể có một thái độ ân cần hơn đối với người khác. Sự khiêm tốn khá quan trọng cho những hành vi đạo đức.

Dường như một thái độ tinh thần có giá trị là hợp nhất giữa quan điểm hạnh phúc và buồn rầu. Sự buồn rầu có thể chiếm ưu thế hơn trong cuộc sống , nhắc nhở chúng ta về một vài khía cạnh hiện sinh sâu sắc của đời sống; sự hạnh phúc là một cách thức đương để đương đầu với những khía cạnh đó - thường bằng cách xem xét kỹ chúng. Sự hoàn toàn không biết gì về quan điểm nỗi buồn hiện sinh có thể ngăn cản chúng ta nhận ra những cam kết tinh thần sâu sắc mà ta nên có trước những sinh thể khác. Cuộc sống thiếu đi bóng dáng nỗi buồn và chỉ đơn thuần bao gồm niềm vui bất tận thì hơi giống với trạng thái lão suy ( senility ). Người lão suy có thể vui về toàn thời gian nhưng điều này là do họ đã đánh mất sự kết nối với thực tế; hậu quả là họ không còn được xem như những người đạo đức. Hành vi đạo đức đòi hỏi sự phân biệt giữa cái xấu, thường là nỗi buồn , và cái tốt, thường là niềm vui. Trạng thái vui vẻ của người nghiện ma tuý cũng đạt được bằng cách phớt lờ thực tế và do đó đánh mất khả năng con người để hành xử một cách đạo đức.

Nỗi buồn là không thoải mái nhưng nó có giá trị đạo đức, tinh thần cho việc cam kết của bản thân với những nghĩa vụ đạo đức sâu sắc. Hạnh phúc cũng có giá trị đạo đức nhưng với những lý do khác nhau : giá trị chính của hạnh phúc là giúp chúng ta tiến hành những việc làm đạo đức " nhỏ " hằng ngày. Nỗi buồn có lợi hơn trong việc dẫn đến những cam kết đạo đức; hanh phúc thì hữu ích hơn trong việc chuyển những cam kết đó thành những hoạt động hằng ngày. Người buồn rầu có thể nhận thức được quan điểm đạo đức sâu sắc nhưng trong nhiều hoàn cảnh , rất khó để họ chuyển những quan điểm này thành hành động đạo đức. Đạo đức đòi hỏi chúng ta trở nên buồn rầu và hạnh phúc ; cách thức hợp nhất chúng với nhau là một vấn đề phức tạp lớn của tâm lý học và đạo đức.



 
×
Quay lại
Top