Spider Man No Way Home - Bài học của SỰ TRƯỞNG THÀNH (cảm nhận phim)

Vu Vơ Cô Nương

Thành viên
Tham gia
14/11/2021
Bài viết
11
Spider-Man No Way Home _ Lại một bộ phim trong Phase 4 của Marvel ẩn chứa những ý nghĩa nhân văn sâu sắc về bài học của SỰ TRƯỞNG THÀNH ĐẠO ĐỨC CON NGƯỜI.

Thật sự đây là một bản phim mang lại cảm giác “trọn vẹn” về hành trình trở nên một siêu anh hùng thật sự không chỉ của Nhện nhọ Tom Holland, mà còn mang đến một cảm giác rất sâu sắc và đầy cảm xúc về hành trình đã qua của các Spider Man mà chúng ta đã từng được biết đến trước đây của Tobey và Andrew.

Mình không muốn nói quá nhiều về nội dung chi tiết của phim, nhưng sẽ spoil một vài chi tiết quan trọng, bạn có thể ra rạp xem phim và sau đó, đọc lại bài viết này. Để chúng ta có thể cùng nhau, cảm nhận được những bài học mà các nhà làm phim muốn nhắn gửi với một góc nhìn giàu cảm xúc và đầy tính nhân văn.

Bộ phim thật sự đã có những khoảnh khắc khiến mình lắng và xúc động.

****

(Đây là câu chuyện mình đã cảm nhận được theo góc nhìn của bản thân, còn bạn thì sao?......)

Nông nổi gây ra lỗi lầm

Hãy tưởng tượng rằng, năm 18 tuổi, cái tuổi vẫn được xem là đánh dấu bước đầu của việc “trưởng thành”, kết thúc những năm tháng trung học thật vui vẻ, từ một thiếu niên trở thành “người lớn”, với những quyết định mang tính bước ngoặc của cuộc đời.

Nhưng trước đó, những năm tháng của “tuổi nổi loạn”, ta thật sự đã có những hành động cũng khá ngông cuồng, bồng bột và rồi đã phải chịu hậu quả cho những hành động thiếu suy nghĩ đó.

Kể cả khi những gì ta làm ở cái tuổi ấy, mặc dù cũng mang lại một điều gì đó cũng khá tốt đẹp, đều là vì “lý tưởng” của bản thân, những điều ta vẫn cho rằng là đúng, nhưng có thể đã để lại một ấn tượng xấu, khiến ta vướng vào những điều tiếng không đáng có, từ dư luận, từ đám đông, mạng xã hội tha hồ chỉ trích, buông lời miệt thị.

Hay vì một quyết định sai lầm nào đấy của tuổi trẻ, thiếu sự cẩn trọng và tính quyết đoán, dẫn đến một kết quả không như mong muốn, và những tiếp diễn sau đó trở nên ngoài tầm kiểm soát với chúng ta.

Tất cả những điều đấy đã mang đến một ảnh hưởng tiêu cực, không chỉ với bản thân mà còn đến những người xung quanh chúng ta, là gia đình, là người yêu, bạn bè thân thiết.

Và rồi, để thay đổi, để trốn tránh, để che giấu đi những lỗi lầm ấy, ta lại tiếp tục hành động bằng “một-sai-lầm-khác”, không một sự cân nhắc kỹ lưỡng trước đó, chưa thử cách làm mang tính đúng đắn hơn, không có sự bàn bạc với những người thân xung quanh, thiếu tính quyết đoán, thiếu sự chuẩn bị, tự ý quyết định mọi hành động bằng một suy nghĩ “tưởng là có lý” (lý tưởng). Để rồi ta phải nhận lại một cái giá còn đắt hơn, thậm chí là mất đi người dì thân yêu của mình, như anh chàng nhện nhọ Peter Parker của năm 18 tuổi. Cuối cùng, rơi vào hố sâu của sự mặc cảm, tự ti, tội lỗi, ân hận cho những gì đã qua, nhưng đã muộn rồi, vì những gì đã xảy ra đã thành chuyện “đã rồi”.

Chấp nhận cho hành động thiếu suy nghĩ?

Trước năm 18 tuổi, sự non yếu, bồng bột của chúng ta, có thể được nhiều người sẵn sàng dang tay giúp đỡ, dọn dẹp tàn cuộc, thông cảm cho sự thiếu chính chắn. Như Spider Man của Tom Holland có chú Tony Stark (Iron Man) trước đây làm người dẫn dắt, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật; chú trợ lý Happy luôn đồng hành trợ giúp; dì May lúc nào cũng lo lắng yêu thương. Và trong phần phim này, Dr. Strange cũng sẵn sàng vì cậu làm một điều vô cùng rủi ro theo thỉnh cầu là được giúp đỡ bạn bè có cơ hội được đi học, được xã hội chấp nhận.

Những người lớn ấy, ở vai trò như bố mẹ, cha chú, luôn có mặt những lúc cần thiết, khi một "đứa trẻ" phải lựa chọn, cảm thấy lay hoay, mất định hướng, đưa ra những lời khuyên đúng đắn với kinh nghiệm của họ.

Tuy nhiên, khoảng cách về thế hệ cũng đã dẫn đến một sự tranh đấu giữa hai bên, vì ai cũng muốn bảo vệ ý kiến của bản thân mình. Chính người lớn, cũng e sợ rằng "đứa trẻ" sẽ không vượt qua được mặc cảm bản thân nếu gặp thất bại. Vì với kinh nghiệm họ, chắc chắn mọi chuyện đều không dễ dàng, và không phải lúc nào cũng như mình muốn.

Nhưng, những người trẻ ngày nay, luôn mong muốn được sống đúng bản chất của mình, được tự quyết định hành động của bản thân, không cần biết kết quả sẽ ra sao. Vẫn muốn thử sức với những rủi ro, nguy hiểm dù có thế nào và luôn mong cầu một sự "tôn trọng".

Và thường, trong cuộc chiến ấy, với sự thông minh, nhanh nhạy trong việc thích ứng với thời đại. Đứa trẻ vẫn chiếm ưu thế hơn, và mặt nào đó, người lớn cũng vẫn sẵn sàng kiên nhẫn cho "phép thử" của những đứa trẻ. Để rồi, nếu không may mắn, sự thất bại cũng trở thành hiển nhiên. Và đứa trẻ, vẫn phải lãnh hậu quả.

Trước năm 18 tuổi, khi ta “còn nhỏ”, chuyện được thông cảm, du di cho một lỗi sai, một quyết định bồng bột, dường như cũng khá dễ dàng.

Nhưng khi mọi chuyện “đã rồi”, ở năm 18 tuổi, đã bước sang “tuổi trưởng thành”, ta liệu rằng “còn cơ hội thứ 2 để sữa chữa”?...

Nhìn lại bản thân. Suy sụp hay tiếp tục?

Khi ta đang rơi vào hố sâu của sự tuyệt vọng ở cái tuổi 18, ta hoang mang không biết nên phải làm gì mới đúng, đang đau khổ, tự trách mình vì những gì ta đã gây ra, đã chọn lựa. Ta vô tình gặp được mình của 10 năm sau, khi đã trở thành một thanh niên có nhiều trải nghiệm hơn ta của hiện tại, và gặp được cả ta của 20 năm sau, khi đã trở thành một con người chính chắn, tràn đầy kinh nghiệm chinh chiến. Đến bên chúng ta, và cho ta một sự an ủi.

Và rồi, ta đã thắc mắc, như Nhện Tom trong No Way Home, “liệu rằng các anh có thật sự trải qua những điều như em vừa trải qua không, các anh có hiểu được đau khổ của em hiện tại không, em đã đánh mất gia đình của mình rồi…”

Họ đã dừng lại một phút giây để trầm tư suy nghĩ. Nhưng không phải bởi họ không hiểu mà bởi để cảm nhận nỗi đau mà họ cũng đã từng trải qua như Nhện nhỏ, và đã phải chấp nhận đó là một phần con người của mình, để tiến lên phía trước và “trưởng thành”.

Đó là một Nhện Andrew đầy cảm xúc vẫn day dứt khi đã không cứu được MJ của mình (Gwen), đã đánh mất tình yêu của mình, nhưng vẫn phải bước tiếp.

Là một Nhện Tobey vô cùng chính chắn, cũng đã phải chịu nỗi đau mất đi bác Ben, người thân duy nhất còn lại, anh mới thật sự trở nên thành một anh hùng như anh của giờ đây.

Làm sao mà họ không hiểu được cảm giác của Nhện Tom vừa trải qua chứ? Rất hiểu. Thậm chí, với nhiều trải nghiệm hơn hẳn trong cuộc đời, họ đã phải trải qua nhiều thứ còn hơn thế nữa.

Nhưng cuối cùng, tất cả chúng ta đều phải hướng về phía trước. Vẫn còn cơ hội để tiếp tục một điều gì đó, chứ không phải là cứ thế tuyệt vọng.

Vậy, thông điệp “còn cơ hội thứ 2 để sửa chữa?”. Theo bạn hiểu, điều này có nghĩa là gì?

Là cơ hội để chúng ta có thể quay ngược lại quá khứ, để thay đổi lựa chọn của mình?

Hay cứ thế trả lại mọi thứ về nơi vốn có của nó, để rồi, mình thật sự không cần chịu bất kỳ mọi trách nhiệm nào cho sự lựa chọn “đã từng”, cho những gì thực sự đã xảy ra…

Dừng…..

Với những bạn đã bước qua độ tuổi 27-28, bây giờ các bạn hãy thử thay đổi góc nhìn một chút. Nếu các bạn, đứng ở vị thế của Peter Parker của 10 năm, 20 năm sau. Đặt trường hợp là câu chuyện của bạn, nhìn lại quá khứ của mình, các bạn có thực sự muốn thay đổi những gì trong quá khứ đã từng diễn ra, hay ước rằng, phải chi mình đã có một lựa chọn khác????

Ừm…Có thể có bạn sẽ nghĩ vậy…ước gì như thế. Nếu thật sự có cơ hội để thay đổi, có thể, bạn sẽ có lựa chọn khác để có kết quả tốt hơn. Nhưng vấn đề là, quay trở lại thời điểm nào đây (nếu quay trở lại được), hay thay đổi, là thay đổi cái gì đây?

Trong câu chuyện phép màu của bộ phim này. Nếu ví von hình ảnh chiếc hộp ma thuật của Dr. Strange như là “một cơ hội khác” để được quay trở về quá khứ chẳng hạn hoặc được phép thay đổi một điều gì đó trong quá khứ. Hay như đúng trong phim, khiến tất cả mọi người quên rằng mình là ai?

Chỉ cần hô biến một cái, mọi thứ sẽ quay trở về nơi vốn có, quay trở về thế giới của nó, sau khi nó đã phá banh cái thế giới này? Và mình của năm 18 tuổi, không cần phải chịu trách nhiệm cho những thứ đó, không-cần-quan-tâm mọi thứ liệu thật sự có thể tốt hơn không nếu mình sửa chữa.

Và xem, những nhân vật phản diện trong No Way Home, đại diện cho “lỗi lầm” mình đã gây ra, chính mình đã mang họ đến thế giới này, để phá hoại thế giới mình, rồi, có chiếc hộp, trả mọi thứ về chỗ cũ, việc còn lại là trách nhiệm của đàn anh mình. Mình của năm 18 tuổi, không có trách nhiệm phải đi xử lý những “lỗi lầm” đó.

Theo bạn đó có phải làm cách đúng đắn không?...

Lời của dì May nhắn nhủ với Peter Nhện nhỏ: “Ai cũng có cơ hội thứ 2 để thay đổi”

Một thông điệp rất hay mà các nhà làm phim đã gửi gắm thông qua câu chuyện này. Nhưng chính xác, không phải là thay đổi quá khứ, hay hy vọng có thể đã làm một cách khác (ừ thì nó cũng có nghĩa thay đổi quá khứ mà).

Mà theo mình hiểu chính là cơ hội để làm một điều gì đó tốt hơn, là "sửa lỗi". Thay đổi để trở thành một phiên bản tốt hơn của mình, cải thiện mình ở hiện tại để có một tương lai tươi đẹp hơn.

Nếu ví von những ác nhân là những “lỗi lầm”, như mình đã đề cập ở trên, Peter của năm 18 tuổi đã cùng với các anh Nhện của mình, đã nắm bắt lấy “cơ hội thứ hai”, để cải hóa họ, trở thành người tốt, như là một cách để chịu trách nhiệmsửa chữa lỗi lầm cho những hành động đã qua.

Đúng vậy, việc luôn phủ định lỗi sai của mình sẽ không giúp ta tiến bộ hơn. Chấp nhận lỗi lầm của bản thân mới có thể trưởng thành, và chấp nhận quá khứ mới có được bản thân ở hiện tại.

Giả sử có cơ hội được quay ngược lại quá khứ thật, bạn có muốn thay đổi?

Nhìn ở góc độ của các Người Nhện đã trưởng thành, việc gặp được một bản thể khác của mình năm 18 tuổi, cũng giống như việc đang mình nhìn lại bản thân của mình ở quá khứ vậy đó. Và như bạn đã thấy, kể cả là khi đã ở độ tuổi trưởng thành hơn, Người Nhện của 10, 20 năm sau cũng vẫn chọn cách đồng hành cùng với Nhện nhỏ, để cải biến những ác nhân kia, đúng với mong muốn của Peter Parker của năm 18 tuổi. Chứ cũng không chọn cách là lập tức trả những người đó về thế giới của họ và sau đó, cái chết đến với những con người đó, là điều hiển nhiên.

Không biết bạn có cảm nhận được điều giống như mình cảm nhận thông qua câu chuyện này không. Các bạn suy nghĩ gì khi nhìn lại quá khứ của mình?

Với mình, mình thật ra thì cũng chưa đủ già dặn để gọi là chính chắn, đầy kinh nghiệm. Nhưng thật sự, khi nhìn lại mình của 10 năm về trước, đúng là có những quyết định bồng bột, thiếu tính quyết đoán, cũng khiến mình phải trả giá. Nhưng mình cũng không hy vọng sẽ thay đổi một điều gì đó đã xảy ra. Mà chỉ có thể bước tiếp, để trở thành bản thân của ngày hôm nay, và tiếp tục cải thiện cho một hơn cho tương lai tốt hơn.

Nhưng có lẽ, nếu thật sự có thể được làm lại một điều gì đó trong quá khứ, mà ta vẫn còn day dứt, ăn năn cho tới tận khi ta đã trưởng thành, thì chỉ là, ước gì ta đã cố gắng thực hiện nó một cách tốt hơn để mang lại một kết quả mỹ mãn hơn.

Nhện Andrew, đã vỡ òa biết bao khi cứu được cô bé MJ 18 tuổi, dù người ấy không phải là Qwen của anh, nhưng việc anh có thể cố hết sức để cứu được cô bé ấy, phần nào đó cũng an ủi được chính bản thân mình, giúp anh cảm thấy nhẹ lòng đi phần nào. Ít nhất, anh cũng đã không một lần nữa cảm thấy hối hận vì không thể làm tốt hơn.

Nhện Tobey cũng đã kịp thời ngăn cản Nhện Tom trong một phút chốc đứa trẻ ấy không kiểm soát được cảm xúc cá nhân, kịp thời không ra tay với Normal, kẻ thù không độ trời chung của anh ở vũ trụ của mình, kẻ đã gây ra cái chết của dì May của Peter Paker khi đến với vũ trụ này. Chính anh cũng muốn cho hắn thêm một cơ hội.

Và anh biết chắc chắn rằng, nếu chuyện đó thật sự đã xảy ra, Nhện Tom có thể sẽ dằn vặt bản thân mình trong suốt những năm tháng tiếp theo như anh đã từng. Và như thế, cũng đã đi ngược lại với ý định cải hóa ban đầu của họ, làm thế chẳng khác nào lại tiếp tục sai lầm khác, điều đó cũng đi ngược lại với bản chất lương thiện vốn có của Peter Parker.

Trên thực tế, chúng ta không thể quay ngược lại quá khứ, trong câu chuyện này, Dr. Strange cũng không thể làm được điều đó khi đã không còn sở hữu viên đá thời gian.

Đúng, những chuyện đã qua và không thể thay đổi, có lẽ chúng ta cũng dần phải tập chấp nhận nó thôi, và bước tiếp.

Nhìn ở góc độ đạo đức, thông điệp “Ai cũng có cơ hội thứ hai để thay đổi” còn mang một ý nghĩa còn nhân văn sâu sắc hơn nữa. Ai cũng có cơ hội để được làm lại cuộc đời, để trở thành một người tốt. Kể cả, với những người đã từng làm điều ác, cũng có thể được chấp nhận để sửa đổi.

Những nhân vật phản diện, họ vẫn có cơ hội để được một đường sống khi quay lại thế giới của họ. Sau khi đã được cải hóa để trở nên lương thiện. Đó là cách mà Người Nhện đã lựa chọn, đúng với bản chất đạo đức của Peter Parker nên là dù có là 18, 28 hay 38 tuổi, Peter của sau này, có quay lại quá khứ, thì vẫn lựa chọn đồng hành cùng với Peter 18 tuổi, để thực hiện điều mà họ cho là đúng đắn.

Nếu thật sự Nhện nhỏ ra tay với Normal, sau khi đã được tiêm huyết thanh người tốt, dì May cũng không thể sống lại, hành động đó cũng không khác gì những kẻ ác nhân thiếu lương tâm kia. Và trả thù, liệu có khiến cậu ấy hạnh phúc hơn? Hay lại tiếp hối hận cho một phút nông nổi của mình.

Đấy cũng là một bài học về đạo đức rất hay mà nhà làm phim đã gửi gắm thông qua câu chuyện này.

Quay lại câu chuyện về SỰ TRƯỞNG THÀNH

Năng lực có thật sự đủ để làm một điều gì đó lớn lao?


Theo mình, việc Peter Parker có suy nghĩ, hy vọng có thể thay đổi được, cải biến được những nhân vật phản diện, ác nhân trở nên lương thiện hoàn toàn là một điều rất tốt. Ở góc độ trưởng thành, đó hành động chịu trách nhiệm và sửa lỗi cho những sai lầm mình đã gây ra. Nhìn ở góc độ đạo đức, cũng mang lại một ý nghĩa nhân văn sâu sắc như mình đã phân tích ở trên.

Nhưng tại sao, ở thời điểm khi Dr. Strange đưa ra lời khuyên về việc trả lại những ác nhân về thế giới của họ, và Nhện nhỏ đã giành lấy chiếc hộp và không cho điều ấy xảy ra, được xem là hành động nông nổi.

Nhưng khi được gặp các anh Nhện trưởng thành, và cùng họ cảm hóa các ác nhân đó, lại được xem là hành động đúng đắn và đúng với bản chất, lương tâm?

Xét về năng lực, thời điểm, Peter đấu tranh với bác Strange để được làm điều đó, thì cũng nên nhìn lại khả năng của mình có đủ sức để làm được điều đó “một mình”. Không có bất kỳ sự hỗ trợ từ bất cứ ai, kể cả bạn bè của mình. Nếu không đủ năng lực, thì tiếng nói phải đủ sức thuyết phục để tìm kiếm sự giúp đỡ.

Thế nhưng, cậu cũng lại tự ý quyết định quyết định mọi thứ. Nên là, mặc dù có ý tốt, nhưng cách hành động thiếu sự tính toán, và không đủ năng lực đã khiến cậu lãnh hậu quả.

Chỉ khi có sự giúp đỡ của các anh Nhên và bạn bè, một lần nữa sức mạnh của teamwork và lòng kiên định, đã phát huy được tác dụng, và giúp cho Nhện nhỏ đạt được mục đích của mình.

Qua đó, chúng ta cũng thấy rằng, trước khi quyết định một vấn đề quan trọng, mang tính rủi ro cao, cũng cần phải đánh giá khả năng của bản thân, suy nghĩ kỹ trước khi hành động và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết.

Để học được bài học của “sự cẩn trọng” này, Peter cũng đã phải trả giá quá đắt, trước khi cậu có thể biết nên làm thế nào mới đúng.

Sự trả giá cho những quyết định sai lầm

Sau khi đã chịu trách nhiệm cho những quyết định sai lầm của bản thân, sửa chữa những "lỗi lầm", những ác nhân đã được cảm hóa và quay về thế giới của họ. Nhưng hậu quả của những quyết định ban đầu vẫn chưa chấm dứt, đó là những vết nứt của sự hỗn loạn đa vũ trụ vẫn chưa được vá lại, thì giờ đây, chính cậu bé Peter 18 tuổi, càng phải có lựa chọn mang tính dứt khoát, điều mà cậu không làm được trước khi học được tính trách nhiệm, để giải quyết những tiêu cực tiếp diễn do cái sai lầm mà cậu gây ra ban đầu.

Phép thuật, cho Người nhện của chúng ta, một "cơ hội" để thay đổi, thì việc cậu thanh niên 18 ấy có thể thay đổi giờ đây, chính là phải “quyết đoán” hơn, kể cả đó là một quyết định vô cùng khó khăn, là khiến cho tất-cả-mọi-người quên mình là ai.

Và một lần nữa, bài học của "sự trưởng thành" đó là phải chấp nhận cái giá cho những lỗi lầm mà mình đã gây ra, mà có lẽ rất nhiều người trưởng thành trong xã hội này, cũng đã thấm thía được bài học đấy, “sự cô đơn”.

Như một chú nhện thật sự với đặc tính của giống loài, đó là luôn một mình, sống đơn độc, lẻ loi. Ở những ngóc ngách tối tăm, bụi bặm, ít người chú ý, chú nhện vẫn ngày ngày giăng tơ để sinh tồn, mà không cần ai biết đến sự nỗ lực chăm chỉ ấy của mình.

Thế đấy, giờ đây không còn ai bên cạnh Peter Parker 18 tuổi, gia đình, người yêu, bạn bè, không còn ai biết cậu là ai, không còn tổ ấm để quay về, không còn nơi để có thể nương tựa, Spider Man - No Way Home.

Tiêu đề của bộ phim, như một sự đúc kết ngắn gọn cho hành trình tiếp nhận những bài học đầu tiên của "sự trưởng thành" mà cậu bé ấy đã trải qua và đón nhận tuổi 18 mới mẻ của mình, với chặng đường tiếp theo của cuộc đời phía trước sẽ còn nhiều nhiều thử thách gian nan hơn nữa...

Mình xin phép được kết thúc bài viết của mình ở đây. Hy vọng sau khi xem phim và đọc được bài viết này, các bạn có thể tìm thấy được câu chuyện của mình trong đó, để cùng đón nhận những thông điệp rất hay ho mà nhà làm phim đã gửi gắm. Cám ơn các bạn đã đọc hết bài cảm nhận này của mình nhé!?

_Vu Vơ Cô Nương_
Ngày 10/01/2022
 
×
Quay lại
Top