Số phận những dòng sông Tây Nguyên - Những phận người trên dòng sông Ba

lilyNguyen

Chứng chỉ gái quê
Thành viên thân thiết
Tham gia
28/2/2011
Bài viết
122
15974_so_phan_dong_song.jpg
Nhà máy tuyển quặng Khang của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xả nước thải
Sông Ba là một trong những con sông lớn ở Tây Nguyên có chiều dài 374km, bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô (Kon Tum) chảy qua địa phận tỉnh Gia Lai, sau đó về Phú Yên và đổ ra biển Đông. Bao năm qua, dòng sông này không chỉ góp phần điều hòa khí hậu mà còn cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho cả triệu cư dân sinh sống trong vùng. Trong những ngày ngược dòng sông Ba, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến dòng sông này đang ngoắc ngoải !
<!--[if !supportLists]--><!--[endif]-->1.Khoảng 30km dòng sông từ Krông Pa lên Ayunpa (Gia Lai), đâu đâu cũng bắt gặp những đàn bò gặm cỏ giữa dòng sông. Khô cạn đến nỗi có nhiều đoạn chúng tôi không nhận ra đâu là dòng sông, dù đã có bản đồ và được người dân chỉ dẫn. Lão nông Ksor Thin (ở xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) đã chuyển từ nghề đánh cá sang nghề chăn bò từ mấy năm qua bồi hồi nhớ lại: "Trước đây dòng sông này nhiều cá lắm, mỗi ngày quăng lưới cũng được vài ba chục kí. Nhưng bây giờ không hiểu sao dòng sông lại cạn như thế này…".
Tới huyện Ia Pa, những cánh đồng lúa đã chết cháy vì thiếu nước. Bến nước làng Blôm (xã Kim Tân) là nơi sâu nhất của dòng sông Ba qua huyện Ia Pa, ngày trước, nơi đây là nguồn nước sinh hoạt của hàng trăm người dân trong vùng. Còn giờ đây, bến nước đục ngầu và cạn trơ đáy. Trên những bãi cát bồi nổi lên giữa sông, hàng chục người dân cả già lẫn trẻ đang moi cát lên để lấy nước sạch về dùng. Em Mai Lam (14 tuổi, ở thôn Blôm) cho biết, mỗi ngày hai buổi em đều ra đây moi cát lấy nước cho gia đình dùng. Gia đình em có bốn người nên mỗi lần như thế em phải mang trên lưng 2 can nước to đùng thì mới đủ. "Trước đây, nhà em lấy nước trong giếng của làng để nấu cơm. Nhưng giếng làng cạn rồi, bây giờ em phải giúp mẹ ra sông lấy nước".
Khi mới thành lập huyện Ia Pa, chính quyền đã khoan 3 giếng nước phục vụ các cơ quan, công sở, trường học khu trung tâm hành chính huyện. Nhưng do các giếng đều bị nhiễm vôi và phèn nặng nên chỉ dùng để tắm rửa chứ không nấu ăn, hay uống gì được cả. Trong khi đó, nhà máy nước của huyện lại không hoạt động. Trạm bơm số 1 của Nhà máy Nước Ia Pa cũng đặt cạnh bến nước làng Blôm nằm im đã lâu rồi. Chỗ lấy nước của trạm đã cạn khô và dơ bẩn, còn chiếc vòi rồng hút nước đã lòi lên mặt đất. Anh Trần Văn Tâm (xã Kim Tân) cho biết, từ đầu năm đến nay nhà máy nước của huyện mới hoạt động có một ngày và chỉ được hai tiếng đồng hồ là hết nước. Vì thế, dù bến nước Blôm đã dơ bẩn nhưng anh Tâm và con cái đều phải ra đây để tắm.
2.<!--[if !supportLists]-->Dưới chân đập Thủy điện Kanak, xe múc đang hối hả múc cát giữa lòng sông cho xe tải chở đến chân đập thủy điện. Ông Đinh Vưm (57 tuổi, ở làng Groi, thị trấn Kbang) nhà ở dưới chân đập tranh thủ lúc thủy điện xả chút ít nước đã ra sông tắm. "Từ khi ngăn đập thủy điện đến nay, dòng sông đã không còn nước nữa rồi. Cả làng này uống nước sông Ba. Bây giờ sông cạn biết lấy nước đâu để tắm, để ăn?".
Nhiều bến đò ngang cũng dần đi vào dĩ vãng. Con đò bao năm chở khách qua lại dòng sông của ông Tương (ở thôn 4, xã Nghĩa An) nằm lặng thinh bên bờ sông, còn ông chủ cũng đã lên nương, lên rẫy. Khúc sông Ba ngăn cách xã Nghĩa An với xã Đắc H'lơ nước cạn đến đầu gối, cho nên khách đi đò ông Tương bây giờ không phải đi đò nữa. Họ cứ chạy xe máy vùn vụt qua sông tưởng chừng như đây chưa hề là một dòng sông. Cụ bà Thái Thị Đẻ (76 tuổi, mẹ ông Tương) sống ở đây từ năm 1975 nhớ lại: "Mấy năm trước chưa có thủy điện, bến đò khi nào cũng tấp nập người đi lại. Vì thế, ngày nào con trai tôi cũng thu được vài ba trăm nghìn. Nhưng bây giờ nó bỏ đi làm rẫy rồi vì sông cạn quá còn ai đi đò"…
15976_em_mai_lam.jpg
Em Mai Lam ở làng Bloom, xã Kim Tân, huyện IaPa moi cát giữa sông Ba để lấy nước

Chúng tôi về làng Tờ Mật (xã Đông) khi trời đã xế chiều. Trải dài bên sông là những cánh đồng mía, những cánh đồng lúa xanh mướt. Một số người dân đi làm đồng về đã chặn chúng tôi lại. "Nhà báo phải không? Anh xem nhà máy lọc quặng thiếc đổ thải xuống sông kìa? Giúp chúng tôi với chứ thế này thì đồng ruộng cũng chết theo sông mà thôi…". Họ chỉ tay về phía Nhà máy Tuyển quặng Kbang của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai phía ngọn núi bên dòng sông cách đó chừng vài cây số. Theo chân ông Đinh Ách qua những đồng ngô, ruộng lúa chừng 20 phút, cuối cùng chúng tôi cũng đến "con suối đỏ" của Nhà máy Tuyển quặng đổ xuống sông Ba. Cả một đoạn sông dài khoảng 500m đỏ lòm, đặc quánh bùn thiếc. Còn những ruộng lúa xung quanh đó đất đã đổi từ màu nâu sang màu đỏ. Nhà ông Đinh Ách sống nhờ vào 5 sào lúa ở đây, nhưng hai năm qua đã không thu hoạch được bao nhiêu nữa vì nước thải quặng thiếc tràn lên ruộng. "Không làm thì không biết lấy cái gì để ăn, chứ cái đất đỏ này làm cây lúa mọc không nổi đâu. Nói với xã rồi nhưng chả có ai xuống hỏi thăm hay đền bù gì cả". Trước đây các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai đã đi kiểm tra và cấm nhà máy xả nước thải quặng xuống sông rồi mà bây giờ vẫn thế? "Đoàn kiểm tra đi rồi thì họ lại xả xuống sông, chỉ còn người dân ở lại phải chịu hậu quả".
3.<!--[if !supportEmptyParas]--><!--[endif]--><!--[endif]-->"Ai đi qua cầu sông Ba mà không bịt mũi thì có lẽ đã bị mất mùi rồi"! Câu nói đùa của một cán bộ thị xã An Khê (Gia Lai) quả đúng. Khi chúng tôi đến đây, cả dòng sông bốc mùi hôi thối nồng nặc không chịu nổi. Dưới chân cầu, dòng sông chỉ còn là những vũng nước đen đặc và dơ bẩn với đầy rác thải. Nhiều người dân phản ánh "thủ phạm" làm dòng sông hôi thối là do các nhà máy đường, nhà máy mì, nhà gỗ…xả thải xuống sông.
Ghé quán cà phê nằm cạnh cầu sông Ba. Quán cà phê này vốn đông khách nhất thị xã An Khê, nhưng từ đầu năm đến nay đã thưa thớt hẳn vì "thực khách không chịu nổi mùi hôi thối bốc lên từ sông Ba". Không gian đẹp với nhiều cây cối nhưng không một bóng khách, chúng tôi gọi nước hồi lâu mới thấy chủ quán xuất hiện. Vội vàng xin lỗi vì sự chậm trễ, chủ quán Đặng Đức Hiệp tâm sự: "Sông thối quá, nên quán vắng khách lâu nay! Có khách đến quán, vừa mang nước ra họ đã vội vã bỏ đi, nhưng tôi không dám hỏi tiền vì sợ mất khách". "Tôi không muốn dẹp quán vì hy vọng mai mốt dòng sông sẽ không còn thối và khách sẽ trở lại" - nói vậy rồi anh Hiệp bần thần nhìn xuống sông Ba.
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top