Sinh viên -Sẵn sàng để chọn một nghề

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
635108-imageviewthumbnailid-391947.png
Được định hướng sớm, thí sinh sẽ chủ động hơn trong việc chọn ngành nghề.

Tại sao có nhiều người trúng tuyển ĐH, học ròng rã 4-5 năm nhưng khi tốt nghiệp xong lại đòi... làm lại từ đầu? Việc đó xảy ra chỉ vì một lý do là họ đã chọn nghề không phù hợp với mình. Nếu quay ngược được thời gian, họ sẽ thay đổi quyết định. Nhưng tiếc rằng điều đó là không thể. Để né tránh “rủi ro”, thất bại, cách tốt nhất là chuẩn bị cho mình đầy đủ nhất hành trang có thể. Nếu chủ quan bỏ qua những nguyên tắc đơn giản, các bạn có thể sẽ làm phức tạp thêm bản đồ tương lai của mình.

Định hướng sớm nhất có thể

Về nguyên tắc, việc định hướng chọn ngành, nghề của thí sinh phải được thực hiện từ rất sớm. Nghĩa là nó mang tính định hướng chứ không chỉ diễn ra ngay trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Sẽ là khập khiễng nhưng nếu so sánh về mức độ kinh phí cho việc định hướng nghề nghiệp để học và thi cũng giống như ba mức độ trong ngành y là phòng bệnh, điều trị và cấp cứu sẽ thấy tác dụng rất lớn của nó. Nếu lo trước 1 đồng chi phí dự phòng sẽ giảm được 9 đồng điều trị trước khi tránh được 100 đồng cấp cứu.

Đặc biệt, khi việc chọn lựa xuất phát từ sở thích, nguyện vọng của bản thân thì sẽ bền vững hơn. Việc chọn ngành không phù hợp ảnh hưởng rất lớn, theo hướng tiêu cực, đối với việc học hành và công việc của các thí sinh sau này. Hướng nghiệp là vấn đề lớn và đi trước một bước. “Hướng nghiệp và tuyển sinh, tuy hai mà một”. Thi vào ngành nghề nào, trường nào, ở đâu có thể nói là có nhiều tiêu thức lựa chọn.

Tuy nhiên, xuất phát điểm của thí sinh khi chuẩn bị vào ngưỡng cửa ĐH, CĐ, THCN... phải là sở thích, sở trường, năng khiếu. Đó mới là điều quan trọng và cốt lõi.
Tiếp theo đó mới là phải cân nhắc nhu cầu việc làm của ngành này. Nếu xác định được sẽ có ý nghĩa đối với cả cuộc đời, lâu dài hơn là tìm câu trả lời cho câu hỏi “Thi trường nào, ngành nào để dễ đậu?”. Bởi nếu đậu rồi nhưng chỉ là sự trú chân tạm bợ, chân đứng đó nhưng trong đầu lại không một chút tâm huyết gì với ngành nghề đó.

Lượng sức!

Kinh nghiệm cho thấy có nhiều sĩ tử học giỏi nhưng thi hoài không đậu, có em học khá thi rất chắc, đậu ngay lần đầu tiên. Thí sinh không nên chọn những nghề thật “cao siêu” mà không biết năng lực mình tới đâu. Thật ra, có khi gọi là nghề cao siêu với người này nhưng lại là “thấp siêu” với người khác. Trèo cao ngã đau là chuyện bình thường và không ai khuyến khích hậu quả này cả. Sau khi chọn ngành mình thích, nên lượng sức mình có thể vừa với những trường nhóm nào. Dĩ nhiên còn nhiều tiêu chí để tham khảo: nhu cầu xã hội, việc làm sau khi ra trường, điều kiện vị trí địa lý...

Ngành nghề hiện nay thì nhiều và đa dạng nhưng năng lực của con người có hạn, giới trẻ lại có quá nhiều ước mơ, hoài bão. Nói cách khác, sự lựa chọn nghề nghiệp hiện nay là rất phong phú và theo hướng tự do, tự nguyện. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp HS... bị lệ thuộc vào quyền quyết định của người khác để thi vào ngành mình không thích, bậc học không tương xứng. Nếu đậu chỉ là sự tạm trú, rất không chắc chắn.

Phân biệt “thích” và “hợp”

Có nhiều thí sinh thích học để sau này làm bác sĩ nhưng eo ôi, bạn đó hễ thấy máu là xỉu, thấy người khác xỉu là... ngất theo! Trong khi họ là người phù hợp với công việc gắn liền với thiên nhiên, hoa viên cây cảnh. Có bạn thích làm việc với máy tính nhưng hễ ngồi trước bàn phím gõ là hoa cả mắt! Trong khi bạn đó lại có năng khiếu hát rất hay và dẫn chương trình thì quá tuyệt. Vậy cái mình thích đâu có phù hợp? Đương nhiên, ngoại trừ những trường hợp khổ công rèn luyện và khắc phục được hạn chế của mình.
Có nhiều tiêu chí lựa chọn. Tiêu chí nào cũng có cơ sở. Khi đã có “cơ sở lý luận và thực tiễn” để lựa chọn thì thường là các bạn hài lòng về quyết định của mình. Tuy nhiên, sự hài lòng này dài hạn hay ngắn hạn, có bền vững hay không là do chính bản thân các bạn. Nên chọn theo sở trường, tránh xa sở đoản mới bền vững. Tuy vậy, cũng không nên quá bảo thủ, cực đoan mà hãy nghe những lời khuyên vì có khi các bạn không đủ thông tin. Các bạn nên trắc nghiệm sở thích nguyện vọng của mình có... bị ngộ nhận hay không!

ThS TRẦN ĐÌNH LÝ
Theo Tuoitre
 
Em đang học 11 và cũng không biết nên chọn trường nào! Đau đầu quá chị ak! Đúng như chị nói thích và hợp ? :KSV@08: :KSV@08:
 
×
Quay lại
Top