Sinh viên ra trường: Ám ảnh thất nghiệp

Sun Glare

Tân Sinh Viên
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/6/2009
Bài viết
2.855
Thời điểm ra Tết, nhiều sinh viên đã tốt nghiệp lại bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm công việc phù hợp, đúng chuyên ngành. Song, do thiếu kinh nghiệm, lại vào thời điểm kinh tế khó khăn nên khiến không ít cử nhân đành ngậm ngùi cảnh thất nghiệp.

sinh-vien-ra-truong-am-anh-that-nghiep-772113-1178.jpg

Ngọc Hùng (Thanh Oai, Hà Nội) đang đi tìm việc tại một số công ty ở Thanh Xuân, song không có kết quả.


Đứt gánh giấc mơ
Vùi mình ở căn phòng trọ ẩn sâu trong khu Phùng Khoang (Từ Liêm, Hà Nội), Nguyễn Thu Trang (quê ở Thanh Hóa) cặm cụi trong đống giấy báo, tờ rơi, ghi ghi, chép chép những thông tin cần thiết về việc làm. Trang chia sẻ: “Từ lúc ra trường đến giờ, công việc chính hàng ngày của em là lướt web, mua báo chắt lọc thông tin tuyển dụng, gọi điện tới nhà tuyển dụng để tìm hiểu thêm thông tin, lấy lịch nộp hồ sơ xin việc... Thậm chí, nhiều chỗ em còn tới tận nơi ứng tuyển, nhưng ròng rã vài tháng nay, công việc chả đâu vào đâu cả. Toàn những việc lương thấp, chẳng liên quan tới chuyên ngành học”.
Trang cho biết thêm, cô tốt nghiệp ngành Luật dân sự của Trường ĐH Luật Hà Nội đã vài tháng nay. Trước đây, thời còn học sinh cũng như khi bước chân vào giảng đường đại học, Trang rất nhiều hoài bão muốn học ngành Luật để giúp đỡ người dân về vấn đề pháp lý, bởi theo cách nghĩ của Trang, đất nước đang trên đà phát triển, nhu cầu về pháp lý sẽ rất cao, người dân, doanh nghiệp rất cần trợ giúp về luật, vì thế Trang sẽ có nhiều “đất” để dụng võ. Thế nhưng, đến lúc ra trường dù đã dự liệu trước sẽ rất khó khăn khi xin việc nhưng Trang lại không nghĩ tìm việc lại khó khăn đến vậy.
Theo các chuyên gia về nhân lực, hiện tại có rất nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết họ đều phải đi làm trái nghề, thậm chí làm các công việc lao động phổ thông. Phần lớn tân cử nhân, kỹ sư chỉ đáp ứng được ở mức trung bình so với yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Nhiều em chưa xác định được khả năng của bản thân, không ít em có những mong muốn xa rời thực tế. Dù cơ hội vẫn có nhiều, nhưng các nhà tuyển dụng thường lựa chọn những người có kinh nghiệm thay vì những sinh viên vừa mới ra trường.
Trang tâm sự: “Tìm việc đã khó, tìm công việc theo đúng chuyên ngành học của em lại càng khó, rất ít thông tin tuyển dụng ngành học này. Ra trường rồi mà vẫn phải xin tiền bố mẹ, cũng thấy buồn lắm, nhưng giờ mà bỏ về quê cũng chẳng có việc gì phù hợp. Em đành bám trụ lại Hà Nội, vì dù sao trên này cơ hội tìm việc cũng nhiều hơn ở quê. Em cũng đang tính đến phương án đi làm trái nghề, chứ giờ cũng phải kiếm tiền tự trang trải sinh hoạt phí của mình”.
Gian nan tìm việc
Ra trường được gần 4 tháng nay, Ngọc Hùng (Thanh Oai, Hà Nội) tốt nghiệp loại khá ngành Tài chính của một trường ĐH lớn ở Hà Nội cũng đang “vật vã” kiếm việc làm mà vẫn chưa tìm được công việc phù hợp. Từ lúc ra trường, Hùng đã tìm thông tin việc làm trên các trang mạng như: việc làm 24h, Vietnamworks… Sau đó, Hùng tổng hợp lại “danh sách” các mối quan hệ bạn bè, người thân xem có chỗ nào tuyển thì nộp hồ sơ vào. Tuy nhiên, mọi chuyện không dễ như Hùng đã “vẽ”.
Ngọc Hùng chia sẻ: “Tìm việc trên mạng số lượng đầu việc rất hạn chế. Công việc đúng chuyên môn thì ít, khó khăn tiếp đến là do việc ít mà người thì nhiều nên tuyển dụng yêu cầu khắt khe, nhiều người có kinh nghiệm bị mất việc hay bị sa thải thì nộp vào mới có cơ hội cao, chứ sinh viên mới ra trường như bọn em rất khó cạnh tranh do chỉ học sách vở, các công ty có nhận vào cũng phải đào tạo lại. Mà các công ty đã đăng tuyển tức là đang rất cần người, nên họ sẽ chỉ chọn người làm được việc luôn. Em đi phỏng vấn ở một ngân hàng, ứng tuyển vào phòng chăm sóc khách hàng, họ yêu cầu ứng viên tối thiểu 1 năm kinh nghiệm nếu không sẽ không nhận hồ sơ”.
Để phần nào thấy được khó khăn của Ngọc Hùng khi đi xin việc, trong buổi sáng 26/2, PV Báo GĐ&XH cũng đã đồng hành cùng Ngọc Hùng đi xin việc trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội. Kết quả, nhiều doanh nghiệp thẳng thừng từ chối Hùng vì chưa có kinh nghiệm, một vài công ty cũng nhận hồ sơ rồi “ậm ừ” xếp lịch hẹn bữa khác tới phỏng vấn. Ngọc Hùng thất vọng cho biết: “Chắc em ráng xin vào doanh nghiệp nhỏ nào đó. Lương thấp cũng được, cốt lấy kinh nghiệm đồng thời đi học nâng cao trình độ cho đỡ lãng phí thời gian”.
Chấp nhận làm trái nghề, nhưng vẫn chưa xin được việc, Trần Nhật Thực vừa tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương cho biết: “Ngành em học là sư phạm mỹ thuật, nhưng ra trường chắc chỉ có 1/10 sinh viên là đi dạy học, còn lại là đi làm trái nghề hoặc thất nghiệp, chứ khó chen chân vào các trường học được. Học xong có thể xin vào các phòng tranh, xưởng mỹ thuật nhưng cũng ít nơi tuyển, lương cũng không cao. Em chưa xin được việc, thành ra vẫn ở nhà vẽ tranh rồi mang đi ký gửi các phòng tranh, cũng tạm đủ sống”.
Theo Gia Đình

 
Tìm việc giờ khó lắm , nhưng cái cốt lõi là phải kiên nhẫn , phải xác định cho rõ kênh nào tìm kiếm việc hiệu quả nhất cứ theo đó mà tìm dần .

1 phần mình tin chắc nhiều bạn sinh viên ra trường luôn có tư tưởng xin mức lương cao mới chịu làm . Rốt cuộc đi 10 chỗ không chỗ nào nhận rút cuộc cũng phải nhận chỗ lương thấp .

Khi mình ra trường điều mình xác nhận là đi làm để kiếm kinh nghiệm chứ không phải đi làm để kiếm lương cao . Nhiều bạn ra trường chưa gì đã vội nghĩ đến chuyện kiếm tiền rồi . Thất nghiệp là đúng rồi
 
×
Quay lại
Top