Sinh viên - Phải va chạm với thực tế

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Sinh viên học kỹ năng sống nhưng không ứng dụng được. Có quá nhiều công ty tham gia giảng dạy kỹ năng sống. Phải để sinh viên va chạm với thực tế để tích luỹ kỹ năng thực hành xã hội.

626780-phai-va-cham-sinh-vien-tham-gia-lam-duong-giao-thong-nong-thon.jpg
Đây là những vấn đề được Hội Sinh viên các trường đại học, cao đẳng nêu lên tại Hội nghị sơ kết "Đề án trang bị và bồi dưỡng kỹ năng thực hành cho sinh viên TP. HCM", giai đoạn 2010 - 2012 do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM tổ chức mới đây.

Chưa hút sinh viên

Nguyễn Triều Trung, Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH KHTN (ĐHQG TP. HCM) cho biết, việc trang bị kỹ năng sống cho sinh viên rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện tại chưa có một chương trình khung để đào tạo, giảng dạy kỹ năng này. Vào đầu năm học, Hội Sinh viên nhận được hàng trăm lời mời hợp tác, trích lại hoa hồng cao nếu để các công ty vào trường giảng dạy. Nguyễn Triều Trung nhấn mạnh: "Ở TP. HCM có hàng trăm công ty dạy kỹ năng sống, hàng ngàn diễn giả khiến sinh viên không biết nên tin chương trình nào. Hội Sinh viên thành phố và Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM nên lập danh sách các công ty có uy tín để Hội Sinh viên các trường dễ hợp tác". Phan Khương (Học viện Hành chính, cơ sở TP. HCM) cho rằng, các chương trình dạy kỹ năng sống chưa có giáo trình và bộ đánh giá chuẩn. Ai cũng có thể mở công ty và trở thành diễn giả. Phan Khương cho rằng, các khóa học kỹ năng sống thường có rất nhiều chiêu. Vì vậy, làm khảo sát sau khi kết thúc khóa học thường có kết quả rất cao. Nhưng học xong, sinh viên chẳng ứng dụng được gì.

Trong khi đó, diễn giả Bùi Trọng Giao cho rằng, sinh viên và ban giám hiệu các trường chưa quan tâm đúng mức đến việc đào tạo kỹ năng thực hành. Ông Giao dẫn chứng, vừa qua Nhà Văn hóa sinh viên TP. HCM có tổ chức chương trình tư vấn kỹ năng sống cho 20 trường nhưng không nhận được sự hưởng ứng. Đã có công văn gởi xuống trước nhưng khi đoàn tư vấn đến, chỉ có vài chục sinh viên tham dự, hội trường bài trí sơ sài. Lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng đang hiểu sai về dạy kỹ năng thực hành cho sinh. Qua khảo sát, hầu hết các trường đều dùng chính giảng viên giảng dạy các môn tự nhiên hoặc xã hội trong trường để đào tạo kỹ năng sống. Như vậy, sẽ không thể tạo ra kỹ năng cho sinh viên.

Đổi mới cách dạy

Phan Khương cho rằng, hiện tại không có công ty nào khảo sát hiệu quả của khóa học sau 1 - 2 năm. Vừa rồi, Khương cùng một số bạn đi khảo sát những sinh viên đã từng học kỹ năng sống, kết quả là sau vài tháng, những kiến thức học được ở các lớp kỹ năng sống đã bị lãng quên rất nhanh. Khương kiến nghị: "Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên các trường nên lồng ghép việc dạy kỹ năng sống vào các cuộc thi làm dự án, thực tập trong các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước… Phải để cho sinh viên tự đi xin tài trợ, tham gia các cuộc thi về dự án thì các bạn mới biết điểm yếu, mạnh của mình để tích lũy thêm. Nếu có thất bại, các bạn cũng có thêm kinh nghiệm để sau này bước vào đời".

Ông Quách Hải Đạt, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM cho biết, Đề án trang bị và bồi dưỡng kỹ năng thực hành xã hội cho sinh viên TP. HCM đang tiếp tục được triển khai trong năm học 2012 - 2013 với các hoạt động tăng tính thực hành hơn là giảng về lý thuyết như: Trang bị kỹ năng thông qua câu lạc bộ đội - nhóm, chuyên đề cà phê 360 độ, phỏng vấn thử - thành công thật, kỹ năng chuyên nghiệp - tìm việc hiệu quả, chìa khóa thành công…

Anh Lê Quốc Phong, Chủ tịch Hội Sinh viên TP. HCM, nhấn mạnh: "Kỹ năng là việc phải rèn luyện hằng ngày chứ không phải lên giảng đường ngồi nghe giảng vài buổi là xong. Vì vậy, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên các trường cần phải thay đổi cách tiếp cận theo hướng tăng tính thực hành, giảm lý thuyết".

Ơ vị trí tuyển dụng sinh viên, ông Trần Việt Quân, Tổng Giám đốc công ty Bách khoa Computer cho rằng, sinh viên có đi học hàng trăm lớp kỹ năng thực hành xã hội mà không đi làm thêm, không tham gia các hoạt động tình nguyện và công tác xã hội thì thiếu kỹ năng sống là điều tất yếu. Bốn năm học đại học mà sinh viên chỉ học và học thì dù có học tốt cỡ nào cũng thất bại khi đi vào cuộc sống thật. Theo ông Quân, khảo sát cho thấy, 95% sinh viên không có mục tiêu cụ thể của cuộc đời trong từng giai đoạn. Năm 2006, ông khảo sát 100 sinh viên năm thứ hai và thứ ba: "Sau 3 năm ra trường, bạn sẽ thực hiện và đạt mục tiêu gì?", có 20% sinh viên muốn làm chủ. Năm 2012, cũng với câu hỏi này nhưng có đến 90% sinh viên mong muốn làm chủ. Ông Trần Việt Quân cho rằng: "Sinh viên luôn muốn làm chủ mà những kỹ năng, khái niệm, kinh nghiệm trên thương trường chưa có, chưa bao giờ va vấp thì làm gì không thất bại. Vay tiền cha mẹ, bạn bè mở công ty rồi thất bại, nợ nần chồng chất rất dễ xảy ra".
Theo SVVN
 
×
Quay lại
Top