Sinh viên là niềm tin, là giấc mơ của tôi

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
GS.TS. Dương Nguyên Vũ đã ghi dấu Việt Nam trên bản đồ tri thức thế giới với ứng dụng toán tối ưu trong dự đoán và điều tiết lịch trình bay và công trình về đường bay tự kiểm soát.

Tốt nghiệp đồng thời trường Kiến trúc thuộc học viện Quốc gia mỹ thuật và trường Quốc gia cầu cống thuộc viện Công nghệ Paris (Pháp), năm 1990, Dương Nguyên Vũ trở thành tiến sĩ với đề tài liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Là một chuyên gia công nghệ thông tin nổi tiếng trong ngành hàng không thế giới, giáo sư của nhiều đại học danh tiếng, anh đã về nước khi đang sung sức nhất, kéo theo một “làn sóng trở về” của nhiều trí thức tên tuổi, để lập nên trung tâm Xuất sắc John von Neumann (JVN) (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Anh có thể kể một chút về người thầy đầu tiên đã khơi gợi trong anh tình yêu toán học?

Trường Lê Hồng Phong giữ một vị trí quan trọng trong tim tôi. Tôi lớn lên nhờ ngôi trường ấy, nhờ những người bạn đồng học ở đó và có được ngày hôm nay là nhờ các thầy cô ở đó. Trong các thầy cô dạy dỗ, thầy Cam Duy Lễ là người ảnh hưởng nhiều nhất đến tôi. Những bài toán thầy yêu cầu giải với hai phương pháp khác nhau, mà phương pháp thứ hai lúc nào cũng rất nhức nhối, đến nỗi nhiều khi tôi phải hỏi tại sao thầy hành học trò như vậy? Chính điều đó đã giúp tôi hiểu được một phần về sự sáng tạo trong toán học và cách dạy của thầy đã ảnh hưởng rất lớn đến tôi mà mãi sau này tôi mới cảm nhận được, đó là sự sáng tạo trong tư duy logic những tưởng khô khan và độc đạo. Con cám ơn thầy rất nhiều, thầy ạ.

Cuộc đời sinh viên ở xứ người của anh từng trải qua những tháng ngày thiếu thốn, cô đơn?

Có nhiều thử thách mà du học sinh đều gặp: ngôn ngữ, kiến thức, quan hệ... Riêng tôi, thử thách lớn nhất là: đói. Những năm đầu tiên, với học bổng của Chính phủ Pháp và tiền làm thêm hàng tháng, tôi chỉ đủ sống ba tuần, bảy ngày còn lại nhịn đói dù tôi chỉ ăn một bữa mỗi ngày. Nhiều khi đói quá chịu không nổi mùi thơm của tiệm bánh mì trên đường từ xe điện ngầm về ký túc xá, tôi phải đi vòng để tránh tiệm bánh mì đó. Tôi thường xuyên phải ráng tập trung học hoặc làm bài để quên đói. Cũng nhờ vậy nên sau này tôi có khả năng tập trung rất cao khi làm việc, có thể làm quên cả đói! Nghiệm lại, mới thấy tất cả những thử thách đó đều có nguyên nhân. Không có nó chưa chắc mình đã có sự thành công sau này.

Cuối năm 2008, giới kinh doanh vận tải hàng không châu Âu và cả thế giới vui mừng đón nhận tin Liên minh châu Âu (EU) triển khai hệ thống quản lý không lưu SESAR. Cơ duyên nào đã khiến anh lọt vào môi trường nghiên cứu không lưu thế giới, trở thành người lãnh đạo của trung tâm Nghiên cứu không lưu châu Âu (Eurocontrol)?

Năm 1995 tôi về làm việc tại Eurocontrol (EC), bao gồm 37 quốc gia thành viên. Lúc ấy, hàng không châu Âu mỗi ngày có 25.000 chuyến bay, và khi ở mỗi không phận nhỏ (sector) có nhiều hơn 20 máy bay cùng bay thì các kiểm soát viên không lưu sẽ có nhiều áp lực, điều đó có thể đưa đến tình trạng ùn tắc hiểm nguy. Những năm đó phong trào nghiên cứu về “bay tự do” (free flights) rộ lên như một phương án để giải quyết ùn tắc trên không. Tôi đã nghiên cứu và đưa ra sáng kiến “bay tự do hơn” (freer flights), để có thể phối hợp giữa phi công với rađa của người kiểm soát không lưu cho việc điều khiển chuyến bay, vừa giảm được sức ép công việc cho không lưu dưới đất. Sáng kiến này đã tạo được tiếng vang lớn, giúp cho các chuyến bay trên vùng trời châu Âu và các nơi thiếu kiểm soát được an toàn hơn, rút ngắn đường bay, nâng tỷ lệ chuyến bay đúng giờ, góp phần giảm thiểu khí thải cho máy bay, giúp hãng tiết kiệm được chi phí khi phải đóng lệ phí khí thải theo quy định của EC. Hệ thống này giúp các hãng máy bay và phi công bảo đảm an ninh bay. Quá trình đưa vào thử nghiệm thực tế rất thú vị và táo bạo: hai chuyến bay trong đó một của hãng Lufthansa được trình diễn trước 5.000 người trong một hội nghị ở Berlin đã chứng minh người phi công có thể giải quyết tình huống này. Chính phát minh này đã đưa tôi vào cuộc chơi của những ngôi sao trong lãnh vực hàng không. Hiện nay mặc dầu đã về Việt Nam, tôi vẫn đảm nhiệm chức vụ thành viên hội đồng khoa học của SESAR.

Bản lĩnh nào giúp anh có được sự sáng suốt để đưa ra quyết định trong những bước ngoặt cuộc đời?

Bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời khoa học của tôi có lẽ là... mưa (như tên của tôi). Lúc đó tôi học cao học, và dự tính đi thực tập về lãnh vực đồ hoạ máy tính. Hôm đó tôi hẹn với thầy Jacques Rilling – người hướng dẫn luận văn tiến sĩ, để tiến hành thủ tục đi thực tập, nhưng trời mưa rất lớn và thầy đến trễ vì bị kẹt xe. Tôi lên thư viện mượn một cuốn sách để đọc trong lúc chờ. Đó là cuốn sách về trí tuệ nhân tạo. Khi thầy Rilling đến, thấy tôi đang đọc cuốn sách ấy, thầy hỏi tôi có thích thực tập về trí tuệ nhân tạo không? Tôi nói thích. Thế là tôi đi vào lãnh vực đó, làm luận văn tiến sĩ và theo đuổi nó trong nhiều năm trời. Vậy thôi, tôi không nghĩ mình có bản lĩnh nào để có quyết định, chỉ biết rằng nhiều khi cơ hội đến thì mình cứ bắt lấy và làm hết mình thì cơ hội khác sẽ nảy sinh thôi. Làm hết mình, làm hết tâm hết ý và vui thích với những gì mình làm là điều tuyệt vời nhất trong cả cuộc đời của tôi. Cho đến nay!

Đang ở đỉnh cao sự nghiệp với vị trí mà nhiều người mơ ước, thôi thúc trở về quê hương xuất hiện trong anh từ bao giờ?

Lần đầu tiên về Việt Nam là năm 1994, khi đó tôi đang làm việc cho tập đoàn Schlumberger giàn khoan dầu ở Vũng Tàu. Trên chuyến bay về Sài Gòn, qua khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhìn xuống những dòng sông, tôi thấy như dòng máu của mình đang hoà trong guồng đất đó. Cảm xúc thật mạnh làm tôi bật khóc và biết rằng mình có trách nhiệm với đất nước. Từ đó trong tôi có ý nghĩ trở về. Năm 1997 khi viện Tin học Pháp ngữ ở Hà Nội cần người giảng dạy, tôi không ngần ngại xung phong ngay, và từ đó bắt đầu hành trình với khoa học và giáo dục trong nước.

Suốt bao năm đi về giữa hai đất nước, anh có buồn nhiều không khi sự đón nhận kiến thức của những người trẻ Việt Nam không còn trong sáng như xưa?

Có gì đâu mà buồn? Kiến thức bây giờ đầy rẫy trên mạng, các bạn trẻ đâu cần phải đón nhận với tinh thần say mê như xưa. Ở đâu cũng thế chứ không phải chỉ Việt Nam mới có sự thay đổi đó. Sinh viên chỉ cần được hướng dẫn làm sao để có thể sử dụng các kiến thức khi cần và hiệu quả nhất trong công việc của họ thôi. Cái họ khát khao là một niềm tin, một động lực giúp họ tiếp nhận các tri thức với đam mê. Niềm tin ấy được gầy dựng từ chính người thầy, phải sống, làm việc như thế nào để có những câu chuyện để kể. Tuổi trẻ cần nguồn cảm hứng, trong các bài giảng, tôi chú trọng kể cho họ nghe các câu chuyện để có thể khiến các em thực sự thích thú với khám phá, với khoa học và có tư duy sâu sắc.

Để theo đuổi đến cùng việc thành lập trung tâm Xuất sắc JVN, anh phải trả giá như thế nào? Tinh thần nào của nhà toán học người Mỹ gốc Hungary đã khiến anh lấy tên ông đặt cho trung tâm khoa học này?

Thật ra tôi chẳng phải trả giá gì cả. Nguyên lý thật đơn giản: được cái này sẽ mất cái khác nên cái được của mình so sánh như thế nào với cái mất thôi. Với trung tâm Xuất sắc JVN tôi được rất nhiều: cuộc sống có ý nghĩa hơn, được làm việc toàn tâm trong môi trường của đại học Quốc gia TP.HCM; có thêm nhiều học sinh giỏi, nhiều đồng nghiệp tuyệt vời... Có nhiều lắm nên những “cái giá phải trả” thật không đáng gì. Thật ra, không có lời đề nghị táo bạo của thầy Phan Thanh Bình, giám đốc đại học Quốc gia TP.HCM, thì tôi cũng không có quyết định táo bạo là toàn tâm toàn ý cho JVN, vì công việc ở nước ngoài đang rất tốt. Là người có tầm nhìn tốt, rất tâm hồn, rất “sạch sẽ”, rất phóng khoáng, chính anh đã thuyết phục tôi bỏ hết để về nước. Anh từng nói: “Người thầy phải là một người truyền lửa, một nhà khoa học, và một người trí thức”. Tôi thấy đúng như vậy.

GS John von Neumann là người tiên phong trong lãnh vực thuật toán máy tính và cùng với Albert Einstein là hai trong bốn giáo sư đầu tiên ở viện Nghiên cứu cao cấp của đại học Princeton. Những công trình của GS von Neumann bao gồm các lãnh vực từ toán ứng dụng đến mô hình vật lý và thuật toán máy tính số hiện đại, cho thấy tinh thần khoa học mang tính chất ứng dụng đổi mới thực tế là những gì tôi tham vọng trung tâm JVN làm được cho Việt Nam. Với các GS Hồ Tú Bảo và GS Cao Hoàng Trụ, chúng tôi đã thảo luận rất nhiều và cùng nhất trí đây là tên gọi thích hợp nhất cho ý tưởng phát triển trung tâm.
Có mối liên hệ gần gũi với nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam ở nước ngoài, anh nhận thấy tâm nguyện lớn nhất của họ là gì?

Năm 2008, khi làm đề án thành lập JVN, chúng tôi có tiến hành một khảo sát với các nhà khoa học trẻ Việt Nam đang sống và học tập tại nước ngoài, về việc “về hay ở” – điều mà hầu như các du học sinh ai cũng ít nhất một lần nghĩ đến. Kết quả cho thấy hơn 60% có tâm huyết trở về với điều kiện tiên quyết không phải mức lương ổn định mà là một môi trường nghiên cứu khoa học tốt. Môi trường này không chỉ là cơ sở vật chất mà còn bao gồm cả những con người và tố chất của các nhà lãnh đạo. Khi chúng tôi tiếp nhận JVN, việc ưu tiên là làm sao tạo ra một môi trường có sinh khí khoa học để thu hút chất xám trở về. Rất may mắn, bài toán “con gà và cái trứng” được giải phần nào nhờ các nhà khoa học tiên phong về cùng chúng tôi trong giai đoạn ban đầu để xây dựng môi trường này. Không thể không nói đến các tiến sĩ trẻ Nguyễn Quang, Nguyễn Tuấn Nam, Nguyễn Trung Lập, Đặng Ngọc Minh, Dương Đặng Xuân Thành, Nguyễn Hữu Định, Trần Minh Triết, Lê Hoàng Anh, Nguyễn Ngọc Trường Huy, Nguyễn Hoàng Chương và các nhà khoa học tên tuổi như các giáo sư Hồ Tú Bảo, Phạm Xuân Huyên, Phạm Hi Đức, Vũ Hà Văn, Cao Hoàng Trụ… đã tham gia xây dựng lên môi trường của JVN như ngày hôm nay mà chúng tôi rất tự hào.

Điều anh lo lắng nhất hiện nay là gì?

Kiếm tiền cho JVN. Do chúng tôi muốn tìm nguồn tài chính ổn định không qua cơ chế xin - cho của ngân sách để có thể làm nghiên cứu khoa học lâu dài, nên việc này rất vất vả.
Kinh tế khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp phá sản, thị trường bị cạnh tranh dữ dội với hàng Trung Quốc, theo anh, làm thế nào để doanh nghiệp, nền sản xuất mình thoát khỏi cảnh làm thuê, làm thế nào để các nhà khoa học có thể bắt tay với doanh nghiệp?
Trong bối cảnh toàn cầu hoá của nền kinh tế dựa vào tri thức, việc cạnh tranh được thể hiện qua sức sáng tạo và đổi mới (mà người ta hay dùng từ “innovation” để thể hiện nó). Tôi nghĩ nếu các doanh nghiệp, công nghiệp mình không có khả năng làm innovation thì sẽ mãi mãi đi làm gia công cho các nước khác và không làm cho nền kinh tế nước mình phát triển mạnh được. Thay vì đầu tư vào các nguồn ngắn hạn như tài chính hoặc địa ốc, nếu các nhà công nghiệp đầu tư vào nghiên cứu khoa học để làm innovation thì khả năng cạnh tranh sẽ được nâng cao và có thể tiến dần qua các thị trường khác. Đầu tư vào nghiên cứu khoa học qua hợp tác chiến lược với các trường đại học không những giúp phát triển khả năng sáng tạo đổi mới của công ty mà còn giúp nhà khoa học ở các trường đại học thoát khỏi cơ chế xin – cho trong nghiên cứu khoa học sử dụng nguồn ngân sách hiện nay.

Tuy nhiên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì rất khó tiếp cận doanh nghiệp, chưa thống nhất được về tầm nhìn nên hợp tác rất giới hạn. Khủng hoảng càng đẩy sự cạnh tranh đến mức khốc liệt hơn, tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều cơ hội để chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á. Muốn làm được điều này, giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học phải thay đổi cùng với nhau, tạo động lực cho doanh nghiệp tiếp cận các trường đại học. Các nhà khoa học phải mạnh dạn tiếp cận các doanh nghiệp cho họ biết mình có thể làm gì, và các doanh nghiệp cũng mở rộng các vấn đề cần giải quyết, như tối ưu hoá sản xuất hoặc kinh doanh để làm những đề tài ban đầu cho sự hợp tác hai bên cùng có lợi. Hợp tác giữa JVN và tập đoàn Tân Hiệp Phát có lẽ là một thí dụ cho mô hình này, cả hai bên đều mong mỏi là mô hình tiên phong tại Việt Nam.

Anh đã hài hoà giữa triết lý phương Đông và sự duy lý của phương Tây như thế nào để giữ được sự cân bằng?

Tinh thần Phật giáo rất gần với khoa học. Nếu phương Đông đi vào bản chất, nội hàm của việc quan sát, nhìn vào bản thể, thì phương Tây lại nhìn vào bản chất của hiện tượng, ứng dụng logic để thấy được các vấn đề, hai dòng tư tưởng hài hoà nhau, giúp tôi tìm ra nhiều ý tưởng thuyết phục được mọi người. Tôi rất hài lòng với cuộc sống của mình. Mỗi giây phút trong cuộc sống của tôi đều tuyệt vời và tôi tận hưởng từng sát na đó. Tôi luôn tự nhủ hãy sống hết mình với những gì đang sống, trong học tập và nghiên cứu, rồi cái gì đến sẽ đến. Không ai vẽ được tương lai của mình, chỉ một lúc nào đó ngồi nhìn lại mới thấy những gì xảy ra trong quá khứ đều có ý nghĩa của nó.

Có bao giờ anh phải đánh đổi sự tự do của mình?

Có lẽ chưa bao giờ tôi đi tìm sự an toàn.
Mê hip hop, là một DJ phóng khoáng và quyến rũ, là hình mẫu của nhiều sinh viên trẻ, sự lãng mạn của anh có được do đâu?
Khi chơi nhạc, tôi cũng sống hoàn toàn trong đó. Âm nhạc ở con tim, toán học ở bộ não. Hai cái này bổ sung cho nhau, khi tôi mệt vì động não nhiều thì âm nhạc tái tạo cho tôi năng lượng tri thức, và ngược lại toán học bổ sung cho nhu cầu thay đổi của tâm hồn. Mỗi khi làm việc nhiều hay dạy học nhiều, đi chơi nhạc làm cho tôi sống lại, khoẻ lại. Tôi hay lý giải là khi chơi nhạc thì bộ não được nghỉ ngơi hoàn toàn nên giúp tôi tái tạo rất mau.

Anh đã mua một ngôi nhà ở Sài Gòn, vì sao anh chọn thành phố này để an cư? Anh nghĩ gì về sức sống Sài Gòn, hương vị Sài Gòn, người Sài Gòn…?

Tôi có thể sống ở đâu cũng được, nhưng Việt Nam là ngôi nhà lớn của tôi. Tôi sinh ra ở Đà Lạt, nhưng cả tuổi thơ ở Sài Gòn. Tôi thường nghĩ mình là người Sài Gòn hơn là Đà Lạt. Nhiều lúc tôi cảm nhận là mình biết đến cả những hòn đá ở từng gốc cây Sài Gòn. Thân thương lắm. Có nhiều người hay than phiền Sài Gòn ồn ào quá, nóng quá nhưng tôi thì yêu cái ồn ào đó, yêu tiếng động đó và yêu cả cái nóng đó. Vì những cái đó thật Sài Gòn, thật năng động, thật sôi nổi và yêu đời. Tôi thích nhất những buổi sáng chủ nhật, dậy trễ, nằm mở cửa sổ nhìn xuống phố thị và xe cộ đi lại. Nắng đẹp, và thảnh thơi. Ôi tuyệt vời!
Tiếp xúc với sinh viên dường như khiến anh trẻ mãi?
Không có sinh viên, tôi không biết sống để làm gì. Sinh viên là giấc mơ, là niềm tin của tôi. Sống mà không có niềm tin, không có giấc mơ thì cuộc sống vô vị tẻ nhạt lắm.

Điều gì giúp anh luôn giữ được sự tự do trong sáng tạo?

“Nếu thượng đế không muốn cho một người bay lên, ngài đã không cho anh ta đôi cánh!”.
Theo SGTT
 
×
Quay lại
Top