Sinh viên đề xuất cách thu phí phương tiện vào nội đô

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
"Hà Nội có đặc thù là giao thông bàn cờ nên không khó tìm địa điểm đặt trạm thu phí và cần áp dụng thu phí thông minh để giảm ùn tắc", sinh viên Học viện Chính sách và phát triển đề xuất.

Tại vòng chung kết giải vô địch tranh luận giữa các đại học ngày 11/12, sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân và Học viện Chính sách phát triển đã tranh luận chủ đề áp dụng thu phí phương tiện tại các quận trung tâm thương mại của Hà Nội.
Theo đại diện ĐH Kinh tế Quốc dân, do số phương tiện ở Hà Nội tăng hàng năm khoảng 15% với ôtô và 20% với xe máy thì cần có biện pháp giảm phương tiện, như thu phí vào trung tâm. Biện pháp này cũng có tác dụng giảm ô nhiễm môi trường, an toàn hơn cho người dân vì số vụ tai nạn do xe máy, ôtô chiếm 90%. Bên cạnh đó là tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước để nâng cấp cơ sở hạ tầng.

a2-682479-8062.jpg
Sinh viên hai đội tranh luận sôi nổi về biện pháp thu phí xe vào nội đô. Ảnh: Đoàn Loan.
Đồng tình với quan điểm thu phí, song đại diện Học viện Chính sách và phát triển cho rằng, rất khó thực hiện. Vì người dân sẽ lựa chọn đi các đường nhỏ thay vì đường to để trốn phí. Bất cập khác là ngân sách hiện nay đầu tư cho giao thông chưa được sử dụng hiệu quả và ôtô có giá tăng gấp 3 lần so với các nước do Việt Nam áp dụng chịu nhiều mức phí song lượng xe đăng ký mới vẫn gia tăng...

Sinh viên Học viện Chính sách và phát triển đề xuất, giao thông Hà Nội có đặc thù bàn cờ nên cần nghiên cứu địa điểm trạm thu phí hợp lý và áp dụng thu phí thông minh để giảm ùn tắc. Ngoài ra cần nghiên cứu mức thu phí phù hợp với người nghèo, xe taxi và thu theo khung giờ cao điểm, thấp điểm. Chất lượng xe buýt cũng cần cải thiện để mọi người tham gia.

Sau khi ủng hộ việc thu phí, các sinh viên lại đóng vai phản biện chính sách này. Theo đại diện ĐH Kinh tế Quốc dân, biện pháp thu phí sẽ gây lạm phát và khó đạt đồng thuận từ phía người dân khi vốn đầu tư cho giao thông còn thất thoát. Nếu xây dựng trạm thu phí sẽ gây ùn tắc, còn nếu áp dụng thu phí thông minh thì hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng. Ôtô đã chịu 8 loại phí, thuế song ùn tắc và tai nạn vẫn diễn ra thì biện pháp thu thêm phí sẽ không thể hiệu quả
Sinh viên trường này đề xuất các giải pháp khác cho giao thông đô thị như tăng xe buýt, cấm đỗ xe dưới lòng đường, dành làn đường riêng cho xe buýt hoạt động sẽ khả thi hơn giải pháp thu phí.

a1-682479-7176.jpg
Đội sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân đạt giải nhất. Ảnh: Đoàn Loan.
Học viện Chính sách và phát triển thì cho rằng, biện pháp thu phí sẽ khiến cho bức tranh kinh tế xã hội càng ảm đạm. Với 300.000 ôtô và 3,6 triệu xe máy đang lưu hành, người dân sẽ phải chi hàng nghìn tỷ, điều này sẽ khiến CPI tăng lên, lạm phát trở lại.
Đại diện sinh viên trường này cho rằng, thu phí vào trung tâm không thể giảm ùn tắc giao thông mà phải bằng các giải pháp phân làn đường. Cơ quan chức năng từng thí điểm phân làn tại cầu Yên Hòa trên đường Láng để khẳng định là đường Hà Nội chưa quá tải. Thu phí phương tiện là bất hợp lý do đã có nhiều loại phí. TP HCM đã nghiên cứu biện pháp này với chi phí tới 14 tỷ đồng song vẫn chưa triển khai được.

Vòng chung kết diễn ra sôi nổi với phần thắng thuộc về đội sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân. Trước đó, đội này cũng đã có nhiều cuộc thi tranh luận với sinh viên các trường khác về nội dung cấm đi ôtô trong trung tâm thành phố, cấm đỗ xe trên lòng đường, ủng hộ xe buýt hay không, làn đường ưu tiên xe buýt...

Đánh giá chất lượng cuộc thi, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm điều hành và quản lý giao thông đô thị Hà Nội cho rằng, biện pháp thu phí vào nội đô là rất cần thiết song việc tổ chức thu như thế nào, đặt trạm, mức thu ra sao... đang là thách thức lớn cho nhà quản lý. Các sinh viên đã đưa ra những lý luận hấp dẫn, giúp cho cơ quan làm chính sách rất nhiều.
"Mục đích thu phí không phải là để tăng thu ngân sách mà để quản lý đô thị. Chúng tôi sẽ khảo sát, nghiên cứu biện pháp mà sinh viên phản biện để tìm sự đồng thuận trong xã hội", ông Nguyễn Hoàng Hải bày tỏ.
Theo vnepress
 
×
Quay lại
Top