Sẽ hạ bậc đào tạo hoặc giải thể những trường ĐH, CĐ không đảm bảo chất lượng

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
(VOV) - Đây là biện pháp nghiêm khắc nhằm củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường ĐH, CĐ đang được Chính phủ trình lên Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII này.

Tính đến ngày 30/9/2009, cả nước có 440 cơ sở giáo dục đại học (ĐH), trong đó có 180 trường ĐH, 232 trường Cao đẳng (CĐ), 28 cơ sở đào tạo thuộc khối quốc phòng-an ninh. Trong số 412 trường ĐH, CĐ có 78 trường ngoài công lập.

dai-hoc1.jpg


Mặc dù trong những năm gần đây, quy mô và số lượng các trường ĐH, CĐ tăng nhanh nhưng chất lượng đào tạo vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu xã hội và sự phát triển của khu vực và thế giới. Hiện nay, vẫn còn 11/50 trường ĐH, CĐ ngoài công lập thành lập mới chưa thực hiện việc xây dựng trường tại địa điểm đăng ký thành lập trường, cũng như các cam kết như trong Đề án khả thi thành lập trường, còn phải đi thuê mướn cơ sở để thực hiện việc tổ chức hoạt động và đào tạo.
Phóng viên VOVNews phỏng vấn ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Ong-Dao-Trong-Thi.jpg
Ông Đào Trọng Thi
PV: Trong số các trường ĐH, CĐ ngoài công lập thành lập mới trong 10 năm trở lại đây, vẫn còn khoảng 20% số trường đã được cấp giấy phép thành lập nhưng trong quá trình hoạt động, giảng dạy, các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên không đảm bảo. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Ông Đào Trọng Thi: Việc thành lập trường có ưu điểm là tạo ra nhiều cơ hội học tập cho thanh, thiếu niên ở tất cả các vùng, miền trên cả nước. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng các trường được thành lập dễ dãi. Nguyên nhân vì ngành Giáo dục-Đào tạo chỉ kiểm tra các điều kiện thành lập trường dựa trên hồ sơ do trường tự kê khai mà không trực tiếp kiểm tra sát sao thường xuyên những điều kiện thực tế của các trường.
Những trường không đảm bảo chất lượng giảng dạy chủ yếu là do thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giảng viên.
PV: Ông có thể cho biết, biện pháp xử lý đối với những trường ĐH, CĐ không đảm bảo điều kiện thành lập trường sẽ được thực hiện như thế nào?
Ông Đào Trọng Thi: Chúng tôi đưa ra 2 giải pháp cho những trường thuộc diện không đảm bảo điều kiện thành lập theo quy định. Giải pháp thứ nhất là tạo điều kiện và cho những trường này thời gian để bổ sung những gì họ đang thiếu. Nếu những trường này không thực hiện theo những gì đã cam kết thì phải áp dụng biện pháp là nếu trường nào đang đào tạo ở hệ ĐH thì phải lùi xuống hệ CĐ, trường nào đang từ đang đào tạo ở hệ CĐ thì phải lùi xuống hệ Trung cấp.

Từ năm 1998-2009, cả nước có 304 trường ĐH, CĐ được thành lập, nâng cấp. Kết quả cho đến nay, đã có 62/63 tỉnh, thành có ít nhất 1 trường ĐH hoặc CĐ (chiếm 98%); trong đó có 40 tỉnh, thành có trường ĐH (63%) và 60 tỉnh, thành có trường CĐ (chiếm 95%).

Giải pháp thứ 2 là những trường nào không đủ các điều kiện để thành lập trường, chất lượng giáo dục không đảm bảo, cơ sở vật chất vẫn không có gì cải thiện hơn thì bắt buộc phải xử dụng hình thức giải thể theo đúng như quy định của Luật Giáo dục.
PV: Các trường phải giải thể sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng nghìn sinh viên đang theo học dở dang. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Ông Đào Trọng Thi: Khi tiến tới việc giải thể một trường ĐH, CĐ, chúng tôi đã nghĩ ngay đến phải giải quyết những hậu quả liên quan. Tuy nhiên, nếu không áp dụng biện pháp “mạnh” này thì sẽ không thể có những trường ĐH, CĐ đào tạo đảm bảo chất lượng và thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về người học.
PV:Vậy việc giải quyết số sinh viên đang theo học dở dang sẽ như thế nào, thưa ông?
Ông Đào Trọng Thi:Việc giải thể một trường ĐH, CĐ nào đó phải dựa trên những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng trường, chứ không thể đưa ra nguyên tắc chung nào. Giải quyết vấn đề này phải được nghiên cứu kỹ để các sinh viên không bị rơi vào tình trạng không được bảo vệ về quyền lợi.
Để đảm bảo quyền lợi cho những sinh viên đang học ở trường bị giải thể, chúng tôi đang nghĩ tới giải pháp có thể để cho các em tốt nghiệp nhưng không cho các trường này tuyển mới nữa. Ngoài ra, chúng tôi có nghĩ đến hướng bố trí cho những sinh viên đang học dở dang ở những trường bị giải thể vào học ở những trường ĐH, CĐ khác với những chuyên ngành tương đương.

Nguồn thu học phí của người học cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc bổ sung nguồn lực cho các trường ĐH, CĐ. Tổng thu học phí năm 2009 của các cơ sở GDĐH công lập ước đạt 4.100 tỷ đồng, bằng 28,5% tổng chi Ngân sách Nhà nước và học phí cho giáo dục đại học công lập.

PV
: Theo ông, để đảm bảo chất lượng đào tạo, các trường ĐH, CĐ cần phải chú trọng đến những vấn đề gì?
Ông Đào Trọng Thi:Thứ nhất, các trường phải quan tâm đến đội ngũ giáo viên (cả về số lượng và chất lượng). Thứ hai là chú trọng tới cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm thực hành. Thứ ba là mức kinh phí thường xuyên (tức là định mức kinh phí cho một sinh viên/năm).
Theo Luật Giáo dục đã quy định về điều kiện thành lập, các trường phải quy định rõ bao nhiêu sinh viên/giáo viên. Trường học phải có diện tích tối thiểu là 6m2/sinh viên, phòng thí nghiệm, thực hành và khu vui chơi cho sinh viên. Kinh phí đầu tư thường xuyên trước đây quy định là 6 triệu đồng/sinh viên/năm thì nay là 2,5-3 triệu đồng/sinh viên.
Nếu các trường mới thành lập chưa đảm bảo ngay các điều kiện thành lập trường như trong Luật Giáo dục đã quy định thì trường đó phải cân nhắc kỹ về số lượng, chỉ tiêu tuyển sinh.
PV: Nhiều trường cho rằng, để đảm bảo chất lượng giảng dạy thì phải tính đến việc nâng mức thu học phí của sinh viên. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Đào Trọng Thi:Đúng như vậy, để các trường ĐH, CĐ nâng cấp về cơ sở vật chất, bồi dưỡng, nâng cao trình độ giáo viên thì việc nâng mức thu học phí của sinh viên có ý nghĩa rất quan trọng. Việc thu học phí theo thang bậc như thế nào vẫn phải tuân theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Tuy nhiên, việc thu học phí phải dựa trên thực chất của quá trình nâng cao chất lượng đào tạo của từng trường và điều này phải có sự giám sát của ngành Giáo dục.
PV:Theo ông, biện pháp trực tiếp để các trường ĐH, CĐ có trách nhiệm đối với đảm bảo chất lượng đào tạo là gì?
Ông Đào Trọng Thi:Chúng ta phải để các trường ĐH, CĐ tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong đào tạo và nâng cao chất lượng giảng dạy. Chỉ có như vậy, các trường mới cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Nếu các trường không tự đổi mới mình, thiệt thòi lớn nhất vẫn là về phía sinh viên.
PV: Xin cảm ơn ông!

Bích Lan-Thanh Hà
VOV News
 
×
Quay lại
Top