Rao bán lò giết mổ lớn nhất miền Tây

Tham gia
25/4/2016
Bài viết
0
Đầu tư trên 30 tỉ đồng xây dựng dây chuyền giết mổ, nhưng chỉ sau nửa năm hoạt động, doanh nghiệp đã phải rao bán vì địa phương không thực hiện đúng những gì đã cam kết trước đó.

Ông Lý Minh Chánh, chủ Doanh nghiệp tư nhân vựa heo Tý tại TP Sóc Trăng cho biết, theo lời kêu gọi đầu tư của các cấp chính quyền, ngành chức năng địa phương, ông đã đầu tư 35 tỷ đồng (80% vốn vay ngân hàng) xây dựng lò mổ thuộc diện lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trên diện tích hơn 12ha, công suất 800 con heo, 300 trâu bò và 3.000 con gia cầm mỗi ngày tại phường 8, TP Sóc Trăng. Cơ sở này cách xa khu dân cư, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, đầu tư đúng theo quyết định quy hoạch của tỉnh Sóc Trăng về xây dựng hệ thống giết mổ gia súc gia cầm tập trung trên địa bàn giai đoạn 2013-2020.

Quy hoạch đặt mục tiêu 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, bán công nghiệp. Trước mắt, đến năm 2015, Sóc Trăng chấm dứt hoạt động 42 điểm giết mổ nhỏ lẻ và 3 cơ sở giết mổ nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh thú y. Đồng thời, nâng cấp 6 lò giết mổ không đáp ứng điều kiện nhưng nằm trong quy hoạch, di dời 4 lò mổ vào khu quy hoạch; kêu gọi đầu tư mới 3 lò mổ tại TP Sóc Trăng, huyện Trần Đề và Thị xã Vĩnh Châu.

Thế nhưng đến nay, chỉ có lò mổ tại TP Sóc Trăng của ông Chánh được xây dựng, hoạt động vào đầu năm 2016. Việc thực hiện quy hoạch rất ì ạch. Các điểm giết mổ nhỏ lẻ cũng như các lò mổ gây ô nhiễm môi trường, tự ý nâng công suất trái phép, nằm trong khu dân cư… vẫn hoạt động rầm rộ.

Thậm chí, ông Đào Đắc Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên còn có văn bản kiến nghị cho một lò mổ ở huyện này nằm trong khu dân cư, tự nâng công suất lên 220 con heo một ngày (gấp đôi mức cho phép) gây ô nhiễm môi trường, không đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y được tiếp tục hoạt động đến hết năm 2016, trong khi thời hạn cuối cùng theo quyết định của UBND tỉnh Sóc Trăng là cuối năm ngoái.

Một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, việc cho lò mổ này hoạt động thuộc thẩm quyền của UBND huyện Mỹ Xuyên nên không can thiệp được. Việc không đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y, gây ô nhiễm môi trường xung quanh thì chưa nhận được đơn của người dân cũng như phản ánh của chính quyền địa phương (?).

Trước thực trạng trên, hiện lò mổ của ông Chánh chỉ hoạt động 10% công suất (khoảng 2 triệu đồng doanh thu) vì nguồn nguyên liệu không tập trung, mà tiếp tục đổ về các lò mổ nhỏ lẻ, nằm trong diện quy hoạch di dời, hạ công suất hoặc buộc xóa sổ, dù ông nhiều lần hạ giá gia công giết mổ rất thấp. Trong khi, để tồn tại, mỗi ngày cơ sở phải đạt doanh thu trên 22 triệu đồng. Chưa kể, mỗi tháng ông còn phải đóng lãi ngân hàng 250 triệu đồng, chưa tính lương nhân viên, chi phí bảo trì thiết bị, vệ sinh môi trường, xử lý nước thải… Đến nay, sau 6 tháng hoạt động, doanh nghiệp đã lỗ hơn 4 tỷ đồng.

“Chúng tôi đã kêu cứu nhiều nơi nhưng đâu vẫn vào đấy, quy hoạch còn nằm trên giấy. Môi trường đầu tư không minh bạch đã đẩy chúng tôi đến bờ vực phá sản. Để cắt lỗ, không còn cách nào khác, chúng tôi đã treo bảng kêu bán lò mổ dù chịu lỗ 5-7 tỷ nữa”, ông Chánh nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nói doanh nghiệp cứ viết đơn gửi cho ông để ông nắm rồi chuyển cho UBND tỉnh xem xét giải quyết.

Tuy nhiên, theo ông Lý Minh Chánh thì doanh nghiệp của ông đã liên tục 6 lần gửi đơn cầu cứu lên Bí thư tỉnh ủy, nhưng đến nay chưa nhận được hồi âm.
 
×
Quay lại
Top