Ranh giới

rubi_mos2002

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
28/10/2011
Bài viết
824

Tham khảo sách “Boundaries – When to say yes, How to say no to take control of your life” – Henry Cloud & John Townsend.

Trong thế giới vật lý, những ranh giới rất dễ nhìn thấy. Những bức tường, hàng rào, là những ranh giới vật lý. Chúng đưa ra thông điệp: Đây là nơi tài sản của tôi bắt đầu. Người chủ sở hữu của tài sản chịu trách nhiệm pháp lý cho những gì xảy ra với tài sản của anh/cô í. Những người không phải chủ sở hữu không có trách nhiệm đối với tài sản.

Trong thế giới tinh thần, những ranh giới là có thật nhưng thường khó nhìn thấy. Mục tiêu của bài này là giúp bạn định nghĩa những ranh giới không nhìn thấy được của bạn và nhận ra chúng để giúp bạn gia tăng tình yêu và bảo vệ cuộc sống của bạn.

Ranh giới định nghĩa về chúng ta. Chúng định nghĩa cái gì là tôi và cái gì không phải tôi. 1 ranh giới cho tôi thấy tôi kết thúc ở đâu và người khác bắt đầu ở đâu, cho tôi 1 ý thức về quyền sở hữu.

Biết những gì tôi sở hữu và chịu trách nhiệm về nó cho tôi sự tự do. Nếu tôi biết nơi mảnh đất của tôi bắt đầu và kết thúc, tôi được tự do làm những gì tôi thích với nó. Chịu trách nhiệm cho cuộc sống của tôi mở ra nhiều lựa chọn khác nhau. Tuy nhiên, nếu tôi không “sở hữu” cuộc sống của tôi thì những sự lựa chọn của tôi trở nên rất hạn chế.

Ranh giới cũng giúp chúng ta định nghĩa về cái gì không phải là tài sản của chúng ta và cái gì chúng ta không chịu trách nhiệm về nó. Ví dụ, chúng ta không chịu trách nhiệm về người khác.

Những ví dụ về những ranh giới

Da
Ranh giới cơ bản nhất định nghĩa về bạn là làn da cơ thể. Mọi người thường dùng ranh giới này như 1 biểu tượng để nói về ranh giới cá nhân của họ từng bị xâm phạm. “Anh ta đụng vào người tôi.” Cái tôi th.ân thể của bạn là cách thứ nhất bạn học được rằng bạn tách biệt với những người khác.

Ranh giới da giữ những cái tốt ở bên trong và những cái xấu ở bên ngoài. Nó giữ cho máu, xương ở bên trong cơ thể. Nó cũng ngăn không cho vi trùng xâm nhập, bảo vệ bạn không bị nhiễm trùng.

Những nạn nhân của xâm phạm t.ình d.ục thường có ý thức về ranh giới kém. Thuở đầu đời họ được dạy rằng tài sản của họ không thực sự bắt đầu ở da của họ. Người khác có thể xâm phạm tài sản của họ và làm bất cứ điều gì họ muốn. Kết quả là, họ gặp khó khăn trong việc thiết lập những ranh giới sau này trong cuộc đời.

Những từ ngữ
Trong thế giới tinh thần, những hàng rào là vô hình. Nhưng bạn có thể tạo ra những hàng rào bảo vệ tốt với từ ngữ của bạn.

Từ ngữ thiết lập ranh giới cơ bản nhất là không. Nó nói cho người khác biết bạn tồn tại bên ngoài họ và bạn đang kiểm soát bạn.

Người có ranh giới kém khó khăn nói không trước sự kiểm soát, sức ép, những yêu cầu và đôi khi là những nhu cầu thật sự của người khác. Họ cảm thấy nếu họ nói không với 1 ai đó, họ sẽ gây nguy hiểm cho mối quan hệ của họ với người đó, do đó họ đồng ý làm theo 1 cách thụ động nhưng trong lòng thì tức giận. Đôi khi 1 người gây sức ép buộc bạn làm 1 việc gì đó; lúc khác sức ép đến từ ý thức của bạn về những việc bạn “nên” làm. Nếu bạn không thể nói không trước sức ép bên ngoài hoặc bên trong, bạn đã đánh mất sự kiểm soát tài sản của bạn và không tận hưởng được quả ngọt của sự “tự kiểm soát”.

Những từ ngữ của bạn cũng định nghĩa tài sản của bạn với những người khác khi bạn truyền thông những cảm xúc, những ý định và những điều bạn không thích với người khác. Thật khó khăn cho 1 người biết được chỗ đứng của họ khi họ không dùng từ ngữ để định nghĩa về tài sản của họ.

Ví dụ, “Tôi không thích khi bạn la hét với tôi” cho người khác biết 1 thông điệp rõ ràng về bạn muốn có mối quan hệ như thế nào và cho họ biết “những quy tắc” của mảnh đất của bạn.

Những vấn đề về ranh giới

Những người hay chiều lòng người khác: Nói “có” với những điều xấu

Khi bố mẹ dạy đứa bé nói “không” là xấu, họ đang dạy trẻ rằng những người khác có thể làm điều gì với chúng mà họ muốn. Bố mẹ đang gửi đứa trẻ mà không có sự bảo vệ vào thế giới chứa nhiều cái ác. Để cảm thấy an toàn trong 1 thế giới nhiều cạm bẫy, trẻ em phải có quyền nói những thứ như :
Không; Tôi không đồng ý; Tôi sẽ không; Dừng lại.

Những người hay chiều lòng người khác có những ranh giới mờ nhạt, mơ hồ; họ thuận theo những yêu cầu của người khác. Ví dụ, người đó giả vờ thích những quán ăn hoặc những bộ phim mà bạn bè thích chỉ để hòa hợp với bạn bè.

Điều này xảy ra vì những lý do khác nhau:
Sợ gây tổn thương cảm xúc của người khác; sợ bị bỏ rơi; sợ bị trừng phạt; sợ bị xấu hổ; sợ bị xem là ích kỷ; muốn phụ thuộc hoàn toàn vào người khác; sợ cơn giận của ngừơi khác;

Những người tránh né: Nói “không” trước điều tốt

Đó là không có khả năng yêu cầu sự giúp đỡ, nhận ra những nhu cầu của bản thân và để người khác vào. Người tránh né thu mình khi họ đang cần sự giúp đỡ; họ không yêu cầu sự hỗ trợ của người khác. Họ xem vấn đề của mình như là 1 điều gì đó xấu xa hoặc đáng xấu hổ.

Những người kiểm soát: Không tôn trọng những ranh giới của người khác.

Những người kiểm soát không tôn trọng những giới hạn của người khác. Họ chống lại việc chịu trách nhiệm cho cuộc sống của bản thân, do đó họ cần kiểm soát người khác.

Vấn đề chính của những người không thể nghe từ “không” – rất khác với những người không thể nói “không” – là họ có xu hướng phóng chiếu trách nhiệm cho cuộc sống của họ sang người khác.

Có 2 kiểu người kiểm soát:
Người kiểm soát xung hấn: họ xâm phạm ranh giới của người khác giống như xe tăng. Họ đôi khi bạo hành về ngôn ngữ, đôi lúc bạo hành về th.ân thể. Nhưng phần lớn thời gian họ không nhận ra người khác có ranh giới. Họ như thể đang sống trong 1 thế giới nói có.

Họ cố gắng làm cho người khác thay đổi, làm cho thể giới phù hợp với quan điểm của họ về cách cuộc sống nên là.

Người kiểm soát thao túng. Họ cố thuyết phục người khác nói có. Họ thao túng gián tiếp những tình huống để có lợi cho họ. Họ quyến rũ người khác mang gánh nặng cho họ. Họ sử dụng những thông điệp gây tội lỗi.

Người không phản hồi: Không nghe những nhu cầu của những người khác.

Chỉ về sự thiếu chú ý đến những trách nhiệm của tình yêu.
Chúng ta có trách nhiệm quan tâm và giúp đỡ trong những giới hạn nhất định của chúng ta. Từ chối giúp đỡ khi chúng ta có những nguồn lực thích hợp để giúp đỡ có thể là 1 sự xung đột ranh giới.

Những người không phản hồi rơi vào 1 trong 2 nhóm sau:
Những người hay phê phán những nhu cầu của người khác (Họ ghét trở thành người khiếm khuyết nên họ phóng chiếu sự căm ghét những nhu cầu của chính họ lên những người khác. Kết quả là họ phớt lờ những nhu cầu của người khác.)
Những người quá quan tâm đến những khao khát của bản thân và không quan tâm đến người khác (1 dạng tự yêu bản thân).

Đừng nhầm lẫn giữa sự quá quan tâm đến bản thân với chịu trách nhiệm cho những nhu cầu của bản thân trước để có thể yêu thương người khác. Chúng ta cần quan tâm đến bản thân để có thể giúp người khác.

@ Ranh giới cá nhân được phát triển như thế nào?

Bố mẹ có 2 nhiệm vụ liên quan đến nói “không”. 1) Họ cần giúp đứa con cảm thấy đủ an toàn để nói không, khuyến khích những ranh giới của đứa trẻ. Bố mẹ vẫn yêu thương trẻ dù nó nói không. 2) Giúp trẻ tôn trọng những ranh giới của người khác. Trẻ cần có khả năng nói không và chấp nhận từ “không” ở người khác.
Những trẻ có bố mẹ không yêu thương chúng khi chúng bắt đầu thiết lập ranh giới học cách phát triển sự chiều lòng người khác. Đồng thời chúng cũng sợ hãi và không tin tưởng và ghét cái phần xung hấn, nói sự thật ở bản thân chúng. Nếu người mà chúng yêu thương không yêu thương chúng khi chúng bộc lộ sự tức giận thì trẻ sẽ học cách che giấu những phần đó của bản thân chúng.

@ 7 điều hoang đường về ranh giới

1. Nếu tôi thiết lập những ranh giới thì tôi là người ích kỷ
Sự thật là: những ranh giới phù hợp nâng cao khả năng quan tâm đến người khác của chúng ta.

2. Những ranh giới là 1 dấu hiệu của sự không vâng lời
Sự thật là: thiếu ranh giới thường là 1 dấu hiệu của sự không vâng lời. Những người có những ranh giới yếu thường tuân theo bên ngoài nhưng bên trong thì tức giận và chống đối. Họ thích nói không, nhưng lại sợ.

3 Nếu tôi bắt đầu thiết lập những ranh giới thì tôi sẽ bị tổn thương bởi những người khác

Liệu người khác có thể sẽ trở nên tức giận với những ranh giới của chúng ta và tấn công hoặc xa rời chúng ta? Chắc chắn. Chúng ta không bao giờ có thể kiểm soát được cách người khác phản ứng lại từ “không” của chúng ta. 1 số người sẽ chào đón nó; 1 số sẽ ghét nó.

Những ranh giới là 1 bài kiểm tra về chất lượng của những mối quan hệ của chúng ta. Những người trong cuộc sống của chúng ta có thể tôn trọng những ranh giới của chúng ta sẽ yêu những ý định, những quan điểm chúng ta. Những người không thể tôn trọng những ranh giới của chúng ta đang nói với chúng ta rằng họ không yêu từ “không” của chúng ta. Họ chỉ yêu từ có, yêu sự phục tùng của chúng ta.

4. Nếu tôi thiết lập ranh giới thì tôi sẽ làm tổn thương người khác.

Những ranh giới là 1 công cụ bảo vệ. Những ranh giới phù hợp không kiểm soát, tấn công hoặc làm tổn thương người khác. Chúng chỉ đơn giản là ngăn không cho những của cải của bạn bị lấy đi không đúng thời điểm. Nói không với 1 người lớn – người đó chịu trách nhiệm cho việc thỏa mãn những nhu cầu của họ - có thể gây ra 1 số sự không thoải mái. Họ có thể phải tìm kiếm ở nơi khác. Nhưng ranh giới không làm họ tổn thương.

Nguyên tắc này cũng được áp dụng với những nhu cầu chính đáng của người khác. Ngay cả khi họ đang có 1 vấn đề chính đáng, thì có những lúc chúng ta không thể hy sinh vì 1 số lí do.

5. Những ranh giới có nghĩa là tôi đang tức giận

Sự thực là: những người có những ranh giới thích hợp là người ít tức giận nhất trên thế giới. Chúng ta chỉ cảm thấy tức giận khi ranh giới của chúng ta bị xâm phạm. Nếu bạn có thể ngăn ngừa việc ranh giới bị xâm phạm ngay từ đầu thì bạn không cần phải tức giận. Bạn đang kiểm soát cuộc sống của bạn.

6. Khi người khác thiết lập những ranh giới, nó làm tôi tổn thương.

Nghĩ về 1 người bạn thân từ chối giúp đỡ bạn khi bạn đang cần cô í. Khi có ai đó nói không trước lời đề nghị xin giúp đỡ của chúng ta, chúng ta có thể cảm thấy bị tổn thương, bị từ chối hoặc sự lạnh lùng. Nó trở nên khó chấp nhận việc thiết lập ranh giời là tốt hoặc có ích.

Phải chấp nhận những ranh giới của người khác chắc chắn là không thoải mái. Không ai trong chúng ta thích nghe từ “không”. Hãy xem lý do tại sao việc chấp nhận những ranh giới của người khác là 1 vấn đề.

Có những ranh giới không phù hợp được thiết lập lên chúng ta có thể làm chúng ta tổn thương, đặc biệt từ thời thơ ấu. 1 người bố/mẹ có thể gây tổn thương 1 đứa trẻ bằng cách không có đáp ứng tình cảm phù hợp vào đúng thời điểm. Những nhu cầu tình cảm của trẻ là trách nhiệm của bố mẹ. 1 người bố/mẹ ích kỷ có thể gây tổn thương đứa bé bằng cách nói “không” không đúng thời điểm.

Chúng ta phóng chiếu những tổn thương của chúng ta lên người khác. Khi chúng ta cảm thấy đau khổ, 1 phản ứng đó là “không thừa nhận” cảm xúc tiêu cực đó và ném nó sang người khác. Đây được gọi là phóng chiếu. Khá thường xuyên, những người từng bị tổn thương bởi những ranh giới không phù hợp trong thời thơ ấu sẽ ném tính mỏng manh , dễ tổn thương của họ sang người khác. Cảm nhận nỗi đau của họ ở người khác, họ sẽ tránh thiết lập những ranh giới đối với người khác, vì họ tưởng tượng nó sẽ đau khổ như thế nào với họ.

Ví dụ, Bob hồi bé thường bị bố mẹ bỏ ở nhà 1 mình nhiều giờ liền. Anh ấy đã khóc rất nhiều khi còn bé. Và những tổn thương đó đã theo anh đến tuổi trưởng thành. Bất cứ khi nào Abby - con gái 3 tuổi của anh chuẩn bị đi ngủ, anh lại sợ bé sẽ khóc – “Tôi đang bỏ rơi con bé, nó cần tôi và tôi không ở bên nó”. Thực ra anh là 1 người cha tuyệt vời, đã kể chuyện hằng đêm cho con. Nhưng anh í đọc được nỗi khổ của anh trong những giọt nước mắt của cô bé. Những tổn thương quá khứ ngăn không cho anh thiết lập những ranh giới phù hợp với Abby – cô bé muốn anh hát và kể chuyện đến sáng.

Không có khả năng chấp nhận ranh giới của 1 ai đó có thể có nghĩa là có 1 mối quan hệ được sùng bái, thần tượng.

Ví dụ: Kathy cảm thấy bị tổn thương và cô đơn khi chồng cô không muốn nói chuyện với cô vào ban đêm. Sự im lặng của anh í gây ra cảm xúc tức giận ở cô. Cô bắt đầu tự hỏi liệu cô có đang bị tổn thương bởi những ranh giới của chồng. Nhưng vấn đề thực sự nằm ở sự phụ thuộc của Kathy vào chồng. Hạnh phúc của cô phụ thuộc vào việc chồng luôn luôn ở bên cô. Khi chồng cô có 1 ngày tồi tệ và muốn ở 1 mình, ngày đó đối với cô là 1 thảm họa.

Dù chúng ta chắc chắn là cần người khác thì không ai là không thể thiếu được. Chúng ta không bao giờ nên xem 1 ai đó như là 1 nguồn duy nhất đem đến sự tốt đẹp trong thế giới. Nó gây tổn thương tinh thần và sự tự do tình cảm và sự phát triển của chúng ta.

Hãy hỏi bản thân: nếu người mà tôi không thể nghe từ “không” ở họ qua đời tối nay, thì tôi sẽ tìm đến ai? Nó là câu hỏi quan trọng để phát triển những mối quan hệ quan trọng, sâu sắc. Điều này cho phép những người trong cuộc sống của chúng ta thoải mái nói không với chúng ta mà không cảm thấy có lỗi vì chúng ta có 1 người khác để tìm đến khi cần sự hỗ trợ.

7. Những ranh giới gây ra cảm xúc tội lỗi

Quan điểm cho rằng vì chúng ta đã nhận được 1 điều gì đó, chúng ta đang mắc nợ. Tình yêu, tiền hoặc thời gian hoặc bất cứ thứ gì làm chúng ta cảm thấy biết ơn – nên được chấp nhận như 1 món quà. Tất cả những gì thật sự cần là lòng biết ơn. Người cho đơn giản là cho đi vì họ yêu thương bạn và không muốn 1 điều gì khác trả lại cho anh/cô í. Chúng ta chỉ nợ họ lời cảm ơn. Và với trái tim biết ơn của mình, chúng ta nên ra ngoài và giúp đỡ những người khác.

Chúng ta cần phân biệt giữa người “cho để nhận lại” và người cho vô tư. Nhìn chung rất dễ nói được sự khác biệt. Nếu người cho tổn thương hoặc tức giận bởi 1 lời cảm ơn chân thành thì món quà có lẽ là 1 món nợ. Nếu lời cảm ơn là đủ, bạn có lẽ đã nhận được 1 món quà hợp pháp và không đính kèm cảm xúc có lỗi.

 
×
Quay lại
Top