Rải tiền thật khi đưa tang

Hero_Man

Thành viên cực thân
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/6/2011
Bài viết
2.959
TT - Khoảng 8g ngày 2-7, một đoàn xe đưa tang từ ấp Thuận Phú 1, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) hướng về nghĩa trang thị xã Đồng Xoài đã rải khá nhiều tiền thật trên suốt một đoạn đường dài.

https://vn.news.yahoo.com/th-nh-ng-ch-t-tr-b-231400093.html


Người quá cố là anh T.H.A. (29 tuổi, ngụ ấp Thuận Phú 1) - con ruột ông T.V.H., nguyên giám đốc một công ty cao su.

V%C4%83n_h%C3%B3a_-_Gi%E1%BA%A3i_tr%C3%AD-2d8836abea42034bf90ffa5ccb85fa46
Tiền thật mệnh giá 1.000 đồng và tiền vàng mã vương trên đường ĐT 741, xã Thuận Phú (Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) - Ảnh: B.LIÊM
Theo phản ảnh của nhiều người dân dọc các tuyến đường ĐT741, đường Phú Riềng Đỏ, những người thân của người quá cố cầm trong tay từng nắm giấy vàng mã cùng tiền giấy thật có mệnh giá 1.000 đồng do Ngân hàng Nhà nước VN phát hành rải suốt lộ trình hơn 15km, nhiều nhất là ở đoạn đường khu vực trung tâm thị xã Đồng Xoài.
Thấy tiền giấy thật vương trên đường, người đi đường, nhất là trẻ em, nháo nhào tranh nhau nhặt bất chấp xe cộ qua lại. Một người dân bức xúc: “Nhiều người đói rách không có miếng ăn, đằng này lại mang tiền quốc gia quăng bừa bãi trên đường”.
Cùng ngày, một lãnh đạo Công an xã Thuận Phú cho biết: “Việc rải tiền thật trên đường đưa tang không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, người tham gia giao thông. Công an xã đã nhiều lần tuyên truyền, vận động người dân trong xã không được rải vàng mã, đặc biệt tiền thật khi đưa tang nhưng có người vẫn không chấp hành.
Sắp tới công an xã họp dân tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, nếu gia đình nào vi phạm sẽ có hình thức xử lý nghiêm theo quy định”. Đại tá Hoàng Văn Huệ - giám đốc Công an tỉnh Bình Phước - cũng cho biết “sẽ chỉ đạo Công an huyện Đồng Phú kiểm tra, nếu đúng sẽ mời đến công an làm việc, nhắc nhở”.
BÙI LIÊM

Cấm rải tiền trên đường đưa tang
Việc rải tiền thật trong các đám tang rõ ràng là hành vi bị pháp luật cấm đoán. Điểm e, điều 10 thông tư 04 ngày 21-1-2011 của Bộ VH-TTDL (quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội) quy định: “Cấm rải tiền VN và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang”. Thế nhưng hành vi này phải bị xử lý thế nào thì còn có nhiều ý kiến khác nhau. Có người nói “không xử phạt hành chính được vì không có quy định”. Song cũng có người cho rằng có thể căn cứ vào khoản 2 điều 18 nghị định 75 ngày
12-7-2010 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa) để phạt tiền từ 1-3 triệu đồng. Ý kiến này không nêu rõ theo điểm nào trong khi khoản 2 điều 18 nghị định trên có đến bốn điểm ứng với nhiều hành vi vi phạm khác nhau.
Điểm a, khoản 2 điều 18 nghị định 75 nêu: phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi “Tổ chức hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan”. Có thể người ta cho rằng “phạt được” đã xếp hành vi rải tiền thật trong đám tang thuộc về “các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan”. Tuy nhiên pháp luật thì phải rõ ràng, tránh tình trạng vận dụng tùy tiện dễ gây phản ứng. Chính vì thế, tôi nghĩ Bộ
VH-TTDL nên có hướng dẫn thêm để các địa phương có cơ sở pháp lý thực hiện thống nhất, nhất là khi hành vi rải tiền không phải là chuyện cá biệt của một vài người.
Luật sư TRẦN THỊ MIỀN
575136-jpg_024231.jpg


Hủ tục rải tiền

Mới hôm đầu tháng 6-2012, mọi người bất bình khi nghe tin một đám tang ở Bà Rịa - Vũng Tàu rải tiền thật khi đưa tang, đến nay lại thêm một đám tang rải tiền thật ở Bình Phước. Những tờ giấy bạc do Ngân hàng Nhà nước chính thức phát hành và đang còn giá trị sử dụng trên thị trường đã bị biến thành vật phục vụ một loại não trạng mê tín.

Cần nói ngay để phân định rằng tập quán đốt và rải tiền vàng mã vốn tồn tại trong dân gian theo quan niệm tín ngưỡng không tiến bộ. Hủ tục ấy từng bị nhiều người lầm tưởng là xuất phát từ nghi lễ Phật giáo. Nhưng hoàn toàn không phải vậy: trên báo Đuốc Tuệ từ những năm 1937-1938, hòa thượng Thích Trí Hải - một cao tăng đóng góp nhiều công sức trong việc chấn hưng Phật giáo miền Bắc - đã viết bài phê phán tệ trạng đốt tiền vàng mã: “Chính trong kinh Phật chỉ thấy chỗ nào cũng nói cấm đốt vàng mã. Như trong kinh Dược Sư là bộ kinh rất nhiều người tụng, có nói: “...Đốt tiền và các thứ vàng mã cũng là giết chóc chúng sinh để tế bái quỷ thần, chỉ thêm tội nghiệp và chóng chết mà thôi chứ không ích lợi chi cả”.
Và từ hơn 70 năm trước, chính hòa thượng Trí Hải đề xuất: “Chúng ta nên đem số tiền đốt vàng mã góp lại, giao cho Hội Phật giáo dùng làm việc từ thiện”. Đáng tiếc là những tư tưởng tiến bộ sớm sủa ấy đã không được cộng hưởng trong cộng đồng cư dân VN, đến nay vẫn còn tồn tại tư duy muốn dùng tiền (cả thật và giả) để kết nối với thế giới thần linh!
Tất nhiên, trách nhiệm bảo vệ đồng tiền quốc gia cùng những chế tài đối với hành vi không tôn trọng đồng tiền do Nhà nước ban hành đã được luật hóa. Cho nên ngoài sự lệch lạc trong tín ngưỡng và mù quáng thực hành hủ tục, không còn lý do gì có thể biện minh cho hành động thản nhiên vứt bỏ đồng tiền như thế.
Cùng với nỗ lực lên tiếng của giới truyền thông, cộng với sự tham gia của các cơ quan chức năng trong việc ban hành các quy định cụ thể về việc tổ chức lễ tang và các nghi thức lễ hội công cộng, nội dung đốt tiền vàng mã ngày càng được lưu ý loại bỏ. Một số cơ sở đình, chùa Phật giáo cũng khuyến khích các tín đồ phật tử và khách hành hương không đốt vàng mã, như một hành động thiết thực bảo vệ môi trường...
Hi vọng điều này sẽ ngày càng được ủng hộ và nhân rộng trong dân chúng, chứ không lẽ trong một thế giới ngày càng văn minh, mà những hủ tục “kỳ vọng vào thần linh” lại liên tục phát triển từ chỗ rải tiền vàng mã đến rải luôn tiền thật trong các đám tang, thì có lẽ những tiền nhân cấp tiến như hòa thượng Trí Hải cũng lắc đầu bó tay với thế hệ con cháu hậu sinh mà hủ lậu đến vậy.
LAM ĐIỀN
 
×
Quay lại
Top