Rác Thải Điẹn Tử đang Đe Dọa Nhân Loại

Tusen

Thành viên
Tham gia
18/5/2013
Bài viết
72
(TBVTSG) - Tình hình rác thải điện tử được nấu chảy gây ô nhiễm môi trường và tác hại đến sức khỏe cộng đồng đã nghiêm trọng tới mức Liên hiệp quốc phải ra tay. Một nhóm có tên StEP (Solving the E-waste Problem – Giải quyết vấn đề rác thải điện tử) đã chọn Trung Quốc làm nơi thực hiện thí điểm một dự án về xử lý rác thải điện tử.
Trong dãy nhà kho rộng như một hang động của công ty Supreme Asset Management & Recovery tại Lakewook bang New Jersey (Mỹ), hàng chục công nhân áo thun ướt đẫm mồ hôi đang bận rộn dỡ hàng từ những chiếc xe tải chất đầy màn hình, bàn phím, máy in và ti-vi; tất cả đều là “rác thải” do các tập đoàn như Panasonic, JVC, các địa phương như quận hạt Baltimore, Westchester… gửi đến xử lý.

Bí mật vừa bị “bật mí”
Công ty Supreme - cũng như các đồng sự trong ngành tái chế rác thải điện tử (e-waste) - luôn tuyên bố rằng, họ xử lý rác đúng quy định của pháp luật, chỉ chôn lấp rác sau khi trung hòa xong các chất độc hại như chì, thủy ngân và cadmium có trong các thiết bị này.
Tuy nhiên, một cuộc điều tra hồi tháng 8-2008 vừa qua của Văn phòng Giải trình của Chính phủ Mỹ (GAO) cho thấy, “các công ty tái chế rác điện tử đã tìm cách xuất khẩu chúng sang các nước châu Á, vi phạm luật pháp Mỹ”.

Từ vài nhân viên năm 1990, đến nay Công ty Supreme đã có hơn 100 nhân viên, có chi nhánh tại các bang Virginia, Maryland và Massachusetts, chuyên thu gom rác thải điện tử.

Công ty cho biết, mỗi năm họ xử lý 100 triệu pound (45.360 tấn) rác thải điện tử và được tạp chí chuyên ngành Recycling Today xếp hạng nhì trong ngành công nghiệp tái chế. Công ty không tiết lộ báo cáo tài chính, song giới làm ăn trong ngành cho biết, các công ty tái chế thường thu của mỗi khách hàng vài trăm đô-la Mỹ để mang một container rác về “xưởng tái chế”.

Tại đây, để tháo gỡ và xử lý các màn hình hoặc ti-vi có hóa chất độc hại thì mỗi container công ty phải mất không dưới 1.000 đô-la chi phí nhân công và thiết bị. Thế nhưng, không có công ty tái chế nào thua lỗ cả. Họ tìm cách xuất khẩu chúng để thu lợi nhuận. Nói cách khác, họ “bán” rác thải chứ không “tái chế” gì cả. Một container chứa khoảng 3.000 màn hình máy tính hoặc ti-vi cũ bán tại Hồng Kông - trung tâm nhập khẩu rác điện tử của châu Á - khoảng 5.000 đô-la, trong đó người “tái chế” bên Mỹ thu được gần 4.000 đô-la lợi nhuận.

Chính vì thế, công nghiệp “tái chế” rác thải điện tử bùng nổ mạnh ở Mỹ với khoảng 1.200 công ty cỡ nhỏ, doanh thu năm ngoái khoảng 3 tỷ đô-la. Năm tới, triển vọng làm ăn còn tốt hơn vì từ tháng 2-2009, các gia đình ở Mỹ sẽ chuyển sang dịch vụ truyền hình kỹ thuật số thay cho truyền hình analog hiện nay, nghĩa là có thêm hàng trăm triệu chiếc ti-vi biến thành rác thải.

Sắm vai người mua rác thải điện tử, nhân viên cơ quan GAO đã phát hiện có ít nhất 43 công ty tái chế của Mỹ sẵn sàng cung ứng hàng hóa với khối lượng rất lớn, trong đó có những tên tuổi như công ty Supreme, Reusable Assets. BusinessWeek cũng phát hiện trên trang web Alibaba.com (Trung Quốc) và nhiều trang web thương mại quốc tế khác những người xưng là đại diện bán hàng của các công ty này chào bán hàng chục container màn hình máy tính cũ - loại rác cấm xuất khẩu.

Từ đầu thập niên 1990, thế giới đã có Công ước Basel (Basel Convention) cấm buôn bán rác thải độc hại. Tháng 1-2007, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) ra quy định cấm xuất khẩu màn hình máy tính và ti-vi dùng bóng đèn hình CRT (cathode-ray tube) đã qua sử dụng. Các sản phẩm này có rất nhiều chì, thủy ngân, cadmium và những chất độc hại khác. Thực tế cho thấy, các công ty tái chế Mỹ bất chấp những điều luật này, biến các nước đang phát triển thành bãi chứa rác thải điện tử để kiếm lợi.

Châu Á: bãi rác thải điện tử?

3e8db_www.greenpeace.org_200.jpg

Từ đống rác khổng lồ này, dân làng tách lấy kim loại quý như vàng, đồng...
Làng Guiyu ở tỉnh Quảng Đông gần thành phố Hồng Kông, Trung Quốc nổi tiếng là bãi rác thải điện tử. Mỗi năm làng này tiếp nhận vài triệu tấn rác thải điện tử được nhập lậu từ châu Âu và Bắc Mỹ. Từ đống rác khổng lồ này, dân làng tách lấy kim loại quý như vàng, đồng và các linh kiện còn dùng được, bán cho các nhà máy. Nhưng do chỉ làm thủ công và thiếu kiến thức, công việc này vừa gây ô nhiễm trầm trọng cho môi trường, đất và nước của cả một khu vực rộng lớn vừa không thu hồi hết lượng kim loại có ích.
Lai Yun, nhân viên người Trung Quốc của Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) thường xuyên tới làm việc ở làng Guiyu, nhận xét: “Dân làng chỉ biết một kỹ thuật duy nhất là nấu chảy linh kiện điện tử để lấy kim loại. Sau đó, rác thải được đổ xuống sông hoặc chôn lấp ngoài đồng trống. Các dòng sông ở đây đều ô nhiễm nặng. Ngay cả nước ngầm cũng ô nhiễm, đến mức dân làng phải mua nước từ thị trấn mang về uống”.

Một cuộc khảo sát năm 2003 của trường Y khoa thuộc Đại học Shantou, Quảng Đông, ghi nhận 81,8% trẻ em ở Guiyu có hàm lượng chì trong máu cao hơn mức cho phép. Năm 2007, cuộc khảo sát lại cho thấy tất cả trẻ em trong làng có hàm lượng chì trong máu cao gấp đôi mức bình thường. Lượng chì trong máu cao có thể gây khiếm khuyết mãn tính cho hệ thần kinh và hệ sinh sản của con người. Chì có rất nhiều trong màn hình máy tính, trong các mạch điện tử và các mối hàn. “Làng Guiyu trông có vẻ giàu có hơn các làng khác. Vì vậy dân làng không hề muốn ngừng việc xử lý rác thải điện tử”, ông Lai Yun nói thêm.

Theo số liệu của Liên hiệp quốc, phần lớn lượng rác thải điện tử của thế giới - khoảng 40 triệu tấn/năm - bao gồm đồ điện tử đã qua sử dụng và những phế phẩm trong quá trình sản xuất, được nhập lậu vào Trung Quốc. Rác thải nội địa cũng đang tăng nhanh; mỗi năm người Trung Quốc thải ra gần 40 triệu chiếc máy tính và ti-vi các loại, chưa kể điện thoại di động và nhiều mặt hàng điện tử dân dụng khác.

Nhật báo Anh The Guardian cũng mô tả những cảnh “xử lý rác thải điện tử” tương tự tại các làng quê nghèo gần thủ đô Lagos (Nigeria) và Accra (Ghana) bên châu Phi, nơi dân làng đốt rác thải điện tử để lấy kim loại, tuy quy mô không lớn bằng Trung Quốc.

Dự án thí điểm của StEP ở Trung Quốc

Quốc hội Mỹ đang xem xét một dự luật mà theo đó, các nhà sản xuất và các siêu thị điện máy bị buộc phải tham gia chương trình tái chế rác thải điện tử, thực hiện chương trình “đổi mới lấy cũ” cho khách hàng...
Tình hình rác thải điện tử được nấu chảy gây ô nhiễm môi trường và tác hại đến sức khỏe cộng đồng đã nghiêm trọng tới mức Liên hiệp quốc phải ra tay. Một nhóm có tên StEP (Solving the E-waste Problem – Giải quyết vấn đề rác thải điện tử) đã chọn Trung Quốc làm nơi thực hiện thí điểm một dự án về xử lý rác thải điện tử.
Dự án có những dây chuyền “tháo gỡ” linh kiện điện tử, hoạt động ngược với các dây chuyền “lắp ráp”, sử dụng công nhân người Trung Quốc để tháo gỡ và phân loại các linh kiện thu hồi được từ rác thải. Công nhân được bảo đảm sức khỏe và an toàn lao động, rác có chất độc được đưa vào tái chế bằng những thiết bị và công nghệ phù hợp, những bộ phận phức tạp không thể xử lý ở Trung Quốc thì được đưa sang Đức cho tập đoàn Umicore - chuyên gia hàng đầu về tái chế kim loại quý - xử lý.

Kim loại quý như vàng và bạc thu được sau xử lý sẽ bán cho Umicore hoặc đưa trở về Trung Quốc tiêu thụ. Ông Christian Hagelueken, chuyên viên của Umicore làm đối tác trong dự án của StEP tại Trung Quốc, cho rằng nếu xử lý đúng cách có thể thu hồi 90% lượng kim loại quý có trong rác thải điện tử thay vì chỉ thu được 20% bằng cách nung chảy thông thường.

Để thực hiện dự án, ngoài tập đoàn Umicore, nhóm StEP đã vận động được sự tham gia của tập đoàn điện tử Philips (Hà Lan) và hợp tác với một công ty Trung Quốc, Taizhou Chiho Tiande, để xây một nhà máy tái chế gần Thượng Hải sẽ hoạt động vào cuối tháng Mười này, bắt đầu bằng việc tái chế rác thải của tập đoàn Philips.

Theo các nhà điều hành dự án của StEP, trở ngại còn lại là tình trạng buôn lậu rác thải điện tử ở Trung Quốc. Mặc dù chính phủ nước này đã phê chuẩn các công ước quốc tế và ban hành những quy định chặt chẽ ở trong nước về việc cấm nhập khẩu rác thải, việc buôn lậu rác thải điện tử vẫn lan tràn và không kiểm soát được khiến cho tình hình ở những nơi như làng Guiyu ngày càng thêm tồi tệ.

Giáo sư Nie Yongfeng, khoa Môi trường, Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), nhận xét: “Trung Quốc có luật lệ nghiêm khắc về nhập khẩu chất thải song lượng rác nhập lậu vẫn còn rất lớn”. Ông Nie cũng phê phán chính phủ các nước đang phát triển đã không thực thi nghiêm chỉnh các luật lệ như vậy.

Các doanh nghiệp vào cuộc

Với mong muốn giải quyết vấn đề tận gốc, nhiều tiểu bang ở Mỹ đã gây áp lực buộc các nhà sản xuất, phân phối phải có trách nhiệm với hàng chục triệu tấn rác phát sinh mỗi năm. Từ giữa năm 2007, bang Minnesota đưa ra một điều luật đòi các nhà sản xuất phải thu hồi và tái chế một lượng rác thải điện tử tương đương 60% khối lượng sản phẩm mà họ bán ra thị trường tiểu bang trong năm trước đó. Một điều luật tương tự của tiểu bang Oregon sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2009.

Trong năm năm qua đã có chín tiểu bang ở Mỹ ban hành điều luật về tái chế, buộc các nhà sản xuất phải thu hồi và tái chế các loại thiết bị như ti-vi, đầu đĩa DVD xách tay, màn hình máy tính, điện thoại di động… hoặc thuê công ty tái chế làm việc này.

Những quy định như vậy đang làm thay đổi tình hình ở Mỹ, nơi trước đây người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm tiêu hủy những sản phẩm điện tử không còn sử dụng. Theo số liệu thống kê của cơ quan EPA, năm 2005 có 86% số đồ dùng điện tử hết hạn sử dụng, khoảng 2,2 triệu tấn, được chôn lấp bừa bãi, khiến cho các chất thủy ngân, chì thẩm thấu vào đất và nguồn nước.

Giờ đây ở Mỹ các nhà sản xuất máy tính và đồ dùng điện tử đều phải thiết lập bộ phận chuyên thu thập rác thải, và trong một số trường hợp người tiêu dùng chịu một phần chi phí cho hoạt động này. Ở California - tiểu bang đầu tiên bắt buộc tái chế rác điện tử - các siêu thị điện máy thu thêm từ 6-10 đô-la mỗi sản phẩm để tài trợ cho hoạt động tái chế, có nơi chi phí này do nhà sản xuất chi trả bằng cách tính thêm vào giá bán.

Tập đoàn máy tính Hewlett-Packard (HP) chẳng hạn, đã thiết lập những điểm thu gom đồ phế thải mang nhãn hiệu HP tại các siêu thị máy tính ở nhiều tiểu bang và mỗi tháng thu về từ 4,5-5 triệu pound (400-450 tấn) rác thải. HP còn ký hợp đồng với các khách hàng doanh nghiệp để đảm nhận việc thu hồi những thiết bị, bộ phận không còn sử dụng được nữa.

Các nhà sản xuất không có điều kiện tự thu hồi và tái chế sản phẩm của mình thì thuê các công ty chuyên ngành làm thay. Ông David Thompson, điều hành công ty Electronic Manufacturers Recycling Management (MRM), chuyên thu thập và tái chế ti-vi cũ cho 14 nhà sản xuất như Toshiba, Panasonic, Sharp…, cho biết chi phí thu thập và tái chế một chiếc ti-vi cũ là khoảng 12-15 đô-la, thường do các nhà sản xuất chi trả rồi tính vào giá bán sản phẩm mới.

Sang năm 2009, khi các gia đình Mỹ đồng loạt thải ra những loại ti-vi analog thế hệ cũ thì chi phí xử lý chúng sẽ là một gánh nặng đáng kể cho các nhà sản xuất ti-vi ; nhất là khi ti-vi không thể được “tái chế” từng bộ phận hoặc “tân trang” (refurbish) rồi đem bán lại với giá rẻ như máy vi tính.

Chính vì thế một vài tiểu bang như California đang xem xét giảm mức phí mà nhà sản xuất phải trả cho công ty tái chế, hoặc tăng mức phí mà người tiêu dùng phải trả khi mua thiết bị mới. Năm ngoái, lượng rác thải điện tử thu hồi được ở tiểu bang này đã tăng 46%, lên 185 triệu pound (84.000 tấn) và tiểu bang phải chi ra 88 triệu đô-la cho hoạt động tái chế, vừa bằng khoản tiền thu được từ các nhà sản xuất.

Quốc hội Mỹ cũng đang xem xét một dự luật do tám dân biểu Hạ viện đệ trình. Theo đó, không chỉ nhà sản xuất mà các siêu thị điện máy cũng bị buộc phải tham gia chương trình tái chế rác thải điện tử (e-recycling program) toàn liên bang, thực hiện các chương trình “đổi cũ lấy mới” cho khách hàng.

Người dân Mỹ hoan nghênh các điều luật như vậy, song cũng có người nghi ngờ khả năng thực thi chúng khi những cơ quan chịu trách nhiệm như EPA chưa hành động quyết liệt để ngăn chặn tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng chiêu bài “tái chế” để xuất khẩu rác thải ra nước ngoài, gieo rắc bệnh tật cho người dân các nước đang phát triển, như trường hợp Công ty Supreme nói trên.

HUỲNH HOA (Tổng hợp từ báo nước ngoài)

Theo thesaigontimes
 
×
Quay lại
Top