“Quyền trợ giúp” cho người mới đi làm

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Ra trường, đi làm và độc lập tài chính với bố mẹ - đó là những điều mà sinh viên nào cũng mong muốn từ khi còn ngồi trên ghế Giảng đường.

Có bao giờ bạn thấy lạ lẫm với công việc và chẳng biết xử sự sao cho phải? Có bao giờ bạn thấy mình sao mà vô dụng và làm việc kém hiệu quả dẫn tới những “comment” không tốt từ các đủ các phía? Vậy thì bạn ơi, đừng vội nản lòng. Vì chúng ta, không ai hoàn hảo. Nhất là khi, bạn vẫn còn được mặc định là “người mới đi làm”. “Người mới đi làm” có một số “quyền trợ giúp” đặc biệt và nếu biết tận dụng, bạn sẽ trưởng thành hơn trong công việc đấy!

1. Quyền được sai

Hồi năm ba, tớ xin làm part time cho một công ty Luật có tiếng. Công ty có truyền thông và uy tín từ lâu, cộng với các “sếp” rất mực nghiêm túc và tài năng khiến cho tớ không để đâu hết bối rối và lo lắng. Tớ lo lắm chứ, nếu như mình có điều gì sai sót ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh của công ty thì sao? Quả đúng như vậy. Vừa non yếu kinh nghiệm, vừa nhanh nhảu, chủ quan như bản tính vẫn thế; tớ đã thực hiện sai thủ tục cho khách hàng. Hậu quả không chỉ là việc khách hàng của công ty phải đi thêm một chặng đường dài, là một ngày làm việc của tớ hóa thành ... công cốc.

Quan trọng hơn hết, uy tín của công ty đã bị ảnh hưởng nặng nề sau những phàn nàn từ phía khách hàng. Tớ đã rất lo, những tưởng sẽ phải chịu một trận “lôi đình” từ những người lãnh đạo. Vậy mà không phải. Đáp lại những áy náy trong tớ, chỉ có câu nhắn nhủ: “Ai cũng một lần sai lầm, nhất là với những điều chưa từng trải qua. Công ty cho phép em được sai, nhưng em chỉ được sai một lần với cùng một lỗi”. Tớ nghe lời nhắn nhủ đó, cảm thấy mình đã thấm thía được nhiều điều.

Tớ tiếp tục làm việc tại công ty cho tới lúc ra trường. Sau này, thỉnh thoảng, tớ vẫn vấp phải những sai sót nho nhỏ. Nhưng không cái sai nào giống cái sai nào. Đúng vậy, ai cũng có quyền được sai, quyền được mắc lỗi trước những điều còn xa lạ. Chỉ có điều, đừng tự ru ngủ mình bằng “quyền được sai”. Bởi, không phải người nào cũng có thể kiên nhẫn với những sai sót hết lần này đến lần khác của bạn. Biết đâu, chính bạn cũng không thể kiên nhẫn với sai lầm của chính mình?

923489-2.jpg


2. Quyền từ chối

Là sinh viên mới ra trường nên người nào cũng năng nổ, nhiệt tình với công việc. Vì thế, sẽ có lúc bạn thấy luống cuống vì không biết phải làm việc nào trước, việc nào sau, nên nhận việc nào, từ chối việc nào. Chính cô bạn thân của tớ cũng có trải nghiệm đáng nhớ về vấn đề này.

Bạn tớ làm cho một công ty truyền thông. Dịp Tết thiếu nhi, bạn tớ bận tối tăm mặt mũi vì các đầu việc được giao.
Deadline cứ gọi là tới tấp. Ngoài công việc được phân công, thỉnh thoảng mọi người trong phòng lại nhờ vả bạn tớ làm việc này việc kia. Lúc là nhờ liên hệ với một công ty đối tác, khi là gọi điện cho danh sách khách hàng, khi khác nữa lại là nhờ viết một bài PR ngắn cho chương trình của công ty...

Cả nể cộng với tính ham công tiếc việc, bạn tớ ngập trong công việc, cả việc của mình lẫn việc được nhờ vả. Cho đến khi chạm deadline , bạn tớ mới tá hỏa vì phần việc mọi người nhờ đã xong mà của mình mới xong được ... phân nửa. Sau lần đó, bạn tớ rút ra kinh nghiệm, phải luôn hoàn thành những việc cấp bách và được giao trực tiếp cho mình trước khi hỗ trợ cho ai khác. Bạn hoàn toàn có thể đề xuất: “Hiện tại, em cũng có nhiều việc phải hoàn thành. Khi nào em xong việc, em sẽ giúp anh/ chị một tay”, hoặc kiến nghị: “Nếu anh chị cần em làm trước thì báo cáo với sếp giùm em”.

Chẳng mất đi đâu một câu nói song bạn hoàn toàn có thể làm tốt việc mình và vẫn giữ được thiện ý. Đừng vì ngại ngần mà không dám nói từ “Không”. Thẳng thắn sẽ tốt cho bạn và tốt cho công việc chung. Tất nhiên, nếu sự thẳng thắn được cộng gộp với khéo léo và tế nhị thì còn tốt hơn nữa, bạn ạ.

3. Quyền được hỏi

Vì bạn là người mới, bạn chưa có nhiều kinh nghiệm nên bạn có thể thắc mắc về mọi điều trong công việc và văn hóa công ty. Những câu hỏi sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về nội dung công việc, các kỹ năng cần phải bổ sung và ghi điểm với các bạn bè, đồng nghiệp. Là một người hay thắc mắc còn tốt hơn là bạn cứ lặng lẽ làm và ... làm sai. Nhưng bạn nhớ nhé, hỏi gì thì hỏi, bạn cũng phải tập trung để ghi nhớ và tiếp thu những nội dung được giải đáp. Kinh nghiệm không bao giờ thừa cho một người mới đi làm là luôn mang theo sổ và bút. Đừng tự tin quá mức vào trí nhớ của bạn vì ai mà biết được lúc nào đó nó sẽ như trí nhớ của cừu Dorry. Ngoài việc tạo dựng cho bạn một phong thái chuyên nghiệp thì quyển sổ, cây bút thực sự hữu ích cho bạn trong việc ghi nhớ những đầu mục công việc và nội dung phát sinh.

--------

“Hậu sinh viên” không có nghĩa là bạn có thể lăn xả vào môi trường việc làm mà không gợn chút lăn tăn, càng không phải là ép mình để trở thành một nhân viên xuất sắc, kiểu mẫu trong khi kinh nghiệm lẫn vốn sống chưa tích lũy được bao nhiêu. Sử dụng tốt những quyền trợ giúp ở trên, bạn sẽ có cơ hội để trưởng thành hơn trong công việc và khẳng định được vai trò của mình với bạn bè, đồng nghiệp. Còn gì ý nghĩa i hơn thế, phải không bạn?
Theo Mực Tím
 
×
Quay lại
Top