Quốc kỳ: niềm kiêu hãnh của mỗi quốc gia

nhipcautre0904

Keep moving forward
Thành viên thân thiết
Tham gia
6/3/2012
Bài viết
4.114
quocky1.jpg

Trong lúc New Zealand đang chuẩn bị thay đổi quốc kỳ, Phil Mercer tìm hiểu về việc bản sắc văn hoá của một đất nước sẽ được thể hiện ra sao trên một thiết kế duy nhất.

Làm thế nào để gộp được cả lịch sử, địa lý, văn hóa, chính trị và tôn giáo của một quốc gia vào một thiết kế chung?

Những cuộc chiến, những làn sóng cách mạng, các liên minh chính trị và những cuộc thi đấu... tất cả đều góp phần định hình nên sắc màu và nội dung của những biểu tượng này.

Ở Nam Thái Bình Dương, quốc đảo Fiji đã hứa hẹn với người dân về việc xây dựng một biểu tượng quốc gia mới thoát hẳn khỏi quá khứ thuộc địa, còn New Zealand thì tổ chức cuộc thi thiết kế lá cờ mới với mục tiêu thể hiện được cả tính hiện đại, đa văn hoá lẫn di sản phong phú của người thổ dân bản xứ.

Việc thể hiện được cả một đất nước chỉ trên một tấm vải là điều không dễ gì.

quocky2.jpg

Cờ Nauru có màu xanh dương với một dải băng vàng ở giữa, thể hiện đường xích đạo, và một ngôi sao lớn 13 cánh đại diện cho các thị tộc trong lịch sử Nauru
Người dân xứ Kiwi được quyền nộp, hạn chót là ngày 16/7/2015, các ý tưởng về lá cờ mới lên một uỷ ban độc lập gồm các gương mặt nổi tiếng của New Zealand, là cơ quan sẽ đóng vai trò trợ giúp trong việc ra quyết định về mẫu thiết kế của lá cờ tương lai.

Nhiệm vụ của uỷ ban này là chọn ra bốn mẫu thiết kế xuất sắc nhất để đưa ra trưng cầu dân ý vào tháng 11/2015.

Sau đó, vòng bỏ phiếu thứ nhì mang tính quyết định sẽ được tổ chức vào đầu năm tới, và mẫu được chọn sau vòng này sẽ thay thế cho quốc kỳ hiện tại của New Zealand, vốn có hình lá cờ thực dân Anh cũ trên nền xanh sẫm với bốn ngôi sao đỏ biểu tượng cho chòm sao Nam Thập Tự.

Hàng ngàn mẫu thiết kế đã được gửi tới. Mỗi tác phẩm dự thi đều được xem xét cẩn thận trước khi bốn mẫu xuất sắc nhất được chọn vào vòng chung kết.

Quốc gia của những di dân
Trong số các mẫu được nộp có mẫu cờ Koru, một thiết kế được làm vào năm 1983 của nghệ sĩ, kiến trúc sư người Áo, Friedensreich Hundertwasser. Tác giả là người từng có một số thời kỳ sống ở quốc gia nhỏ bé ở Nam Thái Bình Dương này trong giai đoạn từ thập niên 1970 cho đến khi qua đời, năm 2000.

Thiết kế xanh lá – trắng của ông dựa trên biểu tượng truyền thống của thổ dân Maori, được gọi là Maori koru, với nhành dương xỉ non biếc vẫn đang cuộn tròn những cánh lá xếp nếp nơi đầu cành.

quocky3.jpg

"Koru Flag": mẫu thiết kế được làm vào năm 1983 của nghệ sĩ, kiến trúc sư người Áo, Friedensreich Hundertwasser
Mike Summerfield, một trong gần 20 người ủng hộ thiết kế này, cho rằng những gì mà Hundertwasser từng trải qua từ cái nhìn của một di dân chính là những trải nghiệm cốt lõi của xứ Kiwi.

Trên trang web tiếp nhận các mẫu dự thi của chính phủ, ông viết: “Xét về lịch sử thế giới thì ai cũng là người mới di cư tới New Zealand.

Mẫu cờ Koru của Hundertwasser gắn liền với câu chuyện của một di dân, người đã chọn New Zealand làm nhà và dâng tặng cho đất nước một mẫu cờ phản ánh được nền văn hoá mà ông đã chứng kiến ở đây.”

Nghệ sĩ, hoạ sĩ vẽ tranh minh hoạ người New Zealand, Otis Frizzell, cũng thiết kế dựa trên những mô-típ truyền thống của thổ dân Maori.

Fizzell giữ lại chòm sao Nam Thập Tự, thể hiện ba yếu tố chính là bầu trời, mặt đất và biển cả được thiết kế trên ba màu cơ bản là xanh lá cây, đen và trắng.

"Nam Thập Tự là chòm sao rất dễ nhận thấy. Chòm sao này đã dẫn dắt con người tới đây, từ những người định cư đầu tiên cho tới những tay thực dân. Nó là điểm định hướng để mọi người tụ hội về vùng đất này,” ông giải thích.

“Màu trắng trên lá cờ thể hiện cho những đám mây trắng trải dài, cũng là những đỉnh sóng bạc đầu trên đại dương. Màu xanh lá cây bên dưới là những ngọn núi và những lớp sóng vỗ đại dương. Điều đó gợi lên tinh thần New Zealand trong tôi."

"Đó là một cách sửa sai. Khi còn bé, tôi thậm chí còn không biết có sự khác nhau giữa cờ New Zealand và cờ Úc. Tôi từng nghĩ chúng tôi dùng chung cờ,” ông nói.

quocky4.jpg

Mẫu thiết kế của nghệ sĩ, hoạ sĩ vẽ tranh minh hoạ người New Zealand, Otis Frizzell, cũng thiết kế dựa trên những mô-típ truyền thống của thổ dân Maori
‘Sự đơn giản chính là điều then chốt’
Vào tháng Chín, Sydney đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế Vexillology lần thứ 26, một sự kiện được tổ chức hai năm một lần thu hút các chuyên gia cờ từ khắp nơi trên thế giới.

Người đứng đầu uỷ ban tổ chức của sự kiện Sydney là Ralph Kelly, người vốn xem những lá cờ là những tác phẩm nghệ thuật.

Bộ sưu tập cá nhân của ông bao gồm các cờ hiệu hoàng gia của hoàng đế Đức và hoàng đế Ba Tư, rồi cả lá cờ Swaziland với hình một tấm khiên lớn trên đó "chỉ để thét vang lên tiếng gọi Phi châu và mang ý nghĩa khác nữa,” ông nói.

"Lý do khiến cho có những thiết kế non tay nhất là bởi các tác giả đã cố gắng đưa quá nhiều ý tưởng vào một lá cờ. Phương pháp tốt nhất là phải tìm ra được những yếu tố quan trọng nhất của đất nước mà bạn muốn thể hiện," ông giải thích.

"Sự đơn giản chính là điều then chốt. Nhưng để thiết kế đơn giản thì bạn phải loại bỏ bớt một số thứ, để cuối cùng bạn sẽ tạo ra được mẫu thiết kế nào đó làm vừa lòng không phải là tất cả mọi người mà là vừa lòng số đông."

quocky5.jpg

Lá cờ Swaziland có hình một tấm khiên lớn với những mũi giáo trên đó "chỉ để thét vang lên tiếng gọi Phi châu"

Tuy nhiên, có những lá cờ được nhiều người ưng ý hơn so với những lá cờ khác.

Chẳng hạn như lá cờ với chiếc lá phong đỏ 11 nhánh của Canada giới chuyên gia đánh giá là xuất sắc. Lá cờ rất đơn giản, bắt mắt và dễ nhận biết. Kelly tin rằng lá cờ này đã đặc biệt thành công trong việc “nhấn mạnh bản sắc dân tộc.”

Nhưng lá cờ gây ấn tượng nhất với Kelly không phải là của một trong những quốc gia lớn nhất thế giới mà là của một quốc đảo bé xíu tại Nam Thái Bình Dương.

“Lá cờ yêu thích của tôi là cờ Nauru, màu xanh dương với một dải băng vàng ở giữa, thể hiện đường xích đạo, và một ngôi sao lớn 13 cánh đại diện cho các thị tộc trong lịch sử Nauru. Lá cờ đưa ra tuyên ngôn ‘Đây là nơi tôi sống trên thế gian này,” ông nói.

quocky6.jpg

Cờ Canada với hình lá phong đỏ được ca tụng là một tác phẩm đặc biệt thành công

Xác định tính cách dân tộc


Tại New Zealand, chủ đề phổ biến nhất trong cuộc thi thiết kế mẫu quốc kỳ mới là nhành dương xỉ bạc và chú chim kiwi, một loài chim với cái mỏ dài nhưng không biết bay.

Hồi một thập niên về trước, kiến trúc sư Kyle Lockwood đã giành chiến thắng trong cuộc thi vẽ cờ trên báo địa phương tại thủ đô Wellington. Lần này, ông dự thi với mẫu cờ mới, dựa trên mẫu đã đoạt giải, với một số điều chỉnh.

Mẫu cờ của ông có hình nhành dương xỉ bạc ở một bên và chòm Nam Thập Tự với màu đỏ tươi, màu trắng và xanh dương ở một bên. Mẫu cờ của Lockwood được giới thượng lưu ưa thích, trong đó có cả Thủ tướng John Key.

quocky7.jpg
Mẫu thiết kế của Kyle Lockwood được nhiều gương mặt nổi tiếng của New Zealand ưa thích

Lá dương xỉ bạc mang lại sự đồng cảm với rất nhiều người New Zealand. Nó là biểu tượng của chúng tôi ít nhất là từ năm 1880 tới nay. Nó được tất cả các thế hệ người New Zealand chúng tôi, ở cả trong nước và nước ngoài, ngay lập tức nhận ra như một biểu tượng quốc gia thực sư độc đáo,"Lockwood nói với BBC Culture.

“Việc thể hiện được cả một đất nước chỉ trên một tấm vải là điều không dễ gì. Tôi nghĩ rằng ngoài tính nghệ thuật, lá cờ còn phải đại diện được cho tất cả chúng tôi.”

Rốt cuộc thì một lá cờ cần thể hiện được tính cách của dân tộc. Đó là nhiệm vụ không dễ dàng, thậm chí ngay cả ở một đất nước đầy kiêu hãnh và nhỏ bé như New Zealand.

BBC Culture




 
×
Quay lại
Top