Quê hương tôi - Tràn Thiên : Nỗi niềm quê hương đau đáu

nostosalgos

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
2/1/2013
Bài viết
24
QUÊ HƯƠNG TÔI
KenhSinhVien-que-huong-toi.jpg

Viết tùy bút về văn hóa, đất nước, con người Việt không phải là chuyện hiếm. Như thời trước có Thạch Lam với Hà Nội băm sáu phố phường, Vũ Bằng với Món ngon Hà Nội, Món lạ miền Nam, Thương nhớ mười hai... . Riêng Bình Định quê tôi thì có Nước non Bình Định của Quách Tấn cũng khá nổi tiếng. Nhưng cho dù nhiều bao nhiêu, tập tùy bút Quê hương tôi của Tràng Thiên vẫn có một sắc thái rất riêng, giản dị và không chút pha tạp.




Tràng Thiên là một cây bút rất thú vị. Giọng văn của ông vừa cầu kì, tỉ mỉ trong việc miêu tả giống Nguyễn Tuân, lại vừa có sắc thái lãng tử phóng khoáng như Vũ Bằng trong việc ăn chơi thưởng ngoạn. Nhưng dường như ông không nghiên về thái cực nào. Đọc Quê hương tôi, không chỉ là vui chơi phóng túng, cũng không hẳn gò bó trong tiểu tiết lễ nghi, cái hay của Tràng Thiên là luôn diễn đạt những gì tương đối mơ hồ, những gì nhỏ nhặt bằng một chất bút vừa đủ mượt mà.

Quê hương tôi có một cách xếp đặt rất lạ. Cuốn sách chia làm bốn phần, bài viết được xếp đặt không theo trình tự thời gian. Phần một là các bài viết về văn hóa của Việt Nam, chung chung, không kể vùng miền. Phần hai viết về miền Trung, phần ba là chỗ tác giả tung tẩy về phong tục, con người miền Nam. Riêng phần bốn là chỗ dành riêng cho vùng cao nguyên sương trắng. Còn một điều nữa, các bài viết nhiều khi được xếp đặt theo từng đôi một có cùng chủ đề như: Chiếc áo dài và Lại chiếc áo dài, Chửi và Chửi tục, Không cười và Không cười thế mà hay, Anh Bình Định và Người Bình Định... Tràng Thiên ý nhị và sâu sắc lắm. Một cặp bài viết như thế, bài đầu là để lữ khách chú ý mà dừng chân ngó lại. Bài sau mới là chỗ cho tác giả phô bày. Kiểu như thế, người đọc một mặt không cảm thấy cạn cợt, mặc khác cũng không mau chán. Chỗ nào ý nấy, gọn gàng, chặt chẽ.

Giọng văn của Tràng Thiên mới đọc cảm tưởng như bình thản, trung dung. Nhưng đọc kĩ một chút (một chút thôi) mới thấy không khỏi hoài niệm, xót xa. Cảm xúc đó, những tưởng chỉ những người rời quê, lưu lạc nơi xa mới thấu hiểu. Nhưng Quê hương tôi không chỉ có những xót xa mà còn có cái lí lẽ của bậc tiền bối ham mê tìm tòi. Mà đã tìm tòi thì đâu ra đấy, cặn kẽ và chi tiết. Đọc đoạn Tràng Thiên nói tới sự phân biệt vùng miền mới thấy ông rất tỉnh, tỉnh như một nhà nghiên cứu. Hay như nhiều đoạn lý giải phong tục ăn ở, bán buôn, khai khẩn, di dân ở nhiều vùng miền mới hay Tràng Thiên sắc sảo và nhạy bén. Ông có tài đi tìm trong những chi tiết nhỏ nhặt: một nếp sinh hoạt, một âm vực địa phương, một cấu trúc nhà ở… những nét ý nghĩa văn hóa riêng, đặc trưng cho từng vùng miền. Điều đó, không phải chỉ hứng lên là làm được. Tất nhiên, ông luôn khiêm tốn sợ mình suy diễn. Song không ai có thể phủ nhận được những nhận định sắc sảo và không kém phần thú vị đó của ông, một trong những lý do khiến Quê hương tôi trở nên đáng đọc như vậy.

Lý do tiếp theo nên đọc Tràng Thiên – Quê hương tôi là ở cái nhìn rất nhân văn và phóng khoáng của một người làm nghệ thuật. Viết về quê hương, đối với một nhà văn Việt Nam rất khó để tránh khi nói về chiến tranh. Đã bàn về chuyện đánh chém thì khó thoát khỏi chuyện chính trị. Nhưng khổ nỗi chiến tranh, máu lửa từ lâu đã trở thành máu thịt, ăn sâu vào nếp ăn, nếp nghĩ của con người Việt. Tràng Thiên cắt nghĩa điều ấy một cách không né tránh. Nhất là khi viết về con người Quảng Nam với cái cốt cách chính trị như dòng huyết quản “luân lưu”. Có điều, đọc Tràng Thiên khi viết về vấn đề này, không khỏi tự suy diễn ông là một người rất ghét việc đụng độ, bạo lực. Khi miêu tả về ông giáo người Quảng hiền hòa nhỏ nhẹ, nhưng mỗi khi có chuyện chính trị thì trở nên hăng hái, tôi không khỏi cảm thấy một chút giễu cợt nhẹ nhàng nơi ngòi bút tác giả. Phải, giễu cợt nhưng rất công bằng, công tâm, và lý lẽ thì đâu vào đấy.

Ngôn ngữ của Tràng Thiên giàu tính đối thoại. Đọc mà như đang trò chuyện. Thứ chuyện trò nhẹ nhàng nhưng không kém ly kì. Và câu chuyện như kéo dài trong những ngày mưa đất trời trắng nước của miền trung, rả rích mãi không dứt. Đọc Quê hương tôi là lạc vào một không gian khác, mộc mạc, thôn dã. Dẫu có phố thị thì cũng là phố thị của một thời xưa cũ, chứ không phải thứ phố phường bụi bặm mịt mù khói xe như hôm nay. Nhưng rong chơi xa thế để làm gì, tôi nghĩ, là để một phút quên đi và ngoảnh mặt lại, rồi ngẩng đầu, bước tiếp con đường của mình; mạnh dạn và chắc chắn hơn.

Tiền bối Tràng Thiên là lớp người đi trước rất lâu so với tôi. Viết những dòng này, hẳn nhiên có phần thất thố về nhiều mặt. Song lớp trẻ chúng tôi, như các cụ ngày xưa, vẫn có một khát khao không ngừng nghỉ khi cố gằng tìm kiếm về nguồn cội. Đọc sách là một trong những cách trở về như vậy. Đối với Quê hương tôi, khi đọc tôi có một sự đồng cảm ở mức độ nào đó với tác giả. Vốn dĩ vì tôi cũng là người Bình Định. Song trước nay, đọc sách viết về Bình Định cũng như sách của các tác giả Bình Định là một điều rất hiếm với tôi. Thế nên được đọc một cuốn sách như Quê hương tôi gần giống như một chuyến trở về thân thuộc vậy, rất đáng trân trọng và giữ gìn. Một lần nữa, hậu sinh cúi đầu cung kính.

Anh về Bịnh Định chi lâu
Chiều chiều em đứng hàng dâu ngó chừng
Hai hàng nước mắt rưng rưng
Chàng xa thiếp cách giậm chưn kêu trời
(ca dao Phú Yên)
- Bài cảm nhận của Quang Khuê -
 
×
Quay lại
Top