Quán khuya

dakazino

Ngày mai của những ngày mai
Thành viên thân thiết
Tham gia
7/4/2013
Bài viết
1.689
"Xe đò thì không bao giờ ghé quán nhỏ, nhưng mỗi lần đi qua chúng tôi nghĩ cái đời sống của quán như ngọn đèn dầu leo lét chờ khách ghé vào vặn cho cao lửa. Buồn vui phận người cứ đong đưa trong lúc người đàn bà xắt dưa leo bày lên đĩa cơm sườn, hâm lại nồi nước nấu bún bò, trở cái trứng chiên."

---

Vụt sáng giữa hai cơn mơ, những cái quán cơm bán xuyên đêm bên quốc lộ hay làm tôi tơ tưởng, cảm giác có người dõi theo, chờ đợi mình. Rằng tôi không cô độc. Phải mất chút thời gian, dụi mắt vài ba lần để nhận ra quầng sáng đó không phải trong chiêm bao.

Ngủ trên xe là trập trùng mộng trộn lẫn với đời. Tiếng ho của bà cụ nằm ghế kế bên vừa vặn với gương mặt của bà ngoại đã mất lâu rồi. Bài hát não tình anh tài xế mở cho đỡ buồn làm nền cho một người lướt trên mặt sông đầy nước. Chỉ biết chắc không phải mơ khi chiếc xe bỗng dừng và khách bắt đầu liêu xiêu xuống. Quán khuya.

Những bóng đèn neon bụi bám phát ra thứ ánh sáng tái xanh. Mấy em chạy bàn mặt cũ nhàu như chiêm bao đang giăng mắc màn sẵn, chực hờ người chợp mắt. Những món ăn sắc mặn, nguội ngơ. Vài người bán hàng rong, vé số vật vờ.

Năm Ốm, Tám Ri, Bến Cũ, Ngân Nga... - những quán khuya đều có chung cái không khí bải oải, lơ mơ. Bàn ăn được lau một nửa, xe đò ghé mọi người choàng thức, xe đi lại cùng nhau gà gật. Giọng em gái phục vụ gọi cơm cũng không lanh lảnh như ban ngày.

Không đếm được bao nhiêu cái quán bán xuyên đêm dọc theo quốc lộ. Ông cụ Trần Thanh Phương đếm được bao cây cầu từ Sài Gòn về tới Rau Dừa quê xứ là bởi cây cầu chịu đứng yên một chỗ. Quán xá lại như nấm dại, âm thầm mọc lên rồi tàn lụi.

Quán trụ được lâu là nhờ bắt mối được với mấy hãng xe đò, khá lên lại cơi nới thêm quán số hai, số ba, số nào đèn cũng sáng rực như một thị trấn.

112.jpg

Như những đứa trẻ cả làng đã dồn về đó bưng bê, đứa nào cũng trạc mười bốn, mười lăm. Nhiều cô nhỏ bưng phở cho khách với cái điện thoại đang bật nhạc giắt trong túi áo, vẳng mấy bài ca bằng tiếng Khmer rầu rầu. Mặt trời còn thì trai gái còn muốn chọc ghẹo nhau, nhưng cái rạo rực của tuổi trẻ cũng nguội đi trong trũng đêm sâu hoắm.

Nhưng những đôi thành vợ thành chồng, biết đâu từ bao đêm thức trắng cùng nhau, nhìn thấy vẻ đẹp của sự ngái ngủ khi ánh sáng mặt trời không còn tô vẽ xinh tươi lên người.

Cánh tài xế xe tải sành ăn cũng có những cái quán quen, ngoài nấu nướng hợp gu, đâu đó có thứ ân tình chớp nhoáng. Bạn học lớp đêm hay kể má con chị tốn biết bao nhiêu nước mắt khi lấy nhằm ông chồng lái xe, “không biết ông già đã rải bao nhiêu con rơi dọc đường”.

Lại có những cái quán nhỏ chẳng có mối mang nào, mắc đèn vừa đủ sáng, nửa thờ ơ nửa da diết chờ khách. Có lần đi xe nhà bạn, tấp vô một quán quạnh hiu, chủ là đôi vợ chồng già, bảo mất ngủ từ khi con trai tử nạn bên Lào, không biết làm gì cho hết đêm nên mở quán bán quấy quá cho vui. Khuya đó bọn tôi húp mì gói với mấy lát thịt khô khỏng như dăm bào, nhưng không ai thấy phiền.

Xe đò thì không bao giờ ghé quán nhỏ, nhưng mỗi lần đi qua chúng tôi nghĩ cái đời sống của quán như ngọn đèn dầu leo lét chờ khách ghé vào vặn cho cao lửa. Buồn vui phận người cứ đong đưa trong lúc người đàn bà xắt dưa leo bày lên đĩa cơm sườn, hâm lại nồi nước nấu bún bò, trở cái trứng chiên.

Bữa đi Châu Giang, xe đò tấp ăn khuya ở quán Thúy Ngà, có một ông già bán vé số cứ loay hoay dưới gầm bàn, nói con mắt ông vừa mới rớt đâu đây. Hướng cái hốc mắt trái dúm dó không đáy về phía tôi, ông kêu cô tỏ mắt kiếm giùm, giải thích thêm: “Bị thương vầy là do pháo lạc bầy hồi chiến”.

Bạn đường khều cùi chỏ nhắc coi chừng ổng khùng, tôi cũng làm bộ dòm xiên cho có. Rốt cuộc cũng kiếm được cục đạn cu li xanh nằm trong hốc tường, ông già thở phào lắp bi vô hốc mắt hỏi: “Biết có con mắt nào nhìn thấu được lòng người ta không, cô?”. Con mắt thủy tinh nhảy nhót dưới đèn, ánh lên màu xanh ma mị.

Lúc đó anh lơ réo lên xe rồi, tôi không kịp trả lời. Nhưng nghĩ kỹ thì ông già đã hỏi một câu không lời đáp, làm gì có mắt nào nhìn ngon vậy. Lượt về, ghé đúng quán ấy ngó quanh không thấy ông đâu. Thằng nhỏ chạy bàn nghe tả bộ dạng sơ qua, nói vậy là chị bị ông Út Một chọc rồi. Hỏi ông giờ đâu, thằng nhỏ chỉ ra bờ sậy bịt bùng bên hông quán. Mả ổng đó, nó nói. Tôi cười, “giỡn chơi hoài”.

Nhưng thằng nhỏ thề sống thề chết rằng có ông già hay lảng vảng khúc xóm này tìm đạn cu li làm mắt, mong nhìn được lòng người. “Cả vạt đất này hồi xưa của ổng”, thằng nhỏ khoát tay nửa vòng kim đồng hồ, mở ra một mênh mông, “giàu vậy mà còn đi bán vé số kiếm thêm”.

Nó kể vụ ông già hồi đó lên báo quá trời, xứ này ai cũng biết. Rằng cô vợ trẻ được cưng chiều không làm động móng tay, một bữa nhẫn tâm đốt chết chồng, lấy đất đai thừa kế bán sạch, đem tiền cho anh bồ kép hát.

Trên những chuyến xe đò miền Tây xuôi theo khuya xa, không làm sao rạch ròi được thực và mơ, ma và người.



Nguyễn Ngọc Tư
 
tự nhiên em nhớ tới truyện "Hai đứa trẻ" ghê :)
 
×
Quay lại
Top