Quá trình hình thành kỹ năng ứng xử với bạn của sinh viên

xuanhung_xd9

Thành viên cấp 2
Thành viên thân thiết
Tham gia
15/12/2011
Bài viết
1.979
Đây là một ý kiến chủ quan nhưng nó phản ánh một cách khách quan, chân thực và sống động hiện thực xã hội. Rõ ràng, năng lực xử thế rất quan trọng đối với sự thành công của con người.

Đối với sinh viên, trong những kỹ năng ứng xử với nhiều đối tượng giao tiếp khác nhau thì kỹ năng ứng xử với bạn là một kỹ năng đặc biệt quan trọng vì nó gắn với phần lớn các hoạt động của các em: học tập, vui chơi, lao động…Qua hoạt động giao tiếp ứng xử với bạn mà sinh viên có thể được trực tiếp trao đổi thông tin với bạn, có thể thể hiện được thái độ, năng lực, tính cách, khí chất của bản thân và cũng giúp sinh viên tự khám phá, tự rèn luyện và hoàn thiện chính mình.

Quá trình hình thành kỹ năng ứng xử với bạn của sinh viên chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan:

- Khí chất: Mỗi người sinh ra đã có các kiểu khí chất riêng, đây là cơ sở sinh lý để hình thành phong cach ứng xử. Người có khí chất hoạt bát sôi nổi sẽ dễ dàng thiết lập các mối quan hệ, được rèn luyện qua nhiều tình huống ứng xử khác nhau từ đó có những hành vi cử chỉ phù hợp trong ứng xử. Người khí chất trầm tư thì phạm vi giao tiếp hẹp hơn, họ sẽ khó ứng xử tốt ở những tình huống đa dạng và phong phú của nhiều mối quan hệ trong cuộc sống. Người có khí chất nóng nảy dễ lỡ lời, có những hành vi không phù hợp. Người có khí chất ưu tư rất nhút nhát, khó tự tin trong giao tiếp, ứng xử khó linh hoạt.

Tuy vậy, khí chất chỉ là yếu tố tiền đề chứ không phải quyết định đến kĩ năng ứng xử.
- Vốn sống: Đối với những sinh viên có vốn sống phong phú, có sự hiểu biết rộng về các lĩnh vực của cuộc sống chung quanh, sẽ giúp các em mở rộng mối quan hệ, dễ dàng và chủ động hơn khi ứng xử, giúp các em hiểu người và hiểu chính bản thân hơn.

- Tính tích cực của cá nhân: Tính tích cực của mỗi cá nhân là yếu tố quyết định và ảnh hưởng mạnh mẽ tới kĩ năng ứng xử của sinh viên. Cùng một môi trường học tập như nhau với mối quan hệ xã hội như nhau nhưng sinh viên nào có ý thức học tập, rèn luyện tri thức về ứng xử, kĩ năng ứng xử thì kết quả đạt được sẽ tốt hơn rất nhiều lần so với những sinh viên khác. Đồng thời trong quá trình giao tiếp, ứng xử, sinh viên càng có nhiều tri thức, nhiều trải nghiệm, càng có cơ hội để bản thân được rèn luyện và các em sẽ linh hoạt hơn trong những tình huống đa dạng của cuộc sống.
Các yếu tố khách quan

- Yếu tố xã hội: Cuộc sống ngày càng hiện đại, quan niệm về tình bạn cũng có những nét khác trước đây, hoạt động của sinh viên cũng có những thay đổi: sinh viên học tập nhiều hơn, phát huy tính tích cực nhiều hơn, tăng cường hợp tác theo nhóm. Điều này đòi hỏi các bạn sinh viên cần thực sự khéo léo trong ứng xử, giúp các em gắn kết với bạn bè để vừa học tốt vừa có các mối quan hệ tốt. Đây chính là hành trang cần thiết khi họ bước ra môi trường làm việc nhiều cạnh tranh và phức tạp hơn.

- Bầu không khí tâm lý tập thể: Một tập thể lớp đoàn kết, thân ái, cùng chia sẻ giúp đỡ trên tinh thần bình đẳng, cầu tiến sẽ là nơi mà các em ứng xử một cách chân thành, tế nhị và có văn hoá. Ngược lại, một tập thể lớp với bầu không khí căng thẳng, bạn bè luôn nghi kị, mỗi người chỉ lo cho bản thân mình, thì tập thể đó sẽ tạo cho sinh viên sự căng thẳng mệt mỏi và cư xử với nhau không phù hợp, không thân ái.

- Yếu tố gia đình: Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của cá nhân. Nếu như gia đình quan tâm, uốn nắn, rèn cho các em kĩ năng ứng xử, giúp con em của mình hiểu được như thế nào là cách ứng xử có văn hoá, hợp tình, hợp lý vừa đảm bảo lợi ích của cá nhân vừa không ảnh hưởng đến lợi ích tập thể.

- Nhà trường và giáo viên: Sinh viên là tầng lớp tri thức trong xã hội, nhà trường không chỉ đào tạo nghề mà còn trang bị kỹ năng sống cho sinh viên. Trong các hoạt động ngoài giờ, các môn học liên quan đến giao tiếp, ứng xử và ngay cả ở những môn học khác, giáo viên có thể tác động, lồng ghép qua những câu chuyện kể, qua những buổi sinh hoạt, qua những khóa học phổ biến về các chuyên đề như giáo dục kĩ năng sống… Quan trọng hơn, khi nhà trường tạo được môi trường giao tiếp có văn hóa thì đó là điều kiện tốt nhất để rèn luyện kỹ năng giao tiếp của sinh viên.

Kết luận: Có nhiều yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc hình thành kỹ năng ứng xử với bạn của sinh viên, mỗi yếu tố có một vai trò riêng nhưng tất cả các yếu tố đó đều liên quan chặt chẽ với nhau. Điều quan trọng nhất là mỗi sinh viên cần xác định được tầm quan trọng của việc hình thành kỹ năng ứng xử với bạn, các em sẽ tích cực hoạt động, tự hình thành, tự rèn luyện kỹ năng để mỗi sinh viên đều có kỹ năng ứng xử tốt, khi đó chúng ta sẽ có môi trường học đường văn hóa, thực sự là nơi xây đắp tương lai cho sinh viên.

Theo: GV Nguyễn Thị Cẩm – Đại Học Hà Tĩnh
 
×
Quay lại
Top