Phong tục tết cổ truyền của người Mường, Dao đỏ ở phía bắc Việt Nam

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
Cũng giống như dân tộc Kinh, tết được xem là ngày lễ lớn nhất trong năm của rất nhiều dân tộc với phong tục đón tết độc đáo, đa dạng. Bài viết xin điểm qua một số nét đặc trưng trong hoạt động đón tết của người Mường và người Dao đỏ, hai dân tộc sinh sống chủ yếu ở miền bắc Việt Nam.


Dân tộc Mường

Dân tộc Mường sống chủ yếu ở các tỉnh như Sơn La, Thanh Hóa, Hòa Bình… Tết Nguyên Đán được xem là tết lớn nhất của người Mường, nên mọi công việc nhằm chuẩn bị cho tết được họ lên lịch chuẩn bị từ rất lâu. Người Mường bắt đầu việc dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, bàn thờ từ hôm 23 âm lịch và đến ngày 27 âm lịch, nhà cửa phải sạch sẽ tinh tươm, chuẩn bị và rửa sạch lá dong để gói bánh.


1_sntj.jpg


Đồng bào Mường chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên.
Ảnh: vinaculto.

Ngày tiếp theo là ngày để đi thăm mộ, thắp hương mời ông bà, tổ tiên về ăn tết cùng con cháu. Ngày 29 tết, các nhà bắt đầu mổ lợn để lấy thịt nấu một số món ăn đặt lên bàn thờ tổ tiên, một phần dùng để nấu những món ăn hằng ngày rồi mời anh em, bạn bè đến dự và một phần sẽ dùng để làm nhân bánh chưng.

30 tết, có lẽ là ngày bận rộn nhất khi mọi người bắt đầu quây quần gói bánh chưng, làm cơm cúng ông bà, tổ tiên, thổ địa. Nhà nào hôm đó cũng phải chưng một cây đào trong nhà và một cây mía cạnh bàn thờ, một cây nêu ở trước cổng.

Từ ngày mùng 1 đến mùng 6 tết là dịp mọi người vui chơi, đi chúc tết nhà nhau, ăn bữa cơm đầm ấm và tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí trong làng, thậm chí còn rủ làng khác sang giao lưu. Mùng 7 tết là lễ xuống đồng để kết thúc tết và cũng là mong ước cho một năm mới mùa màng bội thu.

Một phong tục đặc trưng trong tết của người Mường là hát sắc bùa – một di sản văn hóa của người Mường, là lối hát dùng để chúc nhau nhân dịp năm mới. Thường những người hát sắc bùa (còn gọi là phường bùa) gồm ít nhất 12 người, sẽ có người hát chính – là người hát hay nhất, những người hát phụ, người đánh cồng chiêng, người khiêng theo thùng đựng những món quà do các gia chủ tặng.

Phường bùa bắt đầu từ ngày mùng 1 tết sẽ ghé từng nhà để hát chúc mừng năm mới và thường được chủ nhà nhiều khi thì mời cơm, mời rượu, hay tặng cho một thùng thóc nhỏ làm quà. Độc đáo nhất là phường bùa và chủ nhà hát đối đáp nhau để thể hiện khả năng ứng tác của hai bên.


2_tait.jpg


Những người hát sắc bùa đi chúc Tết trong dịp năm mới.
Ảnh: vov.

Dân tộc Dao đỏ


Người Dao đỏ sống chủ yếu tại các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu. Cũng như quan niệm của người Kinh, tết của người Dao đỏ cũng được tổ chức theo âm lịch và đây được xem là dịp để mọi người trong nhà có thể sum họp và đoàn tụ, nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả.

Người Dao đỏ chuẩn bị nguồn thực phẩm cho tết từ tháng 8 âm, dừng mọi việc đồng áng từ ngày 20 tháng chạp để tập trung lo cho một cái tết đầy đủ đang tới gần. Họ nuôi nhiều lợn, gà, để dành nhiều rau, củ, quả để làm nguồn thực phẩm dữ trữ cho những ngày tết. Bắt đầu từ ngày 25 tháng chạp, các anh em trong nhà đã luân phiên đến nhà nhau ăn tết.

Lễ cúng ông Công, ông Táo được làm chung với lễ cúng tất nhiên. Lễ cúng đêm 30 này phải có thầy cúng hoăc một người uy tín, lớn tuổi trong làng thực hiện để xua đi những điều rủi ro không may trong năm cũ, đón may mắn trong năm mới và cũng là để mời ông bà, tổ tiên về ăn tết với con cháu.

Sau khi ăn bữa cơm tối cuối cùng của năm cũ, tất cả thành viên trong gia đình phải đi tắm bằng nước đun từ rễ và lá cây. Sau đó mặc trang phục đặc trưng của dân tộc Dao, không đi đâu chơi cả mà ngồi quây quần bên nhau để chờ đợi giây phút chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.



3_scyd.jpg

Phong tục “tết nhảy của người Dao đỏ.
Ảnh: Xuân Trường.


Sáng mùng 1, mọi người sẽ dậy từ sớm để chuẩn bị cơm cúng đầu năm. Giờ và hướng xuất hành trong ngày đầu tiên của năm mới đều được tính toán cẩn thận. Mọi người đều mang theo tiền âm phủ để đốt ngay khi ra khỏi nhà như để đốt hết những rủi ro. Khi về họ còn mang theo hoa và đá nhặt dọc đường tượng trưng cho tiền bạc và sự sinh sôi, nảy nở.

Mùng 1 sẽ dành để đi thăm hỏi họ hàng thân thích, từ mùng 2 bắt đầu đi thăm bạn bè, những người trong làng. Đặc biệt là những hoạt động sinh hoạt cộng đồng được tổ chức để mọi người giao lưu, gặp gỡ, chúc nhau năm mới, trai gái được dịp gặp gỡ và tìm hiểu nhau.

Phong tục đón tết đặc biệt của người Dao chính là “tết nhảy” để thờ cúng tổ tiên và cũng là dịp để nam giới có thể rèn luyện sức khỏe do “tết nhảy” được tổ chức trong 3 ngày 3 đêm liên tục và ngày nào họ cũng phải vừa nhảy vừa hát những bài hát có nội dung hướng về sự ấm no, hạnh phúc cho đến khi hết 12 bài cúng.

Nam giới bất kể tuổi tác sẽ múa những bài múa kiếm hay múa rùa trong dịp lễ này. Chủ nhà sẽ phải chuẩn bị rất nhiều thực phẩm để cúng tổ tiên cũng như thiết đãi họ hàng, người thân, bà con làng xóm đến tham dự, nếu không đủ, hàng xóm láng giềng cũng sẽ góp thêm mỗi người một ít. Mọi người sẽ ăn uống, chúc rượu nhau, ôn lại kỹ niệm và chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới và nam giới sẽ thay phiên nhau vừa nhảy vừa hát trong suốt buổi lễ.

Theo Lao Động
 
Việt Nam mỗi dân tộc lại có một phong tục tết khác nhau. Thấy hấp dẫn quá
 
×
Quay lại
Top