Sử Phong trào nông dân vn từ thế kỉ X-XV

xam2507

không gì là mãi mãi.........
Thành viên thân thiết
Tham gia
15/11/2011
Bài viết
30
PHONG TRÀO NÔNG DÂN TỪ THẾ KỈ XI ĐẾN THẾ KỈ XV​
Các cuộc khởi nghĩa nông dân từ thế kỉ XI-XV, được chia thành 3 giai đoạn lớn: Cuối thời Lý, cuối thời Trần và các cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược.
I. Các cuỘc khỞi nghĩa nông dân thỜi Lý
1. Bối cảnh lịch sử_nguyên nhân dẫn đến các cuộc đấu tranh của nông dân.
Nhà Lý từ đời vua Anh tông ( 11338_1175) về sau, chính sự dần dần sút kém. Các vua lên ngôi đều nhỏ tuổi, quyền hành nằm trong tay bọn ngoại thích mà không ít trong số đó là bọn mọt nước hại dân, lộng hành tham bạo như Đỗ Anh Vũ…
Sản xuất không được chú ý, thiên tai, mất mùa, đói kém liên tiếp xảy ra:
· Năm 1165, tháng 6 đại hạn, dịch lớn, trâu bò, gia súc chết nhiều, giá gạo cao vọt.
· Năm 1181, đói to, dân chết gần một nửa
· Năm 1197, mùa hạ đại hạn
· Năm 1198, nước lớn
· Năm 1199, nước to, lúa má ngập hết, đói to.
· Năm 1208, đói to, xác người chết đói nằm gối lên nhau.
Ø Tình hình đó dẫn đến chỗ nông dân bỏ ruộng đồng, làng mạc đi lang thang. Đời sống đói khổ đã khiến họ đứng lên đấu tranh.
2. Các cuộc khởi nghĩa nông dân:
§ Năm 1140, một người thầy bói tên Thân Lợi đã tập hợp đồ đồng và những người trốn tránh, dân địa phương, tất cả hơn 800 người chống lại nhà Lý, tự xưng vương. Nhà Lý cử Đỗ Anh Vũ đi đàn áp. Tháng 10, Anh Vũ tiến đánh bắt được 2000 người. Thân Lợi trốn lên Lạng Châu (Lạng Sơn) bị Tô Hiến Thành bắt được. Thân Lợi và 20 người chỉ huy bị chém đầu, một số bị đi đày. Cuộc khởi nghĩa Thân Lợi phản ánh sự bất mãn của người dân tộc ở biên giới phía bắc.
§ Năm 1152, thủ lĩnh người Lạo ở châu Đại Hoàng (Hòa Bình) là Nùng Khả Lai nổi dậy chống nhà Lý. Mãi cho đến năm 1154 nhà Lý mới dẹp yên được nhưng bấy giờ người Lạo ở núi Chàng Long (Tây Bắc) lại nổi dậy, Đỗ Anh Vũ phải đi đánh.
§ Năm 1163, quân lính phải vất vả mệt nhọc đua nhau bỏ trốn. Họ tụ tập thành đoàn đi cướp phá khắp nơi trên đường bộ. Vua Lý phải sai Lý Công Tín đem 10 vạn quân đi dẹp mới yên. Từ năm 1184-1185, nhân dân các sách Tư Nông, Ô Mễ, Trịnh nỗi dậy. Vua phải cử người đem 12000 quân đi đàn áp.
§ Năm 1188, dân giáp Cổ Hoàng (Thanh Hóa) nổi dậy. Năm 1192, Lê Vãn đã kêu gọi nhân dân Cổ Hoàng khởi nghĩa. Thái phó Đàm Dĩ Mông đem quân đàn áp.
§ Cuối năm 1192, Hồ Đỗ ở châu Diễn nổi dậy. Năm 1194, thủ lĩnh châu Chân Đăng(Lâm Thao) là Hà Lê nổi dậy.
§ Năm 1198, người làng Cao Xá thuộc châu Diễn là Ngô Công Lý chiêu tập dân lưu vong nổi dậy. Cùng lúc đó, Đinh Khả, Bùi Đô tự xưng là con cháu Đinh Tiên Hoàng cũng nổi lên ở châu Đại Hoàng.
§ Năm 1202, người Đại Hoàng bị bắt đi xây cửa Đại Thành, khổ quá nên theo lời kêu gọi của Phí Lang và Bảo Lượng nổi dậy chống nhà Lý. Vua Lý sai Lệnh Hinh và Anh Nhĩ đem quân đàn áp song bị thất bại. Năm 1205, thanh thế của Phí Lang càng lên cao, quân Phí Lang đánh chiếm nhiều làng thuộc Ninh Bình, Nam Hà,đốt hành cung Ứng Phong, phá kho thóc, đốt nhà cửa quan lại. Nhà Lý phải tìm cách chiêu hòa, Phí Lang chịu hàng phục nhưng vẫn chiếm cứ các vùng đất cũ.
§ Năm 1207, trong lúc ở Đại Hoàng, quân Phí Lang đang hoạt động thì ở châu Quốc Oai, Đoàn Khả Liệt, Vương Mãn cũng kêu gọi người Mường nổi dậy, nghĩa quân đánh xuống Thanh Oai, vào đóng đồn ở Tây Kết, quân triều đình không tài nào đàn áp được. Trong lúc đó thì “giặc cướp nổi dậy như ong” ở khắp nơi.
3. Nhận xét:
Các cuộc đấu tranh của nhân dân đã làm nền cho sự tranh chấp của các thế lực phong kiến (Như Loạn, Đoàn Thượng, Quách Bốc) tạo điều kiện cho nhà Trần hưng khởi, lịch sử dân tộc bước sang trang mới.
II. Các cuỘc khỞi nghĩa nông dân thỜi TrẦn
1. Bối cảnh lịch sử_nguyên nhân dẫn đến các cuộc đấu tranh.
v Sự xa đọa của các tầng lớp quý tộc cầm quyền:
Vương triều Trần từ đời vua Trần Dụ Tông (1341-1369) trở về sau ngày càng đi vào con đường suy thoái. Vua quan ăn chơi hưởng lạc, không còn chăm lo đến đời sống của nông dân như trước.
Trong nội bộ tầng lớp quý tộc cầm quyền chia bè phái, mâu thuẫn giết hại lẫn nhau để tranh giành địa vị, quyền lực ngày càng khốc liệt. Điển hình là vụ một số quý tộc, đại thần nhà Trần (Trần Nguyên Hãn, Trần Khát Chân…) mưu giết Hồ Quý Ly không được nên bị giết chết cùng với hơn 370 quan lại, quý tộc khác. Các cuộc thanh trừng diễn ra hết năm nảy qua năm khác.
v Đời sống khổ cực của các tầng lớp nông dân:
Vua quan quý tộc lo ăn chơi hưởng lạc, không chăm lo việc nước lại còn ra sức huy động sức người, sức của nông dân phục vụ cho các cuộc chiến tranh “chinh phạt” các nước Ai Lao, Champa, do đó đời sống nhân dân vô cùng khổ cực.
Nửa sau thế kỉ XIV đã có tới 9 lần vỡ đê, lụt lớn(như các năm 1348,1351, 1352, 1353, 1358, 1359,1360,1378,1393), 11 lần hạn hán dẫn đến hậu quả mất mùa đói kém, dân nghèo phải bán cả nhà cửa, con cái, ruộng vườn, nhiều người phải bán mình trở thành nông nô, nô tì. Nhưng cuộc sống “gia nô của các thế gia” còn khổ cực hơn. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn xã hội gây gắt và phong trào khởi nghĩa nông dân cuối thế kỉ XIV bùng nổ.
v Sự bất lực trước các cuộc xâm lược và yêu sách của nước ngoài
Nửa cuối thế kỉ XIV, quân Champa thường xuyên đánh phá vùng biên giới phía nam. Nhiều lần nhà Trần đem quân chống cự nhưng cũng không ít lần bị thất bại như các lần vào năm 1376, 1378, 1383, 1389.
Lợi dụng sự suy yếu của nhà Trần, nhà Minh cũng thường xuyên đưa ra các yêu sách buộc nhà Trần phải chấp nhận. Như vào năm 1394 nhà Minh đòi nộp 80000 thạch gạo, nhà Trần phải nộp 10000 thạch gạo và phải chở sang tận Long Châu, năm 1395 còn phải nộp voi và lương thực…
v Tầng lớp quan lại, quý tộc vừa có rất nhiều đặc quyền, đặc lợi vừa có nhiều điền trang thái ấp cùng nông nô, nô tì đã đưa đến sự phát triển mạnh mẽ, quan hệ bóc lột nông nô, nô tì trong xã hội. Vào cuối thời Trần, quan hệ bóc lột đó đã bộc lộ nhiều mặt tiêu cực, đời sống của nông nô, nô tì do bị bóc lột triệt để trở nên hết sức cực khổ, nhiều nông dân nghèo bị nông nô hóa, những điều đó đã dẫn đến mâu thuẫn xã hội gay gắt và phong trào nông dân khởi nghĩa cuối Trần.
2. Các cuộc khởi nghĩa nông dân:
§ Năm 1343, đại hạn, mất mùa, dân nghèo nổi dậy khắp nơi.
§ Năm 1344, nông dân lại tụ tập ở núi Yên Phụ(Hải Dương) dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Ngô Bệ, đi cướp phá nhà các quan lại, địa chủ. Khởi nghĩa bị đàn áp nhưng 14 năm sau, sau những trận đói lớn, năm 1357-1358, nghĩa quân Ngô Bệ lại bùng lên ở Yên Phụ, yết bảng “chẩn cứu dân nghèo”, chống lại quân triều đình. Nghĩa quân làm chủ cả một vùng rộng lớn thuộc huyện Chí Linh (Hải Dương) chiến đấu cho đến năm 1360 mới bị đàn áp.
§ Năm 1354, đói lớn, một người tên Tề, tự xưng là con cháu của Trần Hưng Đạo, tụ tập các gia nô bỏ trốn, khởi nghĩa và đánh phá cả một vùng từ Lạng Giang( Bắc Giang) đến Nam Sách (Hải Dương).
§ Năm 1378, hạn hán và đói lớn. năm 1379, trong khi dân bị lụt lớn thì triều đình lại tăng thuế đinh nam, Nguyễn Bổ nổi dậy ở Bắc Giang, tụ hợp nông dân khởi nghĩa nhưng bị đàn áp nhanh chóng.
§ Năm 1381, quân Chiêm vào cướp phá, nhân đó Hồ Vệ ở Diễn Châu chiêu tập nông dân nổi dậy song bị đàn áp.
§ Đến năm 1389, phong trào nông dân khởi nghĩa lại bùng nổ mạnh mẽ. Ở Thanh Hóa, Nguyễn Thanh giả xưng là Linh Đức Vương, tụ tập nông dân khởi nghĩa, hoạt động ở vùng Lương Giang(sông Chu), Nguyễn Kị cũng xưng vương và hoạt động ở vùng Nông Cống.
§ Đầu năm 1390, cuộc khởi nghĩa do nhà sư Phạm Sư Ôn dẫn đầu ở Quốc Oai (Hà Tây) được nhân dân hưởng ứng rất đông, tạo nên một thế lực quân sự lớn. Quân khởi nghĩa đã tấn công thẳng vào kinh đô, vua Trần phải bỏ chạy sang Bắc Giang và cho gọi tướng Hoàng Phụng Thế đang chỉ huy quân chống cự quân Champa ở Hoàng Giang về đánh. Nghĩa quân chiếm kinh thành trong 3 ngày rồi rút lên Quốc Oai, sau đó bị đàn áp.
§ Bên cạnh phong trào nông dân, nông nô, nô tì khởi nghĩa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ thì ở vùng miền núi, những phong trào chống đối sự thống trị của chính quyền nhà Trần cũng nổ ra. Điển hình như phong trào của người Mán ở Đà Giang năm 1329, của nông dân Thái Nguyên, Lạng Sơn năm 1351, của người “áo đỏ” ở Tuyên Quang.
§ Năm 1399, Nguyễn Nhữ Cái tụ họp được hơn 1 vạn người nổi dậy, khống chế một vùng rộng lớn ở mạn Hòa Bình-Sơn Tây-Vĩnh Phúc-Tuyên Quang. Mãi cho đến đầu năm 1400 cuộc khởi nghĩa mới bị đàn áp.
3. Nhận xét
Các cuộc khởi nghĩa nông dân cuối thời Trần đã nói lên cuộc khủng hoảng suy thoái của vương triều Trần. Những mâu thuẫn sâu sắc trong chế độ ruộng đất và nông nghiệp đương thời. Các cuộc khởi nghĩa không chỉ lôi cuốn nông dân nghèo mà còn cả hàng loạt nông nô, nô tì ở các điền trang của vương hầu, quý tộc.
Trong khởi nghĩa, lực lượng gia nô, nô tì có một vai trò quan trọng. Để thỏa mãn đời sống xa xỉ, vương hầu, quý tộc cuối thời Trần đã thẳng tay bóc lột nông nô, nô tì. Lợi dụng tình trạng đói kém liên miên, họ chiêu mộ dân lưu vong, tăng thêm số nô tì với việc lấn chiếm ruộng đất công và ruộng đất tư hữu của nông dân để mở rộng diện tích điền trang. Năm 1345, qua mấy năm liên tiếp mất mùa, đói kém “dân phần nhiều đi là thầy chùa và làm gia nô cho các thế gia”.
Bị bóc lột tàn tệ, mâu thuẫn giai cấp trong các điền trang ngày càng tăng. Họ tham gia phong tràokhởi nghĩa của bần dân ngoài điền trang hoặc tổ chức lực lượng nổi dậy ngay trong điền trang và được sự hưởng ứng của nông dân lưu vong. Sử chép: năm 1343, mất mùa, đói kém, dân gian phần nhiều nổi lên làm trộm cướp nhất là các gia nô nhà vương hầu hoặc năm 1360 “ gia nô nhà các vương hầu,công chúa phần nhiều trốn đi làm giặc cướp” vua Trần ra lệnh bắt gia nô phải thích chữ ở trán và kê khai vào sổ hộ tịch, ai trái lệnh thì bị coi là giặc cướp.
Vai trò quan trọng của gia nô, nô tì trong phong tràonông dân đã tố cáo phương thức bóc lột lỗi thời trong các điền trang của quí tộc cuối thế kỉ XIV. Có thể nói các cuộc khởi nghĩa của nông dân đã giáng một đòn mạnh vào cơ nghiệp nhà Trần và cơ sở kinh tế của quý tộc trong các điền trang.
Phong trào khởi nghĩa của nông dân kéo dài và có những thời kì bộc phát mạnh mẽ là biểu hiện cụ thể nhất của sức sản xuất xã hội bị nhà nước phong kiến và giai cấp địa chủ kìm h.ãm, phá hoại nghiêm trọng và đòi hỏi một sự đổi mới tiến bộ trong nền chính trị-xã hội để có thể tiếp tục phát triển.
III. Các cuỘc khỞi nghĩa chỐng giẶc ngoẠi xâm.
1. Cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý (1075-1077)
· Nguyên nhân: nhà Tống đang gặp khó khăn, âm mưu xâm lược đại việt để “ nếu thắng thế Tống sẽ tăng, các nước Liêu, Hạ sẽ phải kính nể”.
· Diễn biến:
Tin quân Tống chuẩn bị xâm lược báo về, triều Lý đã triệu tập các đại thần hội bàn, Lý Thường Kiệt chủ trương “ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân đánh trước để chặn mũi nhọn của giặc”. Được sự ủng hộ của triều đình và nhân dân, năm 1075, thái úy Lý Thường Kiệt-người chỉ đạo cuộc kháng chiến đã kết hợp quân đội của triều đình với lực lượng dân binh của các tù trưởng dân tộc ít người ở miền núi phía Bắc, mở cuộc tập kích lên đất Tống, đánh tan đạo quân nhà Tống ở đây rồi rút về nước.
Năm 1077, khoảng 30 vạn quân Tống đánh sang Đại Việt. Dưới sự lãnh đạo tài giỏi của Lý Thường Kiệt, quân dân ta đã đánh tan quân xâm lược Tống trong trận quyết chiến trên bờ sông Như Nguyệt (Bắc Ninh). Cuộc kháng chiến hoàn toàn thắng lợi.
2. Các cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông-Nguyên ở thế kỉ XIII-thời Trần
Dưới thời trần nhân dân ta phải đương đầu với một thử thách hiểm nghèo: trong vòng 30 năm phải tiến hành 3 lần kháng chiến chống quân Mông-Nguyên hung bạo (năm 1258; 1285; 1287-1288).
Dưới sự lãnh đạo của các vị vua: Trần Thánh Tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông cùng với các vị tướng tài giỏi như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư…quân và dân Đại Việt đã đoàn kết cầm vũ khí đứng lên chống giặc giữ nước. Với ý chí kiên cường và truyền thống yêu nước nhân dân ta đã thực hiện lệnh của triều đình “ nếu có giặc ngoài đến phải liều chết mà đánh, nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng”.
Quân dân ta đã đánh bại quân xâm lược tại các địa điểm Đông Bộ Đầu, Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Vạn Kiếp…ở 2 lần xâm lược năm 1258, 1285 và vang dội nhất là trận đại thắng trên sông Bạch Đằng năm 1288 trong lần xâm lược thứ ba. Nhân dân ta cả 3 lần đều đã đánh tan được quân xâm lược, giữ gìn nền độc lập dân tộc.
3. Phong trào đấu tranh chống quân Minh xâm lược
v Bối cảnh lịch sử
Cuối thế kỉ XIV nhà Trần suy vong. Bằng một cuộc cải cách lớn, tể tướng Hồ Quý Ly mong cứu vãn tình thế để có đủ lực lượng chống lại sự đe dọa xâm lược của nhà Minh. Cuộc cải cách của nhà Hồ chưa đạt được kết quả mong muốn thì bị quân Minh ồ ạt tiến sang xâm lược. Do không đoàn kết được nhân dân, cuộc kháng chiến của nhà Hồ đã bị thất bại. Năm 1407, nước ta rơi vào ách thống trị, đô hộ tàn bạo của giặc Minh. Hàng loạt các cuộc khởi nghĩa đã bùng lên ở miền xuôi cũng như miền ngược.
v Các cuộc kháng chiến, khởi nghĩa tiêu biểu:
Từ giữa năm 1407, tiếp sau sự kháng chiến thất bại của nhà Hồ, phong trào đấu tranh chống giặc cứu nước của nhân dân đã nổ lên ở nhiều nơi: nhân dân huyện Đông Lan và Trà Thanh thuộc phủ Diễn Châu(Nghệ An) nổi dậy phá ngục, giết bọn quan lại. Xung quanh những thành lũy trung tâm của địch như Đông Quan, Tây Hồ, quân Minh luôn gặp phải những chống đối của nghĩa quân. Cả miền rừng núi rộng lớn các dân tộc thiểu số vẫn làm chủ quê hương mình và thành lập những lực lượng vũ trang sẵn sàng đánh giặc.
Khởi nghĩa Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng từ năm 1407.
Cuộc khởi nghĩa bùng lên ở Yên Mô (Ninh Bình), được đông đảo nhân dân hưởng ứng và tập hợp được nhiều quý tộc, quan lại của của triều Trần, triều Hồ. Đến giữa năm 1408, nghĩa quân giải phóng được một khu vực rộng lớn từ Thanh Hóa vào đến Hóa Châu (Trị Thiên), tiến quân ra vùng đồng bằng sông Hồng, mở nhiều cuộc tiến công lớn vào quân địch, giành được thắng lợi to lớn tại Bô Cô. Tuy nhiên, do trong nội bộ mâu thuẫn, phong trào nhanh chóng thụt lùi và bị quân Minh đàn áp vào năm 1413.
Giữa năm 1410, khởi nghĩa đồng mạc ở Thanh Hóa. Nghĩa quân đánh bại quân địch làm chủ Thanh Hóa và phối hợp hoạt động với khởi nghĩa Trần Quý Khoáng.
Vùng đồng bằng có các cuộc khởi nghĩa Lê Nhị ở Thanh Oai, Lê Khang ở Thanh Đàm (Hà Nội), Phạm Tuân ở Đông Kết (Hưng Yên), Đỗ Côi và Nguyễn Hiên ở Trường Yên ( Ninh Bình)…
Ở miền rừng núi có các phong trào do các thủ lĩnh Ông Lão, Chu Sư Nhạn, Nguyễn Khắc Chẩn… cầm đầu ở Thái Nguyên, khởi nghĩa Nông Văn Lịch ở Lạng Sơn, Nguyễn Liễu ở vùng Lục Na (Bắc Giang)…Đặc biệt là phong trào nghĩa binh “áo đỏ” phát triển rộng rãi và kéo dài nhất.
Ø Mặc dù thất bại song phong trào đấu tranh vũ trang rộng lớn của nhân dân đã thể hiện quyết tâm chống giặc xâm lược, giành lại độc lập chủ quyền cho đất nước.
Khởi nghĩa lam sơn (1418-1427)
Năm 1418 khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ tại đất Lam Sơn-Thanh Hóa do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo.
Với tinh thần “ quyết không đội trời chung cùng giặc”, nghĩa quân Lam Sơn đã chiến đấu anh dũng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chủ động đánh vào Nam, giải phóng Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa và làm chủ Thanh Hóa. Thánh 9/1426, nghĩa quân mở cuộc tấn công đại quy mô ra Bắc, được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Cuối năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn chiến đấu chủ động, sáng tạo đã làm nên chiến thắng lẫy lừng Chi Lăng-Xương Giang, đánh tan tành 10 vạn viện binh của giặc. Quân Minh phải đầu hàng và rút về nước.
Mùa xuân năm 1428, đất nước sạch bóng quân thù, lịch sử nước ta bước sang một trang mới_thời Lê sơ
KẾT LUẬN
Trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, các cuộc đấu tranh của giai cấp nông dân có vai trò rất quan trọng. Cuộc đấu tranh đó biểu hiện ở tất các mặt từ bảo vệ đất nước chống giặc ngoại xâm đến xây dựng nền kinh tế, chống áp bức, bóc lột…
1. Về nguyên nhân bùng nổ
Thứ nhất, phong trào nông dân nổ ra do nhu cầu về ruộng đất (do thiếu ruộng đất để cày cấy). vấn đề ruộng đất là vấn đề chủ yếu, là nguyên nhân sâu xa đưa đến khởi nghĩa nông dân.
Thứ hai, chính sách tô thuế của nhà nước phong kiến là một trong những nguyên nhân đưa đến khởi nghĩa nông dân. Vì chính sách tô thuế của nhà nước nặng nề đã khiến cho nông dân không thể bám trụ lên mảnh đất của mình, làm cho họ cực khổ, phiêu tán và đứng lên khởi nghĩa.
Thứ ba, sự thối nát, sa đọa của tầng lớp cầm quyền và chính sách kinh tế-xã hội của nhà nước phong kiến không chăm lo đến đời sống của nhân dân cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nông dân khởi nghĩa.
Thứ tư, thiên tai, mất mùa, đói kém, dịch bệnh hoành hành cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nông dân khởi nghĩa.
Cuối cùng, khởi nghĩa nông dân nổ ra còn nhằm mục đích chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập cho đất nước, giải phóng dân tộc.
2. Một số đặc điểm của phong trào nông dân thế kỉ XI-XV
Đối tượng của phong trào nông dân là nhà nước phong kiến từ trung ương đến địa phương: Các cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại quân đội triều đình, tấn công vào chính quyền của nhà nước phong kiến. Ngoài ra còn chống lại bọn nhà giàu “ lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”. Một số cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhằm vào triều đình: khởi nghĩa của Ngô Bệ, Phạm Sư Ôn, Nguyễn Nhữ Cái thời cuối Trần.
Phong trào nông dân khởi nghĩa nhìn chung không mang màu sắc tôn giáo. Cá biệt có cuộc khởi nghĩa của nhà sư Phạm Sư Ôn năm 1389 nhưng không phải để chống lại tôn giáo khác mà chỉ là hình thức tăng thêm uy tín cho cuộc khởi nghĩa, để tập hợp quần chúng, lợi dụng hình thức tôn giáo để đấu tranh.
Trong giai đoạn chế độ phong kiến Việt Nam khủng hoảng, suy vong, đứng trước nguy cơ có ngoại xâm, khởi nghĩa nông dân vừa mang tính giai cấp vừa mang tính dân tộc. Mục tiêu đấu tranh ngoài xây dựng chính quyền phong kiến mới còn có chống ngoại xâm và tầng lớp cầm quyền phản động, bảo vệ độc lập dân tộc, động lực chủ yếu của phong trào là nông dân, dân nghèo.
3. Vai trò, ý nghĩa lịch sử của phong trào nông dân
Trong xã hội phong kiến, nông dân chính là lực lượng sản xuất chủ yếu, nuôi sống xã hội, là lực lượng có ý nghĩa quyết định trong sự thành bại của các vương triều phong kiến. Các cuộc đấu tranh giai cấp của nông dân chống lại sự áp bức, bóc lột của giai cấp phong kiến thống trị có ý nghĩa thúc đẩy xã hội tiến lên. Đồng thời còn có ý nghĩa duy trì, làm phát triển truyền thống yêu nước, đấu tranh kiên cường, bất khuất của người nông dân Việt Nam khi đất nước có ngoại xâm, truyền thống đó càng được phát huy cao độ trong công cuộc bảo vệ đất nước hoặc giải phóng dân tộc, nông dân chính là những người đã làm nên lịch sử.
4. Phân loại các cuộc khởi nghĩa
Nhìn chung lại, có thể khái quát các phong tràonông dân nổ ra từ thế kỉ XI đến thế kỉ XV do 2 nguyên nhân chính:
· Đấu tranh vì sự đói khổ ( sự áp bức bóc lột của giai cấp thống trị, chính sách tô thuế nặng nề, do thiên tai hạn hán, lũ lụt…)
· Đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Dựa vào 2 nguyên nhân chính trên để phân loại các cuộc khởi nghĩa nông dân ta có:
ü Đấu tranh vì sự đói khổ : các phong trảo nông dân cuối thời Lý, Trần đã được liệt kê phía trên.
ü Đấu tranh để chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước: các cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý ( 1075-1077), 3 lần kháng chiến chống quân Mông-Nguyên thời Trần (1258, 1285,1288), các cuộc kháng chiến chống quân Minh thế kỉ XV ( khởi nghĩa Trần Ngỗi, Trần Quý Khoáng, khởi nghĩa Lam Sơn…).

Tài liệu tham khảo
Ä Đại cương Lịch Sử VN tập 1, Trương Hữu Quýnh (cb), Nxb Giáo Dục, 2009
Ä Một số chuyên đề lịch sử cổ trung đại Việt Nam, Nguyễn Cảnh Minh-Đào Tố Uyên, Nxb ĐHSP,2008
Ä Đại việt sử kí toàn thư, Nxb Văn hóa, 2002
Ä Lịch Sử VN thế kỉ X-1427, quyển 1 tập 2, Trương Hữu Quýnh-Nguyễn Đức Nghinh, Nxb Giáo Dục, 1977
Ä Lịch Sử VN từ nguồn gốc đến năm 1884, giáo sư Nguyễn Phan Quang, ts. Võ Xuân Đàn.
 
Cảm ơn bạn vì bài viết rất có ích. :). Nhưng mình thấy với một bài dài và nhiều chữ như thế này, đặc biệt là đối với môn Lịch sử thì bạn nên gạch chân hoặc dùng màu chữ khác đối với những đoạn trọng tâm. Làm vậy người đọc có thể nắm được ý chính một cách nhanh nhất.:)
 
×
Quay lại
Top