Phát triển năng lượng sạch giảm phát thải khí nhà kính

VietNam ZeroWaste

Thành viên
Tham gia
29/12/2022
Bài viết
2
Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng.

Theo đó, về cung cấp năng lượng: đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các giải pháp công nghệ đột phá trong tương lai đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Tiếp tục phát triển các nhà máy thủy điện nhỏ có chọn lọc, đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường; mở rộng một số thủy điện vừa và lớn để phát huy tối đa hiệu quả của thủy điện. Nâng công suất các nhà máy điện mặt trời tập trung, điện mặt trời mái nhà, điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện sinh khối, phát triển các công nghệ nhiên liệu hydro, amoniac, công nghệ năng lượng thủy triều, sóng biển. Đến năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối chiếm ít nhất 33% tổng sản lượng điện phát. Đến năm 2050, tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo chiếm ít nhất 55% trong tổng sản lượng điện phát.

Chuyển đổi dần điện than sang các nguồn năng lượng sạch hơn; giảm tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, không phát triển các dự án nhiệt điện than mới sau năm 2030, giảm dần quy mô công suất điện than sau năm 2035. Từng bước áp dụng công nghệ chuyển đổi sang nhiên liệu sạch, đâu là giải pháp? Không phát thải đối với các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tiến tới giảm tối đa lượng nhiên liệu hóa thạch cho phát điện vào năm 2050. Xem xét phát triển điện hạt nhân với công nghệ hiện đại và bảo đảm an toàn vào thời điểm phù hợp.

nang-luong-1-20220727152843799.jpg


Phát triển các công nghệ lưu trữ năng lượng gồm pin tích năng, thủy điện tích năng, trữ nhiệt… và lưới điện thông minh, bảo đảm độ ổn định và tích hợp năng lượng tái tạo trong hệ thống điện với tỷ lệ cao. Nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối năng lượng để tăng hiệu quả, giảm tổn thất và hỗ trợ tích hợp hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon (CCS) cho các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Về sử dụng năng lượng: tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thúc đẩy chuyển sang sử dụng năng lượng sạch trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ, thương mại và dân dụng.

Tăng tỷ trọng thâm nhập của các thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả, hiệu suất cao trong các lĩnh vực công nghiệp, dân dụng, thương mại. Nâng cao hiệu suất lò hơi, động cơ điện, cấp nhiệt, làm mát tập trung và các thiết bị điện. Từng bước sử dụng hydro thay thế than trong công nghiệp luyện kim, trong các ngành dịch vụ, thương mại. Điện khí hóa nông nghiệp và sử dụng thiết bị hiệu quả năng lượng trong chuỗi sản xuất nông nghiệp sau thu hoạch.

Xây dựng công trình, nhà ở chống nắng nóng, sử dụng các giải pháp làm mát xanh, dựa vào tự nhiên để giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, sử dụng vật liệu ít phát thải khí nhà kính, vật liệu tái chế. Xây dựng và áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn sử dụng hiệu quả năng lượng tòa nhà.

Đẩy mạnh giải pháp hiệu quả năng lượng và mô hình kinh doanh sáng tạo cho các thiết bị làm mát và điều hòa không khí, hệ thống chiếu sáng thông minh. Nâng cao hiệu suất năng lượng của thiết bị và hệ thống chuỗi lạnh, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo cho hệ thống cung ứng và bảo quản lạnh.



Sử dụng hiệu quả năng lượng trong giao thông vận tải thông qua áp dụng các tiêu chuẩn tiêu hao nhiên liệu và định mức phát thải. Xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sạch cho các phương tiện giao thông; tăng dần tỷ lệ phương tiện giao thông điện, hydro. Phát triển ngành công nghiệp sử dụng năng lượng sạch, sản xuất và lưu hành phương tiện giao thông sử dụng điện, hydro; sản xuất pin thế hệ mới, chất bán dẫn tiết kiệm năng lượng; phát triển hệ thống hạ tầng giao thông xanh.

Tái cơ cấu thị trường vận tải, bao gồm chuyển đổi từ vận tải đường bộ sang đường thủy nội địa và ven biển; chuyển đổi từ vận tải đường bộ sang đường sắt, tăng lưu lượng vận tải hàng hóa đường sắt; tăng hiệu suất vận tải thông qua xây dựng, mở rộng mạng lưới đường bộ và tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng; triển khai hệ thống metro tại các đô thị lớn.
 
×
Quay lại
Top