Văn Phân tích "Tỏ lòng" (Thuật hoài) - Phạm Ngũ Lão

Yoshida

Variety is spice of life
Thành viên thân thiết
Tham gia
15/5/2020
Bài viết
1.451
Phạm Ngũ Lão là một danh tướng kiệt xuất thời Trần, có nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên xâm lược. Ông là người văn võ toàn tài. Một trong số rất ít bài thơ của ông còn lại đến ngày nay đó là Tỏ lòng (Thuật hoài). Bài thơ thể hiện vẻ đẹp của người trai thời Trần trong sự nghiệp cứu nước, sức mạnh của quân đội và cả nỗi lòng cao cả, sâu sắc của tác giả với lối sống có lí tưởng, có trách nhiệm, niềm tự hào vào tổ quốc.

[Có thể trích thơ, nên trích cả 2 bản: phiên âm và dịch thơ để đối chiếu và phân tích]


Tỏ lòng (Thuật hoài) ra đời trong không khí và tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân dân thời Trần trong cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần thứ hai (1284), với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Bài thơ được chia làm hai phần, 2 câu đầu khắc họa nên vẻ đẹp, hình tường hùng dũng, khí phách hiên ngang của quân đội nhà Trần. 2 câu sau tỏ bày nỗi lòng mình-vẻ đẹp tinh thần của người trai thời chiến với bao suy tư.


Bài thơ là thứ phim quay chậm, tái hiện lại hình ảnh con người và quân đội thời Trần oai hùng. Mở đầu với tầm vóc của người chiến sĩ:

"Múa giáo non sông trải mấy thu"

(Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu)

2 từ "hoành sóc" tức cầm ngang ngọn giáo. Đây là tư thế đứng vững vàng trong sự sẵn sàng phòng thủ và tấn công giặc bất cứ lúc nào. Đối chiếu với phần dịch thơ, "múa giáo" mang ý nghĩa về sự biểu diễn nhiều hơn. Vì lí do đảm bảo luật bằng trắc của thơ Đường, nên từ dịch "múa giáo" chưa hoàn toàn chính xác, chưa khắc họa được khí phách hào hùng, ý chí quyết tâm của những tráng sĩ. Hình ảnh đứng hiên ngang giữ chặt cây giáo trong tay đã thể hiện ý thức cao độ của họ về chủ quyền đất nước, về trách nhiệm của bản thân đối với tổ quốc.


Tiếp đến, tác giả xây dựng không gian bao bọc lấy người chiến sĩ: "giang sơn" là núi sông. Đây là một khoảng ko gian rộng lớn và kì vĩ. Nó không phải chỉ đơn gản là làm nên, là phong cảnh cho sự hào hùng của các chiến sĩ được tôn lên, nâng tầm vóc con người sánh ngang tầm vũ trụ mênh mông và hoành tráng. Nó còn âm thầm làm mục tiêu, làm động lực, thêm càng thêm ý chí quyết tâm chiếc đấu để bảo vệ núi non, để bảo vệ sông nước, để bảo vệ từng mảnh đất quê hương thân yêu này khỏi những đôi tay hung hãn và tàn độc đang dâng trào trog những trái tim ái quốc, không kể đến thời gian là bao lâu. Dù cho đến nghìn năm, đến muôn thu, vẫn giữ trọn lòng thành với nước, trung với vua với dân, tinh thần vấn sục sôi, khí thế vẫn hừng hực. Cụm từ “kháp kỉ thu” đã thể hiện rõ sự bền bỉ, kiên cường ấy.


Qua đó, ta thấy được vẻ đẹp con người với tầm vóc, tư thế, hành động lớn lao, kì vĩ, cũng như là niềm tự hào về trọng trách đối với tổ quốc cyar các danh tướng thời Trần, đặc biệt là Phạm tướng công. Giọng thơ dõng dạc, đanh thép, từ ngữ cô đọng, hàm súc, càng làm rõ nên vẻ đẹp ấy.


Bên cạnh khí thế của người tráng sĩ, tác giả đã khắc họa sức mạnh của quân đội thời Trần:

“Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”

(Tam quân tì hổ khí thôn ngưu)

Quân đội nhà Trần được chia làm ba thứ quân: tiền quân, trung quân, hậu quân, cùng xông ra mặt trận chiến đấu. Sức mạnh của quân đội nhà Trần đươc ví như sức mạnh của loài hổ báo vô song có thể nuốt trôi cả trâu, sẵn sàng giơ nanh vuốt bảo vệ cho non sông mình. Ngoài ra, “ngưu” còn mang nghĩa là sao Ngưu, sao Đẩu trên trời. Ý nói ví sức mạnh ấy rất lớn, rất oai hùng, đến mức có thể lấn át cả trời đất, nuốt trôi cả những vì sao, đẩy lùi các tinh tú xa tít tắp kia. Sức mạnh của “ba quân” không chỉ là sức mạnh của quân đội mà còn tượng trưng cho sức mạnh của cả dân tộc ta lúc bấy giờ. Qua đó, ta thấy được sức mạnh và khí thế hào hùng, quyết chiến quyết thắng quân xâm lược của toàn dân thời Trần. Đây chính là hào khí Đông A. Câu thơ còn thể hiện niềm tin, niềm tự hào của tác giả vào bản thân, vào quân đội, vào dân tộc mình.


Không chỉ có ở thời Trần, khí phách hiên ngang, ý chí chiến đấu của con người Việt Nam ta vẫn luôn sục sôi, trải qua bao đời. Như Tố Hữu đã nói trong bài thơ Việt Bắc:

“Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”

Đây chính là truyền thống của dân tộc ta, là sức mạnh của quân dân ta trong các cuộc kháng chiến, không riêng gì chống Mông-Nguyên, không riêng gì chống Pháp, Mĩ. Chỉ cần là vì tổ quốc, vì quê hương, vì những người thân yêu, dân tộc Việt Nam ta sẵn sàng đứng lên, sẵn sàng ra đi cùng với tinh thần hăng hái, đầy nhiệt huyết.


Bằng giọng điệu hào hùng, sảng khoái, hình ảnh thơ oai hùng, kì vĩ, sử dụng phép so sánh, cường điệu, hai câu thơ đầu đã khắc họa vẻ đẹp con người, sức mạnh dân tộc, hiện lên thật hoành tráng. Hình tượng thơ mang tính sử thi.


Sau khi xây dựng hình tượng con người và quân đội thời nhà Trần, nếu cao hào khí Đông A, tác giả lại nhìn mình, với bao trầm tư:

“Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”

(Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu tính nhân gian thuyết Vũ Hầu)


Trong giai đoạn phong kiến, nam nhi mang trên vai một món nợ với non sông, đất nước: món nợ công danh. Nợ công danh là học hành, thi cử, đỗ đạt để vào triều, lập công lớn, giúp ích cho nước, lưu danh cho hậu thế, để tiếng thơm lại cho đời. Đó cũng là cách để trả món nợ ấy theo quan niệm của thời đại phong kiến. Tác giả xem công danh như là một món nợ nam nhi, lấy việc trung báo quốc, từ bỏ lối sống ích kỉ, tầm thường mà sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cứu nước cứu dân, làm lẽ sống. Mọi kì vọng, gánh nặng trọng trách cống hiến, dựng xây và bảo vệ tổ quốc đều nấy trên vai các trai tráng, có nhiều khuôn phép đề ra để tôi luyện họ trở thành một đấng nam nhi thật sự theo quan niệm của người xưa.


Trong khi suy niệm về món nợ công danh, một giây nào đó, tác giả chợt ngẫm lại mình, bỗng thấy thẹn với Vũ Hầu. Vũ Hầu, tức Gia Cát Lượng, là bậc quân sư tài ba lõi lạc, nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc với bao công lao giúp Lưu Bị khôi phục nhà Hán. Như ta đã biết, Phạm Ngũ Lão là người văn võ toàn tài, có thể nói chẳng kém gì Vũ Hầu. Nhưng khi nghĩ đến Vũ Hầu, tác giả lại thấy “thẹn”. Tác giả “thẹn” vì chưa bằng Vũ Hầu, chưa cống hiến được nhiều cho đất nước, cho dân tộc. Điều đó nói lên tính khiêm tốn, luôn cho mình là thấp kém để tự răn đe chính mình, để tự cố gắng tiến lên, nhắc nhở bản thân mình chỉ như 1 giọt nước bé nhỏ giữ đại dương mênh mông, dù có tài ba cũng chẳng bằng ai được, phải luôn phấn đấu và học hỏi ko ngừng. Tác giả “thẹn” bởi vẫn chưa trả xong nợ nước, cảm thấy những điều mình đóng góp thật ít ỏi, chẳng đáng kể và mong ước có thể cống hiến nhiều hơn, hơn thế nữa cho đất nước, cho dân tộc, cho sự an ninh và phát triển của quên hương, Đó là một cái “thẹn” cao cả làm nên một nhân cách lớn, một cái tâm chân thành, khát vọng được phục vụ cho Tổ quốc thân yêu.


Giọng thơ cao trào sôi nổi, lúc ưu tư trầm lắng, lúc hào hùng quyết liệt, lúc nhẹ nhàng khắc nghiêm cùng với sự so sánh, xường điệu đã làm nổi bật vẻ đẹo con người, sức mạnh quân đội của trai thời Trần, oai phong lẫm liệt , bất bại. Đồng thời khắc họa nên chí làm trai, cùng tấm lòng của người anh hùng Phạm Ngũ Lão, sắt son yêu nước, khát vọng cống hiến dựng xây đất nước càng tươi đẹp hơn, mơ ước được góp sức nhiều hơn cho dân tộc.


Việc sử dụng ngôn từ mang tính gợi, bút pháp nghệ thuật hoành tráng có tính sử thi với hình tượng thơ kì vĩ, đạt đến độ súc tích cao, bài thơ đã khác họa vẻ đẹp của người anh hùng hiên ngang cùng lí tưởng và nhân cách lớn lao, thể hiện vẻ đẹp của thời đại với sức mạnh và khí thế hào hùng. Hình ảnh các chiến sĩ cầm giáo sẵn sàng bảo vệ tổ quốc với ý chí kiên cường và khát vọng sống cống hiến, cái “thẹn” lớn lao của tác giả đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc qua bao thế hệ.

***********

Bài do mình tự phân tích theo ý cô giảng trên lớp và ý hiểu của mình, không tham khảo mạng, nên hẳn có nhiều sai sót về nội dung và cách trình bày, cách dùng từ, sai chính tả, dấu câu... (do mình viết vội nên chưa kịp kiểm tra kĩ) :) Nếu bạn có ý kiến đóng góp xây dựng cứ tự nhiên bên dưới nhé <3 Cảm ơn các bạn rất nhìu <3
 
×
Quay lại
Top