Văn Phân tích khổ thơ cuối "Vội vàng"-Xuân Diệu

Yoshida

Variety is spice of life
Thành viên thân thiết
Tham gia
15/5/2020
Bài viết
1.448
*Lời nói đầu: Lâu lắm rồi Yo mới làm bài phân tích nghiêm túc như này :)) Nói vậy thôi, chứ cũng còn non lắm, bài viết còn nhiều sai sót: lỗi dùng từ, lặp từ, câu văn không mạch lạc, trôi chảy, phân tích sai ý... Mong mọi người nhiệt tình góp ý ạ. Agrigatouu~*
~oOo~​

Xuân Diệu là nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào thơ mới, được nhà phê bình Hoài Thanh nhận xét là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”. Ông đã cho ra đời nhiều bài thơ có giá trị, đặc sắc nhất có lẽ là tác phẩm “Vội vàng”. Trong đó, khổ cuối cùng dường như là linh hồn của cả bài thơ, thể hiện khát vọng cháy bỏng và thái độ sống “vội vàng” của thi sĩ Xuân Diệu.

“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng.
Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi:
-Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”


Bài thơ “Vội vàng” được trích trong tập “Thơ thơ”, là tiếng nói sôi nổi, hăm hở, qua đó thể hiện quan niệm sâu sắc, quan niệm thẩm mĩ mới mẻ của nhà thơ. Ông khát khao chiếm lĩnh cõi thiên nhiên, muốn níu giữ mùa xuân trước thời gian mong manh, chóng vánh. Thế nên, ở khổ thơ cuối, ông đã rút ra kết luận phải sống “vội vàng”, sống hết mình, tận hưởng mùa xuân, tuổi xuân-thời khắc tươi đẹp nhất của đời người.

Sau nỗi bàng hoàng, băn khoăn trước sự trôi nhanh của thời gian, nhà thơ Xuân Diệu đã đưa ra lời kêu gọi, thúc giục:
“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm.”

“Mau đi thôi!” là lời thúc giục hối hả, cuống quýt chạy đua với thời gian, cố gắng sống một cuộc đời trọn vẹn, ấy là không phải chỉ biết ở đó ngắm nhìn, chiêm ngưỡng, thán phục vẻ đẹp thiên nhiên, yêu quý mùa xuân bằng lòng, bằng mắt, thay vào đó, hãy tận hưởng, tận hiến cho cuộc đời trước khi “Mùa chưa ngả chiều hôm”, tức là khi mùa xuân vẫn còn, khi tuổi trẻ chưa tận, từ đó ta thấy rõ thái độ sống “vội vàng” của nhà thơ.

Khát vọng táo bạo, cháy bỏng, ước nguyện ôm trọn mọi cảnh sắc tươi đẹp của mùa xuân được thể hiện ở tám câu thơ tiếp theo:

“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng.
Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;”


Phân đoạn đầu của bài thơ, tác giả đã sử dụng đại từ xưng hô “tôi”: “Tôi muốn tắt nắng đi”, “Tôi muốn buộc gió lại”. Nhưng tại đây, tác giả lại thay đổi cách xưng hô: “ta”. Bởi đâu tạo nên sự thay đổi này? Tất cả mọi người đều có quan niệm, chính kiến riêng, sở thích và ước mơ khác nhau. Nhà thơ Xuân Diệu cũng không ngoại lệ. Khát khao của cá nhân ông trước vẻ đẹp của mùa xuân đó chính là “tắt nắng đi”, chính là “buộc gió lại”, đó đơn thuần là bày tỏ quan điểm của bản thân mình. Việc thay “tôi” bằng “ta” đã thể hiện rõ cái tôi đầy mạnh mẽ của tác giả, muốn đối diện với toàn thể sự vật, sự sống, mùa xuân chốn nhân gian, đồng thời lan tỏa khát vọng sống hết mình với tuổi trẻ đến độc giả. Xuân Diệu được biết đến là một cây bút có sức sáng tạo mãnh liệt, và đây có lẽ là minh chứng tốt nhất. Câu thơ “Ta muốn ôm” chỉ vỏn vẹn ba từ, lại còn được đặt ở vị trí chính giữa hàng thơ như là một sự bức phá muốn nhấn mạnh mơ ước táo bạo, to lớn tận hưởng tất cả cảnh sắc “mơn mởn”, non tơ, đang sinh sôi nảy nở, đang tràn đầy sức sống, một bức tranh trinh nguyên của dương trần. Bằng cách lặp đi lặp lại cụm “Ta muốn”, “cho”, mỗi lần điệp liền kết hợp với một động từ: “ôm”, “riết”, “say”, “thâu”, “cắn” sắp xếp theo mức độ tăng dần y như cảm xúc càng lúc càng mạnh mẽ sôi sục trong lòng tác giả. Các tính từ diễn tả động thái yêu đương: “chuếnh choáng”, “đã đầy”, “no nê”, và những hình ảnh thiên nhiên quen thuộc, gần gũi mà tươi mới, quyến rũ, đầy t.ình tứ, giàu sức sống: “Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn”, “mây đưa và gió lượn”, “cánh bướm với tình yêu”, “cái hôn nhiều”, “mùi thơm”, “ánh sáng”góp phần làm nổi bật khát khao mãnh liệt, muốn tận hưởng thật nhiều, thật đã đầy những hương sắc trần thế của tác giả... Bên cạnh đó, việc điệp liên từ “và” trong một câu thơ cho thấy tác giả không chỉ muốn ôm lấy những sự vật đã được liệt kê trên, mà chính là muốn ôm trọn mọi tuyệt cảnh trần gian vào lòng, bày tỏ một cái tôi đầy h.am m.uốn, sung sướng, hạnh phúc tột cùng khi chìm đắm giữa hương sắc mùa xuân.

Khép lại bài thơ, lời kết cho bài thơ hay cũng có thể nói đỉnh điểm của bài thơ chính là một lời bộc bạch, là câu nói trực tiếp xuất phát từ con tim yêu đời, yêu mùa xuân nồng nhiệt, như thốt lên bao khát khao được dồn nén trong tim bấy lâu:

“-Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

Cảm xúc yêu đương dâng trào, trong sáng, thanh cao. Mùa xuân được ví như trái chín ửng hồng ngọt ngào, đang mời mọc, thôi thúc ta “cắn” vào, như là lời kêu gọi hãy thưởng thức mùa xuân bằng tất cả giác quan, say đắm trong nó. Ngoài ra, vượt lên trên những giới hạn của ngôn từ, qua từ gọi đáp “Hỡi”, ta dường như cảm nhận được, thi sĩ Xuân Diệu xem mùa xuân chính là người con gái “xuân hồng”, dành tất cả tình yêu cho nàng xuân, yêu mùa xuân nồng nàn, cuồng nhiệt như tình yêu đôi lứa. Trong đôi mắt của kẻ si tình Xuân Diệu, mọi cảnh vật, hương sắc của mùa xuân, đều là điều tuyệt vời nhất chốn dương trần.

Với những câu thơ tự do, giọng thơ sôi nổi, ngôn ngữ thành thục tinh tế, diễn tả tình ý mãnh liệt, táo bạo, đầy xúc cảm, đoạn thơ đã thành công khắc họa thái độ của nhà thơ đối với cuộc đời. Đó là thái độ sống “vội vàng” trong niềm mơ ước cháy bỏng, nguyện vọng tận hưởng tất cả cái vui, cái đẹp của cuộc sống khi còn có thể. Qua đó, ta thấy được tâm hồn yêu cuộc sống, yêu thanh xuân cuồng nhiệt, luôn khát khao hạnh phúc của Xuân Diệu.

Đoạn thơ không chỉ mang tâm tư, suy nghĩ, quan niệm, khát vọng sống của riêng nhà thơ trước mùa xuân mà còn là lời nhắn gửi, lời kêu gọi, giục giã nồng nhiệt phải sống hết mình, sống cống hiến, tận hưởng, tận dụng những khoảnh khắc xuân thời đương nắm giữ trước khi nó nhanh chóng vụt khỏi tầm tay, dẫu muốn níu kéo cũng chỉ còn là mơ tưởng. Lời thơ mạnh mẽ phóng khoáng, từ ngữ hàm súc, chọn lọc tỉ mỉ, khéo léo vận dụng các biện pháp nghệ thuật, đặc biệt là phép điệp cùng kết hợp các động từ, tính từ giàu hình ảnh, đoạn thơ nói riêng, và bài thơ nói chung, xứng đáng “là một trong những bông hoa ngát hương khoe sắc thắm đầu mùa”. (Hoài Thanh-”Thi nhân Việt Nam”)
24.02.22​
 
Bài trên mình viết theo bố cục sau:
1. Mở bài (trực tiếp, vì Yo không đủ trình độ mở bài gián tiếp T.T)
-Giới thiệu tác giả
-Giới thiệu tác phẩm
-Nêu yêu cầu đề. (Yêu cầu đề: Phân tích khát vọng cháy bỏng và thái độ sống "vội vàng" của thi sĩ Xuân Diệu)
-Trích thơ
2. Thân bài:
-Tổng: Khái quát về chủ đề, nội dung của cả bài thơ, nêu nội dung chính của khổ thơ cuối
-Phân tích: Gồm 3 đoạn, mỗi đoạn có câu dẫn, trích thơ và câu kết luận ở cuối đoạn.
+Luận điểm 1: Lời kêu gọi, thúc giục, thái độ sống "vội vàng" của nhà thơ
+Luận điểm 2: Khát khao cháy bỏng ôm trọn cõi thiên nhiên tươi đẹp
+Luận điểm 3: Cao trào của đoạn (bài) thơ, tình yêu mùa xuân nồng nhiệt.
-Hợp: Tổng kết nghệ thuật và nội dung của đoạn thơ
3 Kết bài: Đánh giá nghẹ thuật và nội dung, sút ra kết luận, nêu cảm nhận, suy nghĩ.
 
×
Quay lại
Top