Ôn thi tốt nghiệp THPT: Các “chiêu” ôn tập hiệu quả

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Giúp học sinh ôn tập và làm bài thi tốt nghiệp THPT, một số giáo viên và chuyên gia giáo dục đưa ra lời khuyên, các em nên chủ động ôn tập và có phương pháp hệ thống kiến thức cơ bản, nắm chắc cấu trúc đề… để làm bài thi tốt hơn.

884933-5518c9cd73b047-img.jpg

Giờ ôn tập môn Toán chuẩn bị thi tốt nghiệp của học sinh lớp 12 Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Ảnh: Q.Huy.
Hệ thống hóa kiến thức

Trong giai đoạn ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, một số giáo viên đưa ra lời khuyên, với những môn thi thuộc lĩnh vực khoa học xã hội thì yêu cầu học thuộc lòng rất quan trọng. Khi học bài, các em nên đọc thầm, đọc qua một lượt rồi gạch đầu dòng những ý chính ra giấy. Sau đó đọc lại nhiều lần, tập nhớ lại tựa bài và những vấn đề chính. Ghi nhớ và hệ thống toàn bộ bài học, những điểm căn bản, các chi tiết gần nhau, bổ sung cho nhau. Còn nếu là môn khoa học tự nhiên, học sinh cần nắm vững các công thức, định luật, tập luyện với các dạng bài theo cấu trúc đề thi.

Cụ thể, theo thầy Phạm Văn Quốc - giáo viên Toán (Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), khi bắt đầu ôn tập môn Toán, nên học theo từng chủ đề, mỗi học sinh cần có kế hoạch hợp lý từ nay đến lúc thi. Chọn cách học dễ nhớ công thức, hiểu và nắm chắc, làm nhiều bài tập. Có những bài toán có thể biết cách giải nhưng khi làm bài, ở mỗi bước, các em vẫn cần rèn luyện kỹ năng và kinh nghiệm để xử lý. Cố gắng giải và tham khảo đáp án các đề thi những năm trước, hoặc qua sách tham khảo để rèn luyện kỹ năng, tính toán. Học sinh khi ôn thi có thể học theo nhóm để bổ sung kiến thức cho nhau.

Đối với môn Ngữ Văn, cô Lê Thị Hằng (giáo viên dạy Văn, Trường THPT Thăng Long, Hà Nội) cho biết, cách học hiệu quả là nên bám sát theo cấu trúc đề thi. Cô Hằng gợi ý: “Sẽ không có gì là khó nếu học sinh ôn tập theo trọng tâm các dạng câu hỏi của cấu trúc đề. Đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, được chia thành hai phần chung và riêng. Phần chung gồm có câu 1 là câu thuộc về văn học sử, tái hiện lại kiến thức về tác giả, tác phẩm bắt buộc học sinh phải học thuộc. Câu 2, là phần nghị luận xã hội, đòi hỏi học sinh có kiến thức xã hội, hiểu đạo lý, tư tưởng… Phần riêng, thuộc về nghị luận văn học. Biết được cấu trúc đề, học sinh sẽ ôn tập hiệu quả hơn”.

Bám đề thi để “ghi” điểm

Đối với môn Địa lý, học sinh gặp nhiều thuận lợi nếu biết sử dụng hợp lý “trợ thủ” Atlat Địa lý Việt Nam. Cô Ngô Thanh Hương (giáo viên Địa lý, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) cho biết: “Cuốn Atlat - tài liệu duy nhất được mang vào phòng thi - sẽ trợ giúp rất nhiều cho học sinh trong ôn tập và làm bài thi. Cuốn Atlat bao gồm các kiến thức của chương trình học, số liệu, các vùng kinh tế trọng điểm, nội dung bám sát các bài học trong sách giáo khoa. Nếu sử dụng cuốn “cẩm nang” này đúng cách, học sinh có thể trả lời hầu hết các câu hỏi. Ngoài ra, cuốn Atlat còn cung cấp những mẫu biểu, số liệu để các em có thể vận dụng vào bài viết khi gặp câu hỏi về thực hành vẽ biểu đồ hoặc so sánh các số liệu”.

Năm nay, nhiều học sinh khá lúng túng khi môn Sinh học được lựa chọn thi sau nhiều năm. Cô Đỗ Thanh Huyền (giáo viên môn Sinh học, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên) gợi ý: “Để ôn tập tốt môn Sinh học, đầu tiên học sinh phải liệt kê trong mỗi bài, mỗi chương các khái niệm, phân biệt các khái niệm với nhau… Thông thường, môn Sinh có tỉ lệ câu hỏi lí thuyết gấp 2 lần câu hỏi bài tập nên khi làm bài thi trắc nghiệm, các em cần đọc thật kĩ câu hỏi, gạch chân dưới những từ quan trọng trong câu hỏi. Với những câu hỏi không phải là câu hỏi học thuộc lòng, thì khi đọc các đáp án, phải dành thời gian để chỉ ra được câu đó đúng hay sai”.

Theo một số giáo viên dạy Hóa, khi làm bài thi trắc nghiệm môn Hóa, học sinh phải bám sát và đối chiếu liên tục với 4 đáp án mà đề bài đưa ra để từ đó có những nhận định đúng. Chú ý phân bố thời gian hợp lý cho các câu hỏi, làm nhanh câu hỏi dễ để dành thời gian cho các câu hỏi khó. Chọn những câu dễ làm trước, dành thời gian cho các câu hỏi khó hoặc tính toán phức tạp. Còn ở môn Tiếng Anh, các thí sinh cũng cần lưu ý, trong quá trình làm bài, không bao giờ được bỏ trống bất cứ câu hỏi nào. Nếu câu hỏi quá khó, nên dùng khả năng suy đoán của mình để lựa chọn một đáp án hợp lý nhất. Đặc biệt, các em nên kiểm tra lại toàn bộ bài nếu còn thời gian.
Theo Xaluan
 
×
Quay lại
Top