Ô nhiễm không khí ở VN ngày càng trầm trọng

dgoanh

Ước mơ tôi...
Thành viên thân thiết
Tham gia
19/11/2010
Bài viết
1.453
Trước thực trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam ngày càng trầm trọng, đại diện Bộ Môi trường Nhật Bản cho rằng quan trắc ngoài trời nồng độ vật chất gây ô nhiễm rất cần thiết vì như vậy mới nắm rõ được hiện trạng ô nhiễm không khí và tìm ra hướng khắc phục.
“Tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam khá trầm trọng ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á” - ông Đặng Văn Lợi, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm (Bộ Tài nguyên&Môi trường), nói.

Ông Nguyễn Hoàng Đức, Cục Kiểm soát Ô nhiễm, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên&Môi trường), cũng đồng tình: “Nhìn chung ô nhiễm không khí ở Việt Nam có xu thế ngày càng xấu đi”.


khithai.jpg

Đại diện phía Nhật Bản cho rằng sự gia tăng xe máy, ô tô tạo ra mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở đô thị.

Theo báo cáo môi trường quốc gia năm 2007, ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông gây ra chiếm 70%. Xét theo các nguồn thải gây ô nhiễm trên toàn quốc, hoạt động giao thông đóng góp khoảng 85% lượng CO, 95% VOCs.

Ở Nhật, hai năm phải tiến hành kiểm định, xe nào không đạt sẽ không được lưu hành trên đường.

Còn ở Việt Nam, theo Ths Lê Anh Tú, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), đa số mô tô, xe máy ở Việt Nam không được bảo dưỡng, sửa chữa trong quá trình sử dụng nên mức phát thải và tiêu hao lớn. Trong khi đó dân không hiểu rõ tác hại của khí thải và tác dụng của bảo dưỡng, sửa chữa đến giảm khí thải độc hại và tiết kiệm tiêu hao nhiên liệu.

“Thực ra, trong nhiều năm qua, giáo dục truyền thông môi trường về các lưu vực sông, khu công nghiệp thì nhiều nhưng về ô nhiễm không khí thì chưa được nhiều”, ông Đức nói, “Những năm gần đây ô nhiễm bụi vượt ngưỡng tiêu chuẩn Việt Nam từ 5 – 7 lần.”

Ngoài phát thải từ phươg tiện giao thông, theo GS.TS Phạm Ngọc Hồ, Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc&Mô hình Hóa Môi trường – Đại học Khoa học Tự nhiên, phát thải từ nguồn dân sinh hầu như còn bỏ trống mà nguồn chủ yếu là than tổ ong, than đá, củi, rơm rạ. Việt Nam cần phải học tập các nước khác. Hà Nội không thể dùng mãi nhiên liệu gây ô nhiễm.

“Tôi cho rằng cần có lộ trình cắt giảm các nhiên liệu gây ô nhiễm (than, củi, và rơm rạ) để đầu năm 2020 chỉ sử dụng nhiên liệu sạch”, GS.TS Hồ, thẳng thắn “Than tổ ong nên cấm tiệt.”

Theo ông Fumihiko Kuwahara, kiểm kê chất thải – Dự án của Bộ Môi trường Nhật Bản, quan trắc ngoài trời nồng độ vật chất gây ô nhiễm môi trường là việc không thể thiếu và cần thiết để chứng thực hiệu quả của chính sách, quy chế và cũng để nắm rõ hiện trạng ô nhiễm không khí.

Ông Lợi đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam xây dựng khung kiểm soát ô nhiễm quốc gia tại Việt Nam để có những bước tiếp theo cải thiện ô nhiễm không khí; Chuyển giao tài liệu, kiểm kê, dự báo ô nhiễm không khí cho Việt Nam. Ngoài ra hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực, xây dựng chính sách, thực hiện công tác kiểm kê, dự báo, giải pháp giảm ô nhiễm không khí.

Ths Tú kiến nghị trong thời gian tới thu phí khí thải trực tiếp từ chủ phương tiện tham gia giao thông. Thời điểm thu phí dự kiến năm 2013.


Ông Shintaro Fujii, Bộ phận Không khí, Cục Quản lý Môi trường - Bộ Môi trường Nhật Bản, nói dự án thực hiện trên toàn lãnh thổ Việt Nam (từ tháng 8/2009 đến 3/2011) đã đạt được nhiều kết quả như đã hoàn thành kiểm kê phát thải trên toàn Việt Nam; Biên soạn sách hướng dẫn quy định kiểm kê phát thải tại Việt Nam; Xây dựng mô hình mô phỏng về ô nhiễm không khí TP Hà Nội, đồng thời sử dụng mô hình đó đo đạc nồng độ ô nhiễm không khí năm 2015 trong hai phương án tương lai gần và đối phó của Hà Nội; Nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch phòng chống ô nhiễm không khí của phía Việt Nam. Kiểm kê và mô phỏng rất quan trọng. Có được kiểm kê, mô phỏng thì mới dự đoán được tình hình ô nhiễm trong tương lai. Kiểm kê và mô phỏng sẽ là hai bánh xe hướng chúng ta hoạch định những chính sách kiểm soát ô nhiễm.
- Mô tô, xe máy là phương tiện giao thông phổ biến nhất, chiếm 95% về số lượng và đáp ứng 90% nhu cầu đi lại tại các thành phố lớm. Hàng năm có khoảng 3 triệu mô tô, xe máy và 150.000 ô tô mới tham gia giao thông. Mô tô, xe máy lưu hành chưa được kiểm soát khí thải. Đa số mô tô, xe máy không được bảo dưỡng, sửa chữa trong quá trình sử dụng nên mức phát thải và tiêu hao lớn. Ý thức bảo vệ môi trường kém. Đa số dân không hiểu rõ tác hại của khí thải và tác dụng của bảo dưỡng, sửa chữa đến giảm khí thải độc hại và tiết kiệm tiêu hao nhiên liệu. Tính đến 2010 có 1.394.858 xe ô tô đang lưu hành trong đó xe ô tô con 617.473, ô tô khách 163.514 và ô tô tải 660.324. Tổng số xe mô tô, xe máy đang lưu hành xấp xỉ 33.000.000 chiếc.
 
chúng ta cùng nhau bảo vệ môi trường nhé!:KSV@04:
 
Thủy ngân trong không khí có thể xuất phát từ đâu
Thủy ngân có thể sinh ra từ hoạt động của các nhà máy điện đốt than đá, lò đốt rác và đám cháy rừng.
VNE-O-nhiem-4354-1461647755.jpg

Thiết bị quan trắc phát hiện chất độc thủy ngân trong không khí ở Hà Nội. Ảnh:Tr.Phan.

Theo một nghiên cứu của Đại học Vermont, Mỹ, thủy ngân có thể tồn tại ở 4 dạng. Kim loại thủy ngân là một chất lỏng màu xám bạc, gây hại cho con người khi tiếp xúc với không khí và được hít vào phổi. Methyl thủy ngân (MeHg) có thể ngấm vào cơ thể khi con người ăn một số loài cá nước mặn và nước ngọt, đặc biệt là loài cá lớn ở đỉnh chuỗi thức ăn, như cá mập, cá kiếm, cá vược và cá chó.

Hợp chất thủy ngân vô cơ có thể được tìm thấy trong pin, thuốc uống, thuốc mỡ, thuốc xịt muỗi và một số loại thuốc có nguồn gốc thảo mộc. Hợp chất này có thể gây hại nếu con người hít hoặc nuốt vào cơ thể.

Dạng cuối cùng là thủy ngân phenyl (phenylmercury) thường có mặt trong các loại sơn sản xuất từ nhựa mủ, sơn ngoại thất, bả chống thấm, mỹ phẩm dành cho mắt và dụng cụ vệ sinh cá nhân. Phenylmercury xâm nhập vào cơ thể khi hít vào ở dạng hơi, ngấm qua da hoặc qua đường tiêu hóa.

Thủy ngân có thể sinh ra từ hoạt động của các nhà máy điện đốt than đá, lò đốt rác và đám cháy rừng. Ngoài ra, một số đồ vật quen thuộc thường chứa thủy ngân gồm: đèn huỳnh quang, đèn neon, thiết bị sưởi và làm nóng, nhiệt kế, dung môi phòng thí nghiệm và hỗn hợp hàn răng trong phòng khám nha khoa.

Thủy ngân gây ra nhiều tác hại đối với cá, chim và động vật có vú như cản trở sự tăng trưởng và phát triển, thúc đẩy hành vi bất thường, khó sinh và thậm chí tử vong. Thủy ngân xâm nhập vào không khí thông qua các quá trình đốt cháy nhiên liệu, đốt rác thải y tế và sản xuất công nghiệp, cùng với một số nguồn tự nhiên.

Ở các môi trường khác, thủy ngân lắng đọng trong đất thông qua quá trình thấm ướt và phơi khô của hệ sinh thái rừng. Sau đó, nguyên tố này tích tụ ở dạng độc tố cao trong mắt xích thức ăn của hệ sinh thái dưới nước. Việc tiếp xúc với thủy ngân diễn ra phổ biến nhất qua đường thức ăn khi tiêu thụ hải sản hoặc thực vật nhiễm độc thủy ngân.

Một khi tiếp xúc với cơ thể, thủy ngân được hấp thụ gần như hoàn toàn vào máu và phân phối tới mọi mô bao gồm bộ não. Nó cũng truyền qua nhau thai đến thai nhi và não thai nhi. Dấu hiệu đầu tiên của việc nhiễm độc thủy ngân là hiện tượng tê và đau nhói ở môi, ngón tay và ngón chân, gọi là chứng dị cam (paresthesia).

Việc tiếp xúc với thủy ngân trong thời gian dài dẫn đến run rẩy, mất khả năng điều hòa vận động, thay đổi tính cách, mất trí nhớ, mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu, giảm cân, căng thẳng tâm lý và viêm lợi. Các triệu chứng này xảy ra khi một người tiếp xúc với nồng độ thủy ngân trong không khí trên 50 microgram/m3 (một microgram bằng một phần triệu gram).

Theo các nhà nghiên cứu ở Đại học Colgate, New York, Mỹ, thủy ngân có thể rất độc hại khi đổ ra ngoài. Cách tốt nhất để xử lý thủy ngân bị đổ là rắc bột lưu huỳnh nhằm biến nó thành dạng cứng dễ thu dọn.

Xem thêm: Sương mù chứa thủy ngân độc tấn công thành phố Mỹ.

Phương Hoa
 
Hãy cùng nhau bảo vệ môi trường nhé, chúng ta sẽ gìn giữ từng ngày một
 
ôi mấy cái xe bus xả khói đen xì ra em nhìn mà phát sợ
 
×
Quay lại
Top