NỬA BÊN KIA THẾ GIỚI CÓ MẶT TRỜI

Ginny Amelia Collins

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
15/4/2014
Bài viết
47
I: MÙA HÈ BẮT ĐẦU

Nhà tôi có một giàn hoa giấy đỏ, mẹ đưa tôi về khi những cánh hoa đang trong mùa nở rộ, hồng rực trước hiên nhà. Lúc đó, tôi cầm tay kéo vali lặng yên đứng trước cổng ngửa đầu nhìn bầu trời xanh trong rồi nhìn nắng chiều phủ xuống giàn hoa, rực rỡ như ánh lửa, như một lời chào nhiệt tình được gửi đến cho những khởi đầu mới.

Nhà bên cạnh nhà tôi cũng có một giàn hoa giấy, bông màu trắng, không rực rỡ như lửa đỏ mà lại giống những bông tuyết giữa mùa hè, xanh xanh trắng trắng, dịu dàng và mát lạnh.

Nhà bên cạnh nhà tôi còn có hai anh em, chưa biết tên nên tôi gọi là hai anh nhà bên mỗi lần nói chuyện với mẹ trong bữa ăn tối về việc bên đó rất ồn, bởi vì cứ lúc nào nghe thấy tiếng nói vọng sang thì cũng là lúc bọn họ đang chí chóe với nhau. Tôi cảm thấy cô con gái nhà ấy rất vô tư, đơn giản qua cái cách mà bạn ấy thường đu bám ba và anh trai để mè nheo điều này điều kia, ông anh trai thì có giọng nói đang trong kỳ vỡ giọng, trầm nhưng vẫn trong hơn nhiều so với tụi con trai đang dậy th.ì mà tôi biết. Bà mẹ thì đôi lúc cũng giận dữ quát nạt trước những đòi hỏi vô lý của cô con gái nhưng tôi thấy đó cũng chỉ là những lời mẳng mỏ vặt vãnh mà thôi.

Mẹ tôi thì không giống thế cho lắm, dù mẹ cũng hay càm ràm ba mỗi khi ba nhẩu xỉn hay về nhà muộn như bác gái nhà bên luôn nói về việc cô con gái quá đáng quá thể, nhưng bác ấy còn lâu mới đáng sợ bằng mẹ tôi, chưa bao giờ tôi thấy mẹ nổi đóa với ba đáng sợ như lần cô bồ xinh xắn trẻ tuổi của ba xách cổ một đứa con riêng tìm đến tận nhà thị uy, bà ấy dường như không thể kiểm soát được bản thân khi đập vỡ gần hết tất cả đồ đạc trong nhà trong khi tôi chỉ biết ngồi co ro trong một xó cầu may đừng có mảnh vỡ nào văng phải mình và kết quả là sau khi mọi thứ tan nát hết thì họ ly hôn.

Thật kỳ quặc là tôi không cảm thấy buồn hay thất vọng khi không còn được ở với ba hay kiểu như là khao khát đến ám ảnh một mái ấm có cả ba và mẹ tràn ngập tiếng cười. Tôi chỉ cảm thấy mình may mắn vì đã đủ tuổi được lựa chọn. Nếu phải ở lại với ba mình, tôi không biết cuộc đời mình sẽ trôi dạt về hướng nào nữa, có thể sẽ cắt nham nhở mái tóc, nhuộm đỏ chói lóa và nhập bọn với vài gã lưu manh nào đó rồi lêu lổng khắp mọi xó xỉnh của thành phố, nghĩ cũng dám lắm vì tôi thích màu đỏ mà. Tôi không yêu ba, trước đây có lẽ từng có, nhưng lâu quá nên tôi cũng quên rồi.

Tôi yêu mẹ nhưng tôi không hiểu được bà, bà ấy cãi nhau rùm beng với ba từ năm này qua năm khác nhưng rồi lại tha thứ hết lần này tới lần khác cho ông chồng giàu có tệ lậu chỉ để giữ một ngôi nhà trọn vẹn, mà thật ra thì nó đã sứt mẻ như chiếc bát gốm cổ của bà nội từ lâu rồi, đắt tiền nhưng đâu có mang ra ăn cơm được. So với việc ở trong một căn nhà xa hoa nhưng lộn xộn việc cãi nhau thì tôi thích một căn nhà nhỏ yên tĩnh chỉ có hai mẹ con như bây giờ hơn, và thực sự thì đây hẳn là một điều tồi tệ khi mà một đứa con lại cảm thấy nhẹ nhõm khi được thoát ly khỏi một cuộc sống bức bối hơn là chia sẻ sự giận dữ vì bị phản bội của mẹ mình.

Trước đây nơi chốn hạnh phúc trong lý giải của tôi là ở bất cứ đâu không phải là nhà, còn bây giờ tôi lại chẳng thấy ở đâu hạnh phúc như ở nhà, tôi có thể làm cả ti tỉ thứ như học bài mà quên nấu cơm tối, bật radio với âm lượng cực lớn, hoặc đôi khi bày bừa làm bánh ngọt, thỉnh thoảng tôi cũng vứt đồ đạc ở đâu đó linh tinh và không thèm dọn dẹp nữa, mẹ giận lắm, nhưng cũng giống như bà mẹ nhà hàng xóm, đó chỉ là càu nhàu vặt vãnh mà thôi.

Lần đầu tiên tôi nói chuyện với anh em nhà bên là buổi sáng đầu tiên của năm học mới, lúc ấy ông anh trai đang kẹp cổ cô em gái từ cổng nhà ra đi học, hình như nhỏ ấy giả vờ ốm để cúp học. Hai anh em cành cựa với nhau vui mắt đến nỗi tôi chỉ mải nhìn mà quên luôn nỗi lo về một ngôi trường mới và những người bạn mới xa lạ vừa quấy nhiễu những suy nghĩ của mình.


Họ lằng nhằng lôi kéo ở phía trước, tôi đi sau. Cô em gái ngoảnh lại và mỉm cười ngay khi ánh mắt vừa chạm đến.

- A… chào, chào nhé, cậu mới chuyển đến đây vào mùa hè đúng không nhỉ?

Tôi nhoẻn cười - Ừ, chào cậu, chào anh.

Thanh Hải cũng niềm nở đáp lại. Năm đó, anh mười tám, tôi mười sáu, một nụ cười trong trẻo và dịu dàng dưới nắng sớm đã gieo vào tim tôi một hạt giống tình yêu. Đó là lần đầu tiên tôi tìm cách tiếp cận một người để tạo dựng một mối quan hệ với một người khác. Có thể họ biết cũng có thể không biết, nhưng vẫn chấp nhận để tôi chạm tay vào cuộc sống vô tư lự của mình. Đó thực sự là một điều hạnh phúc bất ngờ chợt đến vào những ngày cuối cùng của mùa hè.

 
Hiệu chỉnh:
II. MÙA HÈ THIÊN ĐƯỜNG

Mùa hè năm chúng tôi lớp mười, tôi từ chối chuyến du lịch thường niên ở cơ quan mới của mẹ vì biết nếu mình cứ khăng khăng đòi ở nhà thì sẽ được gửi gắm sang nhà bên cạnh. Suốt cả tuần mè nheo, hứa hẹn đủ điều mẹ chiều ý cho tôi dùng phần tiền đăng ký đi du lịch ấy của mình cộng thêm khoản đập em heo nằm lặng lẽ ở góc gi.ường suốt từ đầu năm để mua một chiếc máy ảnh cơ. Chẳng còn gì tuyệt vời hơn thế nữa đâu, lúc cầm em máy Nikon mới cóng trên tay, tôi nghĩ mình chết luôn cũng được rồi.


Sau đó vài ngày thì Thanh Hải đi ngoại khóa ở Đà Lạt về mang cho tôi và Hải Yến mỗi đứa một chậu păng-xê, nó màu vàng còn tôi màu đỏ nâu. Thế là tôi lại nghĩ, thôi mình chết thêm lần nữa cho một điều tuyệt vời hơn cũng được.


Trước đây, mùa hè trong hình dung của tôi là những ngày dài oi nồng liên tục, không bao giờ thiếu những tia nắng rát bỏng cũng cái nóng bức bối luôn hăm hở chạy đua với nhau, vậy mà năm ấy, chỉ cần ngẩng đầu lên, tôi thấy bầu trời trong xanh đến kỳ lạ.


Cả mùa hè, tôi đều đặn sang nhà tìm Hải Yến chơi, chúng tôi có rất nhiều thứ để nói và nhiều trò để chơi mỗi ngày, Thanh Hải thường nói bọn tôi toàn chơi những trò ngu. Anh ấy tử tế đến độ dần dà tôi được nước lấn tới cũng học theo Hải Yến bám lấy anh lèo nhèo đòi cho bằng được anh chơi trò này trò kia, hay đi đâu đó với cả hai đứa. Mấy ngày sau đó, Thanh Hải tìm được cách trị bọn tôi, rất nhẹ nhàng cũng rất được phụ huynh ủng hộ, giải xong đề ôn tập hè thì mới đưa đi chơi, khi mà tôi với Hải Yến vắt não mãi vẫn không giải nổi thì ý định qua nhà nó chơi lại thành qua học bài. Nhưng nhờ vậy mà đến khi năm học mới bắt đầu, lỗ hổng kiến thức môn hóa lớp 10 của tôi đã được hệ thống và bổ sung lại.


Cũng có đôi khi sáng dậy rồi tôi không chạy ngay sang tìm Hải Yến mà ở nhà bày bừa nướng một mẻ bánh muffin, xong rồi thì đứng bên nhà mình gọi Hải Yến và Thanh Hải đưa trà hoặc cà phê sang, mặc kệ căn bếp đang bừa bộn bột đường bưng mâm bánh cùng nhau ngồi dưới giàn hoa giấy cười nói không ngừng. Không biết từ lúc nào mà những ngày có họ trở thành những ngày ngọt ngào như vậy, như bánh muffin chocolate, như cà phê sữa. Lại rộn rã với tiếng cười giòn tan và những câu chuyện thú vị.


Mùa hè ấy tôi chỉ quanh quẩn bên Thanh Hải cùng Hải Yến và chậu hoa cảnh, tỉ mẫn chăm sóc và từ lúc nó nở bông đầu tiên đến bông cuối cùng, chỉ mong nó sẽ nở mãi đừng tàn. Thế nhưng hoa nở rồi tàn vốn là quy luật của tự nhiên, sau mùa hè chậu hoa vẫn héo úa.


Hoa tàn, cây khô quắt rồi chết, Thanh Hải vỗ nhẹ vào đầu tôi nói đó là một quá trình tự nhiên. Hoa có tàn thì mới có hạt giống, vạn vật trên đời đều có một cuộc đời riêng của mình.

 
Hiệu chỉnh:
III. CANON IN D

Thanh Hải học trên chúng tôi một lớp, lớn hơn em gái mình đúng mười tháng. Hải Yến chặc lưỡi nói ngày xưa vì ba mẹ vỡ kế hoạch nên mới có hai anh em chúng nó gần tuổi nhau như thế chứ nếu đúng kế hoạch thì chắc chắn giờ này nó phải gọi tôi bằng chị rồi. Tự nhiên tôi nghĩ Thanh Hải từng nói vạn vật đều có cuộc đời của riêng mình, thế nên Hải Yến đến với thế giới này sớm hơn kế hoạch vài năm chắc chắn là có sứ mệnh của riêng cậu ấy, như là khởi đầu của thêm rất nhiều điều hạnh phúc trong tôi chẳng hạn.

Có đôi lúc tôi không thực sự định nghĩa được cảm giác giữa mình và Thanh Hải là gì. Còn Hải Yến thì luôn nói với người khác tôi là bạn thân nhất của mình, những gì tôi và cậu ấy cùng chia sẻ với nhau khiến tôi cảm thấy như thể hai đứa sống đến từng này tuổi chỉ đợi đúng thời điểm gặp nhau là sẽ thân.


Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi tự tin mình không phải là một trong số mà là số một của ai đó.

Tôi từng chơi với một nhóm bạn và tôi đã luôn nghĩ mình hạnh phúc khi được làm một trong số những người bạn thân của họ, khi đi cùng họ tôi không còn lẻ loi giữa đám đông mà mình không quen biết dù rằng khi đứng giữa họ rồi tôi cũng vẫn thấy mình lẻ loi sau những nụ cười phụ họa vô nghĩa. Tôi vẫn ở xung quanh họ như thế cho đến một ngày cảm thấy không còn muốn chen vào những câu chuyện không có mình nữa.

Không có họ tôi chẳng còn lại ai ở bên, nhưng đứng cạnh họ tôi vẫn đơn điệu lạc lõng. Không có họ tôi trở lại là tôi, cô độc, một màu. Dù thế, tôi vẫn lựa chọn bản thân mình.

Có thể do tôi không đủ cố gắng để hòa nhập, thay vì chờ người khác thấu hiểu thì tôi nên chia sẻ nhiều hơn, nhưng lúc bị vây quanh bởi những khuôn mặt hạnh phúc và những câu chuyện vui vẻ, tôi nghẹn ứ lại những điều không như ý của mình.

Đối với tôi, Hải Yến là thiên thần. Cho dù không có một đôi cánh trắng lấp lánh thì sự xuất hiện của cậu ấy cũng hệt như dòng ánh sáng đẹp đẽ, dịu dàng tựa những nốt nhạc của bản canon in D rót vào những lẻ loi trong tôi.

Quay lại làm tôi chân thành với cảm xúc của bản thân là một ý tưởng không tồi, nhưng nếu vẫn được là chính tôi mà những nụ cười vẫn rực rỡ thì còn điều gì tuyệt vời hơn nữa.

Rất lâu về sau này, mỗi lần nhớ về những khoảng thời gian đáng trân trọng của mình, tôi luôn nghĩ thanh xuân của một người nhất định phải có một cô bạn thân thiết cùng mình làm vài việc khùng điên. Có thể lúc đó sẽ bốc đồng làm những chuyện đáng xấu hổ, có cả sai lầm nhưng bởi vì một trong những đặc quyền của những người trẻ tuổi là được sai và học cách sửa sai nên chắc rằng tất cả sẽ ổn thôi. Biết nói lời cảm ơn và xin lỗi là một điều hay của tuổi trẻ mà.

Thỉnh thoảng tôi cũng có những ý nghĩ kiểu như rằng nếu lúc đó bên cạnh không có Hải Yến và Thanh Hải thì mình sẽ như thế nào?

Tôi vốn không phải là người ở một mình cũng biết tự tìm niềm vui, nếu không có họ sẽ không còn những ngày hạnh phúc có những tiếng cười rộn rã khi cùng nhau đạp xe trên những con đường rộng thênh thang những buổi tối mùa đông cùng ăn bắp nướng khoai nướng, cùng nghêu ngao những bài hát đang nổi trên mạng. Những con đường cũng chẳng còn tràn ngập ánh nắng và mùi của sớm mai vì không có Thanh Hải ở giữa khoác vai tôi và Hải Yến nửa cà tưng nửa cà giựt cùng đến trường rồi tan trường về nhà. Cũng chẳng còn những tối khùng điên say trà đá cả Hải Yến, tôi và Thanh Hải kéo nhau đi mướn phòng hát karaoke rồi về nhà trong tình trạng khàn hết cả cổ họng vì gào thét.

Những năm tháng đó, hai người họ dành ra rất nhiều thời gian ở bên tôi, cùng nhau cười và cùng nhau khóc. Vì có một cuộc sống chân thành đến từng gây phút như thế, tôi cảm thấy mọi điều khó khăn chẳng còn gì to tát nữa, còn quan trọng gì khi mà vui có thể cười và buồn có thể khóc bên cạnh một ai đó.

Tôi có một khoảng thời gian trong thời niên thiếu nhiều tiếc nuối nhưng có cả thanh xuân dài để hồi tưởng và để hạnh phúc. Trong cuốn sách Nhà Giả Kim có một câu thế này: “Có thể thượng đế tạo ra sa mạc chỉ để con người biết quý trọng cây chà là.” Có lẽ thời niên thiếu nhiều điều không như ý là để tạo nên tôi biết cố gắng và trân trọng những hạnh phúc bình dị của sau này đó thôi.

Cuộc đời này vốn không tránh được những bất hạnh nhưng cũng có rất nhiều điều hạnh phúc, có thể bạn chưa hạnh phúc bởi vì đường đang tắc, bất hạnh chưa thể đi và hạnh phúc chưa kịp đến. Thời gian có cột mốc của riêng mình gọi là đúng thời điểm. Giữ cho lòng hướng thiện, cứ bình thản đúng thời điểm hạnh phúc sẽ tới.
 
IV. ÁNH MẶT TRỜI SỚM MAI


Tôi nghĩ rằng với mỗi một tâm trạng khác nhau thì cảnh vật xung quanh hay những điều sẽ xảy đến sẽ có một ý nghĩa khác nhau, trước đây tôi không hào hứng với bình minh, nhưng từ lúc chuyển về đây lại rất thích những tia nắng sớm mai, thích cảm giác thức giấc để chân trần đến bên cửa sổ, ngoài người lười biếng trên chiếc ghế bành sưởi nắng.

Trước đây tôi không bao giờ chăm sóc cây lá trong nhà, thế rồi không biết từ lúc nào lại có thói quen bưng hết mấy mấy chậu cây nhỏ trưng trong nhà ra ngoài sân vào sáng chủ nhật hằng tuần, dù mấy loại cây cỏ mẹ hay mua có thể sống dai khi không chăm sóc thường xuyên nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn tự giác đưa chúng ra tưới tắm dưới ánh nắng mặt trời. Con người cần Vitamin D để da dẻ hồng hào và xương chắc khỏe thì cây cỏ cũng cần phải quang hợp mới xanh tốt được.


Có một lần khi tôi đang lúi húi hứng nước, thình lình Hải Yến từ trên bờ tường nhảy xuống. Cậu ấy lười đến nỗi hai nhà sát nhau cũng không muốn đợi cổng mở rồi mới đi vào, dù chỉ cần nhấn chuông một cái thì tôi đã nhìn thấy, hay có khi còn không cần nhấn chuông nữa. Có lẽ mẹ tôi nên đập luôn cái bờ tường thấp lè cho có đi để tránh lỡ như một ngày đẹp trời nào đó Hải Yến phởn đời nhảy xuống rồi đạp vỡ luôn mấy chậu cây yêu quý của mình.

Thanh Hải thì đứng bên kia thó đầu lên, khoanh tay để trên bờ rào và dặt cằm lên đó nhìn tôi múc nước tưới cây.

- Chào Thảo Linh.


- Chào Thanh Hải.

- Cần anh giúp không?

- Em nghĩ là em sẽ có một ngày tuyệt vời sau khi đối xử tử tế với chúng nó nên nếu anh muốn thì em sẽ chia sẻ với anh. - Tôi trả lời.

- Nghe hay đấy.

Lúc tôi ngẩng đầu lên thì không thấy Thanh Hải nữa nhưng lại nghe tiếng vòi nước đang chảy ở bên kia.

- Anh tưới cây ạ?

- Ừ, anh cũng muốn có một ngày đẹp trời. – Anh ấy lại vươn đầu qua.


Hai chúng tôi cứ vậy cách nhau một bờ tường làm cùng một việc giống nhau. Có thể cảm nhận không giống nhau, nhưng ai mà quan tâm chứ.

Hải Yến sau khi chạy xộc vào nhà và chạy trở ra với chai sữa chua dalatmilk thì nói với tôi – Tớ mượn nhe, đi siêu thị rồi mua trả cậu sau.

Thanh Hải cảnh cáo - Em sẽ bị đau bụng vì uống sữa chua với cái bụng rỗng không cho mà xem.


Và Hải Yến bơ anh uống luôn mấy ngụm và nói với tôi - Hôm nay ba mẹ đi vắng tớ ăn trưa với cậu nhe, nếu cậu chiên cá, tớ sẽ phụ gọt xoài và làm nước chấm.

- Okay, hôm nay mẹ tớ cũng không ăn cơm ở nhà.


- Chiên cho anh một con…

Thanh Hải chưa nói hết câu đã bị cắt ngang.

– Sao anh không đi ăn với chị gì đó mà anh thích đi. – Hải Yến tự nhiên nổi quạu.

Lần đầu tiên tôi thấy anh ấy đỏ mặt, cũng không hẳn là đỏ bừng như bị sốt mà hơi ửng lên và có vẻ hơi ngại khi không thể đáp trả được lời nào. Hiếm khi mà anh ấy không nhại lại lời em gái. Thanh Hải lịch sự với tất cả mọi người trừ Hải Yến, giống hầu hết các cặp song sinh trái tính nhau mà tôi biết, hẳn vì hai anh em chỉ hơn nhau một tuổi nên mới ăn thua nhau mọi lúc như thế.

Tôi đuổi khéo anh bằng cách sai ra chợ mua cá. Chợ không xa nhưng để chờ cô bán cá đánh xong vảy và moi ruột ba con cá thì cũng phải đợi mất một lúc khá lâu.

Thanh Hải đi rồi tôi quay qua nhìn Hải Yến - Anh ấy thích chị nào rồi hả?


- Tối qua tớ thấy anh ấy nhắn tin với bạn.

- Ồ, vậy là cậu xem trộm tin nhắn của anh ấy rồi bị mắng?


- Không hề, tớ chỉ đi ngang đúng lúc và liếc thấy thôi.

- Thế thì sao cậu thấy khó chịu với anh ấy?

- Anh ấy đổi luôn khóa điện thoại sau khi tớ hỏi, cậu nói coi tớ có nên bực mình không? Với lại tại sao đã thích người khác rồi mà ảnh lại bắt cậu nấu cơm trưa cho mình, quá đáng lắm, ảnh không thể đối xử như thế với cậu được.

- Thanh Hải đâu biết là mình thích ảnh đâu, cậu vô lý với ảnh quá.

- Lão ấy đáng bị như vậy đấy.

- Thực ra thì cảm xúc của tớ với Thanh Hải không giống như cậu nghĩ đâu. Tớ nghĩ nó hơi giống với cảm xúc của cậu đối với Tỉnh Bách Nhiên á. Thanh Hải giỏi và cũng rất tử tế nữa, có rất nhiều người thích anh ấy, thế nên tớ thấy thích anh ấy cũng là điều bình thường mà. Tỉnh Bách Nhiên hẹn hò với Nghê Ni, cậu hụt hẫng nhưng vẫn thích anh ấy, tớ cũng thế, tớ tò mò nhiều hơn về mẫu bạn gái của Thanh Hải như thế nào hơn là việc tìm cách giữ anh ấy cho riêng mình.

- Anh ấy sẽ hối hận vì không thích cậu. Cậu cũng sẽ hối hận vì ỉm đi không nói gì cả. Tỉnh Bảo nhà mình và Nghê Ni chẳng liên quan gì hết.

- Có một điều chắc chắn mà cậu phải thừa nhận là anh ấy không thích tớ thế nên điều cậu nói không có điều kiện trở thành sự thật đâu. Tình cảm thì đâu gượng ép được đúng không? Nói ra không thành tớ lại mất đi một người bạn, như bây giờ là tốt quá rồi.

- Cậu nhát gan vãi! - Hải Yến lại quạu.

- Ừ, thế nên yêu thương tớ thật lâu vào, không phải lúc nào tớ cũng có can đảm làm thân trước với một ai đó như với hai anh em cậu đâu. – Tôi bẹo má cậu ấy.

Lúc đó Hải Yến ngồi xổm bên cạnh, nhưng không nói gì, lúc tôi nhìn sang thì cậu ấy lại đang nhìn mình, vẻ đăm chiêu như đang nghĩ điều gì đó mà chỉ cần chờ tôi hỏi thì sẽ nói.

- Cậu đang nghĩ gì thế? – tôi hỏi.

- Biết tớ nghĩ gì về cậu không?

- Nghĩ gì?


-Tớ ghét cái kiểu nói chuyện huề vốn của cậu, nhiều lúc cậu cực kỳ giống bà chị họ tớ, viết sách tản mạn, nói chuyện nhân sinh, ai cũng bênh vực nhưng chẳng đứng về phía ai hoàn toàn.

- Tớ nghĩ như vậy sẽ tốt hơn mà.

- Chẳng tốt hơn tẹo nào, cậu nói toàn những gì mình nên cảm thấy và giữ lại những gì mình đang cảm thấy, toàn những điều nhảm nhí không.

Dù đôi khi nói chuyện rất phũ và chẳng nể nang gì ai nhưng Hải Yến thực sự là một cô gái rất đáng yêu, đôi khi cậu ấy phá phách nghịch ngợm, hay có những suy nghĩ bốc đồng nhưng lại rất thẳng thắn, đôi khi hiểu biết trong những trường hợp cần thiết và luôn có giới hạn cho những trò đùa của bản thân. Cậu ấy có thể đọc thẳng toẹt ra những điều tôi đang nghĩ hay giấu diếm nhưng cũng chẳng bao giờ nói với ai khác. Một người bạn thân quá tốt dành cho một người không quen trải lòng và chia sẻ như tôi.
 
Hiệu chỉnh:
V. MÙA MƠ MÀNG

Thanh Hải trong ấn tượng của tôi, của thầy cô và của bạn bè trong trường vẫn luôn là một người hòa đồng, tài giỏi và khiêm tốn, tất nhiên trừ Hải Yến ra. Trong lời của con bé, thì anh lại trẻ con, hay chấp vặt và thù dai, mà đối với một đứa em gái luôn lấy việc kể xấu và chơi khăm anh hai làm niềm vui như Hải Yến thì như thế đã được coi là có nết lắm rồi, có một cô em gái sinh cùng năm nhưng học sau một lớp cũng vất vả lắm chứ.

Vào mùa hè thứ hai tôi chuyển nhà, Thanh Hải thi đại học, anh đậu vào trường y chuyên ngành bác sỹ đa khoa.

Dường như chẳng có ai bất ngờ với kết quả ấy, anh ấy vẫn luôn là một học sinh rất được thầy cô kỳ vọng và luôn muốn em út khóa dưới như chúng tôi lấy đó làm gương. Thế nên mọi người coi chuyện anh thi tốt như là điều đương nhiên mà sơ sài qua loa với niềm vui ấy.

Cùng với Thanh Hải, trong trường còn một anh nữa thi đậu học viện quân y, có học sinh đậu vào các trường đại học top đầu vốn không phải là điều hiếm lạ ở trường bọn tôi, tuy nhiên anh chàng đó thì đậu vào đại học top đầu một cách quá là vi diệu nên tự dưng lại nổi tiếng sau một đêm.


Anh ta chứng minh được cho bài học cố gắng không bao giờ là quá muộn, nếu được kể lại để truyền cảm hứng thì chẳng có gì phải phàn nàn nhưng trái khoáy thay người ta lại cứ hễ nhắc đến là lại đem so sánh với Thanh Hải, cố gắng học giỏi nhiều năm làm gì cuối cùng vẫn chỉ bằng một đứa học hành chăm chỉ mấy tháng. Khi tai nghe được điều đó, tôi thấy giống như là người ta đang è nhau ra cố cầm chày inox giã vào chiếc bình sứ Thanh Hoa quý giá.

Thanh Hải tích cực tích lũy kiến thức mỗi ngày không phải để so sánh hơn thua với một ai khác, đối với anh ấy việc học hành là những con đường chứ không phải là một kết quả.

Có người lại nói rằng để có được kết quả đó có thể anh kia đã đánh đối rất nhiều thứ, rất nhiều thời gian. Ví như trong khoảng thời gian Thanh Hải cùng hai cô em gái đạp xe trên những nẻo đường quê núp mình trong chiếc khăn to ụ ấm áp tận hưởng những cơn gió lạnh giao mùa thì anh ta lại nỗ lực đèn sách, hay khi chúng tôi ngồi quây quần bên bếp than nướng khoai, nướng bắp thì anh ta lại phải ở đâu đó ngoài kia phụ giúp ba mẹ. Họ nói như thể thời gian nghỉ ngơi resest lại bản thân của anh ấy như là một thứ gì đó rất xa xỉ.

Trong cái nhìn đa chiều, mỗi người luôn có một câu chuyện khác nhau, có thể những người đó nói đúng nhưng tôi vẫn không thể hiểu được tại sao người ta lại cứ phải đem kết quả mỹ mãn của anh kia ra so sánh với sự cố gắng mỗi ngày của Thanh Hải. Tại sao cứ nhất định phải khẳng định một điều bằng cách phủ nhận một điều khác.


Hải Yến từng nói ở vị trí hai đầu chiến tuyến sẽ rất ghét kiểu người bênh vực tất cả mọi người, dù đôi khi họ nói cũng có lý. Lần này thì tôi đồng ý với cậu ấy.

Cái cảm giác ấm ức cứ bám lấy cả tôi và Hải Yến, điều kỳ lạ là những cảm xúc ấy sẽ không xuất hiện nếu chúng tôi đi cùng Thanh Hải, có lẽ là do ảnh hưởng bởi tâm trạng của anh nên hai đứa tôi trở nên bình tĩnh hơn bởi vì lúc nghe những lời đó ở một nơi nào đó không có anh đứng cạnh, dù chúng tôi đã nghe chán đến mức chẳng còn muốn cãi tay đôi nữa nhưng nó vẫn khó chịu âm ỉ.

Tâm trạng tôi cứ lên xuống thất thường như những cơn mưa chợt đến chợt đi giữa mùa hè, cho đến tận khi Thanh Hải chuẩn bị nhập học, khi mà những bất mãn nhỏ nhặt bị thay thế bởi những cảm xúc quan trọng hơn, như là khi người gần gũi bên mình chuẩn bị đi xa một thời gian khá dài chẳng hạn.

Thanh Hải có đến hai chiếc vali to bự để xếp đồ đạc, một để đựng quần áo, một để chứa sách. Lúc nhìn anh chọn lựa những món đồ cần thiết nhất để mang đi, tôi và Hải Yến ngồi xổm dưới đất kê cằm lên gi.ường thở dài thườn thượt.

Anh bật cười hỏi - Sao nào?

Hải Yến phụng phịu - Mai anh đi nên thấy không vui.

- Ừ, em cũng không vui. – Tôi nói.

- Năm sau hai đứa cũng ra chỗ anh đi.


Thế là hai đứa tôi đang chống cằm ở cuối gi.ường lại càng thở dài hơn nữa.

- Hai đứa thở dài làm gì?


Tôi chán chường bày tỏ - Bọn em chẳng biết học gì cả.

- Không có ngành nào yêu thích à?

Lại chống cằm, quả quyết lắc đầu. Thanh Hải chỉ nhìn hai đứa cười.

Năm ấy, mùa hè đột nhiên mơ hồ dưới những cơn nắng mơ màng. Tôi mơ hồ, Hải Yến cũng mơ hồ, tất cả mọi thứ đều mơ hồ, mơ hồ như nỗi buồn và niềm vui đan xen.

 
ngoài kia bao la thế giới nhưng trong anh chỉ có em thôi
 
×
Quay lại
Top