Nôi đào tạo sau đại học về kinh tế hàng đầu Việt Nam

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Từ xuất phát điểm ban đầu chỉ có cấp đào tạo tiến sĩ, với nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất, trải qua 35 năm, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã phát triển trở thành trường kinh tế có quy mô đào tạo sau ĐH hàng đầu Việt Nam.

Đến nay, trường có gần 1.000 tiến sĩ và trên 7.300 thạc sĩ đã tốt nghiệp trên tổng số 1.600 nghiên cứu sinh (NCS) và trên 12.000 học viên cao học trúng tuyển qua các khóa đào tạo.

Nỗ lực nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu thực tế

Ngày 11/03/1977, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 97/TTg về việc giao nhiệm vụ đào tạo trên đại học cho Trường ĐH Kinh tế Kế hoạch (nay là Trường ĐH Kinh tế Quốc dân). Ngay từ những ngày đầu tiên được nhận nhiệm vụ đào tạo sau đại học, trường đã có những NCS bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ, các PTS được bảo vệ ở thời kỳ đầu do Phòng Khoa học nhà trường tổ chức thực hiện.

Để giữ vững vị thế của trường đại học đầu ngành, trọng điểm quốc gia về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân luôn coi chương trình đào tạo cho mỗi cấp học, đối tượng học là nội dung quan trọng nhất, quyết định chất lượng đào tạo của cấp học, đối tượng đó. Kể từ khi bắt đầu đào tạo sau đại học đến nay, nhà trường đã trải qua bốn giai đoạn cơ bản, với bốn lần thay đổi khung chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tế.

Cùng với quá trình phát triển, với mục tiêu nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội đối với các chương trình đào tạo sau đại học, lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã chỉ đạo Viện Đào tạo Sau đại học phối hợp cùng các khoa, bộ môn có chuyên ngành đào tạo sau đại học trong toàn trường thành lập Tổ nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo Thạc sĩ, tiến sĩ một cách khoa học và nghiêm túc để gấp rút hoàn thành việc đổi mới chương trình đào tạo sau đại học theo hướng nâng cao, chuyên sâu, cập nhật, hiện đại và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

Chương trình đã được áp dụng vào từ năm 2009, ở chương trình đào tạo cao học đã phân theo 5 nhóm ngành. Nhóm ngành 1 - Chương đào tạo thạc sĩ Kinh tế, Nhóm ngành 2 - Chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh, Nhóm ngành 3 - Chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Quản lý kinh tế, quản lý và phân tích thông tin kinh tế, Nhóm ngành 4 - Chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Tài chính ngân hàng: Chuyên ngành Kinh tế tài chính ngân hàng, Nhóm ngành 5 - Chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Kế toán: Chuyên ngành kế toán (Kế toán, kiểm toán và phân tích).

Với kết quả đào tạo sau đại học trong 35 năm qua, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã được đánh giá là một cơ sở đào tạo sau đại học có hệ thống đào tạo thống nhất từ cấp đại học, bồi dưỡng sau đại học, thạc sĩ và tiến sĩ với đội ngũ cơ hữu các cán bộ, giảng viên (34 giáo sư, 92 phó giáo sư, 78 tiến sĩ khoa học và tiến sĩ) tâm huyết với nghề nghiệp, có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy sau đại học và hướng dẫn khoa học cho các NCS và học viên cao học.

657693-dhkt-cda53.jpg

Tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố vị thế

Trong hoạt động đào tạo sau đại học, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã xây dựng tốt quan hệ hợp tác đào tạo với hầu hết các trường đại học, học viện trong cả nước, Viện Đào tạo Sau ĐH được giao nhiệm vụ như là cầu nối giữa nhà trường với các trường bạn trong hợp tác về đào tạo sau đại học, trong nghiên cứu phát triển công tác quản lý đào tạo sau đại học. Trường cũng đã xây dựng nhiều chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ trên đại học cho nhiều trường như ĐH Kinh tế Đà Nẵng, ĐH Nha Trang, ĐH Quy Nhơn... và cùng hợp tác xây dựng phát triển đội ngũ các nhà quản lý có trình trên đại học cho các tỉnh Đồng Nai, Thái Nguyên, Nghệ An, Sơn La, Hải Phòng, Lai Châu, Tuyên Quang…

Bên cạnh các chương trình đào tạo cao học trong nước, từ đầu thập kỷ 90 lại đây, nhà trường đã xây dựng chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học và viện khoa học có uy tín trên thế giới trong khuôn khổ các dự án như: Cao học Việt - Bỉ, Cao học Việt - Pháp, Cao học Việt Nam - Hà Lan, Cao học Việt - Mỹ. Từ năm 2004, nhà trường bắt đầu triển khai dự án đào tạo tiến sĩ phối hợp với Đại học Quốc gia Australia (ANU), do Viện Đào tạo Sau đại học trực tiếp tuyển sinh và tổ chức học tập các môn học cầu nối.

Trong những năm gần đây, nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác Việt- Lào về đào, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã phối hợp cùng ĐH Quốc gia Lào đào tạo sau đại học tại Lào bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Chương trình dự án Việt - Lào về đào tạo sau đại học đến nay được 6 năm, đã đào tạo và cấp bằng Thạc sỹ cho 156 học viên và hiện đang đào tạo Thạc sĩ khóa 3 gồm 60 học viên. Lớp nghiên cứu sinh khóa 1 với 23 NCS đang theo học tại Lào, phần lớn là các cán bộ chủ chốt của các Bộ, Ngành và các cơ quan Nhà nước Lào, dự kiến đến cuối năm 2013 số NCS này sẽ hoàn thành cơ bản luận án và bảo vệ các cấp.

Trong chiến lược phát triển, Trường ĐH Kinh tế quốc dân phát triển đào tạo sau đại học theo hướng tập trung nâng cao chất lượng thông qua đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo, tiếp cận với chuẩn mực quốc tế. Tập trung nguồn lực đào tạo theo hướng thạc sĩ, tiến sĩ chuyên sâu kết hợp với đẩy mạnh đào tạo thạc sĩ theo hướng thực hành nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, đưa đào tạo sau đại học thành hoạt động trọng tâm của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Chặng đường 35 năm qua đánh dấu và khẳng định một bước trưởng thành quan trọng trong đào tạo sau đại học của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Với việc mở rộng quy mô tuyển sinh, đổi mới chương trình giảng dạy, đổi mới quy trình đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, tăng cường hợp tác khoa học…, đào tạo sau đại học đã và đang giữ một vị trí quan trọng trong việc củng cố vị thế của trường, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho các doanh nghiệp, các tổ chức nhà nước và xã hội, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước trong giai đoạn tiếp tục đổi mới và hội nhập hiện nay.

Theo Dân Trí
 
×
Quay lại
Top