Nó Yên Lặng

dryfuture2711

Thành viên
Tham gia
22/12/2011
Bài viết
17
Mẹ mất sớm, chị em nó phải đối mặt với sự cay nghiệt của cuộc đời khi bố đưa một người về làm vợ kế. Để tồn tại được, nó chỉ còn biết cách im lặng. Vậy mà, những bất hạnh vẫn thích gõ cửa số phận của nó…

Từ nhỏ, nó đã không hề biết đến tiếng “mẹ”. Nghe nói, mẹ mất ngay khi vừa sinh nó. Cha lấy vợ kế. Hình như các bà mẹ kế đều như nhau, cay nghiệt với con chồng và rộng rãi với con riêng.
Bốn tuổi, nó đã phải ngủ dưới bếp với chị Hai. Cha nhu nhược, không dám can thiệp vào việc nhà. Cũng may, chị em nó không đến nỗi phải thất học.
Từ đó, hai chị em vừa phải đi học, vừa tự kiếm cái ăn cho mình. Nó còn quá nhỏ nên chị Hai phải làm đủ mọi cách để nuôi em: bán vé số, bánh mì… hoặc bất cứ thứ gì có thể mua bán được từ số tiền ba lẻn cho khi không có mặt dì.
Cũng từ đó, dù còn nhỏ, nó đã biết nhìn mọi biến cố trong cuộc đời bằng đôi mắt yên lặng.
Chiều hôm ấy, chị Hai may mắn được một ông khách thương tình không nhận vài đồng tiền thừa. Vui mừng, chị vội mua cho em bát cháo lòng rẻ tiền. Dì bắt gặp, hất văng chén cháo xuống đất.
Nó yên lặng.
Năm bảy tuổi, nó đã có thể phụ chị bán thêm vài thứ lặt vặt sau giờ học. Đang bán, một người khách đứng gần bỗng la hốt hoảng vì mất toàn bộ số tiền để trong ví. Nhìn xung quanh, chỉ có nó. Tuy trong người nó chẳng có chiếc ví hay số tiền giá trị nào, nhưng khách vẫn hất văng mâm bánh ít ỏi của nó xuống vũng nước gần đó, kèm theo cái tát nảy lửa.
Nó yên lặng.
Năm nó 15 tuổi, ba mất vì tai nạn xe. Dì đuổi hai chị em ra khỏi nhà sau đám ma hai ngày với lý do phải bán nhà lo cho thằng con trai của dì và ba.
Nó yên lặng.
Chưa tròn một năm sao, chị Hai mất vì lao phổi do phải dầm mưa kiếm tiền cho nó thi tốt nghiệp.
Những người xung quanh khu vực vì sợ ô nhiễm, xin cho chị nó một cái hòm từ thiện và một lễ hỏa táng thí ở Bình Hưng Hòa. Chiều hôm đó mưa lớn lắm. Chỉ có một mình nó và không gian hiu quạnh đến rợn người.
Nó yên lặng.
Vài năm sau, trường đại học xôn xao về một sinh viên vô gia cư, được ngôi chùa nọ cho tá túc, vừa tốt nghiệp thủ khoa.
Người ta trầm trồ, khen ngợi sinh viên nghèo có chí, nhưng chẳng ai muốn nhận một nhân viên không rõ nguồn gốc.
Vì thế, sáng, nó lang thang khắp các cơ quan để xin việc với tấm bằng loại giỏi vẩ về khi có một sinh viên khác được nhận vào làm.
Nó yên lặng.
Một buổi tối, đang bán bánh mì, bất chợt gặp bà cụ bị ngất trên đường. May là bánh cũng vừa hết, nó cất vội cái giỏ vào một góc khuất, chở bà cụ vào phòng cấp cứu.
Nó đang bối rối tại phòng nhận bệnh khi nhân viên bệnh viện bắt nó khai hồ sơ cho bà cụ. Bỗng nhiên, có hai người lao vào phòng, nhận bà cụ làm người thân.
Nó cứ nghĩ họ sẽ cảm ơn mình, nhưng hai người lạ la lên rằng nó đã đánh cắp sợi dây chuyền hơn 5 chỉ vàng bà cụ đang đeo.
Mặc dù chẳng có gì đáng giá, ngoài vài chục nghìn tiền bán bánh mì, nhưng giải thích chẳng ai tin. Và nó hiểu thêm về một điều nữa, ngoài sách vở thầy cô đã dạy.
Nó yên lặng.
Rồi cũng xin được việc làm tại một cơ sở sản xuất nghèo nàn. Dù nghèo, nhưng những người làm việc trong đó không hề nghèo lòng đố kỵ.
Chẳng ai ưa nó, vì nó giỏi hơn họ, siêng hơn họ và được chủ khen nhiều hơn họ.
Sau hai tháng làm việc, nó được người chủ “âu yếm” tiễn ra cửa vì bị nghi đã ăn cắp của ông ta hai lượng vàng.
Dĩ nhiên, ông ấy phải tin thôi vì mọi người đều khẳng định như thế, dù nó chưa hề biết miếng vàng có màu sắc như thế nào.
Nó yên lặng.
Kể từ hôm ấy, không ai trong khu phố chùa nghèo nàn còn gặp nó nữa. Nghe đâu, nó đã lên vùng biên giới khuân vác thuê hàng lậu.
Chẳng ai biết tin đó thực hư thế nào, nhưng khu vực nóng bỏng đó vừa mới có một thanh niên gia nhập đội quân khuân vác.
Người mới lúc nào mà chẳng có. Chỉ có điều lạ là người thanh niên đó hầu như chẳng nói chuyện, cười đùa, ăn nhậu… bao giờ.
Nó làm việc như một con trâu, ăn uống cực như một con chó và tiêu tiền như lão hà tiện. Giữa những kẻ chây bửa, nó là một cái gai trước mắt cho những mụ vợ đem ra làm gương cho các ông chồng. Thế là nó bị phá đám, tố cáo về những chuyến hàng vận chuyển.
Sau vài lần bị bắt, nó càng ranh ma, lém lỉnh hơn. Nó như một bóng ma thoắt ẩn thoắt hiện trong yên lặng.
Thời gian sau, nó tích góp được một số vốn nhỏ nên tách ra tự mua hàng, vận chuyển và bán. Với vốn kiến thức từ trường đại học, nó càng khôn ngoan hơn trong kinh doanh. Sau 10 năm, nó đã có số vốn tương đối đủ để rời bỏ “thị trường” đó.
Trở lại khu phố nghèo nàn năm xưa, nó đã là một người khác. Chẳng ai nhận ra nó, trông già dặn hơn ngày xưa nhiều.
Với số vốn kiếm được, nó đầu tư vào một quán bar mà nó tự nghiên cứu cách thiết kế và làm việc chung với những người thợ. Trong con người nó không có khái niệm chủ - tớ. Ai cũng phải làm việc và làm việc hết sức lực của mình.
Quán khai trương, tự nó làm hết những công việc trong quán. Nó dạy nhân viên cách kinh doanh, nụ cười, mồ hôi và sự yên lặng.
Với cách kinh doanh lạ lùng đó, quán mỗi ngày một đông khách. Đến với quán, mọi người có thể yên tâm vui chơi mà không sợ người khác biết mình là ai.
Khi xã hội còn những kẻ tiêu xài thoải mái đồng tiền không phải do mình làm ra, họ càng thích cách yên lặng của nó.
Tuy thế, nó vẫn yên lặng
Đêm nay, sân nhà nó bỗng ồn ào một cách lạ thường. Ngoài cửa, một người phụ nữ đang kêu khóc, vật vã. Dáng bà ta trông quen lắm, mà hình như mọi người và cả nó đã gặp ở đâu rồi.
À, đúng là nó có quen bà ta thật. Tuy thời gian đã khá dài, nhưng dáng vẻ ấy nó chưa thể nào quên được. Bà ta từng là mẹ kế của nó.
Qua câu chuyện kể không đầu, không đuôi của bà ta, nó biết được cách đây mấy năm, thằng em cùng cha khác mẹ không biết trời xui đất khiến thế nào lại vướng vào ma túy. Vì thế, mọi tài sản trong nhà dần dần đội nón ra đi.
Cái gì đến đã đến, dì nó phải vay nợ để tiêu xài.
Nó cũng thương cho hoàn cảnh của bà ta lắm, nhưng chẳng biết nói gì cả. Lâu lắm rồi, nó hầu như không nói gì cả. Nó đóng cửa lại, tắt đèn ngoài sân. Yên lặng.
Ngoài trời, mưa vẫn còn lớn lắm. Ánh chớp chợt lóe lên, hiện rõ ảnh một thiếu nữ trên chiếc bàn thờ trang trọng ngoài sân. Không rõ cô ấy đang cười hay khóc.
Đêm nay, mưa như một ngày cách đây hơn 20 năm. Có một người thiếu nữ đã ra đi khi chưa một ngày được nếm hương vị hạnh phúc.
Không biết người đàn bà đang vật vã ngoài kia có bao giờ biết khóc cho những thân phận như thế chưa?
Nó vào phòng riêng, gọi điện thoại cho một ai đó. Không rõ người ấy như thế nào, chỉ thấy cuộc nói chuyện thật ngắn gọn.
“Sao, đô của nó dạo này thế nào rồi?”, nó hỏi.
“Anh yên tâm, “đô” của thằng đó hiện nay, ngay cả tài sản của anh cũng không đáp ứng được cho nó quá một năm. Nặng lắm rồi ạ”.
“Tốt, công việc của chú xem như kết thúc”.
Ngày hôm sau, người mẹ kế được mời đến nhà để xem có thể giúp gì được không. Bà vui lắm, tràn trề hy vọng về một ngày mai khác hẳn. Nó cũng vui vẻ trao cho bà số tiền vài chục triệu.
“Đây là số tiền mà dì đã yêu cầu. Tuy nhiên, vì kẹt tiền mặt nên con chỉ có thể giao cho dì tiền có mệnh giá nhỏ”, nó bình thản nói.
Điều này tuy hơi phiền khi di chuyển, nhưng dù sao nó vẫn là tiền. Bà hớn hở bỏ tiền vào một cái túi nó đưa, bước vội ra cổng.
Nhưng… “Bà chưa đi được đâu”, một giọng đàn ông vang lên: “Bà đã bị bắt vì tội tống tiền thân chủ tôi. Tôi luật sư, xin thông báo cho bà rõ, hiện nay con trai bà vừa bị bắt vì tang trữ và sử dụng chất ma túy. Rất tiếc, bà không thể gặp mặt con vì cậu ta đang hôn mê do sử dụng ma túy quá liều. Những người đại diện pháp luật đang chờ bà ngoài sân”.
Lúc này, đến lượt người đàn bà yên lặng. Mặt bà xám dần.
Nửa giờ sau, căn phòng trở nên yên ắng như chua có chuyện gì xảy ra. Nó quay lại phía người luật sư, nói khẽ: “Mọi chuyện thế là tạm ổn. Tôi phải đi nghỉ. Tối nay có một đoàn khách đặt tiệc tại quán của tôi”.
“À quên”, người luật sư vội nói: “Căn nhà của cha ông để lại, tôi đã làm xong thủ tục chuyển quyền sử dụng cho ông rồi”. “Làm việc tốt đấy”, nó nói trước khi khuất sau cửa phòng ngủ.
PHẠM HOÀNG MINH

:KSV@17:
 
×
Quay lại
Top