Nỗ lực khắc phục cơ bản những yếu kém trong giáo dục

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Ngày 23/1, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tại 6 điểm cầu của cả nước về triển khai Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 và thực hiện Kết luận số 51 - KL/TW. Nhiều mục tiêu giáo dục được các đại biểu tham dự mổ xẻ một cách kỹ lưỡng.

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bùi Văn Ga, cùng lãnh đạo các Vụ, Cục các trường ĐH các Sở GD-ĐT. Bên cạnh đó, còn có lãnh đạo và đại biểu của các Ủy ban thuộc Quốc hội, VP Chính phủ các Bộ ngành Trung ương và địa phương.

Báo cáo tại Hội nghị Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 2 khóa XIII và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển GD 2001- 2010, GD Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp GD và đổi mới đất nước, song cũng còn không ít yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

anh_25012013-4fbb9.jpg

Quang cảnh Hội nghị ở đầu cầu Hà Nội. (Ảnh V.H)

Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, để giải quyết các vấn đề này thì trong chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 đã đưa nhưng điểm mới trong quan điểm. Cụ thể, thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, nâng cao chất lượng GD vùng khó để đạt được mặt bằng chung, đồng thời tạo điều kiện để các địa phương và các cơ sở GD có điều kiện bứt phá nhanh, đi trước một bước, đạt trình độ ngang bằng với các nước có nền giáo dục phát triển; Xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội bình đẳng để ai cũng được học, học suốt đời.

Ưu tiên nâng cao chất lượng GD trong mối quan hệ với tăng quy mô, đáp ứng nhu cầu xã hội, thỏa mãn nhu cầu học tập và phát triển của mỗi người học; Nhận thức đầy đủ và đúng đắn hơn về GD toàn diện, đó là đào tạo những lớp người Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đồng thời những người có năng khiếu đều phát triển được tài năng.

Trước hội nghị này, ngày 22/1, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ thị số 02/CT-TTg về việc triển khai thực hiện Kết luận số 51- KL/TW ngày 29/10/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Táo bạo với chương trình hành động

Để thực hiện thành công Kết luận số 51-KL/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Chỉ thị số 02/CT-TTg Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Kết luận 51 Bộ GD-ĐT đang mạnh dạn đưa dự thảo chương trình hành động để bàn luận tại Hội nghị.

Dự thảo chương trình hành động của Bộ GD-ĐT đưa ra xác định các nhiệm vụ chủ yếu triển khai Kết luận 51 và Chỉ thị 02 02/CT-TTg tập trung thực hiện trong năm 2013, định hướng năm 2014 và 2015 nhằm hạn chế những yếu kém, bất cập kéo dài trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo.

Đối với giáo dục phổ thông tập trung khắc phục cơ bản tiêu cực trong dạy thêm, thi cử, lạm thu và sử dụng các nguồn thu không đúng mục đích. Cụ thể, chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản quy định về dạy thêm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng trong việc tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hiện tượng vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.
Tăng cường quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học, thực hiện quy định dạy thêm học thêm, nghiêm cấm cắt xén chương trình để đưa vào dạy thêm hoặc ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.


Tại hội nghị này Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng kêu gọi Hiệu trưởng các trường tôn trọng thương hiệu uy tín trường, coi trọng chất lượng thật, không coi trọng bằng cấp.
Bộ trưởng cũng cho hay, Bộ GD-ĐT đang cân nhắc có nên đặt vấn đề miễn thi thế này, miễn thi cái khác với bằng giỏi không, vì bằng giỏi hiện nay phụ thuộc nhiều vào quan niệm, cách thức tiếp cận của các trường.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm, dành thời lượng để củng cố, hệ thống hóa kiến thức đã học cho học sinh, nâng cao chất lượng giảng dạy trên lớp, phụ đạo học sinh có học lực yếu kém. Tập trung đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, cải tiến các công tác thi theo hướng đánh giá khách quan, thực chất năng lực của học sinh, không yêu cầu học sinh “học vẹt”, ghi nhớ máy móc.


Tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để học sinh được tăng thời lượng tự học có hướng dẫn ở trường; thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Từ năm 2013 đến 2015 và những năm sau, tập trung nghiên cứu, đề xuất việc thực hiện đổi mới chương trình, cải tiến chế độ kiểm tra, thi, đánh giá trong giáo dục phổ thông theo hướng phát triển năng lực người học.

Sửa đổi, bổ sung Quy chế thi, nhằm tăng cường sự giám sát, phát hiện của xã hội đối với các khâu tổ chức thi; thẩm định kết quả thi của cơ quan quản lý giáo dục. Rút kinh nghiệm thực tế tổ chức các kỳ thi năm 2012 để chỉ đạo tổ chức các kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đảm bảo yêu cầu làm trong sạch, lành mạnh hóa thi cử đi liền với đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thi, trong đó có thi nói (môn ngoại ngữ), thi thực hành (các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học).

Khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng những cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, những cá nhân có nhiều thành tích đóng góp cho việc chống tiêu cực trong các kỳ thi.
Ban hành Thông tư quy định về học phí chất lượng giáo dục cao trong các trường mầm non, phổ thông công lập để các cơ sở giáo dục có thể thực hiện từ năm học 2013-2014; Thông tư quy định về học phí các chương trình giáo dục chất lượng cao trong giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; tổ chức các hội thảo, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội. Phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước về các khoản thu, chi trong trường học…

Chỉ thực thi khi xóa bỏ rào cản

Với chương trình hành động mà Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều đại biểu tham dự Hội nghị đều cho rằng: Muốn thực hiện được thì trước hết phải tháo gỡ các rào cản để tạo hành lang pháp lý.
Ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ: “Mặc dù chất lượng giáo mũi nhọn của Hà Nội cao so với cả nước, tuy nhiên, việc dạy và học trong nhà trường hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế tri thức. Mạng lưới trường học còn nhiều bất cập, khu vực nội thành HS/lớp đông, số lớp trường cao hơn nhiều so với qui định do tăng dân số cơ học, nhiều nơi còn thiếu CSVC”

Dưới góc độ khác ông Lê Văn Quý - Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên phân tích thêm: “Thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục cần tích cực phân cấp quản lí giáo dục. Mục tiêu phân cấp quản lí là tốt nhưng triển khai còn khó khăn, nhất là cấp cơ sở, cụ thể là cấp huyện. Quyết định 115 về phân cấp cũng thực hiện khó khăn ở địa phương, còn nhiều bất cập. Những khó khăn trên dẫn đến việc luân chuyển giáo giáo viên (GV) về vùng khó khăn còn hạn chế vì không có kinh phí, do vậy không thuộc thẩm quyền của sở. Hơn nữa, tại những vùng khó khăn, GV muốn về vùng sâu, vùng xa để dạy học cũng khó vì CSVC thiếu thốn, muốn về phải có nơi ăn, ở..”

Cũng theo ông Quý, Điện Biên năm nay có 100 tỷ cho xây dựng phát triển, nên thiếu thốn, do đó chỉ phụ thuộc vào chương trình, Đề án kiên cố hóa của Bộ. Nhưng cái chung của các tỉnh vùng cao đó là hiện nay CSVC chỉ có 50% số phòng học mới được kiên cố hóa, còn hầu hết đều học 2 ca, rất khó khăn. Nếu cách đầu tư như hiện nay thì mục tiêu không thể đạt được. Vì vậy, phải khảo sát lại, xác định nhu cầu cà phân kỳ đầu tư lưu ý thêm số phòng học do tăng quy mô; nâng cấp các phòng học đã lạc hậu.

Đi thẳng vào chương trình hành động của Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Xuân Trường- Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng nhấn mạnh: “Giải pháp căn bản của giáo dục hiện nay là nâng cao chất lượng giáo dục, hướng tới người học là tâm điểm. Tuy nhiên, đối với các trường sư phạm cần đi trước một bước để tránh tình SV ra trường phải đào tạo lại”.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng cũng cho rằng, đổi mới thi cử là cái gốc của vấn đề. Nếu cải cách thi tốt, hiệu quả thì chắc chắn xu hướng đổi mới nội dung, phương pháp sẽ hiêu quả. Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo là khâu then chốt. Song chính sách đối với đội ngũ đối với CB quản lý các phòng GD, Sở còn hạn chế. Bị hạn chế về thu nhập khi GV giỏi được điều động làm quản lý.
Đồng tình với những khó khăn này, đại điện Sở GD-ĐT Nam Định cho biết thêm: “Hiện nay ciệc điều động GV về phòng, Sở là rất khó khăn. Công việc lớn, song chế độ chính sách bất cập. Việc điều động không phải quyền của ngành giáo dục. Chúng ta chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục nhưng con người là do người khác điều động. Vì vậy phải đổi mới cơ chế quản lý giáo dục. Việc điều động, tự chủ phải là của ngành giáo dục”

Chia sẻ với các đại biểu tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho hay: Hiện tại phụ cấp công chức nhỏ hơn phụ cấp thâm niên giáo viên. Vì vậy nên Chính phủ cho bảo lưu phụ cấp thâm niên trong vòng 3 năm. Chính phủ đang xây dựng chế độ tiền lương mới, hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề này.
Liên quan đến vấn đề luân chuyển GV về cho vùng khó khăn, người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định phụ cấp thu hút được hưởng trong 3 năm đầu, sau đó bị cắt, gây rất nhiều bất cập. Hiện có mâu thuẫn là những GV làm việc lâu năm ở vùng núi lại có thu nhập thấp hơn so với những người mới ra trường.

Hiện Bộ đã có tờ trình Chính phủ về việc này. Hy vọng trong tương lai sẽ xử lý được bất cập” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, hiện có đề xuất là chuyển mục tiêu từ kiên cố hóa sang hiện đại hóa. Tuy nhiên do cân đối nguồn lực hiện nay nên chưa cho phép. Việc cân đối nguồn lực chỉ cho phép phấn đấu là kiên cố hóa, song theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa, chứ chưa có điều kiện là hiện đại hóa. Tuy nhiên, ở các địa phương có điều kiện có thể cân nhắc để đi trước. Đã có tờ trình Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai với quan điểm ưu tiên đầu tư cho mầm non 5 tuổi để thực hiện phổ cập; ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khó khăn.

“Vấn đề tuyển dụng GV, bổ nhiệm, luân chuyển CBQL. Hiện ngành GD-ĐT, đặc biệt ở địa phương không được chủ động. Cơ quan tuyển dụng và đơn vị sử dụng cách biệt nhau, có những trục trặc. Vấn đề điều động, luân chuyển ngành giáo dục cũng không có tiếng nói. Vấn đề thi tuyển, nâng bậc, nâng cấp ngành giáo dục cũng không có tiếng nói. Tóm lại toàn bộ nhân sự với khối phổ thông, mầm non hiện có nhiều bất cập. Đây là vấn đề cần phải thay đổi căn bản” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kiến nghị với Chính phủ.

Phản hồi các thắc mắc của ngành giáo dục Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho hay: Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ xây dựng quy định mới về tuyển dụng. Do đó, Bộ GD-ĐT theo dõi để triển khai. Riêng về quyền điều động thì Bộ GD-ĐT tổng hợp sau đó báo cáo lại Chính phủ để xem xét.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phân tích thêm, kết luận trước đã nêu rõ những yếu kém của GD là chưa tạo ra lợi thế cạnh tranh. Ngoài vấn đề cơ chế, địa lý thì vấn đề con người có yếu tố quan trọng. Đó là nguồn nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Chúng ta chưa hài lòng với chất lượng nhân lực. Song chúng ta có nhiều lợi thế. Nguyên nhân do tư duy giáo dục chậm đổi mới: Do chưa nhận thức được rằng quy hoạch nhân lực phải đi kèm với quy hoạch kinh tế không chỉ tiền đâu, đất đâu mà cần con người; giáo dục còn nặng về hành chính, chưa tạo được sự chủ động, đòi hỏi từ bên trong của ngành giáo dục, đó chính là sức ỳ lớn.

Chốt lại vấn đề, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Nhà trường muốn tồn tại thì phải vươn lên. Quản lý Nhà nước về giáo dục chính là làm cho xã hội hiểu đúng bản chất của các nhà trường. Yêu cầu các trường thực hiện ba công khai chính là làm việc này. Các trường phải thường xuyên đổi mới, đánh giá cập nhật. Giáo viên trong trường tham gia đánh giá hiệu trưởng, sinh viên tham gia đánh giá giáo viên. Chính sách đối với cán bộ trong trường không bình quân. Làm sao thu nhập với giáo viên phù hợp với đóng góp chứ không phải thâm niên hay vị trí làm việc. Trả lương theo hiệu quả công việc. Trước hết phải coi trọng đào tạo sư phạm vì đây là tiền đề của đổi mới chương trình giáo dục.

Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ có 9 chương trình hành động của ngành GD-ĐT triển khai chiến lược giai đoạn 2011 - 2020 và Kết luận số 51- KL/TW:
1. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ vào tháng 7/2013.
2. Thực hiện phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
3. Khắc phục cơ bản trong dạy thêm, thi cử, lạm thu và sử dụng các nguồn thu không đúng mục đích; tiêu cực trong đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo liên kết với nước ngoài.
4. Hoàn thiện qui hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ. Chỉ đạo chặt chẽ việc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đối với các trường ĐH, CĐ mới, đảm bảo yêu cầu về chất lượng theo qui định của pháp luật. Đánh giá và có giải pháp phù hợp để triển khai bảo đảm hiệu quả, khách quan việc xây dựng các trường ĐH trọng điểm, trường ĐH đạt trình độ khu vực và quốc tế.
5. Triển khai Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập GD tiểu học và THCS; tăng cường phân luồng HS sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn.
6. Tăng cường dạy và học ngoại ngữ, tin học trong hệ thống GD quốc dân.
7. Đổi mới chương trình và SGK GD phổ thông sau năm 2015.
8. Giải quyết tình trạng trường học xuống cấp và tạm bợ ở vùng sâu, vùng xa.
9. Tiếp tục hoàn thiện, cải tiến chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD. Thực hiện luân chuyển GV để giải quyết chính sách đối với GV ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


Theo Dân Trí
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top