Những ngành đang hút nhân lực

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Trên thị trường lao động, hiện có những ngành nghề rất thiếu nhân lực do mới phát triển; có ngành lại thiếu triền miên do ít người theo học...

Lập trình di động: đỏ mắt tìm người

Ông Lê Sơn - Giám đốc một công ty game ở Q.Tân Bình (TP.HCM) cho biết, công ty của ông luôn cần nhân viên lập trình di động trên hệ điều hành Android, IOS và Windows Phone nhưng rất khó tìm. Do khó tìm người nên mức lương đang bị đẩy lên rất cao. Sinh viên (SV) mới ra trường, nếu làm được việc, đã nhận mức lương từ 400-500 USD/tháng. Nếu có ba năm kinh nghiệm, lương trên dưới 1.000 USD/tháng. Nhiều công ty sẵn sàng trả mức lương 20-30 triệu đồng/tháng cho người làm được việc. “Công ty tôi quy mô nhỏ mà còn khó khăn trong việc tuyển người, ở những công ty lớn, việc tìm người lại càng khó hơn. Tìm không ra người, các công ty đã “lôi kéo” người của công ty khác, hoặc đặt hàng những SV giỏi từ các trường CĐ, ĐH” - ông Sơn cho biết thêm.
anh-mn.jpg

HS Trường THPT Võ Thị Sáu (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) tại buổi hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh năm 2014. Ảnh: Minh Nhật
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề iSpace - cho biết: “Hiện các đơn vị đào tạo tại TP.HCM phổ biến đào tạo lập trình di động trên hệ điều hành Android, IOS và Windows Phone. Nhân lực nghề này ngày một tăng, nhưng chưa thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng cả về số lượng và chất lượng”. Lý do, theo ông Hoàng Anh, đây là ngành học mới tại Việt Nam, trong khi nhu cầu nhân lực mới chỉ gia tăng theo sự phổ biến của các loại điện thoại thông minh. Trường CĐ Nghề iSpace đang đào tạo ngành lập trình ứng dụng di động hệ CĐ, học 2,5 năm, đồng thời liên kết với một số doanh nghiệp để đảm bảo việc làm cho SV sau khi ra trường.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM: ngành công nghệ thông tin sẽ chiếm khoảng 6% tổng nhu cầu nhân lực của thành phố trong giai đoạn 2012-2015 với khoảng 18.000-20.000 chỗ làm mỗi năm, riêng nhân lực giỏi chuyên ngành lập trình di động cần khoảng 1.000-1.500 người/năm, nhưng tỷ lệ SV đào tạo ra đáp ứng được yêu cầu công việc tại các doanh nghiệp còn rất thấp, chỉ khoảng 10%.

Kỹ sư cơ khí: thiếu triền miên

Việt Nam đang hướng đến một quốc gia công nghiệp hiện đại trong tương lai, nên nhóm ngành cơ khí - điện - điện tử ngày càng giữ vai trò quan trọng trong sản xuất và đời sống. Vì thế, SV tốt nghiệp nhóm ngành này rất dễ tìm được việc làm với mức lương ổn định.

Ông Phạm Thái Sơn - Phó phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết: từ năm 2013, trường đã ký kết hợp tác với các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Viettel, Vietcombank, Agribank trong việc hỗ trợ thực tập, kiến tập và tìm việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, trường còn nhận được thông tin tuyển dụng thường xuyên từ các đơn vị như Khu Công nghệ cao TP.HCM, SabMiller, Sabeco, Phú Cường... “Trong nhiều lĩnh vực doanh nghiệp cần nhân sự thì ngành cơ khí là cần nhiều nhất. Hiện nguồn “cung” không đủ “cầu”. Có năm, các doanh nghiệp yêu cầu khoảng 200 SV nhưng mỗi năm trường chỉ đào tạo được khoảng 100 SV tốt nghiệp. Do thiếu hụt nên từ năm thứ tư các em đã được các doanh nghiệp “đặt hàng”, ra trường là có việc ngay”, ông Sơn nói.

Tương tự, Trường CĐ Nghề TP.HCM mỗi năm cũng chỉ cho “ra lò” khoảng 100 kỹ sư CĐ. “Số lượng này không đủ cung cấp cho các doanh nghiệp của Nhật. Vì thế, chúng tôi đang hợp tác với phía Nhật để đào tạo nhân lực riêng cho các doanh nghiệp của Nhật với cam kết: tất cả SV ra trường đều có việc làm”- Tiến sĩ Nguyễn Trần Nghĩa - Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM, cho biết. Ông Nghĩa khẳng định: “Nhân lực ngành cơ khí hiện thiếu trầm trọng, số lượng tuyển luôn tăng, cung không đủ cầu”.

Kỹ sư cơ khí tốt nghiệp từ các trường ĐH Bách khoa, ĐH Nông lâm và ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM lại càng đắt hàng. Ông Lương Đình Thành - Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM - nói: “Cơ khí luôn là ngành xương sống trong quá trình phát triển. Bất kể ngành nghề nào, hễ có thiết bị công nghiệp là cần đến kỹ sư cơ khí. Kỹ sư cơ khí - điện tử hoặc điều khiển tự động hóa đang rất có giá. Lương khởi điểm vào khoảng bảy - tám triệu đồng. Nếu làm việc trong các ngành khai thác dầu khí, khí điện đạm… thì lương còn cao hơn nhiều”.

Đáng tiếc là việc tuyển sinh vào các ngành kỹ thuật công nghệ, đặc biệt ngành cơ khí, từ nhiều năm qua vẫn gặp khó khăn vì “Nhiều bạn trẻ cho rằng nghề cơ khí nặng nhọc, và... bẩn nên không thích học. Thực tế không phải vậy. Nghề cơ khí bây giờ rất hiện đại, chủ yếu điều khiển bằng máy móc” - Ông Phạm Thái Sơn nói.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhóm ngành cơ khí - điện - điện tử là một trong 10 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng nhân lực đều đặn qua các năm và trong tương lai. Tuy nhiên, nguồn cung lao động của ngành này lại luôn thấp nhất (chiếm khoảng 1,5% thị trường lao động) và chỉ đáp ứng chưa tới 55% nên rất cần nhân lực.
Theo PN
 
×
Quay lại
Top