Những lẽ nghịch đời: Đến lúc phụ huynh cũng nên được… định hướng lại

Pagodasto

Thành viên cấp 2
Thành viên thân thiết
Tham gia
11/6/2013
Bài viết
12.016
img.php


Lẽ nghịch đời…

Có những chuyện thực tế đang xảy ra, mà chúng ta cảm thấy thật lạ lùng và… ngớ ngẩn. Sự mâu thuẫn kinh điển giữa lý thuyết và thực tế cũng không khủng khiếp cho bằng sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động. Đáng tiếc hơn, những mâu thuẫn, nghịch lý đó vẫn xảy ra hàng ngày, ở khắp mọi nơi và trong mọi lĩnh vực. Riết rồi chúng ta không thể biết mình đang sống trong một xã hội như thế nào, khi mọi thứ cứ rối tung lên, nhập nhằng và bất định. Từ lịch sử, chính trị, kinh tế cho đến những việc rất nhỏ hàng ngày. Có quá nhiều những điều nghịch lý đang tồn tại, chẳng hạn như là:

Định hướng cho phụ huynh ư?

Vâng, tất nhiên không phải định hướng nghề nghiệp cho các bậc phụ huynh để họ chọn nghề cho họ, mà là giúp họ có đủ thông tin và kiến thức để hướng dẫn và hỗ trợ con cái mình làm theo điều đúng đắn. Cho họ những lý do để họ tiếp sức cho con cái mình trên con đường mà chúng đã chọn, hơn là con đường mà chính họ chọn cho con cái. Các bạn cũng biết tiếng nói của các bậc phụ huynh Việt Nam nặng thế nào rồi đấy. Một khi cha mẹ đã quyết, mấy ai dám cãi lời?

Nhưng nhiều sự lựa chọn của phụ huynh ngày nay không còn phù hợp nữa. Nhưng các bậc làm con, chẳng thể nào mà cãi lại, hay không đủ sức mà phản đối những con đường vẽ sẵn. Thế rồi chúng ta không phản kháng, chúng ta làm theo, như con rối, rồi sau đó có thể dùng cả cuộc đời để sống trong tiếc nuối và dằn vặt. Thế thì, ngoài học sinh – sinh viên cần định hướng nghề nghiệp, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần định hướng cho cả các bậc phụ huynh nữa chăng?

Xin được phép bắt đầu bằng cái số liệu “giật gân” khiến bao người thở dài khi được nhắc đến gần đây:

Theo số liệu thống kê năm 2012 của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Úc) thì cả nước hiện có hơn 9. 000 Giáo Sư, 24.000 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ và 2.700.000 cử nhân đại học. Còn theo GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng thì (2010), mỗi năm cả nước chỉ cần từ 13.000 – 15.000 cử nhân. Nhưng ngay tại thời điểm đó, mỗi năm các trường ĐH và CĐ cả nước đã cho ra trường trên 200.000 người – gấp hơn 10 lần so với nhu cầu, và con số đó hiện nay là 400.000 người.

Đánh giá về con số 72.000 thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp trên cả nước mà Bộ LĐTBXH công bố, nhiều người am hiểu tình hình cho rằng, thực tế con số này còn cao hơn nhiều, đó là chưa kể số cử nhân, thạc sĩ làm trái ngành nghề, làm những công việc không cần bằng cấp, trình độ. Có nghĩa là người thất nghiệp ngày càng nhiều, càng đông đảo và chắc dư sức lập ra một Đảng riêng. Và cũng đồng nghĩa với việc, bằng cấp mà họ theo đuổi và giành giật chẳng còn giá trị gì ngoài việc trưng trong tủ kiếng. Đó là một sự thật khủng khiếp và đau lòng, xã hội biết điều đó, nhà trường không biết điều đó, sinh viên biết nhưng phần lớn đều né tránh điều này, còn phụ huynh, một đối tượng quan trọng, họ có biết không?

Hình như là không, bởi vì họ đang quá bận rộn, bận rộn cơm áo gạo tiền, bận rộn đổ mồ hôi sôi nước mắt chắt bóp từng đồng cho con em mình được đi học. Và rồi tự hào hãnh diện khi chúng đậu trường này trường kia. Rồi sau đó thì sao? Các bậc phụ huynh nghèo khổ sẽ lại quay về vòng xoáy gạo tiền cơm áo quần quật. Để làm gì? Để bao nuôi những đứa con sinh viên vàng bạc của mình. Nếu họ biết khi con cái mình ra trường sẽ có nguy cơ lớn là thất nghiệp, họ có còn muốn cố gắng? Hay họ nghĩ rằng con cái họ sẽ khác, sẽ giỏi giang, sẽ thành công, không như phần lớn những cử nhân ngoài kia? Nếu như họ biết nền kinh tế suy giảm người kiếm việc gấp ngàn lần công việc sẵn có, liệu họ có sẵn sàng cho con cái mình lựa chọn một con đường khác?

Theo cá nhân tôi, việc các bạn trẻ có muốn đi học, muốn làm sinh viên hay muốn trải nghiệm cuộc sống, tự lập và lập nghiệp không hẳn thuộc về quyền quyết định của họ, mà phần lớn là của ba mẹ, những người đã quá trông đợi vào nền kinh tế và kỳ vọng vào con em mình quá nhiều. Các bậc phụ huynh vô tình đặt lên vai các em một áp lực quá lớn, khiến các em không còn tâm sức và thì giờ để nghĩ cho chính mình, cho những gì mình mong muốn và yêu mến.

Thiết nghĩ, chừng nào các bậc phụ huynh còn tự hào vì mình nghèo khổ nhưng vẫn quyết tâm cho con cái đi học, học, học bằng mọi giá. Thì chừng đó các em sinh viên vẫn còn quay cuồng với bằng cấp và với nỗi thất vọng về nghề nghiệp, về cuộc sống và tương lai dài dài. Vậy nên, thay vì làm công tác tư tưởng chuyện học vấn với các bạn học sinh, sinh viên thì chúng ta cần làm công tác tư tưởng cho chính các bậc phụ huynh nữa. Có ai quan tâm và từng nghĩ đến điều này không?

Tôi từng trải qua kỳ thi tuyển sinh đại học và cũng từng được chứng kiến cuộc thi đó mỗi năm trên báo đài. Vẫn một hình ảnh đó hiện ra, những bậc phụ huynh khắc khổ, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, khuôn mặt lo lắng bồn chồn, đứng, ngồi, nằm la liệt trước các cổng trường để đợi con em mình thi thố. Các bạn thí sinh nhìn thấy ba mẹ mình như vậy có vui nổi không? Có còn tâm trạng mà làm bài thi cho tốt không? Có lẽ các bậc phụ huynh đang nghĩ rằng họ làm vậy là yêu thương con cái, là quan tâm con cái, là đang cho con sự động viên cần thiết trước một bước ngoặt lớn của cuộc đời? Tôi thì không nghĩ vậy. Nhìn những cảnh tượng đó tôi thật sự đau lòng, thậm chí nhiều lần cố gắng lướt qua mà không dô xem cho hết các bài viết đó, sợ một cảm xúc không phải là nghẹn ngào, mà đúng hơn là buồn và cả tức giận đối với các bậc phụ huynh.

Họ khổ cực như vậy để làm gì? Con họ sẽ thi tốt hơn sao? Sẽ chứng minh là mình yêu con nhiều hơn sao? Tuổi trẻ ngày nay đi học dường như đa phần không phải vì họ thật sự thích học hay muốn học, mà chỉ là đang cố gắng học để giúp ba mẹ mình hoàn thành giấc mộng học vấn giang dở từ lâu của họ. Rồi việc học, đi học có phải là được dạy mọi thứ đâu, có phải đi học là được hướng dẫn, được quan tâm đâu. Người ta chả quan tâm học sinh sinh viên cần có những kiến thức gì, người ta chỉ dạy cho chúng ta những thứ mà họ muốn chúng ta biết, muốn chúng ta tin, muốn chúng ta tuân lệnh. Từ đó nảy sinh biết bao con người bất mãn, uất ức và thất vọng.

Một ngành giáo dục mà người ta không dạy những thứ cần thiết và đối tượng tiếp thu cũng không mặn mà những kiến thức được biết. Thì nền giáo dục đó là vô dụng cũng không có gì lạ. Cử nhân tốt nghiệp đó rồi cũng là những người vô dụng, vô dụng vì không thể dùng được kiến thức đã học, vì không thể tự hành động theo chính kiến của mình, vô dụng vì cả một con người chỉ cần một mảnh giấy nhỏ đại diện cho toàn bộ khả năng của họ.

Buồn thay cái quan niệm, không có tấm bằng chẳng có tương lai. Một nền giáo dục đào tạo ra những người vô dụng thì nó có vô dụng không? Tất nhiên tôi hoàn toàn không phản đối việc học, giáo dục là cần thiết, nhưng dạy cái gì, nội dung gì mới là quan trọng. Kiến thức là quan trọng nhưng thực hành còn quan trọng gấp bội phần nữa mà sao chúng ta chẳng chịu nhận ra mà thay đổi? Buồn làm sao, chúng ta đang được ở trong một nền giáo dục mà ngoài lý thuyết ra, còn có lý thuyết, và… lý thuyết nữa. Chỉ toàn là lý thuyết.

Mỗi năm lại có hàng ngàn người thất nghiệp gia nhập đội quân. Tôi băn khoăn không biết lực lượng cử nhân thất nghiệp hùng hậu đó hiện nay đang làm gì? Xin trích một đoạn tâm sự từ góc nhìn của Tony Buổi Sáng:

“Đáng nói hơn là lượng thạc sĩ thất nghiệp ngày càng lớn. Cử nhân ra trường có thể chấp nhận đi làm việc chân tay, nhưng thạc sĩ có mấy ai chấp nhận điều này? Ngoài ra, nhiều cử nhân ra trường, do loay hoay không xin được việc nên đành tiếp tục học luôn cao học cho… được việc, sau đó tính tiếp. Lượng thạc sĩ ngày càng dư thừa, là điều chẳng có gì khó hiểu.

Sao không đi xa xa chút mà mần, về quê tổ chức sản xuất kinh doanh. Sợ gì mà không đi? Hay làm biếng? Chả có gì nhàn hạ mà kiếm nhiều tiền cả. Như dượng nè, cũng có học hòm học vị chứ không phải không có, nhưng vẫn bỏ đi trồng nấm trồng hoa, vì thấy thị trường lớn. Nếu giờ dượng đi bán rau ngoài chợ vẫn làm, chả sợ ai. Gương mặt thanh tú và đôi tay búp măng ấy sẽ gói rau thoăn thoát, nụ cười sáng bừng cả góc chợ. Ai khinh kệ mẹ nó. Việc mình mình làm, hơi đâu để ý. Mình có ăn cắp tiền hay ăn bám của ai đâu. Đứa nào nó khinh. Vẽ vời chi mấy cái viển vông dự án, cổ phiếu cổ đông gì đó rồi người ta lao vô thì úp sọt hết. Nền kinh tế gì cứ ở chung cư, biệt thự nghỉ dưỡng và mua qua bán lại cổ phiếu vậy?

Phải sản xuất và sản xuất, chưa đủ trình làm ra smartphone như Hàn Quốc thì phải đủ gà vịt để ăn. Chứ 70% dân số nghề nông mà gà cũng nhập, bò cũng nhập, heo cũng nhập, tăm xỉa răng cũng nhập? Lê Quý Đôn nói: “Phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phí trí bất hưng, phi nông bất ổn.” Tức nếu muốn giàu có, phải làm công nghiệp. Nếu muốn ổn định, phải đầu tư nông nghiệp. Muốn hưng thịnh đất nước, phải đầu tư giáo dục. Và muốn xã hội nó nhộn nhịp, người dân lanh lợi..thì phải có giao thương.”

Câu nói kia sao mà đúng và đau lòng quá: Dân số 70% nghề nông mà gà cũng nhập, bò cũng nhập, heo cũng nhập, cây ăn trái nhập, gạo nhập, đường nhập, gia vị nhập, lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm, cái gì cũng nhập. Thậm chí đến rác cũng nhập được nữa, Thì thử hỏi có đau lòng không? Có tổn thương lòng tự trọng không? Người ta nhập là nhập những thứ ngon thứ đẹp, mình nhập là nhập quần áo sida, nhập hàng thải, nhập hàng thừa, nhập hàng phế liệu, trái cây độc, chân gà thối, lòng lợn ôi, nội tạng phân hủy… Chán ngán làm sao!

Lại đôi khi, không phải là do các bạn trẻ không muốn lăn xả vào nông nghiệp, vào sản xuất, mà lại là vì một lực cản khác, ngoại lực, nhưng tương đối mạnh, đó là sự ngăn cản đến từ các… bậc phụ huynh.

Có bao nhiêu bậc phụ huynh sẵn sàng ủng hộ con cái mình khi chúng có những quyết định “không giống số đông”? Hình như là không nhiều lắm, phần lớn những ý tưởng hay khuynh hướng tự lập đều gặp phải sự phản đối dữ dội của các bậc cha mẹ. Đương nhiên bậc phụ huynh nào cũng muốn điều tốt nhất cho con em mình, nhưng điều tốt nhất mà họ nghĩ, không hẳn phù hợp với thời đại này và với mong muốn của chúng ta. Kiếm một công việc ổn định, lương cao thời buổi này không phải là việc dễ dàng và gần như không tồn tại nữa.

Thế nào là ổn định? Ổn định là được công ty lo cho từ chuyện ăn ở tới chuyến du lịch hàng năm tới khi về hưu ư? Không, nhìn vào thực tế hiện nay thì thấy, ổn định không thể nào là việc chán ngán đi làm mỗi ngày, ổn định không thể nào là việc sợ hãi mỗi khi công ty cắt giảm nhân sự, nỗi lo nơm nớp về việc mình có thể bị tống ra khỏi công ty bất cứ lúc nào. Kiếm việc đã khó, đi làm rồi cũng chẳng dễ dàng gì, công việc ổn định thì lương không đủ ăn, công việc lương cao thì đi kèm nó là trách nhiệm và áp lực cực khủng khiếp. Đi đêm về sáng, ăn suy nghĩ ngủ cũng suy nghĩ, chẳng còn thời gian đâu mà dành cho gia đình và bản thân.

Rõ ràng đó không phải loại công việc ổn định chúng ta mong muốn. Nhưng các bậc phụ huynh không hiểu. Họ thường chỉ thấy được một mặt của vấn đề mà thôi. Và chừng nào còn nhiều bậc phụ huynh tự hào “con tôi làm cơ quan này, con tôi làm ngân hàng nọ” thì chừng đó, tuổi trẻ đừng mơ việc sống theo đam mê và sở thích một cách dễ dàng.

Có lẽ, hơn cả việc lo cho tương lai con em, phụ huynh còn sợ “mất mặt” nữa. Mất mặt với người quen, họ hàng, hàng xóm… vì con mình không giỏi như con người ta. Con mình học ngu thì xấu hổ, con mình không có việc tốt thì xấu hổ, con mình mà đòi nghỉ học về làm nông dân bố mẹ nào không tức điên. Bởi con hàng xóm đang làm này làm nọ làm kia cơ mà. Con mình không thua con người ta được. Hay là mình không thua thằng hàng xóm được?

Ai cũng có lý do riêng khi định hướng nghề nghiệp cho con cái, nhưng chừng nào xã hội này, các bạn trẻ còn phải học cho cha mẹ, đi làm công việc theo ý ba mẹ, thì chừng đó xã hội còn khó mà phát triển. Nhưng các bậc phụ huynh lại chưa có được nhận thức đúng đắn về tình hình xã hội và khuynh hướng kinh tế hiện hành. Thì làm sao họ biết điều gì là nên và không nên làm với con em mình. Sao họ biết là nên hướng nó theo guồng quay học hành – kiếm việc – về hưu, hay giúp nó trải nghiệm – sống vì đam mê – làm điều mình mong muốn. Sao họ biết được cái quy trình nào thì tốt cho con cái và xã hội, quy trình nào cản trở sự hoàn thiện bản thân và phát triển xã hội. Không, họ không thể biết được, nếu như truyền thông chỉ chăm chăm khuyến khích chuyện học hơn chuyện làm, khuyến khích bắt chước hơn trải nghiệm, tránh né những vấn đề nhức nhối của nền kinh tế hoặc chỉ nói qua loa đại khái.

Phụ huynh chúng ta không có điều kiện để nghiên cứu nhu cầu thực tế của xã hội và thực tế cũng chả có hoạt động nào giúp họ hiểu biết hơn, nên việc định hướng nghề nghiệp cho phụ huynh thường do chính con cái họ đảm nhiệm. Khó khăn làm sao, nan giải làm sao! Đó luôn là cửa ải khó khăn nhất khi các bạn muốn thực hiện đam mê của mình. Vậy nên, thiết nghĩ, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên “định hướng nghề nghiệp” cho các bậc phụ huynh, song song với định hướng cho các bạn học sinh-sinh viên nữa. Nếu như các bậc phụ huynh luôn sẵn lòng ủng hộ con cái mình đi theo đam mê thì hẳn chỉ số hạnh phúc của Việt Nam sẽ tăng đáng kể. Và đất nước sẽ tốt đẹp hơn biết bao nhiêu? Biết đâu đấy?



Phi Tuyết
Nguồn
 
×
Quay lại
Top