Những 'con lừa' của nạn câu like Facebook

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Với sự bùng nổ của các fanpage trên Facebook, không ít quản lý của các trang mạng đã tìm mọi hình thức để câu “like” nhằm gia tăng số lượng thành viên tham gia bằng việc đăng tải những thông tin giật gân, thiếu chính xác. Đông đảo teen vì chủ quan trong việc xác minh thông tin đã trở thành những “chú lừa” lọt tròng bẫy câu “like”, từ đó chia sẻ ồ ạt những tin tức chưa được kiểm chứng, khiến những tin đồn thất thiệt bị tràn lan một cách vô tội vạ.

Để đối phó với những trò lừa đảo trên Facebook, bạn chỉ cần sự tỉnh táo quan sát và các kỹ năng tra cứu cơ bản là có thể tự mình kiểm chứng nguồn tin.

Biết cách tra cứu thông tin

Trong vô vàn các thông tin giật gân được đăng tải lên Facebook mỗi ngày, tỉ lệ các tin tức không có nguồn rõ ràng, chưa được xác minh cụ thể chiếm một phần không nhỏ. Tuy nhiên, vì quá sốt sắng trước mức độ sốt dẻo của tin đồn, nhiều teen liền nhanh tay nhấp chuột “like” và tích cực chia sẻ với bạn bè, mà không biết rằng chỉ cần tra cứu chính tin tức ấy trên công cụ tìm kiếm, teen sẽ vỡ lẽ được tính thực hư của vấn đề.


lua-cau-like-1-676554-1372487282_500x0.jpg
Thông tin về cô gái bị ăn cắp thận từng gây hoang mang thực chất là một chiêu câu like.Ảnh chụp màn hình.

Câu chuyện về cô gái ở Trung Quốc bị ăn cắp hai quả thận sau một cuộc vui ở quán bar là một ví dụ điển hình. Nhiều fanpage đã nhanh chóng đăng lại mẩu tin này với lời cảnh báo về sự tràn lan của tệ nạn ăn cắp nội tạng con người, khiến hàng chục nghìn dân mạng hoảng hốt nhấn nút chia sẻ. Thế nhưng, một số teen đã “search” thông tin gốc của câu chuyện này bằng tiếng Anh, và phát hiện ra đây chỉ là một trò lừa đảo, khi một trang web chuyên phân tích các tin đồn ở Úc xác nhận là tin "vịt" từ năm 1997 và sau đó được phát tán với nhiều phiên bản khác nhau, mà mẩu chuyện trên chỉ là một trong số đó.

Phân tích tính logic của tin tức

Kèm theo tính giật gân, câu khách, các tin đồn được các fanpage sử dụng làm mồi câu “like” thường kèm theo độ phi logic rất cao, mà chỉ cần tập trung suy xét, teen có thể dễ dàng phát hiện ra sự bất hợp lý của thông tin.

Chẳng hạn như trường hợp của tin đồn phát hiện đỉa trong hộp sữa của một hãng tại Việt Nam vào cuối tháng 2/2013. Một cư dân mạng đăng lên đoạn clip được cho là quay tại đồn công an, ghi lại cảnh một ly sữa có đỉa lúc nhúc bò, cho biết đây là loại sữa cháu mình vẫn thường uống và cam đoan 100% về tính xác thực. Đoạn video thu hút hơn 5.000 lượt “like” và chia sẻ, trở thành một tin giật gân gây hoang mang không ít teen.


lua-cau-like-2-1-861199-1372487282_500x0.jpg
Thông tin thất thiệt về hộp sữa có đỉa cũng từng gây rúng động. Ảnh chụp màn hình.

Sau khi sự việc tạm lắng xuống, một số cư dân mạng bắt đầu lên tiếng về tính thực hư của câu chuyện. Thứ nhất, tác giả khẳng định ly sữa trong đoạn clip là do mình tự tay đổ ra từ hộp sữa giấy của một hãng ở Việt Nam, song người này lại không quay được cảnh mình lấy sữa từ sản phẩm đó. Ngoài ra, tin đồn này còn sai về mặt khoa học, khi nhiều hiệp hội sức khỏe khẳng định đỉa không thể sống trong môi trường sữa tiệt trùng lên đến hàng trăm độ C. Sau đó, thông tin này được đồn đoán rằng chỉ là một trò dàn dựng nhằm hạ bệ lẫn nhau của một số hãng thực phẩm ở Việt Nam và gây nên sự hoang mang, xáo trộn tâm lý dư luận.

Tỉnh táo trước quà tặng khủng 'cho không, biếu không'

Một trong những hình thức câu “like” lộ liễu, trắng trợn nhưng dễ khiến teen sập bẫy nhất chính là các chương trình mời gọi like/share tin tức để được tặng quà ở các fanpage. Đặc điểm lớn nhất của dạng lừa đảo này là việc thường lợi dụng những sự kiện đang nóng sốt trong dư luận, từ đó tổ chức tặng những món quà có giá trị khủng khiến không ít người dễ dàng bị “mờ mắt” và làm theo như một cái máy.


lua-cau-like-3-273512-1372487283_500x0.jpg
Trò lừa tặng 4.000 smartphone khiến hàng chục nghìn teen sập bẫy. Ảnh chụp màn hình.

Sự vụ “tặng quà câu like” đình đám gần đây có thể kể là chương trình tặng 4.000 chiếc smartphone sắp ra mắt của một trang fanpage giả mạo giữa tháng 3/2013. Với thể lệ đơn giản như cho không, nhiều teen đã vô tư cho đi thông tin cá nhân đồng thời nhấp chuột chia sẻ thông tin từ fanpage này, giúp lượng người like của trang tăng lên hàng chục nghìn chỉ trong vòng một ngày.

Trò lừa chỉ được lật tẩy khi fanpage chính thức của hãng điện thoại trên nhanh chóng xác nhận thông tin trên là không chính xác. Nhiều teen bực tức nhưng để ý kỹ hơn thì đã không bị mắc lừa. Bởi không thể có chuyện một hãng điện thoại cho không hàng nghìn chiếc smartphone một cách quá đơn giản như thế, thông thường họ sẽ yêu cầu bạn làm nhiều thứ hơn và chỉ chọn ra những người may mắn nhất.

Nói không với ảnh s.ex, phản cảm

Để dễ dàng thu hút sự tham gia từ cư dân mạng, không ít các trang fanpage đã sử dụng các chiêu trò câu “like” bằng cách đăng các mẩu tin tức có nội dung đồi trụy; hoặc các ảnh về những trường hợp đau lòng, lợi dụng lòng thương của cư dân mạng để kêu gọi hành động “share” thông điệp.


lua-cau-like-4-295956-1372487283_500x0.jpg
Một mẩu tin câu "like" thường được các trang fanpage sử dụng. Ảnh chụp màn hình.

Mặc dù đã là một chiêu câu “like” cũ nhàm và đã được cảnh báo khá lâu, song nhiều teen vẫn hồn nhiên click chuột để chia sẻ thông tin, khiến những mẩu tin kém lành mạnh bị phát tán nhanh hơn. Nhiều quản lý fanpage còn sử dụng các ứng dụng câu “like”, dưới hình thức là nội dung cảnh báo thông tin thuộc bản quyền của một trang khác, buộc teen muốn xem phải nhập chuột để trở thành thành viên của trang. Và ngay lập tức, mẩu tin có nội dung đồi trụy teen vừa “like” lại hiện lên trang chủ, tiếp tục kêu gọi trí tò mò của các cư dân mạng khác.

Giữ bình tĩnh trước các tin 'nóng'

Lợi dụng sự bức xúc có phần “manh động” của một bộ phận cư dân mạng, nhiều fanpage liên tiếp đăng tải các thông tin nhạy cảm, "kích" cơn giận dữ của các teen để thu hút lượt “share”. Điển hình như bức ảnh một chiến sĩ công an tươi cười chụp bên một xác chết trôi trên sông vừa nhận phải “mưa đá” từ đông đảo dân mạng với những lời lên án lương tâm của nhân vật chính trong bức hình.


lua-cau-like-5-729256-1372487283_500x0.jpg
Bức ảnh chiến sĩ công an chụp bên xác chết gây xôn xao dư luận. Ảnh: Internet

Sự thật chỉ được phơi bày khi một vị đạo diễn lên tiếng xác nhận đây chỉ là bức hình chụp trên phim trường, và "chiến sĩ công an" đó là một diễn viên đang chụp cùng một người đóng vai xác chết. Thế nhưng, bức ảnh đó đã được lan truyền khiến một bộ phận cư dân mạng vội vàng buông lời chỉ trích mà chưa xác minh nguồn tin. Việc này trở thành bài học cho không ít teen bởi teen có thể nhanh chóng cập nhật những dòng tin tức nóng bỏng, song cũng dễ dàng trở thành những “chú lừa” bị dắt mũi một cách đau đớn trước bẫy thông tin đầy rẫy.

Hãy là một teen thông minh với trái tim nóng và cái đầu lạnh. Xúc cảm trước các thông tin nhưng luôn giữ sự tỉnh táo để phân tích tình hình, bạn làm được đúng không teen?

Theo Ione
 
thế cái clip 20p kia cũng không có thật à @@ chán ghê
 
×
Quay lại
Top