Những chuyện khóc cười về 'xe chính chủ'

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Nhậu say, đập phá, ăn vạ để đòi mẹ cho đứng tên ô tô, xe máy là những câu chuyện không hiếm sau khi Nghị định 71/CP về việc xử phạt đối với xe chuyển nhượng nhưng chưa sang tên đổi chủ ban hành.

Viện cớ bỏ học vì xe đứng tên mẹ

Chị Nguyễn Thị Huệ, tạm trú tại quận 7, TP.HCM đang khổ sở vì vấn đề sang tên xe, xe không chính chủ.Gia đình chị Huệ ngụ tại Tiền Giang, rất nghèo, sống bằng nghề nông.

Để cậu con trai độc nhất được đi học, chị Huệ phải dứt áo lên thành phố, làm osin suốt 20 năm trời. Nhờ mẹ chịu thương, chịu khó, nhịn ăn, nhịn mặc nên Hiếu, con trai chị cũng học lên tới đại học.
658966-20121114154539xe-chinh-chu-1.jpg
Người dân cũng cần hiểu rõ, nghị định này chỉ áp dụng với các đối tượng đi xe mua đi bán lại chứ không tính với trường hợp mượn xe.

Để phục vụ việc học tập của con, dù nghèo chị Huệ cũng ráng mua cho máy tính xách tay, xe máy. Cậu con trai mà chị Huệ thương yêu nhất, kể từ khi lên thành phố học đâm ra đua đòi, suốt ngày yêu sách, đòi hỏi.

Chỉ vì mẹ không đáp ứng nổi, Hiếu đã giận lẫy, đem bán chiếc máy tính xách tay lấy tiền ăn xài.

“Hôm qua, nó tới tìm tôi, đòi sang tên xe máy. Chiếc xe đó mua hết hơn 30 triệu đồng. Nó bảo nếu xe con chạy mà đứng tên mẹ, công an phạt tiền bạc triệu, mẹ chịu không. Tôi làm ôsin, có biết luật lệ gì đâu. Nghe con nói sao mình biết vậy. Ngặt nỗi nếu sang tên xe cho nó, nó bán mất. Còn không, nhỡ công an phạt, tiền đâu ra. Tôi chưa nhất trí vụ sang tên, nó hờn, bỏ học (với lý do ra đường công an phạt)”, chị Huệ mếu máo.

Tương tự trường hợp của chị Huệ, chị Thương, 50 tuổi, ngụ tại quận 3 TP.HCM đang điêu đứng vì con.Gia đình chị Thương khá giả, phải nỗi con cái lại phá gia chi tử.

Chị Thương kể: “Nó đòi mua toàn xe máy xịn, chiếc nào cũng gần trăm triệu. Hở ra là nó đem bán. Mình không mua lại, sợ con thiếu phương tiện đi lại. Vì thế tôi quyết định không cho nó đứng tên xe nữa. Nhờ vậy chiếc xe này bền được cả năm. Hai vợ chồng đang mừng, ngờ đâu đêm qua nó say xỉn, về nhà đập phá, nhất quyết đòi mẹ sang tên xe. Nó bảo luật mới ra, đi xe không chính chủ công an phạt.”

Dù chị Thương đã giải thích cho con công an chỉ phạt những xe nào đã bán mà chưa làm thủ tục chuyển nhượng sang tên. Còn con cái đi xe của cha mẹ không sao.

Dù vậy cậu con gân cổ cãi chầy, cãi cối: “Lúc công an tuýt còi con lại, chẳng nhẽ con phải đưa họ về nhà, gọi mẹ về để chứng minh đây là xe của mẹ con à? Mẹ nghĩ công an họ có nhiều thời gian rảnh để làm vậy không? Hay đi đâu con cũng phải mang sẵn quyển sổ hộ khẩu để chứng minh quan hệ trong nhà mình?”.

Biết con mình viện cớ nhưng cũng có lý khiến chị Thương nhức hết cả đầu, bởi giờ mà sang tên xe là “ông giời con” đem bán ngay.

Anh em trở mặt vì…cái xe

Chuyện viện cớ "chính chủ" để đòi cha mẹ chia tài sản muôn hình vạn trạng.

Chẳng là bà Uyên có 2 cậu con trai đã lập gia đình. Muốn con cái quây quần nên con bà không ra ở riêng mà cùng chung sống với bà trong căn biệt thự tại khu Thảo Điền, quận 2.

Nhà có một chiếc xe hơi trị giá vài tỷ bạc nhưng do bà Uyên đứng tên. Nay, say khi phong phanh vụ xe không chính chủ bị phạt, con trai cả của bà Uyên đòi mẹ sang tên xe.

Cậu con lý luận: “Mẹ ở nhà, còn con hàng ngày chạy xe đi làm. Nhỡ có công an thổi còi, thì riêng chuyện chứng minh xe mượn hay xe mua lại cũng lằng nhằng, phiền phức. Thôi mẹ sang tên con luôn cho tiện.”

Phải nỗi thấy ông anh nói vậy, cậu em út sợ mất phần: “Chiếc xe 3 tỷ bạc mẹ lại sang tên cho anh. Thế em có công chuyện, lấy xe đi, công an thổi còi, lúc đó phải tìm anh để chứng minh quan hệ à”.

Chỉ vì chuyện cái xe mà gia đình bà Uyên rối như tơ vò, anh em trở mặt.

Bà Uyên tâm sự: “Chỉ sợ bây giờ chia cái xe, chúng nó sẽ còn đòi chia nhà, chia nhiều tài sản. Đại gia đình đang sống đầm ấm, vui vẻ, phút chốc tan đàn sẻ nghé hết. Ông nhà tôi mất rồi, còn mình tôi sống với con cháu. Nay chúng nó đòi chia cái này, cái kia, rồi tôi ở với ai?”.

Theo Nghị định 71/CP: “Áp dụng mức phạt 6-10 triệu đồng với ôtô và 1 triệu đồng với xe máy không sang tên đổi chủ” bắt đầu có hiệu lực từ 10/11 đã gây ra rất nhiều tranh cãi và hiểu lầm.

Một số đối tượng đã lợi dụng điều này, cố tình hiểu sai và viện cớ để được chia chác, sang tên tài sản là xe máy, ô tô, gây ra nhiều cảnh bất hòa đau lòng trong gia đình.

Cơ quan chức năng cho rằng việc xe chính chủ là cần thiết bởi thực tế một chiếc xe qua nhiều đời chủ nhưng không sang tên, khi xảy ra tai nạn, phạm pháp gây khó khăn cho việc điều tra hình sự.

Tuy nhiên, người dân cũng cần hiểu rõ, nghị định này chỉ áp dụng với các đối tượng đi xe mua đi bán lại chứ không tính với trường hợp mượn xe.

Để khuyến khích cho việc người dân sau khi mua xe lại, làm thủ tục sang tên, phí sang tên sẽ hạ xuống chỉ còn 1%.

Theo VTC
 
×
Quay lại
Top