Nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Liên hệ với

xuân triết k23

Thành viên
Tham gia
10/8/2017
Bài viết
24
Nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Liên hệ với việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của huyện Định Hóa – Thái Nguyên?

1. Văn hóa có vai trò như thế nào đối với đời sống xã hội?

Như chúng ta đã biết, văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra bằng lao động và hoạt động thực tiễn trong quá trình lịch sử của mình, biểu hiện trình độ phát triển xã hội trong từng thời kỳ lịch sử nhất định.

Văn hóa là mục tiêu của sự phát triển bởi lẽ, văn hóa do con người sáng tạo ra, chi phối toàn bộ hoạt động của con người, là hoạt động sản xuất nhằm cung cấp năng lượng tinh thần cho con người, làm cho con người ngày càng hoàn thiện.

Văn hóa có vai trò to lớn đối với sự phát triển của xã hội, đó là:

Trước hết, tư tưởng, đạo đức và lối sống của con người Việt Nam đã có những biến chuyển tích cực. Các giá trị văn hoá truyền thống của Dân tộc được đề cao, kế thừa và phát triển; đồng thời nhiều giá trị văn hoá và chuẩn mực đạo đức mới từng bước được hình thành phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Tính năng động, tính tích cực của mỗi người dân, doanh nghiệp được phát huy; sở trường và năng lực sáng tạo cá nhân được khuyến khích. Không khí dân chủ trong xã hội ngày càng được mở rộng và phát triển. Đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây” được đề cao; các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa", “hướng về cội nguồn”, tưởng nhớ các Anh hùng dân tộc… là những hoạt động văn hoá tốt đẹp, thấm đượm tinh thần nhân văn ngày càng phát triển sâu rộng.

Thứ hai, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát triển và ảnh hưởng tích cực đến đời sống văn hóa cả nước. Môi trường văn hóa, các thiết chế văn hóa cơ sở, các phong trào quần chúng hoạt động văn hóa nghệ thuật đạt nhiều tiến bộ. Gia đình văn hóa với tinh thần "ông-bà, cha-mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền" được chú trọng đã phát huy những yếu tố tích cực, góp phần duy trì và bảo vệ gia phong truyền thống - tế bào lành mạnh của xã hội.

Thứ ba, đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật đã có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các hoạt động sáng tác và phổ biến văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng tốt hướng vào các đề tài lịch sử, cách mạng và phản ánh sự sôi động, đa chiều, những tấm gương sáng của công cuộc đổi mới. Đề tài cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm nhiều hơn. Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số có bước tiến đáng kể thể hiện sự đa dạng phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đã đạt được những kết quả tích cực.

Thứ tư, hệ thống các thiết chế văn hoá cơ sở được quan tâm, đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo ngày càng được quan tâm nhiều hơn cả về vật chất và tinh thần, góp phần cân bằng sự hưởng thụ văn hoá giữa đô thị và vùng sâu, vùng xa. Huy động đầu tư ngày càng nhiều từ các nguồn lực xã hội, phát triển nhiều công trình văn hóa trọng điểm cấp quốc gia đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hoá của các tầng lớp nhân dân và giao lưu, hội nhập quốc tế.

Thứ năm, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý Nhà nước đối với hoạt động văn hóa ngày càng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hoá, tạo thuận lợi đưa sự nghiệp văn hóa phát triển ngày càng sâu rộng, toàn diện, hiệu quả.

2. Nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc:

Tiếp thu có bổ sung, chọn lọc về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 (Khóa VIII) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9 (Khóa XI), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã không ngừng được củng cố, phát triển. Gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước. Chúng ta cần phải chú trọng thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, thường xuyên nâng cao nhận thức cho mọi lực lượng về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển những giá trị xã hội chủ nghĩa.

Các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ và thực hiện có kết quả mục tiêu: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hai là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa.

Sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với mọi hoạt động văn hóa là vấn đề có tính nguyên tắc, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Do đó, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa cần thực hiện theo hướng vừa bảo đảm đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân, đồng thời phát huy vai trò, tiềm năng, sức mạnh của toàn xã hội vào việc đầu tư, lưu giữ, củng cố các giá trị văn hóa.

Ba là, Nhà nước cần có cơ chế để giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội.

Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, Đảng, Nhà nước cần quan tâm để giải quyết hài hòa quan hệ giữa phát triển kinh tế với xây dựng, phát triển văn hóa.

Bốn là, khi tiến hành xây dựng văn hóa phải bắt đầu từ xây dựng con người với tư cách là chủ thể của văn hóa.

Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển (…) tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc.

Đối với mỗi hộ gia đình cần phải quan tâm xây dựng cho được gia phong nghiêm chỉnh, làm cho gia đình không phải chỉ là tổ ấm tình cảm ruột thịt, mà còn là nơi hun đúc nhân cách, nhân phẩm của mỗi thành viên xã hội trong suốt cuộc đời.

Năm là, chủ động giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế.

Bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là hai mặt của một quá trình, luôn kết hợp chặt chẽ với nhau. Bất cứ một sự lệch lạc nào cũng đưa đến những tổn hại cho việc xây dựng nền văn hóa mới. Trong xây dựng, phát triển văn hóa phải lấy bản sắc văn hóa dân tộc làm nền tảng. Nền tảng có vững vàng thì mới tiếp thu được những tinh hoa văn hóa nhân loại; chắt lọc được những gì thực sự là tinh hoa và mới loại bỏ được những gì là phế thải của bất cứ loại phản văn hóa nào từ bên ngoài.

3. Liên hệ với việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa ở Định Hóa:

Huyện Định Hóa là huyện miền núi phía Đông Bắc của tỉnh Thái Nguyên có diện tích tự nhiên là 520 km2, gồm có 23 xã và 1 thị trấn, dân số tự nhiên là khoảng 90.000 người, bao gồm 8 dân tộc anh em. Trong đó dân tộc Tày 49.072 người, dân tộc Kinh 26.009 người; dân tộc Sán Chay 8.466 người; dân tộc Nùng 3.325 người; dân tộc Hoa 868 người; dân tộc H’mông 101 người; dân tộc Sán Dìu 86 người; dân tộc khác 258 người. Các dân tộc trong huyện có những nét khá tương đồng trong sinh hoạt văn hóa.

Trên địa bàn huyện Định Hóa có khá nhiều các cơ sở văn hóa được nhà nước công nhận, điều đó thể hiện người dân không những có đời sống sinh hoạt văn hóa đa dạng, phong phú mà còn khẳng định người dân nơi đây còn biết bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa nơi mình đang sinh sống. Đó là:

Nhà trưng bày ATK Định Hoá trực thuộc Bảo tàng Thái Nguyên, đưa vào hoạt động năm 1997, nằm ở chân đồi Tỉn Keo, thuộc xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình; Nhà tù Chợ Chu, Thị trấn Chợ Chu; Nơi thành lập Việt Nam giải phóng quân, xã Định Biên; Một số địa điểm của Khu An toàn (ATK) nơi ở và làm việc của Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954); nơi ở và làm việc của đồng chí Trường Chinh. Địa điểm: Xã Tỉn Keo, Khuôn Tát, xã Phú Đình, xóm Phụng Hiển, xã Điềm Mặc…

Ngoài ra, huyện còn có các lễ hội sinh hoạt văn hóa như Hội Chùa Hang. Thời gian tổ chức:15 tháng giêng. Địa điểm:Thị trấn Chợ Chu; Hội Cầu mùa. Thời gian tổ chức:15 tháng giêng. Địa điểm: Xã Bảo Linh; Hội Lồng Tồng tổ chức 10 tháng giêng Âm lịch tại Phú Đình…

Điều đó cho thấy nhân dân các dân tộc huyện Định Hóa có đạo đức lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh; tôn trọng giá trị văn hóa truyền thống. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được người dân ủng hộ.

Văn học nghệ thuật có nhiều bước phát triển, hiện nay huyện có Hội văn học nghệ thuật với nhiều nghệ nhân (nghệ nhân ưu tú Lưu Xuân Lai, nghệ nhân Nông Đình Long…), hội đã xây dựng và duy trì các nét đẹp của văn hóa địa phương (Hát Then, hát si, hát lượn, múa rối nước, hát chèo…). Không những dừng lại ở cấp huyện mà Hội đã thành lập các câu lạc bộ tại các xã thị trấn trong toàn huyện. Đẩy mạnh công nghệ thông tin, truyền thông. Huyện đã cử các cán bộ văn hóa đi học tập bồi dưỡng đề nâng cao chuyên môn nghiệp vụ nhằm mục đích phục vụ nhân dân tốt hơn.

Một niềm vui lớn đối với tỉnh Thái Nguyên nói chung và huyện Định Hóa nói riêng là từ năm 2012, Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.

Khu di tích này bao gồm 16 điểm di tích gắn liền với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam, nơi đây không chỉ có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn. Đồng chí Đồng Khắc Thọ, Trưởng Ban quản lý khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của Khu di tích, trong những năm qua, Ban quản lý khu di tích đã tập trung mọi nguồn lực bảo tồn, phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa gắn với phát triển du lịch; tích cực triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án, chương trình thu hút mọi nguồn lực tôn tạo di tích. Ban Quản lý khu di tích đã tổ chức sưu tầm được 442 tài liệu, hiện vật, trên 500 ảnh tư liệu, trên 4.200 sách hồi ký, lịch sử...trong đó, có một số hiện vật quý như: Áo dạ, thanh kiếm lãnh tụ Hồ Chí Minh tặng cụ Ma Tiến Đàm khi cụ Đàm chữa bệnh cho Người ở Tân Trào (7-1945); phù điêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (1946) của nhà điêu khắc Nguyễn Cao Đàm...

Mặc dù vậy, trên địa bàn huyện Định Hóa vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Một số quần chúng nhân dân xuống cấp về đạo đức lối sống, sống thực dụng, sống ảo, coi vật chất hơn tình cảm gia đình, vô cảm... Tệ nạn mê tín dị đoan vẫn còn diễn ra trong địa bàn huyện (người chết làm ma trong 7 ngày, xuất hiện nhiều thầy bói, nhiều gia đình mời thầy về cúng dâng sao giải hạn, đốt vàng mã...). Công tác quản lý văn hóa của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, chậm đổi mới ..v..v...

Để khắc phục được thực trạng này, chính quyền địa phương phải ra sức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, học tập, sống và làm việc theo quy định, pháp luật của Nhà nước, chủ trương và chính sách của Đảng về vấn đề văn hóa, đó là:

- Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, ổn định, an toàn. Mỗi gia đình là là tế bào của xã hội – Xây dựng gia đình văn hóa.

- Xây dựng và phát triển văn hóa văn nghệ.

- Bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa.

- Đề cao sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

- Phát trển và quản lý tốt các phương tiện truyền thông.

- Coi trọng và bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống.

- Giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa.

* Phòng GD&ĐT Định Hóa là nơi giáo dục – đào tạo con người về phẩm chất, đạo dức, lối sống, khoa học – công nghệ, lưu giữ và phổ biến các giá trị văn hóa. Chính vì thế PGD & ĐT luôn quan tâm xây dựng và phát triển nền VH đậm đà bản sắc dân tộc:

Luôn tuyên truyền giáo dục cán bộ giáo viên, học sinh và nhân dân về tinh thần yêu nước, đoàn kết, sống vì tập thể, có lối sống lành mạnh, văn minh. Thường xuyên học tập để nâng cao trình độ, chuyên môn.

Phát triển văn hóa nghệ thuật – phòng Giáo dục chỉ đạo các nhà trường nâng cao thị hiếu thẩm mĩ và thưởng thức nghệ thuật cũng như sáng tác văn học, viết bài ca ngơi con người – quê hương Định Hóa anh hùng. Trong ngành có những cây bút có nhiều cống hiến cho nghệ thuật (sáng tác thơ, văn cho báo Thái Nguyên, báo Giáo dục đào tạo, báo Tri thức trẻ, …) đó là thầy giáo Nguyễn Kiên Cường, thầy giáo Nguyễn Doãn Long…

Với việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa PGD & ĐT đã mở các lớp học hát Then, hát si, lượn,… cho các thầy cô giáo và yêu cầu về trường truyền lại cho học sinh, những người quan tâm tới các thể loại phi vật thể này. PGD đã tuyên truyền, giới thiệu tới các cán bộ giáo viên – học sinh về các di tích lịch sử (Qua các cuộc thi Dư địa trí, Em yêu Tổ quốc Việt Nam…), khuyến khích các nhà trường cho các em đi Thái Nuyên tại các điểm di tích, các làng văn hóa…

- Nâng cao xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Tích cực thực hành tiết kiệm, phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng lãng phí. Rà soát đánh giá đội ngũ cán bộ công chức hành chính để cơ cấu, tổ chức, bố trí lại theo từng vị trí, rõ chức trách. Cải cách nội dung và phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo yêu cầu nâng cao trình độ quản lý mới.

Khuyến khích cán bộ giáo viên học lớp tiếng Tày để có vốn kiến thức cơ bản giao tiếp với các đồng bào dân tộc - lưu giữ bản sắc dân tộc.

PGD kết nối để học sinh Định Hóa được giao lưu với học sinh trong toàn tỉnh, tỉnh khác và quốc tế để nâng cao vốn hiểu biết của các em về văn hóa bản địa.

* Bản thân:

Là cán bộ PGD & ĐT Định Hóa tôi thấm nhuần các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước.

- Bản thân tôi luôn chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, luôn chủ động sáng tạo, tìm tòi, đổi mới cách thức làm việc để đáp ứng công việc, nhiệm vụ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của cơ quan, đơn vị từ đó hoàn tốt các nhiệm vụ và công việc được giao. Bản thân luôn tích cực tuyên truyền về cải cách hành chính tới người dân hiểu và thực hiện.

- Luôn tuyên truyền giáo dục cán bộ giáo viên, học sinh và nhân dân về tinh thần yêu nước, đoàn kết, sống vì tập thể, có lối sống lành mạnh, văn minh. Thường xuyên học tập để nâng cao trình độ, chuyên môn.
 
nhớ ngày xưa học triết học kém quá ko biết gì cả thế mà đi thi lai được 8đ cao gần nhất trường :D
 
Đây là câu hỏi bất hủ, hầu như năm nào cũng có bài luận viết về đề bài này và các bài hầu hết giống nhau về nội dung, nhưng ôi sao năm nào cũng thế mà điểm vẫn kém :((
 
×
Quay lại
Top