Nhật Bản: Nét khác biệt trong giáo dục

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Nhật Bản ngày nay không những là một cường quốc về kinh tế, khoa học và công nghệ, mà còn là đất nước thu hút sự quan tâm đặc biệt về giáo dục của các nước khác. Giáo dục ở Nhật Bản có những nét rất đáng chú ý.


Chế độ giáo dục bắt buộc ở Nhật Bản từ tiểu học tới trung học đệ nhất cấp, do đó mọi trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 15 đều phải đến trường.
Tỷ lệ tốt nghiệp trung học đệ nhị cấp ở Nhật là 90%. Sau đó 53,4% tỷ số này tiếp tục vào học ở các trường chuyên môn, cao đẳng hay đại học. Nhật là một trong những nước có trình độ dân trí cao nhất thế giới, tỉ lệ người không biết đọc biết viết gần như 0%.

Từ cuối thế kỷ 19, trong chương trình canh tân của Minh Trị Thiên Hoàng (1872-1912), cải cách giáo dục cùng với tăng cường lực lượng quân sự và phát triển kinh tế - kỹ thuật là 3 lĩnh vực được coi là quan trọng nhất. Đặc biệt trong giáo dục, với tư tưởng “Tinh thần Nhật Bản - Công nghệ phương Tây”, nền giáo dục tại Nhật đã biến đổi sâu sắc và đưa nước này trở thành “quốc gia của trí tuệ”.

Bộ Giáo dục Nhật Bản thành lập vào năm 1871 đã sớm ban hành các chính sách phát triển hệ thống giáo dục trong nước. Với chính sách “Không để một trẻ em nào trong gia đình và không để một gia đình nào trong cộng đồng không được giáo dục”, Nhật Bản hướng đến sự bảo đảm phát triển hài hòa của trẻ em về mọi mặt từ trí tuệ, tình cảm, tinh thần, thái độ, hệ thống giá trị, nhân văn và trở thành triết lý giáo dục cơ bản của nước Nhật.

Hệ thống giáo dục của Nhật Bản gồm 7 cấp: Mẫu giáo (3-6 tuổi), tiểu học (6-12 tuổi), trung học (gồm đệ nhất cấp 12-15 tuổi và đệ nhị cấp 15-18 tuổi), sau trung học (trường chuyên môn), đại học, cao học, tiến sỹ.

Ở Nhật, hầu hết các trường tiểu học đều là trường công, chỉ có khoảng 0,7% trường tiểu học là trường tư. Các trường trung học cở sở 97% là trường công và 27% trường trung học phổ thông là trường tư.

Về sách giáo khoa, các công ty xuất bản liên hệ với các giáo sư và giảng viên các trường đại học chuyên về môn học nào đó để chuẩn bị sách giáo khoa và trình lên Bộ Giáo dục thông qua. Tiêu chuẩn thông qua dựa trên các khoá học do Bộ tổ chức. Những cuốn sách nào đáp ứng được tiêu chuẩn mới được đưa vào thử nghiệm sử dụng ở trong nhà trường. Bộ Giáo dục có một bộ phận chuyên trách tuyển chọn sách giáo khoa cho từng cấp học, khá nghiêm túc. Nếu thanh tra giáo dục không thông qua cuốn sách nào đó, thì cuốn sách đó không được phép sử dụng trong nhà trường. Tuy nhiên, những người biên tập sách giáo khoa đã có một quan điểm rõ ràng: Học sinh, sinh viên là những người sử dụng thật sự những cuốn sách giáo khoa đó, còn giáo viên chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học sinh mà thôi.

Giáo dục ở Nhật có tính cạnh tranh rất cao, đặc biệt ở các kỳ thi tuyển sinh đại học, điển hình là các kỳ thi tuyển của hai trường đại học danh tiếng như Tokyo và Kyoto.

Tổ chức Đánh giá giáo dục quốc tế đã tiến hành hai cuộc khảo sát so sánh chất lượng học tập của sinh viên trên toàn thế giới. Kết quả là ở Nhật Bản, sự khác biệt về năng lực và thành tích học tập của sinh viên giữa các trường là tối thiểu, có lẽ là ít nhất trên thế giới. Hầu hết sinh viên, học sinh Nhật Bản đều làm chủ chương trình học. Chương trình đánh giá sinh viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hiện xếp Nhật Bản ở vị trí thứ 6 thế giới về kĩ năng và kiến thức của học sinh 16 tuổi.

Để đáp ứng nhu cầu học ở bậc đại học ngày càng tăng nhanh, kể từ những năm 1950, ở Nhật Bản đã hình thành các trường đại học dân lập. Tuy nhiên từ những năm 1970 trở lại đây, Nhật Bản đã có những chính sách cụ thể để hạn chế sự cạnh tranh hỗn loạn của các loại hình dân lập này, bảo đảm chất lượng của sinh viên đại học khi ra trường.

Hiện nay, Nhật Bản đang thực hiện các chính sách thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập.

Rất nhiều trường dự bị được mở nhằm đáp ứng nhu cầu học tập cho sinh viên nước ngoài. Chính phủ Nhật còn hỗ trợ cho lưu học sinh thông qua các chương trình học bổng như Học bổng toàn phần, miễn học phí, hỗ trợ tiền thuê nhà, ăn ở… Ngoài ra, để hỗ trợ cho các chi phí như học phí, phụ phí và các khoản sinh hoạt phí, sinh viên được phép làm việc bán thời gian và vay từ Tổ chức học bổng của Chính phủ, ngoài ra còn có nhiều tổ chức khác từ chính quyền địa phương, cơ quan phi lợi nhuận cũng góp phần không nhỏ về mặt tài chính hỗ trợ cho sinh viên.

Nhờ chính sách mở rộng cửa cho giáo dục của Nhật Bản, các trường đã có những bước tiếp cận mang tính quốc tế hơn như chào đón sinh viên và giáo viên nước ngoài, thúc đẩy các chương trình nghiên cứu và giảng dạy song ngữ cũng như khuyến khích giới trẻ Nhật Bản du học, tạo điều kiện cho sinh viên tìm việc sau tốt nghiệp. Chính sách này xuất phát từ sự thiếu hụt dân số trẻ tại Nhật Bản, tốc độ già hóa nhanh đã tạo ra những bước cản lớn cho việc đẩy mạnh phục hồi nền kinh tế tại quốc gia đang có khoản nợ công lớn nhất thế giới.

Với chính sách mới này, Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ tạo động lực lớn để thay đổi nền giáo dục theo hướng toàn cầu hóa.

Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đang tiếp tục đầu tư cho giáo dục, đồng thời với việc tiếp tục cải cách giáo dục cho phù hợp với thời đại khoa học và công nghệ mới nhằm đưa Nhật Bản trở thành nước có hệ thống giáo dục phát triển nhất thế giới, tạo ra môi trường học tập lý tưởng nhất cho sinh viên Nhật và sinh viên nước ngoài./.
Theo baochinhphu.vn
 
×
Quay lại
Top