Nhà đầu tư nước ngoài lần đầu vào Việt Nam thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài

number3lucky

Thành viên
Tham gia
12/12/2013
Bài viết
3
Theo báo cáo của Chính Phủ tại kì họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, lạm phát năm 2012 được kiểm soát dưới hai con số, tỷ lệ nhập siêu cũng được kiềm chế dưới 10% kim ngạch xuất khẩu tạo điều kiện để giảm sức ép tỷ giá, cân bằng cung cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối; tỷ giá VND sẽ được điều chỉnh trong khoảng 5-6%. Đây đều là những dấu hiệu đáng mừng, nhà đầu tư hoàn toàn có quyền tin tưởng vào tương lai tươi sáng đối với kinh tế Việt Nam và mạnh dạn đầu tư lĩnh vực mà mình đã lựa chọn.

Nhưng việc tiếp cận hành lang pháp lý của Việt Nam trong các lĩnh vực về đầu tư đã gây không ít khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn nước ngoài.

Nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn nước ngoài, phải đáp ứng các điệu kiện: có dự án đầu tư được cơ quan nhà nước cho phép đầu tư và bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp theo các loại hình doanh nghiệp mà pháp luật Việt Nam đã quy định.

37YXbl4y1Xh4NVFW7izpwt14lqKQdrsa_e5ClYBcS7c=w640-h457-no


Dự án đầu tư

Một số nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam nên chưa nắm hết được các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động đầu tư của mình, dẫn đến việc đã đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, nhân lực… nhưng lại không được cấp giấy phép hoạt động. Vì vậy, nhà đầu tư cần lựa chọn dự án đầu tư phù hợp, có những dự án được nhà nước Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ đầu tư, cũng có những dự án bị cấm hoặc đòi hỏi nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện cụ thể.

Đối với địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện đầu tư tại các điạ bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn sẽ được nhà nước hỗ trợ, ưu đãi tùy theo địa bàn cụ thể; hoặc có thể lựa chọn địa bàn đầu tư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế do đây cũng là các địa bàn đầu tư được nhà nước áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng cần cân nhắc về thời gian thực hiện dự án sao cho thật hợp lý. Luật pháp Việt Nam quy định thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài không quá 50 năm; trong trường hợp cần thiết, thời hạn có thể dài hơn nhưng không quá 70 năm.

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư

Như đã đề cập ở trên, nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn nước ngoài thì bắt buộc phải thành lập các tổ chức kinh tế theo các loại hình doanh nghiệp mà pháp luật Việt Nam đã quy định.

Các nhà đầu tư nước ngoài được phép lựa chọn các loại hình doanh nghiệp như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có nhưng ưu điểm và hạn chế riêng, việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp sẽ gắn liền với quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu tư nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam.

Tùy theo quy mô vốn và lĩnh vực đầu tư mà nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng kí đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư để được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đối với những dự án đầu tư có số vốn dưới 300 tỷ đồng và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì thực hiện thủ tục đăng kí đầu tư. Đối với những dự án đầu tư có điều kiện và những dự án không có điều kiện nhưng quy mô vốn từ 300 tỷ đồng trở lên thì thực hiện thủ tục thẩm tra.

Để thực hiện thủ tục đề nghị Cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau: văn bản đăng kí đầu tư; báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư; giấy đề nghị đăng kí kinh doanh; bản sao các giấy tờ chứng thực cá nhân (chứng minh nhân dân, hộ chiếu…); giấy xác nhận vốn pháp định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp (đối với loại hình kinh doanh yêu cầu có vốn pháp định); bản sao chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân theo Luật định. Thủ tục thẩm tra đầu tư còn đòi hỏi nhà đầu tư phải có văn bản Giải trình kinh tế - kỹ thuật bao gồm các nội dung chủ yếu: mục tiêu, quy mô, địa điểm đầu tư; vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất, giải pháp về công nghệ và giải pháp về môi trường. Ngoài những giấy tờ kể trên, tùy vào loại hình doanh nghiệp, cơ cấu vốn, lĩnh vực đầu tư mà nhà đầu tư cần bổ sung các loại giấy tờ khác.

Để thực hiện việc đăng kí đầu tư có thành lập doanh nghiệp thì yêu cầu nhà đầu tư phải có trụ sở thể hiện trên hồ sơ và tên doanh nghiệp phải hợp lệ.

Về trụ sở: Trụ sở là địa điểm liên lạc, địa điểm giao dịch của doanh nghiệp; phải có địa chỉ xác định gồm số nhà, tên phố (ngõ phố) hoặc tên xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

Đối với tên doanh nghiệp bao gồm loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Ví dụ như công ty trách nhiệm hữu hạn A: loại hình doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn và tên riêng của doanh nghiệp là A. Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, doanh nghiệp tham khảo tên các doanh nghiệp đang hoạt động lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, xem tên doanh nghiệp mà mình dự kiến có bị trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên các doanh nghiệp đã đăng ký hay không. Đồng thời, doanh nghiệp không được sử dụng tên của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang… để đặt tên cho doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó. Ngoài ra, không được sử dụng các từ ngữ, kí hiệu vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức, lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tên doanh nghiệp phải được đặt bằng tiếng Việt, khi dịch ra tiếng nước ngoài thì phải có nghĩa tương ứng, nếu không thì giữ nguyên. Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên bằng tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài.

Cuối cùng, sau khi hoàn tất các giấy tờ cần thiết, nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Sở kế hoạch và đầu tư nơi đặt trụ sở chính. Kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra tính hợp lệ và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư. Đối với thủ tục đăng kí đầu tư, thời hạn cấp giấy chứng nhận đầu tư là 15 ngày làm việc kể từ nhận được hồ sơ hợp lệ. Đối với thủ tục thẩm tra đầu tư, sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 20 ngày làm việc, Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi lập báo cáo thẩm tra, trình Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh quyết định. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Trong một số trường hợp cần thiết, thời hạn thẩm tra đầu tư có thể kéo dài hơn thông thường nhưng tối đa không quá 45 ngày. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh.
Nguồn:
Tư vấn luật,Tư vấn đầu tư, lập dự án đầu tư, Tư vấn thành lập công ty, Tư vấn thành lập doanh nghiệp
 
Quay lại
Top