Nhà đầu cơ bị căm ghét nhất nước Mỹ

kenzizi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
21/4/2010
Bài viết
1.232
Trong thế giới đầu cơ có một người thực sự đi lên từ hai bàn tay trắng, đến với thế giới đầu cơ rất muộn mà vẫn rất thành đạt, được lắm nhưng cũng mất nhiều, càng về già thì đam mê đầu cơ lại càng mạnh mẽ.
Ông gây thù chuốc oán nhiều và hầu như không có bạn, quyết đoán và tự tin đến mức đã từng dự định ra ứng cử Tổng Thống Mỹ. Nhà đầu cơ trứ danh này là T.Boone Pickens.

e31Picken171110.jpg
Điện gió có thể là phi vụ đầu cơ cuối cùng của Thomas Boone Pickens.
Taykhông dựng cơ đồ
Mặc dù có tên đầy đủ là Thomas Boone Pickens, nhưng hầu như không khi nào ông xưng danh như vậy mà chỉ sử dụng mỗi chữ cái T.
Ông là con một, sinh năm 1928 ở Oklahoma. Người cha làm việc trong lĩnh vực dầu khí nhưng chẳng giàu có gì. Thomas Boone Pickens đã kiếm việc làm thêm từ năm 11 tuổi và ước vọng thành đạt bằng môn bóng rổ, nhưng rồi không thành, về sau theo học đại học môn địa chất tại Oklahoma.
Không được thừa kế tài sản gì, không được ai tặng cho nguồn tài chính nào và không có ai đỡ đầu, Pickens làm việc trước tiên cho một nhà máy lọc dầu, rồi làm kỹ sư địa chất cho tập đoàn Phillips Petroleum.
Năm 1954, Pickens rời tập đoàn này và hành nghề tư vấn tự do. Năm 1956, Pickens thành lập công ty riêng với 2.500 USD. Ba mươi năm sau, công ty này của Pickens trở thành tập đoàn dầu lửa lớn nhất nước Mỹ. Năm 2008, tạp chí Forbes xếp Pickens đứng thứ 131 trong danh sách những người Mỹ giàu nhất với 3,1 tỷ USD và luôn đính kèm lời chú giải “từ tay trắng mà thành đạt như vậy”.
“Những gì tôi có được hiện tại đều do chính tôi làm ra”, Pickens gần như không mệt mỏi nhắc đi nhắc lại câu đó để phân biệt mình với những người giàu có và thành đạt khác ở Mỹ và trên thế giới, ngầm ám chỉ là điều đó còn quan trọng hơn, đáng kể và đáng nói hơn là đứng vị trí cao hay thấp trong bảng xếp hạng.
Cũng chính vì thế mà một trong những phương châm sống và kinh doanh, đương nhiên là đặc biệt trong hoạt động đầu cơ của Pickens, là không thể có chuyện không làm được cái này hay cái khác.
Lúc đầu, công ty của Pickens tập trung vào bán thông tin về những mỏ dầu có tiềm năng khai thác và kinh doanh lớn. Năm 1959, Pickens lập công ty chuyên về thăm dò dầu khí ở Canada. Từ năm 1960, Pickens chuyên săn lùng mua lại công ty khai khoáng và dầu khí ở Mỹ.
Cứ như vậy, cuối cùng thì Pickens lập nên tập đoàn Mesa Petroleum và dẫn dắt tập đoàn này trở thành một trong những tập đoàn dầu khí lớn nhất nước Mỹ. Tiền của và kinh nghiệm kinh doanh với tập đoàn này là tiền đề cần thiết để Pickens bước vào thế giới đầu cơ.
Được nhiều mất cũng lắm
Từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, cậu bé đưa báo thuê hàng ngày thuở nào đã trở thành nhà triệu phú ở nước Mỹ, đã trở nên giàu sang và thành danh ở nước Mỹ. Đó cũng chính là thời điểm anh ta nhận ra rằng, không có cách nào kiếm được tiền nhanh hơn và nhiều hơn là đầu cơ và đã quyết định chuyển trọng tâm từ sản xuất và dịch vụ sang đầu cơ.
Thời kỳ đầu sau khi quyết định khám phá và chinh phục thế giới đầu cơ, Pickens chuyên về chuyện mua đi, bán lại công ty. Kiểu đầu cơ như vậy không phải là phát kiến của Pickens, nhưng không phải ai cũng thành công như Pickens. Vấn đề quyết định là phải biết mua lại công ty hay tập đoàn nào ở thời điểm nào, làm gì với chúng sau khi mua, và bán đi vào thời điểm nào.
Các nhà đầu cơ thường giải quyết những vấn đề ấy thành công hơn nhiều so với các nhà quản lý. Do xác định ngay từ đầu là mua lại công ty để rồi sẽ bán nó đi nên Pickens không bao giờ quan tâm đến những tác động hay hệ lụy về phương diện xã hội và con người mà thuần túy chỉ có lợi nhuận.
Muốn mua rẻ và bán đắt thì các nhà đầu cơ thường mua về các công ty gặp khó khăn, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản, nhưng lại phải hoạt động trên những lĩnh vực không bị động chạm bởi các cuộc cải tổ cơ cấu kinh tế vốn diễn ra thường xuyên và liên tục.
Sau đó là chuyện tổ chức lại tập đoàn, chấn chỉnh sản xuất, thay đổi chế độ lương và sa thải nhân công, thậm chí thay đổi cả bộ máy quản lý để tạo hình ảnh về một tập đoàn hoàn toàn mới, mới về tổ chức bộ máy và nhân sự, mới về chiến lược kinh doanh và tiềm lực nhân lực. Có như vậy thì tập đoàn ấy mới được coi là sáng giá trên thị trường, hay nói chính xác hơn, có như vậy mới “lừa” được các nhà đầu tư.
Pickens đầu cơ theo kiểu ấy và kiếm được bạc tỷ đầu tiên cũng nhờ kiểu ấy. Cũng chính vì thế mà Pickens bị coi là “kẻ cướp” ở nước Mỹ và năm 2008, tạp chí Fortune bầu Pickens là “người đàn ông bị căm ghét nhất ở nước Mỹ”.
Mãi đến năm 1997, khi sắp bước vào tuổi 70, Pickens mới sử dụng hình thức quỹ đầu tư để đầu cơ, sử dụng tiền của kẻ khác để đầu cơ và mở rộng phạm vi đầu cơ. Khi đó, Pickens không còn cần đầu cơ để kiếm tiền nữa, nhưng hoặc là đam mê đầu cơ hoặc muốn lưu danh muôn thuở mà quy mô đầu cơ của Pickens càng ngày càng lớn, mức độ đầu cơ càng ngày càng rủi ro hơn và vì thế mà Pickens cũng là một trong những nhà đầu cơ bị thua thiệt nhiều nhất một khi phi vụ đầu cơ không thành. Đó chính là trong dịp cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới rồi.
Đó là thất bại có lẽ cay đắng nhất trong cuộc đời kinh doanh và đầu cơ thành đạt của Pickens. Giá trị tài sản của quỹ đầu tư của Pickens trên lĩnh vực năng lượng giảm chỉ còn 30%, trong lĩnh vực nguyên vật liệu thậm chí chỉ còn hơn 15%.
Phố Wall tính rằng, chỉ riêng trong dịp đó, Pickens đã bị thua thiệt 1 tỷ USD. Nhưng thua keo này, Pickens bày keo khác. Năm 2008, Pickens đã bắt tay vào thực hiện phi vụ đầu cơ được coi là lớn nhất trong cuộc đời và cũng là phi vụ đầu cơ đặc biệt chưa từng thấy trong lịch sử thế giới đầu cơ: đầu cơ vào... gió và nước.
Pickens tính rằng, nước Mỹ sớm hay muộn rồi cũng sẽ phải coi trọng hơn năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng gió và thủy điện, đồng thời nguồn nước ngọt rồi cũng sẽ dần cạn kiệt.
Vì thế, Pickens huy động vốn và bỏ tiền riêng ra được gần 2 tỷ USD để xây dựng khu điện phong lớn nhất thế giới ở Texas và mua hồ dự trữ nước ngọt khổng lồ dưới lòng đất.
Năm nay đã hơn 80 tuổi nhưng Pickens vẫn luôn tin rằng, sẽ có ngày được chứng kiến cảnh các công ty năng lượng ở Mỹ xếp hàng xin được mua điện của mình và nước ngọt mà ông đã dự trữ trở thành hàng xa xỉ, khan hiếm ở nước Mỹ.
Cả trong phi vụ đầu cơ này, điều quan trọng đối với Pickens không phải là lợi nhuận mà là bằng chứng về tầm nhìn của nhà đầu cơ. Cái hay, cái thú vị và hấp dẫn trong cuộc chơi đầu cơ của ông giờ không còn là phần thắng cuối cùng, mà là chơi theo kiểu gì, đầu cơ bằng cách nào.
“Tôi đã kiếm đủ tiền”, Pickens nhiều lần tuyên bố như vậy và thực sự cũng đúng là như vậy. Quyển sách tự sự của ông bán rất chạy mang tiêu đề “Khó nhất là kiếm được tỷ bạc đầu tiên” cũng hàm ý ấy. Xem ra, nhà đầu cơ trứ danh này còn lưu danh hậu thế bằng cả ý đồ bỡn cợt với thế giới đầu cơ.
Theo Bắc Hà
Tạp chí Doanh nhân
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top