Người Việt thích đánh nhau?

huyspc

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
5/5/2013
Bài viết
173
Một lần rong chơi ở Ba Lan, tôi tình cờ quen một bạn người Đức. “Người Việt Nam à? Giỏi cái này lắm phải không?” - Tôi giới thiệu vừa xong thì cậu ta miệng nói, tay lắc lư thủ thế theo điệu bộ của võ sĩ quyền Anh.
Hình ảnh đó khiến tôi vừa buồn cười, vừa thấy buồn thật: Tại sao một đất nước hoà bình đã 40 năm mà vẫn chỉ được nhớ đến bởi chiến tranh và đánh trận?

Có lẽ không liên quan gì, nhưng qua dịp Tết vừa rồi tôi nghĩ người Việt mình cũng giỏi đánh nhau thật. Chỉ trong vòng mấy ngày nghỉ lễ, đã có hơn 6.000 người phải nhập viện vì đánh nhau, trong đó 15 người vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Ngày gia đình, bạn bè đoàn tụ sau bao xa cách lại là lúc khai mào cho những vụ ẩu đả vô nghĩa lý.

Nhiều người đổ lỗi cho bia rượu. Nếu vấn đề là tại bia rượu, thì có lẽ ba quốc gia đứng đầu về tiêu thụ các sản phẩm này, như Đức, Áo, hay Cộng hoà Czech phải là những nơi bạo lực nhất. Nhưng đó lại là những quốc gia yên bình bậc nhất châu Âu.

Giáo sư quá cố người Mỹ Joel Brinkley từng cho rằng người Việt “hung hăng” vì ăn nhiều thịt: từ chó, mèo, cho đến chuột bọ, chim chóc… không tha cho một loài nào. Tất nhiên ý kiến này bị chỉ trích dữ dội và khiến ông phải đứng ra xin lỗi, nhưng có lẽ cũng làm chúng ta phải âm thầm đặt ra câu hỏi, rằng liệu người Việt có “hung hăng” thật không?

Một phần của câu trả lời có lẽ là có. Hiếm ai đi lại nhiều trên đường phố mà chưa chứng kiến các vụ đánh nhau sứt đầu mẻ trán chỉ vì va quệt nhẹ. Ở Việt Nam, có những thanh niên sẵn sàng cầm dao đâm người chỉ bởi một cái nhìn “đểu” vu vơ. Vừa mới chén chú chén anh, họ đã có thể nhảy bổ vào nhau sống mái vì lỡ miệng.

Sigmund Freud, cha đẻ của ngành phân tâm học (phân tích tâm lý), cho rằng thẳm sâu trong mỗi con người luôn là bóng dáng của bạo lực. Những “lực lượng nội tại” (inner forces) này sẽ bùng nổ nếu không có pháp luật, đạo đức, hay các thể chế xã hội khác kiềm toả. Hay nói như người phương Đông, đó là phần “con” trong mỗi “người”. Khi con người mất đi lý trí và sự tỉnh táo, họ không khác gì một con thú đang nổi cơn điên.

Vậy các xã hội yên bình như ở Bắc Âu hay Nhật Bản, về bản chất tự nhiên, có khác gì chúng ta không? Tôi cho rằng không. Ở phương Tây vẫn có những hiện tượng như gây gổ khi đi trên đường (road rage), hay say rượu rồi đánh lộn. Nhưng nó không nhiều và không mang lại nỗi lo thường trực như ở Việt Nam. Và đặc biệt là càng ít hiện tượng như vậy ở những ngày đoàn viên như Giáng sinh hay mừng năm mới.

Điểm khác biệt nhất giữa chúng ta và họ, theo tôi, là thể chế. Nếu mỗi người sống đúng theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”, thì tôi chắc chắn rằng phản ứng đầu tiên sau khi quẹt xe sẽ là cùng xem xét thiệt hại và tìm giải pháp tốt nhất, chứ không phải lao vào nhau ăn thua. Nếu giáo dục về ứng xử, tâm lý, và pháp luật cho trẻ em tốt hơn thì sẽ không còn những vụ án “nhìn đểu”, “chọc quê”. Một nghiên cứu về tội phạm của Mỹ cho thấy tỷ lệ phạm tội nhiều nhất rơi vào nhóm người có độ tuổi 15-24.

Cách đây một vài thế kỷ, người Thuỵ Điển, vốn mang trong mình dòng máu Viking, nổi tiếng hung dữ và chuyên đi chinh phạt các nước khác. Nhưng hiện tại, họ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới.

Vậy nên tôi nghĩ, thay đổi cách sống và suy nghĩ cần một khoảng thời gian dài và gian nan, nhưng không phải là không thể.

vn.EXPRESS
 
Gồm cả phần lớn giới trẻ hiện nay! Thậm chí là cả những bậc anh, chị,... luôn tìm cách để ra "oai". Những đứa nhỏ thì "noi gương" anh chị đi trước. Ai không "oai" thì là hèn :)) Cái xã hội này "nát" lắm rồi :))
 
Ở Việt Nam, mỗi trận đánh nhau, có biết bao người xúm lại xem, dù đang ở ngoài đường hay trong trường. Vậy tự hỏi có bao nhiêu người ra can, bao nhiêu người báo các cấp chính quyền và bao nhiêu người reo hò cổ vũ.
Vậy mà với những người làm việc tốt học tốt, trong trường chẳng hạn, ta được giáo viên tuyên dương thì mấy người vỗ tay tán thưởng hay đa phần là các thầy cô?
 
×
Quay lại
Top